Top 10 game kinh dị RPG Maker bạn nên thử

Thứ năm - 04/04/2024 00:04
RPG Maker vốn là một trong những công cụ tạo game được rất nhiều nhà phát triển sử dụng hiện nay. Hôm nay hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu top 10 game kinh dị xuất sắc được thực hiện bởi công cụ này nhé.
Mục lục

Phụ Lục

  • Angels of Death
  • The Witch’s House
  • Corpse Party
  • Ao Oni
  • Misao
  • Mad Father
  • Yume Nikki
  • Pocket Mirror
  • Ib
  • OMORI

Angels of Death

Thiên thần vốn là biểu trưng cho sự sống, nhưng sẽ thế nào nếu một người mang danh thiên thần lại là hiện thân của cái chết? Rachel “Ray” Gardner, một cô bé bị mất trí nhớ sau khi chứng kiến vụ giết người man rợ đã được đưa đến bệnh viện để điều trị tâm lý. Nhưng chính tại nơi này, Ray lại bị kéo vào hàng loạt những trò chơi chết chóc của một show truyền hình bí ẩn lấy bối cảnh ở bệnh viện.

Thiết kế chưa có tên (48).jpg

Chính tại đó, Ray đã bị gã bác sĩ điều trị Daniel “Danny” Dickens bắt giữ với mục đích muốn chiếm đoạt đôi mắt xanh của cô bé. Vượt qua tình huống nguy hiểm ấy, cô sẽ lấy lại được kí ức về đêm xảy ra án mạng, đồng thời trở thành một con người lạnh lùng, thông minh và thờ ơ với cái chết. Theo suy nghĩ của Ray, chết là sự giải thoát, nhưng cô lại không thể tự mình tìm đến cái chết, nên đã hợp tác với tên sát nhân hàng loạt đang bị mắc kẹt trong tòa nhà - Isaac “Zack” Foster.

Theo thỏa thuận, Ray sẽ dùng trí thông minh của mình để giúp Zack thoát khỏi đây, đổi lại, anh sẽ giúp cô đến với sự cứu rỗi cái cách anh thường làm với các nạn nhân của mình. Cá nhân tôi cảm thấy, Angels of Death là một tựa game tăm tối và vặn vẹo, đến cả nhân vật chính của trò chơi là Ray cũng không hề thuần khiết như vẻ ngoài, cô bé có sở thích khâu những con vật lại với nhau và sở hữu một niềm tin mù quáng với Chúa. Nên, nếu đang tìm kiếm một tựa game sở hữu cốt truyện tối tăm, méo mó thì bạn nên dành thời gian để thử Angels of Death, hoặc xem lại video cũ của Mọt nhé~

The Witch’s House

Nếu có một ví dụ minh họa cho câu “Người tốt chưa chắc đã được báo đáp” thì đó chắc chắn là The Witch’s House. Tựa game xoay quanh cô gái trẻ Viola, thức dậy giữa một khu rừng hoang vu vắng vẻ, và nhận ra lối thoát duy nhất đã bị những bụi hồng gai chặn lại. Không còn cách nào khác, Viola chỉ đành men theo con đường mòn dẫn đến một căn nhà bí ẩn gần đấy.

Tại đó, cô gặp được một chú mèo đen và tìm thấy những dòng nhật ký do chủ nhân căn nhà - cô phù thủy Ellen để lại. Thông qua những dòng chữ trong quyển vở, cô biết được quá khứ đau thương của Ellen và bắt đầu nảy sinh sự đồng cảm với cô phù thủy tội nghiệp. Nhưng càng tìm hiểu sâu về Ellen và căn nhà bí ẩn, Viola sẽ càng cảm thấy bất an và nhận ra mọi việc không hề giống những gì mà cô đã biết.

Thiết kế chưa có tên (49).jpg

Có thể nói, The Witch’s House là tựa game chứa plot twist đáng sợ và trần trụi nhất trong danh sách ngày hôm nay, khi người bị hại và kẻ gây ra tội lỗi hoán đổi vai trò cho nhau, khi sự lương thiện phải trả giá bằng cả mạng sống. Nếu là một người lần đầu chơi tựa game này, bạn chắc chắn sẽ không bao giờ đoán được kết thúc đau lòng ẩn sau tựa game này.

Corpse Party

Ở vị trí thứ 8 là Corpse Party, một trong những cái tên tiêu biểu của dòng game kinh dị RPG Maker. Câu chuyện trong trò chơi xoay quanh một nhóm bạn thân sắp phải chia xa, để gắn kết tình bạn, một người trong số đó đã đề nghị cả nhóm thực hiện nghi lễ tình bạn, rồi cả nhóm bị đưa đến một ngôi trường bị ma ám ở chiều không gian khác.

Người chơi sẽ lần lượt nhập vai vào từng người trong nhóm bạn, bước lên hành trình tìm lại những người bạn đang thất lạc. Nhưng hiện diện bên trong ngôi trường không chỉ có nhóm bạn của chúng ta, mà còn có sự góp mặt của những linh hồn tà ác khác.

Trong phần game gốc, ta sẽ phải đối mặt với linh hồn của ba đứa trẻ bị mất những bộ phận cơ thể như não, mắt và miệng. Dù trông có vẻ vô hại, nhưng chúng là hung thủ sẽ gây ra những cái chết thảm thương cho nhóm bạn. Tuy nhiên, mối nguy lớn nhất mà Satoshi phải đối mặt lại là linh hồn bé gái áo đỏ trông có vẻ vô hại tên Sachiko, trung tâm của lời nguyền đang bao trùm ngôi trường.

Thiết kế chưa có tên (50).jpg

Mọt tôi từng làm hẳn một series về tựa game này. Và nếu đã từng xem hoặc chơi qua con game này thì các bạn có thể thấy, yếu tố kinh dị trong Corpse Party không chỉ đơn thuần là các hồn ma, mà còn là một bữa tiệc mãn nhãn cho các tín đồ của thể loại guro, với những phân cảnh hành xác đầy chết chóc và man rợ. Khái niệm hào quang nhân vật chính lẫn happy ending gần như không tồn tại trong tựa game, nên nếu thử trải nghiệm nó, bạn chắc chắn sẽ được chìm đắm trong sợ hãi lẫn khoái cảm tội lỗi khi thấy các nhân vật bị xé xác không thương tiếc.

Ao Oni

Dù không sở hữu một cốt truyện chi tiết hay quá rùng rợn như những tựa game khác cùng thể loại, Ao Oni vẫn gây ấn tượng mạnh với game thủ bằng hình ảnh con quỷ xanh đầu to đầy tính thương hiệu. Câu chuyện về một nhóm bạn rủ nhau vào nhà ma để thi gan quen thuộc đã được Ao Oni tận dụng triệt để nhằm đẩy nỗi sợ của người chơi đến đỉnh điểm.

Trong vai một cậu trai tên Hiroshi, ta sẽ phải tìm kiếm tung tích những người bạn của mình, đồng thời phải chạy trốn khỏi sự truy bắt của một con quái vật không rõ nguồn gốc tên Ao Oni. Không ai biết Oni có từ đâu hay mục đích tồn tại của nó là gì. Thậm chí đến khi tựa game kết thúc, những câu hỏi về con quái vật này vẫn bị bỏ ngỏ, chưa có lời giải.

Thiết kế chưa có tên (51).jpg

Chính điều đó đã làm nên sự thú vị của Ao Oni, và tạo hình đơn giản nhưng ám ảnh của con quỷ cũng là một điểm cộng khó bỏ lỡ của tựa game này. Ngoài ra, thì thời lượng chơi của Ao Oni cũng khá ngắn, nên bạn không phải mất quá nhiều thời gian để phá đảo. Còn nếu sợ ma mà vẫn muốn nghe cốt truyện, thì Mọt tôi từng làm một video về con quái vật đầu bong bóng này rồi, nhớ xem nhé.

Misao

Cái tên tiếp theo là Misao, một trong những tựa game lấy đề tài tranh cãi muôn thuở, vấn nạn bạo lực học đường. Misao, một cô bé xinh đẹp, đáng yêu nhưng nhút nhát. Chính vẻ ngoài và tính cách trông có vẻ yếu đuối đã biến cô bé thành mục tiêu bắt nạt của bạn bè cùng lớp, thậm chí là đối tượng quấy rối của giáo viên trong trường.

Một ngày nọ, Misao đột nhiên biến mất không một dấu vết, nhưng không có bất kì ai để ý đến điều đó, ngoại trừ một người bạn cùng lớp tên Aki, người luôn chú ý đến Misao. Vào khoảnh khắc Aki còn đang tự hỏi cô bạn nhút nhát đã đi đâu thì ngôi trường bắt đầu rung chuyển, kéo cậu và những người có dính dáng đến Misao sang một chiều không gian khác. Chính tại nơi này, Aki sẽ được biết về những gì mà cô bạn tội nghiệp phải gánh chịu suốt thời gian qua, đồng thời vén lên bức màn bí mật đầy căm phẫn về cái chết của Misao.

Thiết kế chưa có tên (52).jpg

Và nếu từng xem video cốt truyện của Mọt tôi thì ta sẽ thấy, không chỉ xoay quanh vấn nạn bắt nạt, Misao còn kể lại câu chuyện của một nạn nhân bị quấy rối tình dục bởi chính những con sói đội lốt giáo viên. Hơn cả một game kinh dị đơn thuần, tựa game là một bản nhạc buồn và ray rứt, bao trùm tâm trí người chơi đến cả khi tựa game kết thúc.

Mad Father

Vị trí thứ năm là Mad Father - một cái tên không thể quen thuộc hơn với những game thủ yêu thích game RPG Maker. Nhân vật chính Aya Drevis đáng yêu sống cùng cha mình là tiến sĩ Alfred, và cô hầu gái Maria trong một căn biệt thự rộng lớn ở miền bắc nước Đức.

Mẹ của cô đã qua đời từ lâu, và cô bé chưa bao giờ được bước chân ra khỏi nhà kể từ đấy. Thế rồi khi Aya tròn 11 tuổi, cô bé đã phát hiện một bí mật động trời vào ngày giỗ của mẹ mình. Người cha Alfred đáng kính của cô hóa ra là một nhà khoa học điên rồ, có sở thích biến người ta thành búp bê và đặt rất nhiều mẫu vật dưới tầng hầm của căn biệt thự.

Thiết kế chưa có tên (53).jpg

Dưới sự giúp đỡ của cô hầu Maria, người đang có mối quan hệ dang díu với cha mình, Aya sẽ từng bước tiếp cận sự thật về cái chết của mẹ, cũng như những thí nghiệm điên rồ của ông Alfred. Và khi mọi thứ được vén màn, cô bé sẽ phải bỏ chạy khỏi lưỡi cưa sắc lạnh của cha mình. nếu không muốn trở thành một phần trong bộ sưu tập búp bê của ông ta.

Dù đã làm video về tựa game này được một thời gian, nhưng tôi vẫn nhớ như in những tình tiết trong trò chơi, lẫn tiếng cười bệnh hoạn của Alfred khi cầm cưa đuổi theo cô bé Aya. Tuy không sở hữu nhiều phân cảnh rùng rợn trần trụi như Corpse Party, nhưng Mad Father vẫn đủ sức làm người ta run sợ bởi tình tiết dồn dập, những phân cảnh rượt đuổi thót tim, và cả sự vặn vẹo, đen tối mà nó mang lại.

Yume Nikki

Cuộc sống hằng ngày vốn đã đủ vất vả, nhưng sẽ thế nào nếu cả trong mơ ta cũng không tìm được bến đỗ yên bình? Madotsuki là một cô gái cô đơn, sống một mình trong căn hộ và thường quanh quẩn trong những giấc mơ. Nhưng giấc mơ không phải lúc nào cũng có kẹo và hoa, thế giới mà Madotsuki phải đối diện khi ngủ lại là một nơi khó hiểu và tràn ngập những sinh vật kì lạ.

Xuyên suốt trò chơi, không có bất kỳ câu thoại nào được thốt ra. Thay vào đó là những hình ảnh siêu thực và lối chơi phi tuyến tính. Khiến chính chúng ta cũng phải hoài nghi về những gì đang thật sự hiện hữu bên trong tâm trí của Madotsuki.

Thiết kế chưa có tên (54).jpg

Để hiểu ý nghĩa thật sự ẩn sau Yume Nikki, người chơi phải xâu chuỗi tất cả những manh mối cực nhỏ, nằm rải rác bên trong trò chơi. Và khi giải mã được hết thảy những điều đó, ta sẽ rùng mình bởi sự thật tăm tối, thậm chí là tiêu cực ẩn sau một sắc đáng yêu của tựa game.

Pocket Mirror

Pocket Mirror là câu chuyện xoay quanh cô bé đáng yêu Goldia, vô tình bị kẹt trong một chiều không gian kì lạ cùng với một chiếc gương cầm tay. Du hành trong thế giới đầy hoa và màu hồng, cô bé sẽ gặp một người bạn mới là Fleta rồi kết thân với cô. Nhưng dần dần, chính Goldia cũng phát hiện có chuyện gì đó không ổn với nơi này.

Cô thật sự là ai? Những người bạn của cô có thật sự tồn tại? Các câu hỏi dần chiếm lấy tâm trí cô bé, và rồi ta sẽ tìm thấy những sự thật kinh hoàng được ẩn giấu bên trong. Nếu để hình dung thì Pocket Mirror giống như một Wonderland phiên bản RPG Maker, nơi nhân vật chính Goldia là nàng Alice, chu du vào xứ sở diệu kỳ.

Thiết kế chưa có tên (55).jpg

Nhưng, ẩn sau lớp vỏ đáng yêu đầy màu sắc tươi sáng, là những hình ảnh đẫm máu và những tình tiết rùng rợn. Sự tương phản rõ rệt này là một trong những điểm cộng của Pocket Mirror, đồng thời cũng là lý do tựa game gài được rất nhiều người sợ game kinh dị mắc bẫy. Nếu muốn tìm một tựa game đồ họa tươi sáng nhưng cốt truyện tối tăm thì Pocket Mirror chắc chắn là lựa chọn hàng đầu mà bạn không thể bỏ qua.

Ib

Không rùng rợn như Corpse Party, cũng chẳng sở hữu đồ họa nịnh mặt như Pocket Mirror, Ib leo lên vị trí thứ hai dựa bằng cốt truyện đầy ám ảnh. Lấy bối cảnh sau năm 6235, một bé gái tên Ib được cha mẹ đưa đến bảo tàng nghệ thuật của nghệ sĩ Guertena Weiss để chiêm ngưỡng những tác phẩm để đời của ông.

Mọi chuyện cứ ngỡ bình thường cho đến khi cô bé nhận ra, chỉ còn một mình mình trong bảo tàng. Không thể gọi cha mẹ, cũng chẳng thể ra ngoài, Ib chính thức bị kẹt trong viện bảo tàng ma ám rồi bị cuốn vào những tác phẩm nghệ thuật được treo trên tường.

Thiết kế chưa có tên (56).jpg

Cô bé sau đó sẽ tìm được những người bạn đồng hành là chàng trai Garry tóc tím, ăn nói nhỏ nhẹ với vẻ ngoài rách rưới, và cô bé Mary xinh đẹp. Nhưng mọi chuyện sớm thay đổi khi cả ba bị cuốn vào một trò chơi kì lạ và Garry phát hiện Mary thật ra là một tác phẩm nghệ thuật đang cố sát hại anh và Ib. Trò chơi mèo vờn chuột chính thức diễn ra, ai là người xấu, ai là kẻ nói dối? Liệu Ib có thể thoát khỏi không gian nghệ thuật tăm tối để đoàn tụ với cha mẹ mình? Tất cả chỉ được trả lời khi bạn đã hoàn thành toàn bộ Ib.

Cá nhân Mọt tôi cảm thấy, Ib là một tựa game thú vị với những gam màu tối và các tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ, lôi cuốn một cách kỳ lạ. Đặc biệt, cách dẫn dắt câu chuyện của trò chơi làm chúng ta không thể dứt ra được, ta sẽ tự hỏi mọi chuyện sẽ đi về đâu, và cứ thế chơi mãi đến khi dòng chữ ending thông báo tựa game kết thúc xuất hiện trên màn hình.

OMORI

Cuối cùng trong danh sách ngày hôm nay là OMORI, cũng là tựa game chứa đựng nhiều cảm xúc nhất. Tỉnh dậy trong một không gian màu trắng gọi là White Space, thứ duy nhất ta thấy chỉ có bóng đèn đen, một chú mèo, laptop, quyển sổ vẻ và khăn giấy. Đó cũng là lúc ta gặp được nhân vật đầu tiên, cũng là tên của trò chơi, cậu bé Omori.

Thông qua việc điều khiển Omori, ta sẽ đến được vùng đất Head Space, nơi câu chuyện của Omori và nhóm bạn Kel, Aubrey, Hero bắt đầu. Cả bốn sẽ cùng nhau bước vào một cuộc phiêu lưu nhằm tìm kiếm người bạn tên Basil bị mất tích, vén lên những bức màn tội lỗi và bí ẩn được che dấu trong trò chơi.

Thiết kế chưa có tên (57).jpg

Hiển nhiên, cuộc phiêu lưu của Omori không phải là một hành trình bình thường, mà nó là chuyến thám hiểm tâm trí của một con người, một đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc, khắc họa rõ nét các khái niệm tiêu cực như lo lắng, trầm cảm, chấn thương tâm lý, thậm chí là tự tìm đến cái chết.

Nhưng đồng thời, Omori với tôi cũng là một hành trình chữa lành, nơi ta nhìn nhận, thấu hiểu và đối diện với chính những tội lỗi cũng như sự trầm cảm của chính bản thân. Câu chuyện sâu sắc cũng như thế giới với các gam màu nhợt nhạt của Omori, chính là lý do tựa game này đứng đầu trong danh sách ngày hôm nay.

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn