Phụ Lục
Trước hết cần xác định việc chúng ta bỏ tiền cho trò chơi điện tử luôn là điều cần thiết. Nó cho phép các hãng có doanh thu để đầu tư tiếp vào các dự án chất lượng tiếp theo. Bên cạnh đó, khi bỏ tiền ra, chúng ta cũng biết quý trọng trò chơi đó hơn, và sẽ có thêm động lực để trải nghiệm hoàn chỉnh những gì nhà phát triển đem lại.
Tuy nhiên, về phía các hãng game, họ cũng không thể thấy cộng đồng game thủ chịu chi mà có những cách làm tiền quá sức tưởng tượng được. Tôi lấy ví dụ về trò chơi Diablo Immortal vừa qua yêu cầu game thủ bỏ tới cả chục tỷ đồng chỉ để nâng cấp đồ. Game thủ chúng ta sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền cho một tựa game, nhưng chỉ khi sản phẩm đó đem lại giá trị xứng đáng với số tiền đó mà thôi.
Vậy đâu là giá trị của một trò chơi điện tử có thể khiến người hâm mộ sẵn sàng móc hầu bao mà không cần một phút đắn đo suy nghĩ?
Đã từng có khoảng thời gian cộng đồng game thủ cho rằng việc bỏ tiền ra mua những trò chơi thiên về cốt truyện là khá phí tiền. Lý do bởi đa phần các game dạng này không mang lại giá trị chơi lại nhiều. Diễn biến câu chuyện lại đi theo mạch có sẵn nên sau khoảng vài chục tiếng, game sẽ bị xếp ngay lại một xó.
Tuy nhiên, trải qua 2 thập kỷ, chúng ta đã thấy các game singleplayer phát triển cốt truyện tới nhường nào. Giờ đây, trò chơi điện tử không hẳn chỉ mang tính chất giải trí, mà nó còn trở thành bộ môn nghệ thuật truyền tải rất nhiều mặt của xã hội đời thực.
Bên cạnh đó, xu thế hiện giờ là đưa thêm vào yếu tố thế giới mở. Điều này giúp cho người chơi có thể tiếp cận cốt truyện theo cách tự do hơn. Nhiều câu chuyện của các nhân vật phụ, NPC cũng được đầu tư hơn trước. Vậy nên việc bỏ ra 60 USD cho một trò chơi thiên về cốt truyện là quá xứng đáng. Giá trị chơi lại của các game singleplayer hiện nay đã được nâng cao hơn, giúp cho người chơi có thể trải nghiệm trong một thời gian dài.
Một trò chơi nếu không thiên về cốt truyện chắc chắn sẽ phải đầu tư vào chất lượng của gameplay. Không phải game thủ nào cũng muốn dành thời gian để ngồi cảm thụ cốt truyện, hay đơn giản là ngồi xem các đoạn cutscene. Nhiều người muốn trải nghiệm một tựa game với nhịp game nhanh, dồn dập, được thi đấu cùng với bạn bè hay các game thủ khác trên toàn thế giới. Đó chính là các game thuộc thể loại MOBA hay game bắn súng.
Niềm vui khi chơi cùng bạn bè là điều chắc chắn khi bạn lựa chọn xuống tiền đầu tư hay dành nhiều thời cho tựa game đó. Tuy nhiên, những trò chơi này nếu muốn đem lại sự vui vẻ thì không thể để tiền làm ảnh hưởng đến chất lượng của những ván đấu. Đó là lý do vì sao nhiều người lại cực ghét việc “sơn súng tăng damage”, nhưng lại sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền ra chỉ để làm đẹp.
Ngoài ra, nếu trò chơi đó cũng mang lại lợi nhuận cho game thủ từ các giao dịch microtransaction nữa thì càng tốt. Đây chính là yếu tố giúp người chơi sẵn sàng bỏ nhiều tiền đầu tư hơn, cũng như có thể gắn bó với nó trong một thời gian rất dài.
Với cá nhân tôi thì một trò chơi có độ khó quá cao không phải là thứ tôi tìm kiếm. Nhưng đây lại chính là sở thích của một bộ phận game thủ. Nhiều người sẵn sàng chi tiền không tiếc để mua những game có thể khiến mình ức chế. Dĩ nhiên một trò chơi có độ khó cao thì bắt buộc các cơ chế gameplay phải được thiết kế rất chặt chẽ. Với thể loại game “khổ râm” này, chỉ một lỗi nhỏ trong gameplay thôi cũng khiến người chơi muốn hoàn tiền ngay lập tức.
New Game Plus (NG+) chính là giá trị chơi lại của các trò chơi như vậy. Tôi biết có nhiều người dường như sinh ra để phá đảo các độ khó. Chế độ NG+ sẽ giúp người chơi luôn cảm thấy thách thức khi độ khó lúc này là không có giới hạn. Tiếp đó, NG+ còn cho phép người chơi có thêm động lực và thời gian khám phá toàn bộ những chi tiết nhỏ mà họ chưa thể làm trong lần chơi đầu tiên.
Với các trò chơi thông thường không có NG+, bạn vẫn có thể quay lại để khám phá tiếp những gì còn dang dở. Tuy nhiên, việc độ khó không được mở rộng thêm sẽ khiến người chơi cảm thấy rất nhanh chán. Việc độ khó được nâng cao trong NG+ sẽ khiến người chơi luôn thấy mới mẻ. Từ đó, họ sẽ không bao giờ thấy chán khi đã quyết định bỏ tiền ra cho trò chơi điện tử như vậy.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm game, các trò chơi đã trở nên đẹp hơn rất nhiều. Hầu hết các game đều được làm với nền tảng đồ họa rất chân thực. Do đó, đây không còn là yếu tố khiến người hâm mộ muốn xuống tiền cho một tựa game nữa.
Điều này hoàn toàn khác với nhiều năm trước, một trò chơi đẹp tới ngỡ ngàng là thứ khiến chúng ta tò mò muốn bỏ tiền ra mua để chiêm ngưỡng. Mặc dù gameplay có thể không quá chăm chút nhưng đồ họa đẹp vẫn còn có thể vớt vát lại được phần nào. Nhưng khi game thủ đã quá quen với các hình ảnh đẹp mắt, một trò chơi có lối chơi hấp dẫn, cốt truyện đáng nhớ mới là thứ ảnh hưởng tới quyết định móc hầu bao.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tôi thấy câu này vẫn luôn luôn đúng. Đó cũng là lý do vì sao một số trò chơi có kinh phí sản xuất thấp, nhưng lại rất được chú ý. Bởi lẽ nhà phát triển họ biết cách xây dựng cơ chế chơi đánh trúng vào thị hiếu của thị trường. Một trò chơi đẹp thì sẽ bị lãng quên chỉ sau vài chục tiếng đồng hồ, nhưng một trò chơi có chất lượng về nội dung và gameplay chắc chắn sẽ còn được nhớ rất lâu về sau.
Vậy với bạn đọc, đâu là lý do để bạn sẵn sàng mua hay dâng hiến hầu bao cho một trò chơi điện tử?
Theo dõi để đón đọc những thông tin mới nhất về game nhé!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn