Phụ Lục
Nếu yêu thích những tựa game 2D mang màu sắc tăm tối như Creepy Tale hay Fran Bow thì bạn không nên bỏ qua Creaks, một tựa game giải đố được phát triển bởi Amanita Design mang gam màu u ám, với câu chuyện xoay quanh một thế giới quái vật tồn tại trong chính căn nhà của bạn. Và nếu tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong Creaks thì hãy theo dõi thật kĩ video ngày hôm nay nhé.
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính, tạm gọi là Tony, đang đọc sách trong phòng với chiếc đèn trần chập chờn. Khó chịu với ánh sáng chớp tắt liên tục, Tony cố sửa chiếc đèn nhưng lại vô tình làm nó bị vỡ. Một cơn địa chấn nhỏ bỗng xuất hiện làm miếng dán tường rớt xuống, lộ ra một lối đi bí ẩn.
Vì tò mò, Tony đã chộp lấy chiếc đèn pin, và bắt đầu hành trình khám phá căn phòng bí ẩn. Nhưng cơn địa chấn bất ngờ đã làm Tony đánh rơi chiếc đèn pin trên đường đi và bị mắc kẹt trên chiếc thang. Không thể quay về lối cũ, Tony chỉ đành đi sâu xuống dưới với hy vọng tìm thấy một lối ra khác, mà không biết rằng mình đã vô tình đặt chân xuống một tòa lâu đài bí ẩn.
Bên trong lâu đài, Tony lần đầu chạm mặt những con quái vật kỳ lạ có hình dáng giống những vật dụng trong nhà, nhưng sợ ánh sáng. Đồng thời phát hiện một con quái vật khổng lồ với móng vuốt sắc nhọn chính là nguyên nhân cho những cơn địa chấn xảy ra gần đây.
Tránh mặt con quái vật và trèo sâu xuống bên trong lâu đài, Tony nhìn thấy một người chim đang sinh sống ở nơi này. Vì tò mò nên anh quyết định bám theo sinh vật bí ẩn kia và nhìn thấy một sinh vật khác có hình dáng tương tự. Hai người chim, một già một trẻ thảo luận với nhau điều gì đó, dường như họ đang muốn tìm một quyển sách để ngăn chặn con quái vật khổng lồ phá hủy tòa lâu đài.
Tony tiếp tục bám theo nhưng lại bị người chim trông có vẻ già nhất phát hiện, và bị bắt phải lấy một quyển sách cho ông ta. Tuy nhiên, khi người chim già nhận ra quyển sách ấy không phải thứ mình cần, ông ta đã bỏ đi cùng với người chim trông có vẻ trẻ hơn mà không thèm tấn công Tony.
Cảm thấy vô cùng khó hiểu, Tony tiếp tục bám theo và nhìn thấy cảnh người chim trẻ tuổi phải chiến đấu với con quái vật khổng lồ bằng một chiếc nỏ nhỏ. Hiển nhiên là cậu người chim thất bại trong việc đẩy lùi con quái vật, nhưng sau khi thoát thân, cậu ta lại kêu gọi thêm 2 người chim trông giống kỹ sư đến giúp mình, tuy nhiên kế hoạch vẫn thất bại như cũ.
Cả ba tiếp tục thử những cạm bẫy khác để bẫy con quái vật dù liên tục nhận trái đắng, cuối cùng, người chim trẻ tuổi quyết định sẽ dùng một chiếc nỏ lớn hơn để kết liễu con quái vật, nhưng lại bị người chim kỹ sư cản lại. Hai người chim bắt đầu xảy ra tranh cãi và chỉ chịu dừng khi con quái vật đã tiến đến gần họ, rồi cùng nhau bỏ chạy khỏi nanh vuốt của con thú khổng lồ.
Tiếp tục theo dấu những người chim, Tony leo lên chiếc cáp treo bằng sắt vụn và được đưa sang phía còn lại của tòa lâu đài. Tại đây, Tony nhìn thấy hai người chim kỹ sư đang sửa lại bức tường bị hỏng, nhưng cuộc sửa chữa phải tạm dừng vì sự gây rối của con quái vật to xác.
Lại nói, trên đường đi, Tony có mang theo một quyển sách bí ẩn mà anh ta nhặt được. Người chim trẻ tuổi đã nhìn thấy quyển sách đó, nó cảm ơn Tony và vội vàng mang quyển sách đến cho người chim lớn tuổi nhất, có vẻ như đó là mấu chốt để dừng con quái vật lại.
Người chim trẻ tuổi đi rồi, Tony tiếp tục chuyến hành trình của mình và gặp lại hai người chim kỹ sư ở đáy tòa lâu đài. Cả ba bị con quái vật khổng lồ tập kích, thậm chí, người chim trông có vẻ nhỏ con nhất còn bị con quái vật nuốt vào trong bụng.
Chén được bữa ngon, con quái vật tạm thời tha cho hai người còn lại. Người chim kĩ sư bật khóc khi thấy bạn mình đã bị ăn thịt và buồn bã bỏ đi, để Tony lại một mình. Đi theo người chim kĩ sư, Tony ngạc nhiên khi biết rằng, con quái vật là do chính cô nàng người chim kĩ sư tạo ra để cung cấp năng lượng duy trì hoạt động cho cả tòa lâu đài dưới lòng đất, nhưng không ngờ giờ nó lại cướp đi người bạn thân nhất của cô.
Lúc này, người chim lớn tuổi ôm quyển sách đi xuống và tuyên bố ông ta đã tìm được cách tiêu diệt con quái vật ấy. Họ thống nhất sẽ làm một chiếc đèn lồng cầm tay, dùng ánh sáng của chiếc đèn để khống chế con quái vật, và đương nhiên là vị khách không mời Tony cũng phải giúp một tay.
Sau khi chiếc đèn lồng được hoàn thành, Tony và những chim tập hợp trên tầng cao của tòa lâu đài để chiến đấu với con quái vật, tạo cơ hội cho Tony chui vào bụng nó giải cứu người chim bị nuốt vừa nãy.
Và khi ánh sáng bên trong chiếc đèn lồng được giải phóng, con quái vật vì không chịu được ánh sáng nên đã nổ tan tành. Mọi chuyện kết thúc êm đẹp, Tony được những người chim tôn vinh như một người hùng. Để cảm ơn, những người chim đã sửa lại cầu thang, giúp Tony có thể quay về căn phòng của mình.
Sau khi an toàn về nhà, Tony vội vàng đóng cánh cửa bí mật và dán giấy dán tường lại, bầu trời lúc này cũng đã sáng, và cuộc phiêu lưu của anh chấm dứt tại đây.
Và về cơ bản thì ta có thể thấy, cốt truyện của Creaks không quá đặc sắc, thậm chí là nó cũng chẳng dark như mong đợi, có lẽ chính điều đó mà ít có ai nói về tựa game này, nhưng bạn chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, tựa game từng đạt được rất nhiều giải thưởng về đồ họa, âm thanh trong ba năm 2018, 2019 đến 2020, vậy điều gì đã làm nên thành công của nó?
Đầu tiên, tôi nghĩ là về đồ họa và thứ hai là lối chơi. Gam màu và nét vẽ của Creaks tạo cho người chơi cảm giác, bản thân họ đang lạc vào cuộc phiêu lưu trong những câu chuyện cổ tích thời nhỏ, kiểu như sống lại tuổi thơ với các tác phẩm như “Cuộc phiêu lưu của cô bé Alice vào xứ sở thần tiên”, hay “Peter Pan và những đứa trẻ đi lạc này”, có vẻ điều đó đã giúp tựa game gây ấn tượng kha khá với cánh game thủ.
Ngoài ra, game cũng được chia ra thành nhiều loại, có loại để giải trí, để xì trét, để bào tiền game thủ, cũng có loại tập trung vào xây dựng những cốt truyện sâu sắc và Creaks thì không phải tựa game chú trọng cốt truyện, nên chúng ta chỉ cần tập trung vào phần gameplay và trải nghiệm của trò chơi là được.
Lối chơi của Creaks thật ra khá đơn giản, nó được xây dựng theo kiểu giải đố point and click, các con quái vật đều có một cơ chế di chuyển của riêng nó và chỉ cần chạm mặt vài lần là bạn sẽ biết phải làm thế nào tiếp theo, nên về cơ bản, tôi cảm thấy cơ chế của Creaks sẽ hơi lằng nhằng với một số bạn không thích giải đố, nhưng sẽ khá thú vị nếu bạn yêu thích những game động não kiểu này.
Bầu không khí trong Creaks cũng được xây dựng khá tốt, khung cảnh hơi âm u, nhưng không tăm tối đến mức làm con người ta cảm thấy nặng nề, tất cả dừng ở mức đủ để làm game thủ cảm thấy cuốn hút và những sinh vật siêu thực được lấy cảm hứng từ các đồ vật cũng khiến người chơi hứng thú chẳng kém cạnh. Để lấy ví dụ thì nó khá giống bộ phim Coraline, hoặc dễ hiểu hơn chút thì nó giống với loạt game Creepy Tale Mọt tôi từng làm video lúc trước, nhưng ở phiên bản giải đố phức tạp hơn và cốt truyện tiết chế hơn.
Nhưng khoan, nói vậy không có nghĩa là Creaks không có những yếu tố thú vị được nhà sản xuất cài cắm để bạn khai thác đâu nhé. Có một điểm mà tôi thích trong Creaks là hệ thống thành tựu được biến tấu thành các bức tranh bạn có thể thấy trong trò chơi.
Theo chia sẻ từ nhà sản xuất thì ta có tất cả 35 bức tranh, và chúng được vẽ cũng như lấy cảm hứng từ nghệ thuật hội họa thế kỷ 17 18. Những bức tranh này không chỉ để trưng cho đẹp mà chúng còn chứa cả những câu chuyện khác nhau, có khi là về tình yêu, về tình gia đình, sự hy sinh. Nhưng cũng có lúc đấy là những bức tranh vô nghĩa và khá kỳ lạ, hoặc cũng có thể do tôi chưa đủ trình để hiểu những bức tranh ấy, nên bạn nào tìm thấy điểm thú vị của những bức tranh này thì hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết nhé.
Không chỉ thế, những câu đố trong Creaks còn có đệm thêm những bản nhạc riêng để hướng dẫn người chơi đi đúng hướng. Và với những người chơi game để chill, để giải tỏa sau những giờ chơi game căng thẳng thì những bản nhạc của Creaks chắc chắn sẽ cuốn bạn vào thế giới kỳ ảo của nó. Còn nếu bạn thấy căng não và áp lực hơn khi chơi Creaks thì… tôi chịu chứ biết sao giờ?
Chung quy lại nhé, Creaks không phải một tựa game phù hợp cho những bạn yêu thích thể loại hành động giật gân, bắn nhau bùm chéo và combat căng kèo, vì nhịp game rất chậm, nên tôi sẽ không recommend tựa game này cho những game thủ thuộc nhóm trên. Còn nếu bạn muốn tìm một tựa game để giải tỏa căng thẳng, hoặc làm bạn căng thẳng hơn sau những giờ combat đỉnh cao ở Bình nguyên vô tận thì Creaks là một lựa chọn khá ổn.
Nó hội tụ đủ yếu tố của một tựa game nhẹ nhàng, nhạc hay, cơ chế gameplay dễ tiếp cận, các câu đố không quá dễ cũng chẳng quá khó, và cũng chẳng đòi hỏi bạn có thao tác tay tốt hay gì cả. Nên nếu tìm một tựa game xoa dịu tâm hồn nhưng không quá hường họe công chúa thì bạn có thể thử Creaks.
Còn giờ thì, đó là kết thúc cho video ngày hôm nay. Nếu bạn muốn nghe Mọt tôi nhận xét, đánh giá, hoặc là giới thiệu thêm các tựa game thú vị khác thì hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết. Ngoài ra, nếu cảm thấy thích kênh của Mọt thì cũng đừng quên like, share để bọn mình có động lực cho ra những video thú vị khác nhé.
Cuối cùng, nếu bạn lần đầu ghé thăm kênh Mọt thì đừng quên nhấn vào nút đăng ký và nút chuông thông báo bên dưới để không bỏ lỡ những video sắp tới trong tương lai nhé. Giờ thì xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau, bye~
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn