Cỏ Máu sắp ra mắt: Siêu phẩm game ma miền Tây?

Thứ năm - 04/04/2024 00:04
Bloody Field hay Có Máu là cái tên quá quen thuộc rồi. Nghe đâu game cũng sắp ra mắt rồi nên hãy cùng xem tựa game sắp ra mắt này có gì thú vị nhé.
Mục lục

Phụ Lục

  • Trailer mới Cỏ Máu có thêm nội dung gì?
  • Liệu “Cỏ Máu” có thật sự là “cỏ máu”?
  • Câu chuyện “Cỏ Máu” xoay quanh điều gì?

Nếu là một người thường xuyên theo dõi các studio game Việt Nam, chắc hẳn các bạn cũng biết tin tựa game Cỏ Máu do TEGA Studio phát hành sẽ chính thức ra mắt trong năm nay. Mọt cũng đã có video giới thiệu về game rồi á, bạn có thể xem lại ở đây. Thú thật ban đầu, tôi định chờ đến khi game ra mắt rồi mới làm video chém gió. Có điều nhiều khán giả đề cử nhiệt tình quá thế nên là hôm nay, hãy cùng Mọt tôi phân tích xem, có gì thú vị trong trailer mới nhất của game Cỏ Máu không, cùng xem nha.

Trailer mới Cỏ Máu có thêm nội dung gì?

Trailer mới nhất của Cỏ Máu mở đầu bằng phân cảnh một cô gái mặc bộ bà ba trắng, thất thểu bước trên cánh đồng lúa trong đêm mưa bão. Khung cảnh sau đó chuyển đến một căn nhà gạch, kèm theo giọng một người phụ nữ luống tuổi với câu nói “Con gái lấy chồng như chén nước đổ đi” và “Lấy chồng thì phải theo chồng”.

Tiếp theo, ta sẽ nhìn thấy một cái bàn thờ với di ảnh một cô gái trông còn khá trẻ. Tiếp đó là giọng nói đầy khó chịu của một người đàn ông rằng “đàn bà là nữ sinh ngoại tộc”. Sau đó là khung cảnh bên trong căn nhà, kèm theo những lời dụ dỗ người chồng cưới thêm vợ để có con trai nối dõi tông đường.

Khi những lời miệt thị kết thúc cũng là lúc tiếng la của người phụ nữ vang vọng, nghe có vẻ như cô vừa trải qua đau đớn của việc sinh nở. Tiếng một đứa trẻ khóc ré lên trong trailer như để báo hiệu rằng, cả hai mẹ con đều an toàn vượt qua cửa tử. Tiếp theo đó là hàng loạt khung cảnh quen thuộc của miền Tây như đồng lúa, gò mả, nghĩa trang, cầu khỉ, và miếu hoang ngoài bờ ruộng.

Thiết kế chưa có tên (39).jpg

Cuối cùng là hình ảnh cô gái mặc áo bà ba trắng ngã quỵ giữa cánh đồng, kèm theo tiếng hô “Đừng mình ơi”, tiếng sấm vang lên, một cái đầu khổng lồ bầy nhầy máu thịt xuất hiện trước mặt người con gái, và trailer kết thúc tại đây.

Liệu “Cỏ Máu” có thật sự là “cỏ máu”?

Rồi, đó là tóm tắt sơ lược trailer mới nhất của Cỏ Máu cho những bạn chưa có dịp thẩm thử trailer, giờ thì ta sẽ vào phần phân tích, mổ xẻ và chém gió. Và nếu bạn từng xem video Review Cỏ Máu tôi từng làm một năm trước thì… quên hết những gì tôi từng nói đi nhé. Bởi vì trong video hôm nay, tôi sẽ đưa bạn đến với một giả thuyết hoàn toàn mới.

Nhưng trước khi nói tiếp thì tôi sẽ nhắc sơ lại một vài chi tiết đã xuất hiện trong demo. Ta sẽ vào svai một chàng thanh niên thành phố tên Minh, và theo bài đăng mới nhất của TEGA Studio thì Minh đã chứng kiến cái chết oan của chị gái và sự ra đi của anh rể tên Nam. Thế nên anh đã đến nhà của anh chị để tìm hiểu nguyên nhân thật sự về cái chết của chị mình.

Thông qua những lá thư trong nhà, ta sẽ thấy anh rể của Minh - tức là Nam, có vẻ rất yêu thương người vợ đang mang thai. Cả hai vợ chồng đang ngóng trông đứa con sắp chào đời là con trai, thậm chí còn uống thuốc do một thầy tên Tứ dạy để cầu được ước thấy. Đó là toàn bộ những chi tiết tôi nghĩ bạn cần biết trước khi ta bắt đầu phân tích trailer ngày hôm nay.

Thiết kế chưa có tên (40).jpg

Đầu tiên, và cũng là chi tiết mà tôi nghĩ nhiều người hay nhầm lẫn nhất là tên trò chơi. Chúng ta đều nghĩ, “cỏ máu” là tên một vị thuốc, và nó có liên quan đến cốt truyện của tựa game. Trên thực tế, đúng là có một vị thuốc gọi là “cỏ máu”, hay đọc sang mồm hơn là “kê huyết đằng”, nhưng nó không liên quan gì với tên game cả.

Chi tiết để củng cố cho lập luận này của tôi là trong phần demo, có một phân đoạn ta sẽ ra vườn hái lá thuốc. Kết hợp nó với lá thư của người chồng tên Nam gửi cho vợ, ta biết rằng lá thuốc ấy có công dụng giúp sinh con trai, và chúng ta đều ngộ nhận rằng, tên của cây thuốc đó là “cỏ máu”, trùng với tên của trò chơi.

Trong dược điển Việt Nam có viết, cỏ máu giúp bổ máu, chữa đau nhức xương khớp, phong thấp, tụ máu, và đương nhiên là chẳng có dòng nào nhắc về khả năng tăng tỉ lệ sinh con trai cả. Ừ thì, có thể quan niệm “sinh được con trai nhờ cỏ máu” trong trò chơi là do mê tín, nhưng chúng ta đều quên một điều.

Khi dùng cây cỏ máu làm thuốc, người ta chỉ dùng phần thân, còn cành lá thì bị chặt hết. Đây có thể xem là kiến thức căn bản của người hành nghề y, và bạn cũng có thể dễ dàng tìm được thông tin này trên mạng, nhưng trong game, bài thuốc lại bảo nấu lá để uống, tôi không nghĩ TEGA Studio sẽ phạm sai lầm như thế. Đó là chưa kể đến, lá của cây “cỏ máu” trong tự nhiên là lá kép, còn lá thuốc trong trò chơi là lá đơn, mà làm game thì phải tham khảo từ hình mẫu thực tế, nên càng khó có khả năng cây thuốc trong trò chơi là cây “cỏ máu” chúng ta biết.

Thiết kế chưa có tên (41).jpg

Thêm một chi tiết củng cố cho luận điểm này là tên tiếng anh của trò chơi - Blood Field. Dù trình độ tiếng anh của tôi nằm dưới đáy xã hội, nhưng tôi cũng biết chữ Blood Field dịch ra là “đồng cỏ máu”, đúng nhận sai cãi. Vậy nên, ý nghĩa thật sự của cái tên “Cỏ Máu” thật ra là “Đồng cỏ nhuốm màu”, “Cánh đồng đẫm máu”, ứng với hình ảnh người con gái mặc áo bà ba đứng giữa cánh đồng lúa đã xuất hiện trong trailer.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi phủ định hoàn toàn giả thuyết cây thuốc “cỏ máu” xuất hiện trong trò chơi. Bởi vì phong ba bão táp cũng không bằng ngữ pháp Việt Nam, lỡ đâu TEGA Studio chơi chữ bao hàm cả hai nghĩa và không chú ý các chi tiết tôi kể trên thì sao? Đó là chưa nói đến, dược điển có viết, phụ nữ mang thai không nên dùng cỏ máu vì dễ động thai.

Đương nhiên, tôi không đặt niềm tin vào giả thuyết cỏ máu là cây thuốc người vợ uống lắm. Vì trong phần demo, ta biết rằng người vợ phải sắc thuốc này uống mỗi ngày, nhưng trong trailer, ta lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc, nghĩa là người vợ đã vượt cạn thành công. Uống thuốc kiểu đó mà cả mẹ lẫn bé đều an toàn đến ngày sinh, thì ông bà tổ tiên hai nhà nội ngoại xứng đáng nhận giải “cột sống vàng”, chứ ai mà độ nổi.

Câu chuyện “Cỏ Máu” xoay quanh điều gì?

Tôi nghĩ không cần tôi nói, các bạn xem trailer cũng biết tựa game này xoay quanh một vấn đề là “Trọng nam khinh nữ”. Câu chuyện “nam thương nữ bỏ” gần như là chủ đề muôn thuở của những gia đình xưa, người ta cho rằng, sinh con trai để có người nối dõi tông đường, hương khói cho ông bà về sau. Còn con gái thì nuôi lớn sau này cũng về nhà chồng, không có quan hệ với nhà mẹ đẻ, nên cứ bảo “con gái là nữ sinh ngoại tộc”.

Thiết kế chưa có tên (42).jpg

Ở quê hồi đó thì chuyện này cũng không hiếm, các gia đình đều cố đẻ cho được một cậu quý tử, bởi thế mà có nhiều gia đình thời xưa phải tới 10, 12 người con là ít. Người vợ nào không đẻ được con trai thì bị gia đình chồng dè bỉu, bảo là không biết đẻ. Nhưng vụ trai gái là do các ông các anh quyết định chứ các bà các cô có cho được gen Y méo đâu.

Mà, một vợ một chồng cố đẻ cậu con trai thì còn đỡ, chứ trong trailer, ta sẽ nghe những người khác khuyên người chồng cưới hẳn vợ lẻ để có một cậu con trai. Nghe có khác gì cầu con hệ tâm linh không? Chẵn không trúng thì lẻ trúng à?

Nếu TEGA Studio vẫn giữ nguyên cốt truyện của bản demo được tung ra trước đó, thì thông qua những lá thư trong demo, ta có thể thấy người chồng tên Nam rất thương vợ mình, thậm chí khi biết vợ mang thai, anh còn chăm sóc vợ hơn gấp bội. Nhưng vì bối cảnh trò chơi là năm 1983 nên tôi nghĩ thời đó gia đình này cũng chưa dư dả đến mức đi siêu âm, nên chị vợ mang thai con trai hay con gái còn chưa chắc được.

Xâu chuỗi với câu “nữ sinh ngoại tộc” kèm với tiếng khóc của đứa trẻ trong trailer, tôi đoán rằng có thể người vợ đã hạ sinh thành công, nhưng đứa trẻ lại là con gái chứ không phải con trai. Anh Nam ban đầu yêu thương vợ vì nghĩ vợ sẽ sinh con trai, nhưng khi phát hiện là con gái thì bắt đầu lật mặt.

Thiết kế chưa có tên (43).jpg

Đó là chưa kể đến những lời đàm tiếu của họ hàng xung quanh, tôi nghe trong trailer thôi tôi còn ngứa tai chứ nói gì đến ngoài đời thật? Có thể những lời đó đã kích thích máu liều trong người anh Nam, thế là anh ta đã giao đứa con gái cho thầy Tứ để thực hiện nghi lễ nhằm kiếm đứa con trai, bằng chứng là câu “đừng mà mình ơi” người vợ thốt lại ở cuối video. Đây đồng thời cũng là lí do giải thích cho các nghi lễ được nhà phát hành spoil trên facebook.

Nhưng, mọi chuyện đâu có đơn giản như thế? Ở cuối đoạn trailer, ta thấy cảnh người vợ mặc áo bà ba quỳ rạp trước một cái đầu khổng lồ. Nó làm tôi liên tưởng đến một trong những loài ma quỷ nổi tiếng nhất ở miền Tây - Ma Lai. Có khả năng, tên thầy Tứ đã dùng đứa con gái để luyện Ma Lai, bởi thế nên mới có cảnh người vợ quỳ sụp trước cái đầu, như hình ảnh người mẹ đau khổ khi đối diện với con mình.

Nhưng cũng có khả năng, tên thầy Tứ đã dùng con của hai vợ chồng để luyện quỷ linh nhi, còn người mẹ thì bị ông ta chơi ngải, và cây thuốc được trồng trong vườn để cho người vợ uống thật ra là ngải chứ chẳng phải thuốc giúp sinh con trai gì sất.

Có khả năng, sau khi bị chơi ngải, người vợ đã biến thành Ma Lai, và sự oán hận vì mất con đã làm cô ta sát hại chồng mình rồi trở thành hồn ma vất vưởng. Nhưng vết thương do ma quỷ gây ra thì khác với người, bởi thế nên trong tờ báo ở phần demo, cảnh sát mới công bố người chồng tự kết liễu mạng sống sau khi sát hại vợ mình, nhưng trong bài đăng của TEGA Studio thì lại ghi là “người chồng ra đi đột ngột”.

Thiết kế chưa có tên (44).jpg

Nhưng, có một điểm làm Mọt tôi thấy lấn cấn là chi tiết ma nữ kêu “tôi chết oan quá” ở cuối phần demo. Nên để giả thuyết hợp lý hơn, tôi sẽ thay đổi một chút là người chồng sau khi biết vợ sinh con gái thì buồn bực muốn cưới thêm vợ khác. Nhưng vì để bản thân trông không giống một gã tệ bạc, anh ta đã cấu kết với thầy Tứ hại vợ mình.

Lá thuốc người vợ uống lúc mang thai thì bình thường, nhưng sau đó, cô ấy có lẽ đã bị người chồng và thầy Tứ gài mất mạng oan. Và vì không chấp nhận mình đã ra đi, cô hiện hồn về đòi mạng người chồng, thế là gây ra vụ án oan nổi tiếng khắp vùng quê nghèo.

Bên cạnh giả thuyết đó thì cũng có giả thuyết khác là người vợ bị thầy Tứ cho uống thuốc trục thai nên bị sảy, đứa con biến thành quỷ và ám lấy hai vợ chồng tội nghiệp. Lý do gã thầy cúng làm thế có thể vì lão muốn lấy đứa trẻ về luyện bùa ngải, nhưng tôi thấy giả thuyết này không được khả quan lắm. Vì như tôi đã nói, trong trailer có tiếng trẻ con khóc lớn sau khi tiếng gào của người mẹ chấm dứt, nó làm tôi liên tưởng đến cảnh người mẹ lâm bồn thành công hơn là thất bại.

Tuy nhiên, ta còn có một giả thuyết thứ 3, ấy là người chồng hoàn toàn vô tội trong chuyện này. Thông qua các lá thư, ta biết rằng người chồng phải đi làm xa, nên có lẽ vào lúc người vợ lâm bồn, anh không có ở nhà. Cha mẹ chồng thấy con dâu sinh con gái thì mặt nặng mày nhẹ muốn bỏ cháu, rồi gây ra một loạt bi kịch như trên. Nhưng đó chỉ là ý kiến chủ quan của tôi thôi, còn bạn có giả thuyết nào khác không? Hãy để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận nhé.

Thiết kế chưa có tên (45).jpg

Thật ra, tôi thấy có vài bạn nói rằng Cỏ Máu dựa trên sự kiện có thật, nhưng cá nhân tôi ở miền Tây thì ngoài vụ án Thiên Linh Cái ra, gần như chẳng có vụ án nào nghe từa tựa “Cỏ Máu” cả. Nên, bạn nào nhớ ra có vụ án nào từa tựa những gì tôi kể ở trên thì hãy cho tôi biết với.

Và đó cũng là kết thúc cho video chém gió trailer Cỏ Máu ngày hôm nay, nếu thấy thích video thì hãy để lại bình luận bên dưới, nhấn vào nút đăng ký và nút thông báo để ủng hộ Mọt tôi ra thêm nhiều video khác nhé. Giờ thì xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau, bye bye~

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn