Phụ Lục
Xin chào các bạn và đây là chuyên mục Top Game của Mọt. Chủ đề hôm nay sẽ bàn về artificial intelligence hay AI. Về cơ bản thì AI hay trí thông minh nhân tạo từ lâu đã được các nhà sản xuất game ứng dụng để phục vụ người chơi trên nhiều khía cạnh. Đặc biệt là với các game thủ khoái chơi game offline một mình thì AI càng quan trọng khi nó chính là kẻ đóng vai trò đối thủ xứng tầm để bạn chiến đấu. Cũng từ đó trí thông minh nhân tạo được các hãng game xây dựng và phát triển thành những thứ vô cùng lợi hại.
Nhưng lợi hại nhất là cách họ ẩn giấu chúng phía sau để bạn không thể nhận ra. Để rồi một ngày đẹp trời bạn chợt nhận ra rằng những điều ảo diệu trong game chính là sự vận hành của AI, một trí thông minh của thế giới ảo. Con AI đó thông minh, hiểu bạn hơn chính bản thân bạn. Nó biết cách dẫn dắt thao túng tâm trí và hành động của bạn để tạo ra một trò chơi thỏa mãn nhất trong mọi trường hợp. Bạn cảm thấy thật rùng rợn như có một kẻ khuất mặt rất lợi hại đang đồng hành cùng mình trong cuộc phiêu lưu đó. Ai từng chơi Doki Doki Literature Club! chắc sẽ hiểu rõ cảm giác vừa kỳ quái vừa rùng rợn này.
Không bá đạo như con AI của Doki Doki nhưng vẫn còn đó nhiều trí thông minh nhân tạo khác ít lộ mặt hơn nhưng mức độ ghê gớm lại không kém chút nào. Hãy thắt dây an toàn và cùng nhau tìm hiểu một số AI thông minh một cách biến thái trong thế giới game nào!
Cái tên The Director có thể sẽ khiến bạn cho rằng đó là một con trùm zombie mà bạn chưa biết. Có thể nó mới được cập nhật vào game sau này chăng? Không đâu, nó là kẻ sắp xếp mọi thứ mà bạn trải nghiệm trong mỗi màn chơi.
Bạn nghĩ rằng các thứ trong màn chơi Left 4 Dead đã được dựng sẵn? Steam đã làm một việc rất ảo diệu là dựng lên một con AI và cho nó quyền sắp xếp các thứ bên trong mỗi màn chơi một cách đầy linh động. The Director sẽ quyết định con zombie nào đứng ở đâu trong màn chơi, khi nào thì thả một đàn xác sống hung hãn về phía nhóm người chơi. Các con trùm đặc biệt cũng do The Director xếp chỗ, ngay cả vị trí các tiếp liệu như đạn dược túi cứu thương cũng do The Director thao túng.
Con AI này sẽ dựa vào tình hình của cả nhóm để quyết định quãng đường phía trước sẽ như thế nào. Nếu bạn còn khỏe mạnh nó sẽ thả những kẻ địch khó ra quấy phá, nếu bạn đang suy yếu nó sẽ thả kẻ địch nhẹ nhàng hơn và thêm một số tiếp liệu. The Director sẽ giữ cuộc chơi của bạn không quá khó nhưng cũng không dễ dàng khiến mỗi lần chơi là một trải nghiệm mới.
Nói một cách nào đó thì bạn đang chơi Left 4 Dead mà không biết rằng The Director cũng đang “chơi” bạn.
Những tên lính của phe địch canh gác biên giới Afghanistan và Angola-Zaire trong Metal Gear Solid V: The Phantom Pain có thể khiến bạn cảm thấy quá dễ vào lúc đầu. Chúng cực kỳ ngu ngốc đến nỗi có thể ngắm nhìn trầm trồ một cái hình cắt dán của một cô gái mà chả phân biệt được đó là người thật hay không.
Nhưng đó là khi AI của game bắt đầu giai đoạn sơ khai mà thôi. Càng vào sâu trong game những tên lính phe địch càng tinh quái và phát triển chiến thuật đối phó với cách chơi của bạn. Nếu bạn thường xuyên hạ gục chúng bằng cách “xuyên táo” thì về sau chúng sẽ đội mũ sắt ngày càng nhiều. Nếu bạn thích tiến công âm thầm vào ban đêm thì về sau sẽ xuất hiện các đội tuần tra đêm dày đặc có trang bị ống kính nhìn đêm. Thậm chí bạn dùng khí gas độc để hạ gục chúng thì sau này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những tên lính đeo mặt nạ chống độc.
Con AI điều khiển quân đối phương sẽ nhanh chóng phân tích cách bạn đánh bại chúng để khắc phục yếu điểm và khép dần cửa thắng của bạn trong những màn kế tiếp. Độ khó từ đó cũng nâng lên một cách rất tự nhiên. Nhưng đáng sợ nhất chính là chiến thuật quen tay của bạn hoàn toàn bị khắc chế khiến bạn phải tìm cách khác chứ không thể bám vào một cách tiến công mãi được.
Mặc dù không lộ mặt nhưng AI điều khiển lính đối phương lại là một đối thủ đầy tinh ranh trên bàn cờ chiến thuật không ngần ngại thách thức kỹ năng của người chơi qua phương pháp Improvise – Adapt – Overcome (meme).
Kaiju là đối thủ chính của bạn trong game chiến thuật indie Into the Breach. Nhưng đằng sau nó là một con AI cực kỳ lợi hại và khi nghĩ về nó có thể khiến bạn cảm thấy vừa yếu vừa nhỏ nhoi. Bạn đã bao giờ chơi đánh cờ với AI và giành chiến thắng chưa? Hãy quên cái cảm giác thành tựu đó đi vì bạn thắng là nhờ AI nó nhường bạn đấy. Nên nhớ rằng AI đã thắng kiện tướng cờ vua thế giới vào năm 1997.
Điều đó có nghĩa là trong một cuộc cờ, AI đã không đánh hết 100% sức lực của nó mà hạ độ khó xuống theo sự điều chỉnh để cho bạn cơ hội thắng. Hầu hết các AI làm đối thủ của bạn trong game cũng vậy, chúng để bạn thắng trong một mức hợp lý tạo ra cảm giác thành công. Vì nếu con AI nào cũng chơi hết mình và thắng mãi thì bạn sẽ nản mà bỏ game nhanh chóng.
Trong Into the Breach thì AI lại chơi một trò cực kỳ thâm sâu là… quay bạn như dế. Trí thông minh nhân tạo điều khiển Kaiju vốn đã hạ độ khó một cách linh động để bạn không hoàn toàn thua nhưng nó lại có một đặc tính khác là thông báo cho bạn biết trước 1 bước sắp tới của nó. Từ đó bạn rơi vào một mê cung và bị thao túng một cách gần như là nằm hẳn trong lòng bàn tay của con AI. Với những giới hạn của bản đồ và lực lượng ít ỏi có trong tay, những tính toán của bạn gần như là nằm trong mục đích chống đỡ và lựa chọn tình huống ít thiệt hại nhất.
Nói một cách nào đó, bạn đang chơi trong tầm quan sát và điều hành của AI mà không thể nào đột phá ra khỏi những toan tính của nó được.
Con Xenomorph hay còn gọi là Alien chính là tâm điểm của tựa game Alien Isolation. Trò cút bắt đặc biệt này yêu cầu con vật phải thể hiện sự đe dọa đầy chết chóc với người chơi và tạo ra một cuộc trốn tìm đầy đau tim. Nhà sản xuất đã bỏ nhiều công sức để thiết kế được một kẻ địch rùng rợn như vậy thông qua hệ thống AI đặc biệt.
Hệ thống này bao gồm một con AI Director quan sát tổng thể game và giữ cho các thông số thật cân bằng. Bạn không thể thua quá sớm và con Alien cũng không thể quá ngốc được. Thành phần thứ 2 chính là con Alien có trí thông minh độc lập đóng vai trò kẻ đi săn. AI Director sẽ thỉnh thoảng gửi một gợi ý cho Alien về vị trí tổng quát của người chơi. Đó không phải là vị trí đứng chính xác mà thường là khu vực mà người chơi đang đứng. Từ đó Alien vốn độc lập với AI Director chỉ có thể dựa vào gợi ý chung chung kia đến khu vực đó và bắt đầu tìm kiếm.
Điều ảo diệu chính là bản thân con Alien được tạo ra như một thực thể sống độc lập, chúng sẽ phản ứng với các thông tin thu thập được như một sinh vật thực sự. Nó sẽ truy tìm bạn theo kiểu mò kim đáy bể nhưng chỉ cần bạn để lộ sơ hở một chút thôi, nó sẽ lập tức dùng tín hiệu đó suy luận ra vị trí của bạn và truy đuổi. Nó cũng có thể nhớ các thông tin của những lần đuổi hụt bạn để hình thành kinh nghiệm. Vì vậy nếu bạn có thói quen trốn mãi trong 1 hốc na ná nhau ví dụ như gầm bàn thì nguy cơ bị nó tìm ra trong 1 nốt nhạc khá là cao.
Mặt khác, AI Director cũng có những lúc can thiệp để cân bằng độ khó cho game. Nó sẽ quan sát, đánh giá quá trình chạy trốn và sau đó suy đoán độ căng thẳng của bạn. Nếu nhận thấy bạn đang căng thẳng quá mức, nó sẽ gửi tín hiệu cho con Alien để con quái này tạm thời giảm truy đuổi bằng các hành động tự nhiên như đi sang khu vực khác, tìm kiếm vô định theo kiểu bị mất dấu.
Nhìn chung với 2 con AI độc lập hợp tác với nhau bạn sẽ bị bao trùm trong một cơn sợ hãi không dứt nhưng lại không đến nỗi quá khó không thể vượt qua.
RimWorld là một thế giới game mô phỏng mà ở đó bạn sẽ điều hành một nhóm người sống sót và định cư trên một hành tinh xa xôi. Những người dân làng này gọi là Pawns và họ được điều khiển bởi AI. Bạn chỉ việc quy định các thông số và phân công họ làm việc rồi quan sát sự đổi thay dần hiện ra giống như các game xây thành phố khác.
Nếu những con AI khác đáng sợ thông qua sự tinh khôn lấn át cả người chơi thì RimWorld thể hiện sự đáng sợ theo một cách khác. AI đã điều khiển nhóm Pawns và làm họ trở nên giống người một cách đáng sợ. Nói đúng hơn là AI hiểu con người một cách cặn kẽ và tái hiện lại họ chân thật nhất.
Một trong những đặc tính kinh khủng nhất của con người là sự hỗn loạn. Các Pawns không phải lúc nào cũng tuân theo sự sắp xếp của bạn. Sẽ có những con cố tình làm sai, gây sự đánh nhau hoặc chây ì lười biếng. Chúng sẽ tạo ra những biến cố để bạn đưa ra quyết định khó khăn. Những quyết định này sẽ bình ổn lại tình hình hoặc tệ hơn là đẩy sự hỗn loạn đi xa hơn nữa.
Cho đến một lúc nào đó bạn sẽ ngồi đó và tự hỏi rằng liệu con AI này nó hiểu con người đến mức tự tái hiện lại những tật xấu đặc trưng để bỡn cợt lại chính loài người hay không?
Với một game kiểu hành động lén lút như Hitman thì kẻ địch luôn phải được điều khiển bằng những con AI linh động nhất. Và nhà sản xuất đã làm đúng như vậy. Các cảnh vệ, vệ sĩ (Guards) của mục tiêu trong các nhiệm vụ thể hiện một sự tinh tường và cảnh giác cao độ. Bọn chúng biết phát hiện ra những dấu vết bất thường và đi lùng sục tìm nguyên nhân một cách rất tinh khôn.
Tuy nhiên để cân bằng thì nhà sản xuất cũng cho đám khôn lanh này những điểm yếu khiến chúng trở nên ngây ngô một cách thần kỳ. Đó chính là cơ hội để bạn có thể lách qua và thoát nạn thay vì thua liên miên chỉ vì kém trí hơn một con AI.
Những vệ sĩ có thể tinh tường một cách ảo diệu khi nhìn thấy một món vũ khí rơi trên sàn, chúng sẽ cảnh giác và đi lùng sục kiểm tra các phòng gần đó. Tuy nhiên cũng chính bọn này ngây ngô đến mức bước vào phòng một cách hớ hênh để bị bạn hạ gục dễ dàng. Chúng cũng có thể phát hiện sự khả nghi khi bắt gặp bạn đang ngồi ở quầy bar nhưng khi bạn nhanh trí trà trộn vào sàn nhảy thì bọn chúng lại mất dấu và rút lui.
Thậm chí có những con trùm thuê hẳn đội đánh thuê tinh nhuệ vũ khí lăm lăm canh gác chúng 24/7. Nhưng đồng thời cũng ngốc đến mức xua bọn cảnh vệ đi chỗ khác để có thời gian riêng tư xăm mình với một gã thợ xăm lạ mặt từ phương xa tới. Bạn biết gã thợ xăm đó là ai rồi đấy. Như đã nói ở trên, đừng tưởng bạn thắng AI mà cho rằng chúng ngốc hơn bạn. Chúng chỉ đơn giản là nhường cho bạn thắng mà thôi.
Và đó là vài trường hợp tiêu biểu cho việc game không hề kinh dị hoặc cũng có chút hồi hộp nhưng sau khi chứng kiến sự thông minh đáng kinh ngạc của AI thì lại xuất hiện cảm giác rờn rợn vô cùng khó tả. Đây chỉ là một trò chơi điện tử đúng không? Và nếu nó có thể thấu hiểu được tâm trí người chơi như thế thì liệu chuyện gì xảy ra khi ta phải đối mặt với một siêu máy tính như Skynet trong bộ phim Kẻ hủy diệt?
Trong phim ảnh thì nhân loại lúc nào cũng tìm ra cách để chiến thắng máy móc như cách chúng ta phá đảo một tựa game nhưng ngoài đời thật cơ hội đó có tồn tại hay không? Hãy chia sẽ suy nghĩ của bạn cho Mọt biết ở phần bình luận nhà. Còn bây giờ thì đã đến lúc nói lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong video kế tiếp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn