No Rest Horror là một tựa game kinh dị 3D thuộc thể loại nhập vai do Dark Games SCB phát hành miễn phí trên CH Play và Appstore. Trong trò chơi, bạn sẽ vào vai một người đàn ông tên David Bowles, bị đá đít khỏi căn nhà hiện tại do nợ tiền thuê nhà trong một thời gian dài và không có khả năng chi trả. Điều đó buộc David phải rời thành phố và tìm một nơi khác để sinh sống.
Tên sát nhân rùng rợn trong No Rest Horror |
Trên đường đi, xe của David sẽ vô tình hết xăng, đưa anh đến với một vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Lang thang ở vùng quê chỉ toàn nhà hoang, không một bóng người. David sẽ lạc đến căn nhà của một đại gia đình 7 người và chạm mặt tên sát nhân khát máu tại đó. Tuy nhiên, cho dù bạn may mắn thoát khỏi tên sát nhân, tìm được xăng để bơm cho xe và tẩu thoát khỏi vùng nông thôn đấy thì tin tôi, bạn sẽ không chạy thoát được số mệnh.
Tuy cốt truyện trong No Rest Horror không quá rùng rợn hay hack não, nhưng tựa game hội tụ đủ những thứ bạn cần ở một tựa game kinh dị 3D. Chẳng hạn như những pha jumpscare thót tim, rượt đuổi rùng rợn và đồ họa ở mức tương đối, đặc biệt là game khá nhẹ và không cần wifi. Đương nhiên, đánh giá trên đều dựa theo tiêu chí miễn phí và offline cho điện thoại, chứ thật ra No Rest Horror không thể nào so được những tựa game kinh dị đỉnh cao trên PC, nên đừng ông nào mang game ra so với Elden Ring rồi bảo tôi quảng cáo game rác nhé, dỗi đấy.
Bạn thích thú? Bạn thích máy? Bạn thích bị thú máy truy sát như Five Night at Freddy’s nhưng chỉ có một chiếc điện thoại do tổ tiên truyền lại? Vậy thì chào mừng bạn đến với CASE 2: Animatronics, nơi bạn sẽ có những pha rượt đuổi, chạy trốn lành mạnh và tràn ngập niềm tin cuộc sống.
Do OOO Valnat phát hành trên cả hai nền tảng Android và IOs, CASE 2: Animatronics là phần tiếp theo của tựa game CASE: Animatronics với hơn 10 triệu lượt tải trên CHPlay, nghe là thấy uy tín rồi đúng không? Trong tựa game này, bạn sẽ được hóa thân vào một người cực kỳ quan trọng trong trường học, đó là… bảo vệ! Ngôi trường nơi bạn làm việc vừa xảy ra một vụ ám sát kinh hoàng, dẫn đến sự đăng xuất khỏi server Trái Đất hàng loạt, và việc của bạn là phải sinh tồn trong trường vào buổi đêm, đồng thời tìm ra sự thật đang được che dấu.
Những con thú máy trong Animatronics |
À thì, nghe cốt truyện thì có vẻ nó không liên quan gì đến chữ Animatronics tức thú máy trong trò chơi, nhưng thật ra nó có liên quan đó nha quý dị. Bởi vì, thứ săn đuổi các bạn trong bóng đêm của khu trường học không ai khác chính là những con thú máy được tạo hình gớm chẳng thua gì mấy con sóc vàng trong Five Night at Freddy’s, mà theo những người chơi thử chia sẻ thì gớm nhất trong số đó là con chó máy mặt mèo sẽ làm bạn nhịn đi toilet cả đêm.
Ngoài đồ họa khá nịnh mặt và dung lượng tương đối nhẹ, phù hợp với người dùng điện thoại thì game còn có hai chế độ là story mode cho những bạn thích theo đuổi cốt truyện và Multiplayer cho những ai có người yêu. Còn với những người ế lâu dài, ế bền vững như tôi thì… ờm… con game này chỉ có mỗi chế độ story mode thôi nhé, multiplayer không tồn tại đâu :) đừng hỏi nhiều.
Nếu là một người sợ game kinh dị nhưng lại muốn chơi game kinh dị, bạn có thể thử suy xét đến Witch Cry, một tựa game kinh dị 3D do Keplerians Horror Games phát hành trên cả Android và IOs. Vì là game được gắn mắc 12+ nên cốt truyện của Witch Cry cũng khá là… trẻ con một tí.
Ta sẽ vào vai một cậu bé bị mụ phù thủy bắt cóc, cố gắng tìm cách chạy trốn đến thoát khỏi số phận bị mụ ta ăn thịt bất cứ lúc nào. Nghe quen quen nhỉ? Nếu bạn đang tự hỏi câu đó thì đúng vậy, Witch Cry có vài nét tương đồng với tựa game Granny từng rất nổi tiếng lúc trước, có điều cốt truyện trong tựa game này chi tiết hơn, và đồ họa cũng bớt đáng sợ hơn mà thôi.
Bà phù thủy xấu xí trong Witch Cry |
Ngoài ra, vì Witch Cry là một dạng game giải đố nên trò chơi cũng có kha khá những câu đố hóc búa sẽ làm bạn có cảm giác nhức nhức cái đầu. Nhưng mà yên tâm, đã nói đây là game cho trẻ 12 tuổi trở lên thì đương nhiên câu đố cũng không quá khó, mà nếu bạn không giải được thì… ờ thì thôi. Trò chơi có bố trí cả cơ chế xem quảng cáo để giải đố, nên là không cần phải lo nghỉ game giữa chừng vì không qua màn được nhé.
Cuối cùng, điểm làm tôi đánh giá cao ở Witch Cry là tựa game sở hữu đồ họa khá là… cute so với một game kinh dị. Ai nói hình ảnh bà phù thủy trong game ghê chứ tôi thấy cũng dễ thương, rất giống bà của tôi mỗi khi đòi cạo đầu, bôi vôi thả trôi xong tôi. Nên chơi game bị rượt mà tôi chỉ biết cười như thằng dở người. Thôi thì với hơn 500 nghìn lượt tải trên CHPlay, tôi khuyến khích các bạn tải Witch Cry nếu muốn có những phút giây xả stress hiệu quả nhé.
Tôi biết, nhìn thấy chữ Slender thì 9 trên 10 bạn chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến nhân vật Slenderman da trắng, vest đen, cao to nhưng không đen hôi, và yeah, bạn nghĩ đúng rồi đấy. Slender: The Arrival là tựa game thứ 5 được phát hành dựa trên truyền thuyết về gã Slenderman chuyên bắt cóc trẻ em.
Do Blue Isle Studios phát triển trên nền tảng Windows và OS X từ ngày 26 tháng 3 năm 2013, mới đây nhất, cụ thể là tháng 10 năm 2021, tựa game đã chính thức xuất hiện trên nền tảng di động cho những game thủ đam mê trải nghiệm game nhưng không có PC.
Gã Slender đáng sợ sẽ theo đuổi chúng ta trong Slender: The Arrival |
Nếu trong những game kinh dị khác, nhân vật chính sẽ được trang bị các vật phẩm hữu ích giúp giữ mạng thì trong Slender: The Arrival, người đồng chí thân cận của chúng ta không ai khác chính là… một cây đèn pin. Đúng rồi đấy, bạn không nghe lầm đâu, chúng ta chỉ có một cây đèn pin bình thường và hai cái cẳng khỏe mạnh để thấy Slenderman từ xa và chạy khi bị truy đuổi.
Với bầu không khí tăm tối, nhạc game rùng rợn, đi kèm với đó là ánh sáng lập lòe của chiếc đèn pin, Slender: The Arrival chắc chắn sẽ làm bạn phải kêu cha gọi mẹ trong vài phút trải nghiệm game. Vậy nên, game này dù hay thật, nhưng chống chỉ định cho mấy ông chưa đóng bỉm và có tiền sử sợ ma kinh niên nhé. Chứ lỡ chơi xong tố Mọt tôi nhát ma mấy ông thì tội tôi lắm.
Cái tên tiếp theo là Phantom Knocks của ST & G Studio, một con game sở hữu đồ họa tôi đánh giá là khá đẹp, chỉ tiếc là trên CHPlay game này chỉ có 10 nghìn lượt tải nên chắc không có nhiều bạn biết đến con game này. Tuy vậy đừng xem thường nhé, bởi vì Phantom Knocks từng được mệnh danh là tựa game đáng sợ và gớm nhất trên điện thoại năm 2020 - 2021 đấy.
Khác với Slender: The Arrival ở trên chỉ có soi đèn và chạy, trong Phantom Knocks, bạn sẽ vinh dự được trở thành một thợ săn mà, đặt chân đến một căn nhà bị ma ám. Lúc trước, có một gia đình đã chuyển đến sống ở căn nhà đó, và cô con gái trong gia đình đã nhìn thấy một hồn ma lảng vảng trong căn nhà.
Ma nữ gớm ghiếc của Phantom Knocks |
Tuy nhiên, thay vì bỏ chạy, la hét, hay mách với ông bô bà má, cô con gái lại… quyết định làm bạn với hồn ma và cho nó ở trong nhà mình vô thời hạn, đúng là một con người tốt bụng. Nhưng như mô típ trong phim kinh dị, đứa nào tốt quá đứa đó đi bán muối sớm. Sau khi kết bạn với con ma, cô con gái đã bất tỉnh và không thể tỉnh dậy.
Chính vì lẽ đó nên gia đình của cô gái đã gọi bạn đến để trừ tà. Nhưng khi đặt chân đến đây, bạn sẽ cảm nhận hồn ma này không được thân thiện lắm, bởi vì những gì nó muốn chỉ là nhăm nhe đưa bạn về với ông bà mà thôi. Vậy nên nếu chơi Phantom Knocks bạn sẽ gồng cơ đuýt, thít cơ mông để chống lại những cuộc săn đuổi đến từ hồn ma.
Không thể không khen, tạo hình của chị ma nữ trong game này thì đúng là ối dồi ôi, nhìn mà tôi muốn nhịn cơm tối. Hãy bỏ qua suy nghĩ ma chỉ có thể bò trên sàn và bay trên trời đi, vì ma trong Phantom Knocks có thể bò trên trời và bay trên sàn đấy bạn ạ. Và lí do cuối cùng mà tôi đề cử các bạn tải game này là vì nó miễn phí, hợp lý chưa?
Nếu bạn luôn nghĩ game kinh dị trên điện thoại đồ họa sẽ auto phèn thì bạn chắc chắn sẽ bỏ suy nghĩ đó ngay sau khi trải nghiệm Eleanor’s Stairway của Renato Aruffo Game Studio. Thú thật thì lần đầu trải nghiệm, tôi cảm thấy khá ngạc nhiên với những gì tựa game mang lại. Tại sao ư? Vì nếu đưa những hình ảnh của game lên, bạn chắc chắn sẽ nghĩ đây là một game cho PC chứ không phải mobile, và nó cũng khá nhẹ nữa, theo đánh giá của tôi là thôi.
Câu chuyện trong game được đặt bối cảnh ở hòn nhỏ St. Agnes thuộc vương quốc Anh. Vì một lời bí ẩn nên nơi này đã bị bỏ hoang từ đầu thế kỷ 19, bị xem là vùng đất nguy hiểm nhất và vinh dự được ba đất nước Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cô lập. Đương nhiên trong quá trình này, có không ít người đã vô tình lạc đến nơi này, nhưng không ai sống sót quay về, nên những gì xoay quanh hòn đảo đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.
Ma nữ mà bạn không muốn chạm mặt trong Eleanor’s Stairway |
Hàng trăm năm sau, khi xã hội bắt đầu bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chẳng còn mấy ai tin về lời nguyền quanh quẩn trên hòn đảo nữa. Thế nên họ kéo nhau lên đây sinh sống như chưa hề có cuộc chia ly, đấy là cho đến khi những sự việc kỳ lạ bắt đầu xảy ra, và ta trong vai người chơi, sẽ vô tình bị mắc kẹt trong một nhà thờ, nơi có nữ tu già Eleanor từng sinh sống.
Nghe là thấy lành rồi, nhưng mà lành ít dữ nhiều. Mà không chỉ trong game, ngoài game cũng lành ít dữ nhiều nốt. Tại sao à? Vì lúc trước game này từng mở cài đặt nhưng chỉ là bản demo thôi, và bản demo thì mở từ tận 2019 cơ. Tuy nhận được nhiều lời ủng hộ của game thủ, cơ mà hơn 4 năm rồi tôi chẳng thấy nhà phát hành đá động gì đến con game này, và giờ hình như nó bị gỡ trên CHPlay luôn, nên chắc con game này cũng bị cho vào quên lãng rồi cũng nên.
Cái tên tiếp theo tôi muốn giới thiệu với các bạn là Didi của Ashim Shakya với khoảng 10 nghìn lượt tải trên CHPlay, hơi ít nhỉ? Đồ họa của con game này cũng giống những cái tên ở trên, vẫn khá đẹp và đáng để bạn trải nghiệm, nhưng tôi đánh giá nhà làm game hơi lười nhé, ai đời giới thiệu game mà chỉ cho có một dòng duy nhất rồi bắt game thủ đoán là sao nhỉ? Chắc vì thế nên con game này mới ít người chơi, tại đọc xong thấy giống game 3 xu quá nên thôi, next luôn cho nó lành.
À thì người khác thì người ta nói thế, chứ tôi thì không đâu nha. Bối cảnh của Didi được đặt bên trong một căn nhà trông khá bình thường. Bạn quyết định đi ngủ sau khi cất ổ bánh kem ăn mừng tân gia vào tủ lạnh, và yên tâm, đoạn này không có jumpscare đâu, vì như tôi nói rồi đấy, đây chỉ là một căn nhà bình thường mà thôi.
Con ma khó bao giờ thấy mặc của Didi |
Giờ mới đến đoạn bất thường này. Trò chơi sẽ chỉ thật sự bắt đầu khi bạn lên giường và đánh một giấc sau cả ngày dài. Bạn sẽ thấy một loạt giấc mơ kì lạ, với khung cảnh lướt qua đầu như muốn cuốn phim quay ngược, và khi mở mắt, bạn lại thấy mình đang ở trong tầng hầm của một nơi nào đó. Rồi như bạn nghĩ, đây là lúc bạn sẽ bị hàng loạt những con quái vật không biết ở đâu nhảy ra jumpscare mình.
Về cơ bản thì vì tựa game chỉ mới có bản demo nên ta cũng không có quá nhiều thứ để nói về Didi. Nên tôi chỉ có thể đánh giá game khá ổn, không lag và miễn phí, còn để có nhận xét chính xác thì tôi khuyến nghị các bạn nên tự trải nghiệm nó trên điện thoại của mình nhé.
Nếu những cái tên ở trên nghe có vẻ hơi lạ lẫm thì tôi tin chắc, The Baby in Yellow chắc bạn nào cũng biết, vì con này từng một thời làm mưa làm gió trên di động cơ mà. Ở thời điểm hiện tại, con game này đã có hơn 50 triệu lượt tải trên CHPlay và 4.4 sao trên 452 nghìn lượt đánh giá, một con số rất khủng đúng không nào?
Nhưng bạn biết cái gì khủng hơn không? Đấy là đứa trẻ bạn phải đối mặt trong trò chơi. The Baby in Yellow cho bạn vào vai một người trông trẻ, được mời đến để trông coi một đứa trẻ cực khủng, nhưng mà là khủng khiếp. Hơn cả một đứa trẻ chỉ biết khóc rồi ăn vạ như bao đứa trẻ khác, đứa trẻ bạn phải chăm trong The Baby in Yellow còn có thể bay như chim, dịch chuyển tức thời và tấn công bạn bất cứ lúc nào.
Đứa trẻ siêu "đáng yêu" trong The Baby in Yellow |
Công việc của bạn trong game thì kể ra cũng nhàn, chỉ có cho đứa trẻ ăn, thay tã, dỗ nó ngủ với vượt qua những trò quái chiêu của nó thôi, và bạn biết phần khó nhất của trò chơi nằm ở đâu rồi đấy. Giống như để tăng thêm độ khó, trong game còn chia ra hai chế độ là Normal và Escape. Normal thì chỉ đơn giản là bạn phải hoàn thành nhiệm vụ trong ba đêm trông trẻ của mình, còn Escape thì ác mộng hơn, bạn phải tìm cách chạy khỏi đứa trẻ trước khi nó xiên bạn như xiên thịt nướng.
Cuối cùng thì, độ hay của The Baby in Yellow thì chắc khỏi bàn rồi, nên là tôi không nói gì thêm nữa. Chỉ là, tôi nghĩ với những bạn sợ kinh dị nhưng muốn thử thì các bạn cũng có thể trải nghiệm tựa game này, bởi vì ngoài kinh dị ra thì con này cũng hài lắm bạn tôi ạ.
Nãy giờ chúng ta nói game kinh dị về ma quỷ nhiều rồi, nên giờ hãy cũng chuyển sang kinh dị về zombie nhé. Tuy chỉ mới ra mắt bản demo, nhưng The Fall: Survival vẫn là một cái tên thú vị tôi nghĩ bạn nên trải nghiệm thử nếu có đam mê nô đùa với đám xác sống.
Cá nhân tôi đánh giá là The Fall: Survival không có cốt truyện cụ thể, nó chỉ đơn giản là một chiếc máy bay rơi xuống, lan truyền đại dịch zombie cho mọi người xung quanh, và bạn vào vai một người vô danh tiểu tốt, buộc phải sinh tồn trong thời buổi khó khăn, khi có 1 mét vuông thì có 3 thằng zombie.
Thế giới tăm tối của The Fall |
Thật ra nếu nói về game kinh dị thì tôi nghĩ The Fall: Survival giống một game sinh tồn hơn. Trong trò chơi cũng không có nhiệm vụ, nên bạn có thể tự do khám phá bản đồ và đi dạo xung quanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó sẽ hơi chán với một số bạn không biết nên làm gì trong trò chơi vì… mới vào game tôi cũng chỉ biết cầm súng chạy loanh quanh chứ không làm gì được.
Nhưng nếu bạn thích một con game offline dung lượng nhẹ, phi tuyến tính và tự do khám phá thế giới thì có thể cân nhắc The Fall: Survival. Trước mắt thì tôi đánh giá bản demo của con game này ở mức ổn và đáng trải nghiệm, còn bản hoàn thiện nó thế nào thì phải chờ tương lai mới biết được.
Và cái tên cuối cùng tôi nhắc đến là một cái tên cũng khá nổi tiếng trong thể loại game kinh dị đối đầu với đám quái vật ngoài vũ trụ - Alien: Isolation. Riêng cái tên này thì chắc các bạn sẽ biết đến nó qua Steam nhiều hơn là trên mobile, đúng không? Độ hay của Alien thì miễn bàn, vì chỉ xem đánh giá trên Steam thôi thì con game này đã có đến 37 nghìn đánh giá tích cực rồi, nhưng một game cho PC được đưa lên mobile thì sẽ thế nào nhỉ?
Đầu tiên thì, nếu chơi trên mobile, bạn phải chấp nhận rằng, đồ họa của điện thoại không so được với khi trên PC, đó là chuyện hiển nhiên, không có nhưng. Còn về cơ bản thì từ cốt truyện đến gameplay của con game này đều được giữ nguyên. Có điều, nói thật nhé, setting màn hình chơi trên mobile tôi thấy hơi phèn, nhìn không được sang cho lắm.
Đồ họa kiểu xác mobile nhưng hồn PC |
Một điểm trừ khác của Alien trên mobile là game được bán với giá 10,99 đô la, tức là tầm 270 cá. Trong khi đó, bạn có thể mua game trên PC với giá 119 cá, rẻ hơn gần gấp đôi vì Steam đang giảm giá. Thật ra lúc trước tôi thấy mấy anh em bảo mua có 100 cá trên mobile nhưng được cả bản DLC, nhưng lúc tôi mua thì tới 10 đô lận, chắc do tôi xu, thôi thì anh em muốn chơi thì nhé canh giảm giá nhé.
Còn lại thì… bản mobile không hề lược bỏ bất kỳ cái gì, bản PC có gì là mobile có đó, thậm chí game còn hỗ trợ cả tay cầm nên bạn có thể thỏa sức kết nối với các thiết bị cầm tay khác. Ngoại trừ đôi lúc hơi giật lag và thao tác điều khiển có khi bị lỗi, mà tôi nghĩ cái này là do thiết bị các bạn dùng để chơi game, thì Alien: Isolation có thể xem là đỉnh cao của game kinh dị trên mobile, nên bạn nào muốn thử trải nghiệm siêu phẩm Alien ở một phiên bản nhỏ gọn hơn thì nhớ để dành tiền mua Alien nhé.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn