My Friendly Neighborhood: Hậu duệ ma búp bê Annabelle

Thứ năm - 04/04/2024 00:00
Nếu thuộc thế hệ 2k trở về trước, chắc hẳn tuổi thơ của bạn đã từng gắn bó với các chương trình giải trí như “Hai người bạn chuối mặc pyjama” hay “Barney và những người bạn”. Nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các show này lại ngừng chiếu, và sẽ thế nào nếu nó đột ngột quay trở lại tivi nhà bạn chưa?
Mục lục

Phụ Lục

  • Show múa rối “My Friendly Neighborhood”
  • Câu chuyện kỳ lạ ở phim trường bỏ hoang
  • Những kết thúc của My Friendly Neighborhood

Show múa rối “My Friendly Neighborhood”

“My Friendly Neighborhood” là một chương trình giải trí nổi tiếng xoay quanh cuộc sống thường nhật của chàng rối Norman và những người bạn, do Al Gerzwald xây dựng và được phát sóng trên đài truyền hình City Network. Từ khi vừa ra mắt, chương trình đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của khán giả xem đài và thu về lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất.

Nhưng theo thời gian, “My Friendly Neighborhood” dần tụt hậu so với các chương trình khác, lợi nhuận giảm sút kết hợp với suy thoái kinh tế khiến công ty sản xuất quyết định đóng cửa xưởng phim, show giải trí nổi tiếng một thời cứ thế biến mất không một dấu vết.

Bẵng đi một thời gian, “My Friendly Neighborhood” đột nhiên quay trở lại màn ảnh vào một buổi tối tháng 7 năm 1993 với nội dung hoàn toàn mới. Thay vì phát sóng những câu chuyện đời thường của chàng rối Norman như lúc trước, “My Friendly Neighborhood” lại chiếu cảnh các diễn viên đang ngấu nghiến nhau trên màn ảnh.

Khung cảnh đáng sợ này đã khiến đài truyền hình phải vào cuộc. Sau quá điều tra, họ phát hiện, kẻ nào đó đã lén bật anten phát sóng trên nóc khách sạn MFN. Đây đồng thời cũng là phim trường chuyên dùng để sản xuất các tập phim “My Friendly Neighborhood” trong quá khứ và kết nối nó với các chương trình tivi ở thời điểm hiện tại.

Thiết kế chưa có tên (23).jpg

Để ngăn chặn mọi chuyện đi xa hơn, phía City Network đã yêu cầu công ty quản lý bất động sản Sprocket Palm cử người đến khách sạn MFN để ngắt kết nối anten. Nhân viên đảm nhận trọng trách đó tên Gordon J. O'Brian, đây đồng thời cũng là nhân vật mà chúng ta sẽ điều khiển trong suốt trò chơi.

Gordon là một ông già cáu kỉnh, chậm chạp, mắc bệnh hen suyễn và hay cằn nhằn. Dựa vào những mẩu tin tức tìm thấy trong trò chơi. Ta biết rằng, trước khi làm nhân viên bảo trì của Sprocket Palm, Gordon từng đi lính và được trao huân chương Purple Heart cao quý. Đây là vinh dự dành cho những người lính bị thương nặng hoặc thiệt mạng khi phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Nỗi đau chiến tranh và hội chứng PTSD vẫn đeo bám Gordon một thời gian dài sau khi xuất ngũ, biến ông trở thành một kẻ cáu kỉnh và khó gần. Vậy nên khi nhận được yêu cầu đến khách sạn MFN ngắt kết nối anten, Gordon tỏ ra không mấy hào hứng và chỉ mong có thể hoàn thành càng sớm càng tốt.

Câu chuyện kỳ lạ ở phim trường bỏ hoang

Vì bị bỏ hoang một thời gian dài nên bên trong khách sạn vô cùng lộn xộn, lạ là các thiết bị điện vẫn hoạt động bình thường, nhưng thứ thu hút Gordon nhất vẫn là tấm bảng “Ấn tôi” viết bằng phấn trắng được đặt trên quầy lễ tân. Một mô hình thu nhỏ trồi lên khi Gordon ấn vào chiếc chuông trên bàn, và bên trong mô hình là con rối tất Ricky.

Thiết kế chưa có tên (24).jpg

Như sự ngớ ngẩn thường thấy trong các chương trình rối tất thời đại cũ, Ricky lảm nhảm những lời vô nghĩa và thể hiện mình là một nhân vật phản diện khi ngăn cản Gordon tắt kết nối anten ở tầng trên cùng của khách sạn. Đang luyên thuyên dở, Ricky bỗng nôn ra một tấm thẻ từ, nói bản thân không khỏe rồi chuồn đi mất.

Không sợ hãi, thậm chí còn chẳng thèm để tâm đến con rối quái dị, Gordon cầm lấy tấm thẻ từ rồi tìm cách lên sân thượng của khách sạn. Nhưng, tất cả lối đi đều bị chặn. Trong lúc tìm kiếm, một bóng người chạy vào phim trường số 4 đã thu hút sự chú ý của Gordon.

Sau khi mở khóa phim trường bằng thẻ từ và đuổi theo bóng người vào bên trong, Gordon nhận ra đó là con rối Norman - diễn viên chính của show “My Friendly Neighborhood”. Bằng một cách thần kỳ nào đó, con rối có thể tự chuyển động, thậm chí là lao vào tấn công Gordon mà không cần đến sự tác động của con người.

Trốn thoát khỏi Norman, Gordon chạy đến phòng trang điểm trong phim trường và gặp lại Ricky. Nhưng, thứ thu hút ông lại là khẩu súng nằm gần đấy. Khẩu súng đó là “Stenographer”, một phát minh của tiến sĩ Hank, có khả năng bắn ra các khối lập phương hình chữ cái từ tấm thẻ đánh vần, được dùng để tự vệ hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt.

Thiết kế chưa có tên (25).jpg

Quay lại với Gordon, ngay khi nhận ra ông muốn lấy khẩu “Stenographer”, Ricky vội vàng giành lại nó, và một cuộc giằng co diễn ra nhưng không kéo dài lâu. Con rối tất sớm bỏ cuộc và đưa khẩu súng cho Gordon rồi bảo, nếu ông có ý định lang thang ở nơi này thì tốt nhất nên coi chừng Pearl, một con chim khổng lồ bị mù thường đâm sầm vào mọi nơi mà nó đi qua.

Lúc này, cánh cửa phòng trang điểm bỗng bật mở, Ricky bỏ chạy bằng đường ống, còn Gordon thì bị Norman và một con rối khác tên Lenard lao vào tấn công. Nhưng ông đã nhanh chóng sử dụng khẩu “Stenographer” và hạ gục chúng trong gang tấc.

Với vũ khí trong tay, Gordon bắt đầu hành trình tìm đường lên tầng trên cùng của khách sạn. Trong quá trình này, ông nhận ra không chỉ Norman với Lenard mà cả những con rối khác trong show “My Friendly Neighborhood” như Junebug, Lilianna, George cũng có thể đi lại tự do bên trong phim trường. Điều nói là chúng không chỉ xuất hiện một con như trong Five Night at Freddy’s mà còn có rất nhiều bản sao khác nhau.

Ở khu vực dựng cảnh quay thành phố, Gordon sẽ nhặt được những khối chữ cái bằng gỗ. Thu thập đủ các chữ cần thiết và sắp xếp chúng thành chữ “Neighbor” trên một cái bàn đặc biệt, ông sẽ nhận được một bức thư, bên trong là tấm bản đồ chỉ đường đến sân khấu số 2 nằm dưới tầng hầm thông qua một lối đi bí mật.

Thiết kế chưa có tên (26).jpg

Ricky tiếp tục xuất hiện ở lối vào sân khấu số 2, nói rằng đây là nơi giam giữ Ray, một con rối bị điên và ám ảnh về việc tàn sát con người. Theo lời Ricky thì Ray điên cuồng hơn những con rối Gordon gặp ở trên, đó là lý do tại sao nó bị nhốt bên dưới xưởng phim, trước cả khi nơi này chính thức bị đóng cửa. Và dù không rõ là cố tình hay vô ý, Ricky đã tiết lộ cho Gordon biết rằng có một thang máy dẫn lên tầng trên, rồi lại biến mất.

Bằng việc sửa chữa hộp điện, Gordon sẽ đến được một căn phòng trưng bày những bức tượng đá của các nhân vật trong “My Friendly Neighborhood”. Và nhờ cây kìm sắt trên tay một bức tượng, ông sẽ mở được đường dẫn đến thang máy, thành công đặt chân lên studio MFN.

Khác với khu vực quay phim bên dưới, nơi này có sảnh chính được trang hoàng lộng lẫy và những trường quay sang trọng, nhưng quan trọng hơn là cửa ra đã bị khóa. Cũng như những tầng khác, nơi này được canh giữ bởi một con rối ếch tên Gobblette và những con rối khác, có khả năng đe dọa đến mạng sống của Gordon.

Tại nơi này, ông cũng sẽ tìm thấy một lá thư nói về việc đoàn phim “My Friendly Neighborhood” đang dần đi xuống. Đoàn phim đã cố gắng dựng một bộ phim phiêu lưu đến hành tinh Ooblong với dàn nhân vật cũ, nhưng thất bại thảm hại với số điểm đánh giá vỏn vẹn 2 trên 5 sao.

Quay lại với Gordon, sau một hồi loanh quanh ở khu vực đó, ông sẽ tìm được đường xuống một căn phòng cất giữ chiếc chìa khóa cửa chính. Sau khi cung cấp điện cho thang máy bằng một bình nhiên liệu tìm thấy trong két sắt, nó sẽ đưa ổng quay về cửa ra ở sảnh chính.

Thiết kế chưa có tên (27).jpg

Cánh cửa giờ đã bị một con miệng khổng lồ có khả năng khạc ra nhiều con rối nhỏ chiếm đóng. Tiêu diệt nó bằng khẩu súng “Stenographer” của mình, cái miệng sẽ biến mất. Dùng chìa khóa tìm được ở căn phòng bên dưới để mở khóa, Gordon sẽ thành công thoát khỏi phim trường.

Trời lúc này đã tối, nhưng ông phải tiếp tục mò mẫm tìm đường tắt anten nếu không muốn bị đuổi việc. Đặt chân đến mê cung nằm ở phía Đông của khuôn viên, Gordon sẽ gặp lại Ricky, nó tiếp tục dụ dỗ ông thỏa hiệp và từ bỏ việc tắt anten. Ban đầu, Gordon định lờ đi, nhưng ngay khi Ricky bắt đầu nhắc đến chiến tranh, ông đã tỏ ra cáu gắt và cầm súng bắn con rối, buộc nó phải tiếp tục bỏ trốn.

Hậm hực vì bị động đến nỗi đau, Gordon bắt đầu đi xung quanh và tìm được đường xuống căn hầm bên dưới mê cung, nơi ba con rối chó đang cư ngụ, nhưng vì quan trọng hơn, ông tìm thấy một tờ giấy ghi công thức pha nước thuốc. Thu thập những nguyên liệu cần thiết theo công thức, Gordon sẽ thu được một thứ chất lỏng giúp hòa tan chất nhầy màu tím trong thang máy, cho phép ông đi lên tầng trên của khách sạn.

Tại đó, Gordon tiếp tục lạc vào một thế giới được dựng nên bởi rất nhiều miếng bìa carton. Chính giữa là một bệ đỡ có khả năng di chuyển lên tầng trên cùng của khách sạn, con rối tên Arnold đang ngồi đánh đàn trong bóng đêm. Nhưng, tiếng đàn nó phát ra lại chát chúa chứ không hề êm tai và du dương như trong tưởng tượng.

Bằng cách thu thập đủ các mảnh ghép của bức tranh trước bệ đỡ, Gordon sẽ thành công thắp sáng đèn trên bệ và nhìn thấy cần gạt di chuyển lên tầng trên. Bước lên bệ đỡ, Arnold sẽ kéo tay Gordon, yêu cầu ông đàn một bản nhạc rồi mới chịu thả ra.

Thiết kế chưa có tên (28).jpg

Sau khi kéo cần gạt, Gordon sẽ được đưa đến tầng cao nhất của khách sạn MFN. Trong phòng điều khiển, ông tìm thấy nút STOP, nhưng khi ấn thì nút bấm lại không hoạt động. Không còn cách nào khác, ông chỉ đành leo lên anten và tắt theo cách thủ công trong thời tiết mưa gió.

Lúc này, Ricky lại tiếp tục xuất hiện và cố thuyết phục Gordon đừng ngắt anten lần cuối. Nó nói rằng, mình và những con rối ở đây không hề có ý định làm hại con người, ngược lại, bọn nó muốn thông qua chương trình dạy con người cách “gần gũi với hàng xóm” và thắp sáng tình cảm giữa người với người.

Thấy Gordon không tin, Ricky chỉ đành nói ra lý do “My Friendly Neighborhood” bị quên lãng rồi hủy bỏ. “Con người thích những thứ đen tối hơn là ánh sáng”, giống như việc những chương trình đen tối, máu me lúc nào cũng thu hút người xem hơn là những thứ đầy tính giáo dục và nhân văn. Con người buồn cười ở chỗ, ta luôn tự nhủ hãy hướng về ánh sáng, nhưng trong vô thức, ta luôn bị bóng tối thu hút theo nhiều cách khác nhau.

Cuối cùng, Gordon vẫn lựa chọn ngắt tín hiệu anten. Một tia chớp đánh đến làm ông hụt tay và rơi xuống dưới, may là ông vẫn còn sống. Ricky sau đó sẽ gọi cho Gordon thông qua một buồng điện thoại gần đó. Nó tiết lộ rằng, sau khi My Friendly Neighborhood bị hủy và những con rối ở nơi này bị bỏ rơi, bọn chúng đã cố gắng tìm hiểu tại sao con người lại thích những show truyền hình khác hơn chúng để có thể cải thiện chính mình.

Thiết kế chưa có tên (29).jpg

Nhưng, đó là một quyết định sai lầm, vì những show truyền hình được xem là nổi tiếng đều là các show độc hại, điều đó đã làm ảnh hưởng đến tư duy của đám rối, khiến chúng ngày càng trở nên lệch lạc. Đó là lý do tại sao sau khi My Friendly Neighborhood phát sóng trở lại, đám rối lại lao vào cắn xé nhau thay vì đối xử thân thiện như xưa.

Kể xong, Ricky nói rằng ở cuối dãy hành lang có một chiếc thang máy có thể đưa Gordon ra khỏi đó, nếu ông muốn. Bước vào bên trong thang máy, Gordon sẽ được dẫn đến căn phòng của Al Gerzwald, người đã tạo ra chương trình “My Friendly Neighborhood” và nhìn thấy lá thư cuối cùng mà ông ấy đã để lại.

“Các con thân yêu, thật tiếc khi phải nói rằng đây sẽ là tập cuối cùng của chúng ta. Ta muốn dành chút thời gian cuối cùng này để giải quyết vấn đề cá nhân của các con, để các con có thể học được bài học cuối cùng trước khi chúng ta ra đi.

Thế giới của chúng ta có thể khắc nghiệt và đáng sợ. Đôi lúc khó có thể phân biệt giữa đúng và sai, vì thế giới này đã vụn vỡ và chúng ta cũng thế. Trái tim của chúng ta đen tối và trống rỗng, chẳng tốt bụng chút nào. Chẳng thứ gì trên thế giới này có thể sửa chữa chúng ta, không phải sắc đẹp, sức mạnh, thức ăn hay danh vọng. Thứ chúng ta cần là thứ ánh sáng vượt ra khỏi thế giới này, thứ ánh sáng đại diện cho cả tình yêu, để chạm đến và nắm lấy trái tim chúng ta, đưa nó về nơi nó thuộc về.

Thiết kế chưa có tên (30).jpg

Trong những buổi diễn, chúng ta đã cố trao cho các con một thoáng của thứ ánh sáng ấy. Vậy nên, lời nhắn cuối cùng ta muốn để lại cho các con là: “Hãy tin vào ánh sáng”. Đôi lúc nó sẽ đáng sợ, sẽ làm các con đau. Đôi lúc, sẽ khó để ta phân biệt giữa đúng và sai, vì hai thứ đó đã bị trộn lẫn và thật khó để hiểu chúng. Khi điều đó xảy ra, nó có lẽ sẽ rất đau. Nhưng hãy cứ tin vào ánh sáng, bởi vì chính ánh sáng sẽ cứu rỗi các con khỏi đêm đen.”

Những kết thúc của My Friendly Neighborhood

Sau lá thư cuối cùng, Gordon sẽ bước ra khuôn viên của xưởng phim MFN và gặp lại Ricky. Cả hai sẽ có một cuộc trò chuyện ngắn về con người và thế giới, Ricky sẽ đề nghị ông làm người hướng dẫn cho những con rối trong My Friendly Neighborhood và chuẩn bị cho những show diễn khác trong tương lai. Gordon sẽ đưa ra những quyết định của mình, dẫn đến các kết thúc trong trò chơi.

Nếu đồng ý, Gordon sẽ ở lại studio để giúp đỡ Ricky. Chương trình My Friendly Neighborhood vẫn được tiếp tục, nhưng theo một cách tích cực. Hiển nhiên, có người thích, cũng sẽ có người ghét nó. Nhưng đáng mừng là, có ba kênh đã đề nghị ký hợp đồng với họ. Gordon cảm thấy mình đã làm đủ những thứ cần làm nên không còn lui đến studio vào buổi đêm nữa, nhưng vẫn có gì đó giữ ông ở lại. Đôi lúc, ông sẽ nhìn sang cửa sổ nhà đối diện, và tự hỏi, liệu chuyện gì sẽ xảy ra với “họ”.

Ngược lại, nếu từ chối, Gordon sẽ lái xe rời khỏi studio. Sau chuyện lần đó, sếp của ông sẽ khen thưởng và tăng chức cho Gordon vì đã có công dẹp bỏ show múa rối hỗn loạn. Giờ đây, ông đã có mọi thứ, nhưng cảm giác trống rỗng cứ vây lấy Gordon và ông không thể ngừng nghĩ về lũ rối. Đôi lúc, Gordon sẽ theo dõi những chương trình tivi đêm, như để chờ đợi sự xuất hiện của My Friendly Neighborhood, nhưng rồi, chẳng có gì xảy ra cả.

Thiết kế chưa có tên (31).jpg

Một kết thúc khác sẽ xảy ra khi Gordon giúp đỡ tất cả những con rối xuất hiện trong My Friendly Neighborhood. Với Gobblette, hãy tìm một cuộn phim cảm động và chiếu nó lên màn ảnh, điều đó sẽ làm cô ếch rơi vào khoảng lặng của cảm xúc. Với Ray, hãy giúp nó sửa đường ống nước bên dưới tầng hầm, và chính nó sẽ ngộ ra rằng, không phải lúc nào đập phá cũng có thể giải quyết được vấn đề.

Cho những chú chó rối trong vườn ăn, và chúng sẽ thân thiện trở lại. Và nếu bạn còn nhớ nàng chim khổng lồ Pearl thì thật ra nàng ta chỉ bị cận chứ không mù, hãy tặng cô nàng một cặp kính, hành động đó sẽ giúp Pearl có thể nhìn thấy thế giới sau khoảng thời gian dài sống trong mù lòa. Và cuối cùng là dạy Arnold đánh đàn đúng cách.

Hoàn thành hết những việc đó, ta sẽ đến với true ending của trò chơi. Gordon sẽ đồng ý giúp Ricky xây dựng My Friendly Neighborhood, đương nhiên, ông cũng bị công ty hiện tại đuổi việc. Nhưng, điều đó không làm ông cảm thấy buồn, vì có thứ gì đó trong Gordon đã thay đổi, giờ đây, ông đã tìm thấy được ánh sáng và nơi mình thuộc về.

Ngoài các kết thúc trên thì trò chơi vẫn còn một kết thúc thú vị khác sẽ xảy ra, nếu từ đầu trò chơi, Gordon lựa chọn không bước vào studio, ông sẽ bị đuổi việc vì không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trở thành một kẻ thất nghiệp, ông ngồi trước chương trình tivi buổi tối, chờ đợi sự xuất hiện của những con rối kỳ lạ để xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng rồi, chẳng có gì xảy ra cả, chúng cứ thế biến mất, vậy thôi.

Thiết kế chưa có tên (32).jpg

Có thể thấy, câu chuyện trong My Friendly Neighborhood không phải về những con rối bị ma ám như Five Night at Freddy’s hay Poppy’s Playtime, mà là một câu chuyện ý nghĩa về niềm tin vào ánh sáng. Những con rối được con người tạo ra, thuần khiết như thứ ánh sáng mà con người ao ước có được, và họ gửi gắm nó vào chương trình “My Friendly Neighborhood” với hy vọng lan truyền ánh sáng tích cực đó với nhiều người.

Nhưng đôi khi, ta lại thích bóng tối hơn ánh sáng. Chương trình bị hủy chỉ vì không cạnh tranh lại với những thứ tăm tối của con người, để rồi cuối cùng, chính những con rối thuần khiết ấy cũng bị nhuốm bẩn. Nhưng đâu đó, vẫn có những người khao khát ánh sáng, chỉ cần có niềm tin vào nó, thì dù có là một tia sáng nhỏ nhoi cũng sẽ dần trở nên rực rỡ, sưởi ấm cho đêm đen trên khắp thế gian.

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn