Phụ Lục
Lưu ý: Bài viết này được viết theo ý kiến và đánh giá cá nhân nên có khen thì cũng có chê, nhưng chê nhiều hơn khen, vui lòng cất hết gạch đá, dép lê, súng hoa cải hay bất kỳ vũ khí nào khác trước khi xem. Xin cảm ơn.
Cái tên đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến là hai phần game Lẩu Âm Dương 1 và 2 của Polestar Games. Và nếu để ý thì không chỉ Lẩu Âm Dương, mà gần như tất cả những tựa game do nhà này phát hành đều được làm rập khuôn theo một chuẩn mực kém hấp dẫn hơn của Áo Cưới Giấy, từ hình ảnh, cốt truyện đến bố cục của trò chơi, có thể nói là không khác tí nào.
Nhưng nào, làm theo một khuôn mẫu cũng đâu có nghĩa là giống hoàn toàn, đúng chứ? Vậy nên khác với Áo Cưới Giấy kể câu chuyện về một thôn trang mê tín, hất cùn tập thể rồi đem con gái nhà người ta đi hiến tế, Lẩu Âm Dương lại dựa trên một câu chuyện ở khu vực Trùng Khánh từng khá nổi tiếng trên mạng xã hội.
Nghe thì hay đúng không? Nhưng, nhưng nhưng! Chính vì dựa vào truyền thuyết ấy, nên những tình tiết xảy ra trong Lẩu Âm Dương từ chương 1 đến giữa game gần như giống hệt bản gốc, chỉ có phần cuối là sửa đổi mỗi tí cho ngạc nhiên thôi. Nói thật, ai đã đọc bản gốc rồi thì cái plot twist trong game không đủ phê. Đấy là chưa kể tới đồ họa thì… thôi chúng ta đừng nói tới đồ họa, mỗi lần nhìn tôi vẫn thấy hơi cay mắt.
Sang đến phần 2, đồ họa của Lẩu Âm Dương đã được cải thiện đáng kể, nhưng chất lượng cốt truyện thì lại giảm thấy rõ. Cách kể chuyện theo cá nhân tôi là hơi lằng nhằng, chưa có tính liên kết, lủng củng, các tình tiết cũng dễ đoán quá. Lý do cho điều này tôi nghĩ là vì phần 1 vì có cốt truyện gốc để dựa vào nên kể hay, còn phần 2 thì nhà sản xuất phải viết mới, nên gần như không có gì đột phá cả.
Nhưng thôi, gộp chung lại thì tôi vẫn có lời khen cho nhà phát hành vì đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Tuy vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng tổng quan thì vẫn ổn, cá nhân tôi nếu đề cử thì vẫn khuyên các bạn nên chơi phần 2 hơn phần 1. Còn nếu không muốn chơi mà thích nghe cốt truyện thì Mọt tôi vẫn có một video tóm tắt cốt truyện cho mọi người nhé~
Tiện thể nói về game của nhà Polestar nên tôi sẽ làm luôn một lèo các tựa game của nhà này mà tôi từng chơi. Cái tên tiếp tôi muốn nhắc đến là Hí Oán, mới ra mắt gần đây nhất của nhà này. Và chưa xét về gameplay hay cốt truyện thì có thể nói, Hí Oán là con game sở hữu đồ họa đẹp nhất của nhà Polestar ở thời điểm hiện tại.
Cốt truyện của Hí Oán phần lớn xoay quanh nhà hát Vân Thủy Lâu, năm xưa vì một vụ hỏa hoạn nên hai diễn viên thiệt mạng, người duy nhất còn sống sót lại từ bỏ cả nghiệp kinh kịch. Nhà hát này sau đó cũng bị bỏ hoang, tuy từng được mua lại, nhưng cuối cùng vẫn bị bỏ không vì tin đồn ma quái vây quanh nó. Còn chi tiết cốt truyện thế nào thì các bạn có thể chơi game, hoặc xem lại video tóm tắt của Mọt tôi để rõ hơn nhé.
Bỏ qua đồ họa có thể gọi là đẹp mắt thì cốt truyện của Hí Oán tôi vừa muốn khen, nhưng cũng vừa muốn chê. Điểm tôi muốn khen là, cách kể câu chuyện khá sáng tạo khi cho nhân vật có khả năng dịch chuyển giữa quá khứ và hiện đại. Nêu ra được vấn đề, giải quyết được vấn đề, có cao trào, có plot twist thích hợp. Cốt truyện cũng toát lên được một bài học nhân văn mà các tựa game trước đó không làm được.
Nhưng, giờ thì đến chê nè. Tuy Hí Oán giải quyết được những vấn đề chính trong cốt truyện, nhưng lại không làm rõ được các vấn đề phụ. Ừ thì, cứ cho là game sẽ còn phần 2, và các vấn đề sẽ được giải quyết trong phần đó đi. Nhưng ta không thể phủ nhận là cách kể chuyện của Polarstar càng về cuối càng vội, cuối cùng bỏ ngỏ quá nhiều vấn đề, làm người chơi có cảm giác rất hụt hẫng.
Nói thật ban đầu tôi chơi Hí Oán thấy cũng cuốn lắm, nhưng sau khi hết game tôi thấy khá là chưng hửng, kiểu, ơ thế là hết rồi à? Gì trớt quớt vậy? Biết là muốn cho kiểu kết mở, bí ẩn một tí, nhưng mở toang hoác thế này thì hơi quá. Thôi thì hy vọng nếu có phần tiếp theo, nhà phát hành sẽ giải quyết mọi thứ triệt để hơn, chứ không thì uổng lắm.
À còn một điều nữa, thật ra cũng không phải chê, nhưng các câu đố trong Hí Oán khá là khó, nhất là với những bạn không biết tiếng Trung. Nên về cơ bản, tôi sẽ không recommend game này cho những bạn không quen nhìn tiếng Hoa lắm, dễ bị loạn não, tiền đình, gây ức chế cao độ vì giải hoài không ra.
Một con game khác của Polarstar mà tôi mới chơi gần đây là A Tỷ Cổ. Và như một truyền thống, tựa game này cũng được Polarstar xây dựng dựa trên bài hát nổi tiếng cùng tên. Câu chuyện trong A Tỷ Cổ về cơ bản là một cô em tên Bạch Tuyết quay về cứu chị gái Bạch Tình bị bắt làm Cổ Nữ hiến tế cho trống thần, rồi từ đó vén lên bức màn một bí mật khác.
Và nói thật là, chơi xong A Tỷ Cổ mà tôi cứ có cảm giác được về thôn Trang Linh version 2 ấy, có điều người của thôn này khôn hơn tí. À mà thôi, nhìn đoạn cuối thì cũng không khôn lắm đâu. Game này cũng có plot twist, và tôi đánh giá cú twist này khá ok, dù còn hơi lủng củng với dễ đoán quá, nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được.
Về đồ họa thì A Tỷ Cổ đỡ hơn Lẩu Âm Dương 1, nhưng nói đặc sắc thì không. Phong cảnh trong trò chơi thì có nhiều cảnh liên tưởng tới thôn Trang Linh quá, nói chung là tôi không ấn tượng. Tình tiết cái trống da người lẽ ra nên được khai thác sâu thì lại quá hời hợt. Càng về cuối, nhà phát hành càng đuối nên câu chuyện nó cứ bị lằng nhằng, không thu hút như tôi kỳ vọng.
À có một điều làm tôi bức xúc nữa là trong cái game này nữ chính báo quá báo. Ừ thì tôi biết nhà phát hành đang xây dựng nữ chính đi cứu chị gái, nên có nhiều trường hợp bất khả kháng, không muốn cũng phải nghe theo. Nhưng, ngoại trừ chương 1, nữ chính có vẻ khá thông minh khi tự tìm cách mở khóa, thì những chương còn lại, chị Bạch Tuyết cứ như bị vô tri ấy.
Ai nói gì cũng nghe, ai bảo gì cũng làm theo, dù có nghi ngờ nhưng cũng chẳng nghi ngờ cho tới. Trong khi manh mối thì nó cứ lồ lộ ra đấy, nhưng nữ chính gần như không nhận ra. Ban đầu nữ chính còn có vẻ thông minh, nhưng càng về sau càng dễ bị dắt mũi, cuối cùng đến kết thúc game, nữ chính báo một cây luôn.
Thật ra mô típ này thì Ninh Tử Phục ở Áo Cưới Giấy 1 cũng giống thế, nhưng ít ra ở đoạn cuối, Heartbeat còn cho Tử Phục vùng dậy, làm một trận ra ngô ra khoai. Còn chị Bạch Tuyết trong A Tỷ Cổ thì… thôi chẳng buồn nói nữa.
Tóm gọn lại sau khi chơi 3 con game của Polarstar, tôi đánh giá nhà này làm gameplay đánh đố hơn Áo Cưới Giấy, nhưng là kiểu đánh đố trí óc hơn là thao tác game. Cốt truyện thì rõ ràng Polarstar còn quá non tay, chưa có sự thống nhất về thiết lập nhân vật trong các phần game, nhân vật đầu game một đằng cuối game một nẻo. Cách dẫn chuyện cũng chưa thật sự ấn tượng, có lẽ do team bị dí deadline hay sao ấy nên giải quyết vấn đề trong cốt truyện hơi vội vàng, không đủ thỏa mãn.
Đổi lại, có thể thấy đồ họa và cốt truyện của Polarstar đang tiến bộ hơn từng ngày. Đặc biệt, thay vì dựa vào những cốt truyện nổi tiếng có sẵn, Polarstar đã bắt đầu có những định hướng riêng của mình, tuy viết còn hơi non, nhưng tiến bộ hơn nhiều so với các sản phẩm trước. Hy vọng là thay vì cố gắng xây dựng giống Heartbeat Plus, Polarstar có thể tìm ra một hướng đi riêng của mình, tạo ra nét riêng trong tương lai.
Con game tiếp theo tôi muốn nói là Trùng Minh đến từ nhà CY Studio. Về cơ bản thì Trùng Minh lấy cảm hứng từ việc nuôi cổ độc, để làm nền cho vấn nạn bắt cóc phụ nữ về làm vợ ở những vùng nông thôn Trung Quốc.
Khác với Polarstar gần như y xì nhà Heartbeat, CY Studio lại có nét riêng, từ đồ họa đến cả bố cục trong game cũng khác biệt hoàn toàn. Nên nếu nói giống Áo Cưới Giấy thì tôi cảm thấy Trùng Minh tham khảo từ Yên Hỏa nhiều hơn.
Về tổng quan, tôi không có chỗ nào để chê Trùng Minh. Cốt truyện dẫn dắt ổn, nhân vật xây dựng có cá tính, tuy không đến nổi mượt mà và ngây ngất lòng người như Yên Hỏa, nhưng cũng có thể gọi là nổi trội. Nhất là khi, con game này được làm dựa trên câu chuyện đáng buồn về vấn nạn buôn bán phụ nữ ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Điểm trừ duy nhất với tôi chắc là cách nhà sản xuất giải quyết vấn đề còn hơi hời hợt, chưa khai thác sâu vào các chi tiết đáng lẽ có thể khai thác. Nhưng tổng quan, các điểm cộng của game đủ để che đi điểm trừ đấy nên cũng không có gì đáng kể. Nếu có gì đó tôi muốn góp ý thì chỉ hy vọng CY Studio có thời gian phát triển game hết, vì rõ ràng, Trùng Minh còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác triệt để.
À ngoài ra… icon của game xấu quá, đồ họa trong game rõ ổn mà cái icon nhìn chán chẳng buồn nói. Thật đấy, nếu tôi lựa game bằng cách nhìn icon như lựa pỏn bằng cách nhìn hình thì chắc tôi không chơi Trùng Minh đâu.
Miêu nữ nhà họ Hạ là một trong những tựa game tôi chơi cách đây cũng khá là lâu, và lúc đó tôi cũng từng đăng một video cốt truyện về tựa game này, các bạn có thể xem lại nhé. Con game này do Kuaidian Media phát hành. Trước đó, NPH này cũng từng có một series phá án tên là “Nguyên tội bí ẩn” khá hay, nên về phần gameplay, Miêu nữ nhà họ Hạ gần như không có chỗ nào phải bàn cãi.
Câu chuyện trong tựa game nói về chàng sinh viên đến một thôn nhỏ để làm luận văn nghiên cứu. Nhưng lạ ở chỗ, người ở làng này ai cũng đeo mặt nạ mèo và đang che giấu một bí mật nào đó. Trong hành trình lang thang trong làng, chàng sinh viên sẽ gặp được một cô gái kỳ lạ, theo chân cô ta vén lên bức màn bí ẩn về ngôi làng mặt nạ.
Về mặt đồ họa, tôi thấy Miêu nữ nhà họ Hạ khá là đẹp, nói chung là hợp mắt tôi, nên tôi không chê. Nhưng có một chi tiết làm tôi hơi khó chịu, ấy là trong phần cốt truyện, một vài nét văn hóa vốn không thuộc về Trung Quốc, lại bị nhà sản xuất nhận vơ thành của Trung Quốc và xem nó như một lẽ hiển nhiên. Chẳng hạn như những chiếc mặt nạ mèo người dân trong thôn đeo, hay bộ áo nhìn như các miko Nhật Bản mà cô gái bí ẩn mặc.
Nói chung không biết có phải nhà sản xuất cố ý hay không, nhưng nhìn hơi cấn, tôi không thích. Nói về cốt truyện thì plot twist có, các tình tiết được xây dựng khá chi tiết, hay thậm chí là hơi phức tạp. Nhưng nói chung là cũng tạm. Có điều, tình tiết chủ chốt của game thì hơi ảo ma, kiểu từ kinh dị tâm linh quẹo phát bay thẳng qua khoa học kỹ thuật, tôi hơi sốc nhẹ.
Đấy, khen xong thì tới chê nặng này. Trong Miêu nữ nhà họ Hạ, những trường đoạn vốn phải hấp dẫn lại chỉ liên kết một cách rời rạc và thiếu logic. Một vài nội dung được triển khai khá tệ, hoặc thậm chí là giải thích cho có chứ không rõ ràng như tôi mong đợi. Nói chung là thất vọng.
Nếu so với những sản phẩm trước của Kuaidian, thì Miêu nữ nhà họ Hạ chẳng khác gì một bản ăn theo rẻ tiền của Áo Cưới Giấy, hay nói đúng hơn là chắp vá vô tội vạ. Nó không mang được nét riêng vốn có của studio này, mà chỉ như đang cố bắt chước thành một phiên bản khác của Áo Cưới Giấy. Nói chung là tôi chê.
Có lẽ nhận ra điều đó nên sau Miêu nữ thì nhà này chỉ tập trung chính vào series phá án “Nguyên tội bí ẩn”. Dù là thấy hơi tiếc, nhưng thôi, xây dựng một tựa game mình giỏi, dù sao cũng tốt hơn là cố biến bản thân thành bản sao của người khác, đúng không nào?
Và sau khi nghiền ngẫm giữa một rừng game đã chơi thử thì tôi quyết định chốt hạ bằng con game Song Sinh Oán của nhà Độc Giác Thú - Unicorn. Thật ra so với những tựa game tôi kể trên, Song Sinh Oán chắc chìm nhất, bởi vì đây là con game đầu tay, cũng là tựa game duy nhất của nhà này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi cảm thấy, tựa game này còn hay hơn một số những game ở trên.
Đầu tiên là về đồ họa. Nếu hầu hết các tựa game trên đều quyết định đi theo phong cách tả thật giống, hoặc có nét na ná Áo Cưới Giấy, thì Song Sinh Oán lại quyết định đi theo style hơi anime một tí. Điều này làm game không bị một màu như những game kể trên. Từ bối cảnh, hình vẽ nhân vật cho đến những đoạn cutscene đều đẹp và có nét riêng, nói chung không có chỗ nào đáng để chê.
Cốt truyện của Song Sinh Oán xoay quanh cặp chị em sinh đôi, nhưng tiếc là một trong hai người lại không biết về sự tồn tại của người còn lại. Nghe thì chắc bạn nghĩ cốt truyện có nét giống Mạc Lê - Mạc Kỳ đúng không? Nhưng không phải đâu, cơ mà giờ spoil hết thì lại mất vui, nên tôi chỉ tóm gọn lại là, hai chị em này quần nhau còn hơn cách chị Lê quần chị Kỳ nữa cơ.
Gameplay của Song Sinh Oán thì tôi không ấn tượng lắm vì nó cũng giống những game giải đố trên. Về cơ bản thì nó tạo cho tôi không khí giống với “Bệnh viện số 13” hơn là Áo Cưới Giấy, nhưng chưa ghê đến mức độ đó. Nói chung là gameplay với không khí thì không làm tôi rén lắm, hoặc do tôi đã chai sạn rồi.
Tóm lại, dù không phải nói là quá ấn tượng hay đặc sắc, nhưng tôi đánh giá tổng quan Song Sinh Oán ở mức ổn, có tiềm năng để phát triển thêm, với điều kiện NPH chịu phát triển tiếp. Dù thể loại game giải đố không gọi là mới, nhưng theo mặt nào đó, không thể không công nhận Áo Cưới Giấy là một làn gió mới cho thị trường game giải đố trên thiết bị di động. Bằng chứng là sau khi Áo Cưới Giấy ra mắt và thành công ngoài mong đợi, các tựa game giải đố tương tự bỗng nhiên xuất hiện như nấm mọc sau mưa, nhưng để nói có tựa game nào cạnh tranh được với Áo Cưới Giấy trên thiết bị di động không thì trước mắt tôi chưa thấy..
Nên là, bạn nào có game nào hay thì hãy bình luận bên dưới cho tôi biết với nhé, biết đâu tương lai chúng ta sẽ tìm được một tựa game ngang tầm, đủ để cạnh tranh với Áo Cưới Giấy thì sao?
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn