Phụ Lục
Về cơ bản YASO curse of soirée, từ đây xin gọi là YASO cho nó gọn nha, là một tựa game giả lập do ItimatuSeika phát hành vào ngày 8 tháng 7 năm 2022. Trò chơi lấy bối cảnh tại một ngôi biệt thự được xây dựng vào những năm 1900 thời kỳ Minh Trị và mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây. Dù sở hữu đồ họa 3D đơn giản với thời lượng chơi tầm 1 tiếng đổ lại, nhưng những gì tôi cảm nhận trong 1 tiếng đó thật sự… ừm, khá là điên rồ. Câu chuyện cụ thể trong YASO ra sao thì ngay bây giờ, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu nha.
Mở đầu của YASO, bạn sẽ thấy một cô gái mặc trang phục phương Tây tên Kirima Shoka đang đứng giữa sảnh của một biệt thự rộng lớn. Sau đó, góc máy dần thay đổi, bạn chuyển sang vai Shoka và trò chơi cũng thay đổi thành góc nhìn thứ nhất. Lúc này, bạn sẽ nghe thấy Shoka nói về việc rời khỏi ngôi biệt thự và dưới chân cô xuất hiện một cái xác không nhìn rõ gương mặt.
Shoka bước qua cái xác đi đến cánh cửa, nhưng chợt nhận ra mình đã đánh rơi lá bùa may mắn hình con hạc giấy ở đâu đó trong biệt thự. Không thể rời khỏi nơi này mà không có con hạc giấy, Shoka bắt đầu đi vào từng căn phòng để tìm nó. Lúc này, ta sẽ điều khiển Shoka đập vỡ những bình hoa trong biệt thự và tìm kiếm những chiếc chìa khóa để mở cửa từng căn phòng một. Thi thoảng ta sẽ nhận được những mẩu giấy hướng dẫn trò chơi và nghe Shoka độc thoại với chính mình.
Khi đặt chân vào một căn phòng kiểu Nhật Bản, ta sẽ thấy bóng một người đàn ông in lên vách cửa kéo. Người đàn ông có vẻ không khỏe lắm và nói bằng một giọng thều thào, rằng anh ta cứ nghĩ mình đã chết nhưng những con hạc giấy mà Shoka tặng đã giúp anh sống đến hiện tại, anh rất vui khi được làm bạn với cô, nhưng cũng xin cô đừng đến tìm anh nữa rồi biến mất.
Sau khi hình bóng người đàn ông biến mất, khung cảnh căn biệt thự đột nhiên biến thành màu đỏ với những vết bàn tay nhuốm máu xuất hiện trên cửa sổ. Lúc này, việc di chuyển trong căn biệt thự sẽ khó hơn vì hồn ma một người đàn ông đột nhiên xuất hiện, mỗi khi nhìn thấy Shoka, hồn ma đó sẽ lao đến tấn công cô.
Nếu đi tiếp đến phòng chơi bida, một cái đầu phụ nữ Nhật Bản sẽ xuất hiện và rủ Shoka chơi trò dùng xiên để chọc qua hàng loạt chiếc đầu. Sau khi chiến thắng trò chơi kinh dị đó, Shoka có thể đi ra khu vườn bên ngoài và nhặt một cây kéo được giấu bên trong ngôi đền nhỏ. Nếu tiếp tục đi, Shoka sẽ nghe thấy tiếng đàn piano phát ra từ một căn phòng bên trong biệt thự, và một người đàn ông đang vẫy tay với cô ở phía cây cầu.
Khi điều khiển Shoka đi đến gần cây cầu, cái đầu người khổng lồ sẽ xuất hiện và đuổi theo cô gái. Cách duy nhất để thoát khỏi cái đầu là trốn vào một chiếc thuyền lớn ở cạnh hồ. Sau khi chui ra khỏi con thuyền, khung cảnh của căn biệt thự sẽ thay đổi thành cảnh thành phố đang gặp ngập trong nước.
Tiếp tục bơi giữa khu phố, Shoka sẽ thấy một đám rước lướt qua ở phía xa. Một người phụ nữ trong trang phục truyền thống của Nhật Bản xuất hiện và nói rằng muốn nhân vật chính giữ một con hạc giấy như món quà tưởng nhớ đến một người bạn đã mất. Sau khi nói xong, gương mặt của người phụ nữ trở nên vặn vẹo rồi biến mất.
Hành trình chỉ tiếp tục khi Shoka dùng kéo đâm vào cái đầu khổng lồ và đến được cổng của ngôi đền. Sau khi đi qua cổng, Shoka sẽ quay về căn biệt thự, nhưng nó đã cũ kỹ hơn trước rất nhiều. Tiếp tục đi quanh biệt thự, Shoka sẽ đến được một căn phòng sang trọng có chiếc đàn piano ở giữa, lúc này cô sẽ ngồi xuống và chơi đàn.
Một cô gái cầm đàn violin, mặc bộ kimono rực rỡ, nửa thân dưới là đuôi rắn sẽ xuất hiện bên cạnh nhân vật chính và hòa tấu cùng cô. Giờ nhiệm vụ của bạn là phải tránh các chướng ngại vật để màn trình diễn được suôn sẻ.
Sau khi màn trình diễn kết thúc, cô gái có đuôi rắn sẽ biến mất, và Shoka sẽ tìm thấy con hạc giấy may mắn của cô nằm trên sàn. Cô nhặt con hạc lên rồi quay trở lại cánh cổng đền, nơi cái đầu khổng lồ đã chờ sẵn. Sau khi rút cây kéo trên cái đầu ra, khung cảnh xung quanh Shoka sẽ đột nhiên sụp đổ.
Trong bóng tối, cô thấy một chàng trai thả dây xuống hố kéo cô lên. Nếu không lên leo lên, Shoka sẽ bị kẹt dưới bóng tối mãi mãi. Còn nếu leo lên, chàng trai mặc trang phục truyền thống Nhật Bản sẽ mỉm cười chào cô rồi hướng dẫn Shoka cách rời khỏi nơi này.
Cứ đi thẳng theo hướng chàng trai chỉ dẫn, ta sẽ nhìn thấy một chiếc đàn piano nằm sau cổng đền. Shoka ngồi vào chơi đàn giữa cánh đồng hoa bỉ ngạn, tự nhủ rằng việc ngồi chơi piano cả đời ở một nơi thế này cũng không tệ lắm, và trò chơi YASO kết thúc tại đây.
Trong một kết thúc khác, nếu Shoka không lựa chọn ngồi vào chơi đàn mà quay lại nhặt cây kéo và xé rách con hạc giấy, cô sẽ quay lại con đường cũ, cầm kéo cắt đứt những sợi chỉ đỏ cản đường. Khung cảnh hai bên đường sẽ dần tan biến, cuối cùng, Shoka đứng ở điểm xuất phát của trò chơi và nhảy khỏi cửa sổ. Trò chơi kết thúc với cảnh một người phụ nữ già yếu ngồi trước khung cửa sổ, tâm sự rằng chỉ bản thân bà mới có thể trả hết những tội lỗi mà mình gây ra, và trò chơi cũng kết thúc tại đây.
Sau khi trải nghiệm xong trò chơi, chắc chắn các bạn sẽ tự hỏi, rốt cuộc câu chuyện ẩn sau những khung cảnh điên rồ này là gì? Vậy thì ngay bây giờ, tôi sẽ cùng các bạn phân tích và làm rõ ẩn ý đằng sau các hình ảnh trong trò chơi YASO nhé.
Dựa vào những gì diễn ra trong suốt quá trình chơi YASO, tôi sẽ tạm giả thuyết đây là câu chuyện về một người phụ nữ bị lạc lối trong thế giới linh hồn. Lý do của giả thuyết này nằm ở chỗ, ta có thể thấy rất nhiều hình tượng yêu quái trong văn hóa Nhật Bản xuất hiện trong trò chơi.
Đầu tiên là hình ảnh cái đầu người phụ nữ xuất hiện trong phòng chơi bida. Hình ảnh này khá giống với yêu quái Nukekubi có khả năng tách đầu ra khỏi cơ thể. Tiếp theo là cái đầu khổng lồ xuất hiện trong vườn và đuổi theo nhân vật chính có tạo hình khá giống với yêu quái Tsurube Otoshi. Cuối cùng là người phụ nữ thân rắn chơi đàn cùng nhân vật chính cũng được xem là một dạng khác của yêu quái Nure-Onna trong thần thoại Nhật Bản.
Ngoài ra khi nhân vật chính lang thang giữa khu phố bị ngập nước, ta cũng có thể thấy một chiếc xe kéo giống hệt yêu quái Oboroguruma đi lại trên đường.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nhân vật chính lại ở thế giới linh hồn? Có thể cô ấy đã chết và linh hồn bị giam giữ tại nơi này do mắc một tội lỗi nào đó, mà theo tôi nghĩ thì đó là tội giết người. Để lý giải cho điều này, ta hãy quay lại cảnh ở đầu trò chơi, nếu nhìn kỹ có thể thấy dưới chân của Shoka lúc này là xác một người đàn ông.
Ngay từ khi trò chơi bắt đầu, Shoka đã đứng ở đó, thậm chí còn bình thản tự độc thoại một mình nên không thể có chuyện cô chỉ tình cờ đi ngang qua và gặp cái xác được, vậy nên chỉ có thể giải thích chính Shoka đã giết người đàn ông.
Thế người đàn ông đó là ai? Và tại sao Shoka lại giết ông ta? Đầu tiên, ta hãy nhìn lại hồn ma người đàn ông truy đuổi Shoka ở đầu trò chơi. Khả năng cao hồn ma này chính là chồng của Shoka, cũng chính là người vừa bị cô giết.
Qua những dòng tâm sự của Shoka trong suốt trò chơi, ta có thể thấy chồng cô là một người đàn ông gia trưởng, bạo lực và hay đánh đập vợ mình. Ông ta không cho Shoka chơi piano và thường nhục mạ cô bằng những lời lẽ vô cùng thô tục. Có lẽ chính vì điều đó mà Shoka đã ra tay sát hại chồng mình và bị giam giữ linh hồn dưới địa ngục.
Diễn biến tiếp tục trong YASO, về phần hình bóng của người đàn ông ốm yếu trên vách cửa kéo và người đã thả dây cứu Shoka ở cuối game, tôi nghĩ anh ta có thể là người yêu, hoặc chồng trước của Shoka. Chúng ta thấy anh ta và Shoka rất yêu thương nhau thông qua chi tiết cô xếp hơn 1000 con hạc giấy để cầu chúc cho anh khỏe mạnh, thế nhưng cuối cùng anh ta không thể chống lại bệnh tật và qua đời. Hình ảnh đám rước mà ta thấy ở phía xa thật ra chính là cảnh đám tang của chàng trai xấu số đó.
Bằng chứng là bộ quần áo mà người phụ nữ nói chuyện với Shoka đang mặc rất giống trang phục thường thấy trong các đám tang. Ở đoạn này trong phiên bản tiếng Anh thì người phụ nữ gọi người đã chết là “cô ấy”, nhưng khi đối chiếu với bản tiếng Nhật cùng những dữ kiện trong game, ta có thể thấy người phụ nữ đang nhắc đến chàng trai là tình cũ của Shoka. Như vậy người phụ nữ có thể là mẹ của chàng trai kia.
Vì thương cảm cho Shoka, người mẹ đã tặng lại cô một con hạc giấy mà Shoka đã xếp cho con trai bà làm kỷ niệm. Đó cũng chính là lý do vì sao Shoka lại cất công đi tìm con hạc giấy bị mất trong suốt cả trò chơi. Đồng thời bà ta cũng hy vọng Shoka có thể đi bước nữa, chứ không cần mãi dằn vặt vì cái chết của con trai bà. Thông tin này cũng giải thích tại sao tôi lại cho rằng chàng trai đó là người yêu cũ chứ không phải người tình hiện tại của Shoka.
Sau đó Shoka lấy chồng và chuyển về biệt thự sinh sống. Tuy nhiên, cô thường xuyên bị chồng bạo hành nên đã giết chết hắn ta. Có hai chi tiết khá thú vị mà nhà sản xuất game đã cài cắm chính là cảnh Shoka đứng trong sảnh ở đầu trò chơi và hình tượng chiếc bình hoa. Đầu tiên, ở cảnh Shoka đứng trong sảnh, nếu nhìn ra phía sau ta sẽ thấy ba bức tranh kính là hình hoa bìm bịp, hoa anh túc và hoa tử đằng. Cả ba loài hoa này đều tượng trưng cho tình yêu sâu sắc, chung thủy và vĩnh cửu.
Điều này ngụ ý cho việc dù đã lấy chồng, Shoka vẫn còn yêu da diết người tình cũ, có lẽ chính vì vậy mà chồng Shoka mới bạo hành cô. Về hình ảnh bình hoa được đặt khắp nơi trong căn biệt thự, nó tượng trưng cho việc Shoka phải che giấu tình cảm của mình dành cho người yêu đã mất để tránh sự bạo hành của chồng. Hành động đập vỡ các bình hoa của Shoka như thể ngầm tuyên bố từ nay cô đã được giải thoát khỏi gã chồng bạo hành và không cần che giấu cảm xúc của mình nữa.
Cuối cùng tôi sẽ giải thích thêm về ba cái kết trong YASO. Ở đoạn kết đầu tiên có tên Kurayami tức Bóng Tối, nó chỉ xảy ra khi Shoka không nắm lấy sợi dây do người yêu cũ của cô thả xuống. Có thể hiểu nôm na rằng ở cái kết này, Shoka đã quyết định buông xuôi tất cả và không muốn cố gắng thoát khỏi địa ngục đang giam giữ linh hồn của mình nữa.
Đoạn kết thứ hai của YASO có tên là Yomi ám chỉ thế giới của người chết. Trong đoạn kết này, Shoka ngồi xuống cây đàn piano và trở thành một yêu quái ở vùng đất linh hồn. Hành động này tượng trưng cho việc Shoka không nhận thức được tội ác giết chồng của mình nên bị trừng phạt phải trở thành yêu quái để chơi đàn cả đời ở địa ngục và trả giá cho tội lỗi đó. Ngoài ra cái kết này cũng có thể tượng trưng cho việc sau khi giết chồng, Shoka đã tự sát để chạy tội và trở thành một yêu quái ở nơi này.
Đoạn kết thứ ba và cũng là đoạn kết cuối cùng của YASO tên là Jigoku hay Địa Ngục. Hình ảnh bà cụ ngồi trước cửa sổ chính là hình ảnh của Shoka khi về già. Hình ảnh bà lão lẩm bẩm lời thú tội tượng trưng cho việc Shoka đã tự thú sau khi giết chồng. Câu nói “trở thành một yêu quái chơi đàn ở thế giới bên kia cũng không tệ lắm” có lẽ ám chỉ việc sau khi chết, linh hồn của Shoka sẽ trở thành một yêu quái. Nhưng khác với cái kết thứ hai bởi lần này Shoka chủ động thú tội và có thể thanh thản vì đã chuộc lại mọi lỗi lầm của mình.
Và đó cũng là kết thúc cho các phân tích của Mọt về tựa game YASO curse of soirée, các bạn thấy thế nào về những phân tích trên? Lưu ý đây chỉ là giả thuyết dựa trên góc nhìn cá nhân của tôi nên nó cũng có thể đúng hoặc chưa chính xác nhé. Còn bây giờ thì tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết khác.
Cùng theo dõi để không bỏ lỡ thông tin hot về game nào!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn