Phụ Lục
“A Tỷ Cổ” hay “Trống chị hai” là tên một ca khúc do Chu Triết Cầm trình bày, kể câu chuyện người em lúc nào cũng mong ngóng chị gái trở về, nhưng nhận lại chỉ là tiếng trống nghe như tiếng lòng của chị. Khuất sau ca từ da diết ấy, là một truyền thống cổ xưa của người Tây Tạng. Cô chị trong ca khúc “A Tỷ Cổ” sau khi qua đời đã được các Đạt Ma siêu độ, linh hồn đi đến cõi luân hồi, còn cơ thể trở thành một cái trống, vang lên những âm thanh da diết, quay về bên cạnh em mình.
Người Tây Tạng tin rằng, con người không bị giới hạn bởi thân xác phàm tục. Bởi vậy khi một người qua đời, người nhà thường sẽ dùng những cách như thủy táng, điểu táng, hoặc, biến họ thành nhạc cụ, giữ lại bên cạnh mình. Một số dân tộc sinh sống ở khu vực miền núi của Trung Quốc còn có tục thờ Cổ Tiên - Trống thần. Họ tin rằng những cái trống làm từ da của thiếu nữ còn xuân có khả năng kết nối với thần linh, mang đến phước lành cho người dân trong thôn.
Bạch Tuyết là một cô gái trẻ xinh đẹp, đáng yêu, vừa bước chân vào ngưỡng cửa đại học không lâu. Khác với ngoại hình của một cô gái thành thị, Bạch Tuyết xuất thân từ một thôn nhỏ nằm sâu trên núi. Cha mẹ bỏ đi khi cô còn rất nhỏ, một mình chị gái Bạch Tình nuôi cô khôn lớn, vất vả làm việc để cô có điều kiện ăn học đến ngày nay. Nhưng còn chưa kịp đền đáp công ơn nuôi dưỡng của chị, Bạch Tuyết đã nhận được bức “di thư” do chính tay Bạch Tình gửi đến.
Nơi Bạch Tuyết từng sống tên là thôn An Lạc. Truyền thuyết kể rằng, người dân ở đây tin vào sự tồn tại của một vị thần trống, gọi là Cổ Tiên. Cứ vài năm một lần, người trong thôn sẽ chọn ra một cô gái làm Cổ Nữ, dâng lên cho trống thần để cầu xin sự che chở, hy vọng mùa màng bội thu.
Đến thời của Bạch Tuyết, truyền thống này đã gần như mai mọt, nên cô cứ ngỡ nó không có thật. Nhưng năm nay, thôn An Lạc gặp hạn hán nghiêm trọng, mùa màng thất bát, người dân quyết định chọn chị gái Bạch Tuyết là Bạch Tình làm Cổ Nữ để hiến tế cho trống thần, cầu mong hạn hán sớm qua đi. Chính vì lẽ đó mà Bạch Tình đã viết di thư gửi cho Bạch Tuyết, dặn dò em gái phải sống thật tốt khi không có mình, đồng thời nhấn mạnh cô không được quay về thôn An Lạc vì bất kỳ lí do gì.
Nhưng Bạch Tuyết sao có thể chấp nhận điều đó? Sau khi nhận được bức thư, cô vội vàng thu xếp việc học trong trường, khăn gói về quê để ngăn cản nghi lễ vô lý ấy.
Vừa nhìn thấy Bạch Tuyết, Đại Tế Ti trong thôn lập tức bước ra chào hỏi, nói rằng cô về vừa kịp lúc. Người dân đang chuẩn bị cho lễ tế Cổ Tiên, mời cô tham dự cùng. Nhưng Bạch Tuyết lập tức gạt đi, yêu cầu người trong thôn giao chị gái ra, nếu không cô sẽ báo cảnh sát. Hành động này của Bạch Tuyết đã chọc giận đám người mê tín trong thôn, Đại Tế Ti lập tức sai người bắt cô lại, nhốt vào phòng chứa đồ để tránh cô làm xáo trộn buổi lễ.
Nhưng, sau một lúc loay hoay với đống dụng cụ tự chế, Bạch Tuyết vẫn thành công trốn khỏi phòng chứa. Nhận ra nơi mình đang đứng là nhà của Đại Tế Ti, chị gái bị giam trên lầu hai, bên ngoài có hai tên ngu canh gác, Bạch Tuyết vội chạy lên tìm chị.
Nhưng dù đã tìm kiếm khắp nơi, cô vẫn không thể tìm thấy chị mình. Bù lại, trong lúc tìm kiếm, Bạch Tuyết biết được những thông tin khác về lễ tế trống thần. Theo truyền thuyết, Cổ Tiên là tiên nữ hạ phàm để cứu độ chúng sanh, cứ 5 năm một lần, người dân trong thôn phải chọn ra một cô gái làm Cổ Nữ, dâng lên cho trống thần để được Cổ Tiên che chở. Nhưng, thôn An Lạc đã 10 năm rồi không thực hiện lễ tế, giờ lại bị hạn hán, nên dân làng ai cũng nghĩ đấy là Cổ Tiên đang trừng phạt họ. Bởi thế mới gấp rút bắt Bạch Tình đi làm Cổ Nữ, hy vọng có thể xoa dịu trống thần.
Lại nói về Bạch Tuyết, sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng cô đã tìm thấy chị gái đang bất tỉnh trong tư thế ngồi quỳ trên đất. Sau lưng Bạch Tình là một con rối gỗ được treo bằng những sợi dây lụa đỏ, dường như nó đang thao túng cơ thể của cô ấy. Bạch Tuyết thấy vậy vội dùng một cây kim chọc vào khớp tay của con rối, thành công cứu được chị gái. Nhưng Bạch Tình vẫn mãi chưa chịu tỉnh. Không còn cách nào khác, Bạch Tuyết chỉ đành cõng cô ấy chạy xuống dưới nhà.
Đúng lúc này, một cô gái áo trắng tên Tang Nhiên, người quen của chị em Bạch Tuyết, bỗng xuất hiện. Chị ấy nói đã đánh ngất hai tên canh cửa, rồi ra hiệu cô mau cõng Bạch Tình đi theo mình. Ban đầu, Bạch Tuyết định làm theo, nhưng sau đó khựng lại, vì mười mấy năm trước, Tang Nhiên đã bị chọn làm Cổ Nữ, từ đó không còn quay về nữa, sao bây giờ lại xuất hiện ở đây?
Tang Nhiên nghe vậy thì nhíu mày, nói cứ đưa Bạch Tình đi trước đã, có thời gian sẽ giải thích sau. Bạch Tuyết suy nghĩ một lúc, cảm thấy không còn lựa chọn nào khác nên quyết định nghe theo. Cả ba đi đến tiệm thuốc cũ của mẹ Tang Nhiên, lúc này, chị ta mới bắt đầu thuật lại mọi chuyện.
Hóa ra mười mấy năm trước, Tang Nhiên đã được một người lạ cứu và cho uống thuốc phép nên mới không “biến mất” như các Cổ Nữ khác. Bạch Tuyết nghe vậy thì hỏi Tang Nhiên người lạ đó là ai, toa thuốc đó là gì? Nhưng Tang Nhiên bảo, người lạ đó đi đâu không rõ, bù lại, toa thuốc hiện đang được cất giữ ở miếu thờ Cổ Tiên trong thôn.
Nhưng, phải có thẻ hoa sen mới được vào trong miếu, mà thẻ hoa sen lại bị chôn trong mộ của ông Bạch Tuyết. Vậy nên, Bạch Tuyết đành để Bạch Tình lại tiệm thuốc của Tang Nhiên, rồi cả hai vội vàng đến nghĩa trang nằm ngoài thôn An Lạc.
Trên đường đến mộ ông Bạch để tìm thẻ hoa sen vào miếu Cổ Tiên, Bạch Tuyết cố gắng hỏi dò Tang Nhiên về những gì chị ấy đã trải qua khi làm Cổ Nữ, nhưng nhận lại chỉ là những phản ứng thờ ơ đến khó hiểu. Điều này làm cô càng nghi ngờ về thân phận thật sự của Tang Nhiên, vì trong kí ức của Bạch Tuyết, người chị hàng xóm này cực kỳ ghét trở thành Cổ Nữ, thậm chí còn từng chống đối khi bị đưa đi.
Nhưng không có nhiều thời gian để quan tâm chuyện đó, nên Bạch Tuyết chỉ đành gác lại việc điều tra, tiếp tục công việc tìm kiếm thẻ hoa sen. Trong quá trình này, cả hai sẽ tìm thấy một cỗ quan tài được cho là con trai của Cổ Tiên nằm trên đỉnh núi. Theo truyền thuyết, trong miệng con trai thần trống ngậm một viên ngọc hình ve sầu, có khả năng giữ cho thân xác trăm năm không bị thối rữa.
Bạch Tuyết khi này mới sực nhớ, muốn mở quan tài của ông mình cũng cần một viên ngọc hình ve sầu làm chìa khóa. Vậy nên, cô đã một mình leo lên đỉnh núi, tự cậy quan tài con trai Cổ Tiên để lấy được viên ngọc quý. Nhưng khi nắp quan tài bật mở, Bạch Tuyết lại ngạc nhiên vì bên trong không phải một đứa trẻ mà là một người giấy hình con nít.
Dù cảm thấy khó hiểu, Bạch Tuyết vẫn lấy viên ngọc đi. Sau khi leo xuống núi, Tang Nhiên vội hỏi cô về viên ngọc lẫn đứa trẻ được gọi là con của Cổ Tiên. Nhưng vì vẫn còn nghi ngờ chị hàng xóm, Bạch Tuyết đã giấu nhẹm chuyện người giấy, chỉ đáp qua loa rồi kéo chị ta đi lấy thẻ hoa sen.
May thay, mọi chuyện tiếp theo diễn ra khá suôn sẻ, giờ chỉ còn cầm tấm thẻ đến miếu Cổ Tiên lấy phương thuốc nữa là xong. Nhưng ngay lúc này, người dân trong thôn đã hoàn thành nghi lễ và chuẩn bị quay về, đồng nghĩa với việc, họ sẽ nhanh chóng tản ra đi tìm Bạch Tình đang bị mất tích, buộc nhóm của Bạch Tuyết phải đẩy nhanh tiến độ..
Miếu Cổ Tiên tuy gọi là miếu, nhưng thật ra là một ngôi chùa, do người dân thôn An Lạc dựng nên cho các vị cao tăng từ phương xa đến vào mấy trăm năm trước. Vì để đền ơn người dân, các vị sư đã tặng cho những người xây chùa một tấm thẻ hoa sen, để họ có thể tự do ra vào miếu Cổ Tiên.
Sau khi, Bạch Tuyết và Tang Nhiên vào được bên trong miếu thì lập tức chia ra tìm kiếm phương thuốc bí ẩn. Tại đây, họ nhìn thấy rất nhiều bài vị của các cô gái được chọn làm Cổ Nữ. Bạch Tuyết nhân cơ hội đó nói ra nghi ngờ của mình, rằng có lẽ, chính những nhà sư ở trong miếu Cổ Tiên đã dựng nên truyền thuyết trống thần, sau đó chọn ra các Cổ Nữ để hiến tế vì một lí do gì đó.
Đồng thời, cô cũng lén dò hỏi Tang Nhiên về người bí ẩn đã cứu chị ta. Nhưng Tang Nhiên chỉ nói người cứu mình là một người đàn ông đeo mặt nạ nên không thể thấy rõ khuôn mặt, còn nếu Bạch Tuyết không tin chị ta, chị ta sẵn sàng rời đi ngay.
Hiển nhiên, lời này đã làm cô em nhà họ Bạch phát hoảng, cô vội vàng lên tiếng thanh minh với Tang Nhiên rồi tiếp tục việc tìm kiếm. Sau một hồi vất vả, Bạch Tuyết gặp được một cao tăng sinh sống trong miếu thờ, nhưng Tang Nhiên lại đột nhiên biến mất. Nghĩ rằng chị ta đã đi đâu đó, nên Bạch Tuyết lập tức hỏi vị cao tăng về phương thuốc lẫn chuyện hiến tế. Cao tăng nghe xong thì ngạc nhiên, vì dù cùng thờ Cổ Tiên, nhưng các cao tăng trong miếu không hề bày người dân hiến tế Cổ Nữ như lời Bạch Tuyết nói.
Theo lời cao tăng thì khoảng mười năm trước, cũng có người đưa một cô gái bị hôn mê đến miếu cầu cứu, nhưng tiếc thay, các cao tăng không có cách nào giúp cô gái. Thấy thế, người đàn ông đưa cô đến đã xin vào miếu sắc thuốc cho cô ấy uống, nhưng cũng không có phản ứng. Cuối cùng, người đó đã ôm cô gái đi mất. Chuyện sau đấy thế nào thì ông không rõ, nhưng nếu Bạch Tuyết muốn tìm phương thuốc thì nên thử đến hậu viện kiểm tra.
Ở hậu viện, cô may mắn tìm được phương thuốc trong lời Tang Nhiên. Cả hai vội vàng sắc thuốc, sau đó mang về đút cho Bạch Tình. Nhưng đúng lúc này, một ông lão tóc trắng không biết từ đầu bỗng nhiên xuất hiện, lớn tiếng hét không được uống làm Bạch Tuyết giật mình, nhưng chén thuốc đã vơi đi một ít.
Ông lão tóc trắng ấy vốn là trưởng thôn thôn An Lạc, có quen biết với chị em nhà họ Bạch. Chưa để Bạch Tuyết kịp phản ứng, ông ta đã lập tức đi đến, xé tay áo của Tang Nhiên, để lộ cơ thể bên trong được làm từ gỗ. Chứng tỏ người đã đi cùng Bạch Tuyết từ nãy đến giờ chỉ là một con rối được làm y như thật. Theo lời trưởng thôn thì trong làng có một người đàn ông có tài chế tạo rối gỗ, thậm chí có thể điều khiển nó từ khoảng cách rất xa. Khả năng cao tên đó đã lợi dụng Bạch Tuyết để vào miếu Cổ Tiên, lừa lấy đơn thuốc của cô.
Vì vừa nãy Bạch Tuyết đã lỡ cho chị mình uống mất một ít nên vội hỏi trưởng thôn liệu thuốc đó có sao không và tại sao người đàn ông đó lại làm vậy? Nhưng trưởng thôn lắc đầu không biết. Đổi lại, ông ta đã dẫn Bạch Tuyết đến một tượng phật lớn nằm trong rừng, nơi sẽ cho cô đáp án về những câu hỏi chưa có lời giải.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn