Phụ Lục
Trong cộng đồng game thủ không chỉ truyền tai về những tựa game hay mà còn truyền miệng về những câu chuyện đầy ma quái trong thế giới ảo. Dĩ nhiên, do mang tính chất đồn thổi, những câu chuyện này không bao giờ có thể được chứng minh và ngày càng khiến cho nó nổi tiếng hơn.
Berzerk là một tựa game arcade bắn súng đa hướng do Stern Electronics phát hành ở Chicago vào năm 1980. Câu chuyện trong trò chơi được lấy bối cảnh dựa trên bộ truyện tranh Berserk của tác giả Kentaro Miura. Người chơi sẽ được đưa xuống một mê cung chứa đầy những robot được trang bị vũ khí hạng nặng và phải sử dụng món vũ khí laze của mình để tiêu diệt một kẻ thù tên Evil Otto nhằm thoát khỏi nơi quái quỷ đấy.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng vì là game của những năm 1980 nên đồ họa của Berzerk chỉ dừng ở những khối pixel cơ bản, bù lại, Berzerk lại là một trong những trò chơi đầu tiên sử dụng speech synthesis vào thời bấy giờ, điều đó biến tựa game thành một trò chơi khá hot trong khoảng thời gian đó.
Nhưng, thứ làm Berzerk nổi tiếng hơn cả là câu chuyện bí ẩn xoay quanh nó, thậm chí người ta còn đồn rằng trò chơi này đã bị nguyền rủa. Lý do cho những tin đồn này bắt nguồn từ một vụ việc xảy ra năm 1982, người ta tìm thấy một người nằm gục bên chiếc máy game với trò Berzerk, tuy sau đó, người đàn ông đã được kết luận là mất do suy tim, nhưng vẫn có nhiều người không chấp nhận sự thật và tin rằng, chính Berzerk đã nguyền rủa người đàn ông xấu số.
Câu chuyện về vụ án xoay quanh tựa game Berzerk đã trở thành đề tài nóng cho hội những người đam mê chuyện tâm linh, thậm chí, Berzerk này còn tạo cảm ứng cho một truyền thuyết đô thị vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng game thủ là “Thị trấn hoa oải hương” của series game Pokemon đình đám một thời.
Nếu tìm cái tên KillSwitch trên internet, bạn sẽ nhận được nhiều kết quả nói về việc đây là một trò chơi kinh khủng chưa có người nào dám trải nghiệm nó. Không như Berzerk là một trò chơi có thật, KillSwitch là một trò chơi kinh dị chỉ được biết đến qua những lời kể, có người cho rằng KillSwitch thật sự tồn tại, nhưng vì có ít người chơi, hoặc có thể những người từng chơi KillSwitch đều không còn sống để kể lại trải nghiệm của mình, nên sự tồn tại của KillSwitch đến giờ vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn.
Theo series những chuyện tâm linh kì bí của trang web Kotaku, thì KillSwitch là một trong những tựa game phiêu lưu kinh dị ra đời sớm nhất trong lịch sử làng game, được Karvina Corporation phát hành vào năm 1989. Trong trò chơi, ta sẽ được chọn điều khiển một trong hai nhân vật, là người phụ nữ tên Porto và một con quỷ vô hình tên Ghast.
Theo câu chuyện thì những màn chơi trong KillSwitch vô cùng kỳ lạ, hoặc thậm chí là dị, nhưng không đến nỗi đáng sợ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành trò chơi, tựa game sẽ tựa xóa khỏi máy tính của người chơi và không để lại bất kì một dấu vết gì.
Nhiều người sau khi thử săn lùng KillSwitch đã kết luận rằng câu chuyện trong trò chơi kể về một con quỷ tàn sát một khu mỏ với đầy những công nhân mất do bị bóc lột, họ thậm chí còn liên hệ được câu chuyện đó với các vụ việc chèn ép công nhân khai thác than ở Liên Xô. Biết đâu, linh hồn của những người công nhân khai thác than xấu số đã tạo nên trò chơi này thì sao?
Petscop là một web series dài tập kể về một chàng trai tên Paul và tựa game Petscop chưa hoàn thành mà anh ta vô tình tìm được. Đặc biệt là, web series này không phải một truyền thuyết, nó thật sự đã được phát hành trên Youtube từ những năm 2017 và hiện tại bạn vẫn có thể tìm lại những video có liên quan về nó.
Nội dung của series chỉ đơn giản là cảnh Paul ghi lại những trải nghiệm của mình khi chơi Petscop, tuy nhiên bầu không khí của trò chơi, kết hợp với những không khí tăm tối mà chính tựa game mang lại luôn làm người chơi cảm thấy lạnh gáy.
Đặc biệt hơn, nhiều người còn soi ra rằng Petscop dường như được dựng từ một vụ án thương tâm có thật ngoài đời, thậm chí cho rằng chính hồn ma của cô bé trong vụ án ấy đã ám ảnh tựa game này. Mọt tôi từng làm một video đào sâu vào vụ án kể trên, nhưng vì tính chất ám ảnh mà video này phải gỡ xuống không lâu sau đó.
Và sau nhiều lùm xùm xoay quanh tựa game kinh dị này thì vào năm 2019, cha đẻ của web series là Tony Domenico đã chính thức lên tiếng phủ nhận những tin đồn xoay quanh nó và khẳng định Petscop chỉ là một trò chơi hư cấu do anh ta tự dựng lên để câu view. Nhưng người ta vẫn không tin và câu chuyện về Petscop tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều câu chuyện truyền miệng cũng như các tựa game kinh dị khác sau này.
You are NOT playing the game là một tựa game kinh dị có thật được tạo ra để nhại lại câu chuyện về những “tựa game bị nguyền rủa”. Dù chỉ là một webgame ngắn, nhưng You are NOT playing the game lại mang đến cho người chơi cảm giác chân thật giống như bản thân đã vô tình vướng phải lời nguyền của một tựa game bị ma ám.
Về cơ bản, ta sẽ vào vai một nhân vật giấu tên muốn chơi game, nhưng thay vì để bạn chơi thì trò chơi lại quyết định chơi bạn bằng cách biến bạn thành một trò chơi giải trí. Và không chỉ bạn mà đến cả người tạo ra trò chơi cũng bị giam giữ bên trong thế giới ảo.
Bạn và người tạo ra trò chơi sau đó sẽ gặp nhau, và cha đẻ của tựa game quái ác này sẽ trao cho bạn những vật dụng cần thiết để thoát khỏi trò chơi và trở về thế giới thật của mình. Nghe thì có vẻ giống một tựa game bị nguyền thật, và có một vài người cũng tưởng là thế, nhưng sự thật thì “You are NOT playing the game” chỉ là một tựa game được lập trình sẵn thôi.
Imscared là một trong những tựa game kinh dị ra mắt năm 2012 với đề tài phá vỡ bức tường thứ tư của nhà phát triển Ivan Zanotti, trò chơi kể về một nhân vật giấu tên bị nhốt trong một căn phòng và cần hiến dâng một trái tim để có thể ra ngoài.
Hiển nhiên trong căn phòng đó không chỉ có nhân vật chính mà còn có sự hiện diện của những nhân vật khác gọi là “White Face” và “Her”, có khả năng đe dọa đến sự sống của nhân vật chính. Nhưng, trò chơi đáng sợ ở chỗ, thứ mà “White Face” và “Her” tác động không phải thanh máu của nhân vật trong game mà là máy tính của người chơi.
Bạn không nghe lầm đâu, “White Face” và “Her” có khả năng thay đổi các tệp trên máy tính của bạn, thậm chí là tự đóng trò chơi dù bạn không yêu cầu chúng làm thế. Với những người lần đầu tiên trải nghiệm Imscared, bạn chắc chắn sẽ sợ đến phát khóc, thậm chí là nghĩ máy tính có vấn đề vì những điều đáng sợ mà tựa game mang lại.
Việc xây dựng một trò chơi có khả năng can thiệp vào máy tính của người chơi đã mang lại thành công ngoài mong đợi cho nhà phát triển tựa game Ivan. Không chỉ nhận về nhiều lời ca ngợi từ giới chuyên môn và người hâm mộ, Imscared còn trở thành viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho nhiều tựa game kinh dị phá vỡ bức tường thứ tư khác, mà tiêu biểu nhất là Câu Lạc Bộ Văn Hộ Doki Doki Literature Club! đình đám gần đây.
Vừa được phát hành trong những năm gần đây, Bubbaruka! được mệnh danh là tựa game kinh dị hay nhất năm 2021. Được lấy cảm hứng từ thể loại game nuôi thú ảo Tamagotchi phổ biến ở Nhật Bản và những truyền thuyết đô thị về các tựa game như KillSwitch và Polybius, Bubbaruka! được xây dựng là một chơi nổi tiếng do công ty Kodemu Studios phát hành, nhưng cả trò chơi lẫn công ty đều đột ngột ngừng phát hành vì một lý do không rõ.
Tuy nhiên, bạn của người chơi đã vô tình tìm thấy bản sao của trò chơi được lưu trong một chiếc máy tính xách tay siêu rẻ nên đã quyết định chia sẻ niềm vui bằng cách gửi mail cho người chơi. Công việc của người chơi trong Bubbaruka! khá đơn giản, chỉ cần cho ăn và chăm sóc một loại thú ảo tên Bubbaruka là được.
Nhưng càng chơi lâu, người chơi sẽ càng phát hiện những sự việc bí ẩn xoay quanh trò chơi và bị cuốn vào những hiện tượng tâm linh kinh dị không hồi kết, còn chi tiết vụ việc đó là gì thì tôi nghĩ mọi người hãy chơi game để có trải nghiệm chính xác hơn nhé. Và vì độ chân thật của mình nên không ít người đồn thổi Bubbaruka! là tựa game bị nguyền rủa, nhưng thật ra, tất cả đều là chủ đích của nhà phát hành cả thôi.
Có lẽ bạn không nhớ, nhưng Japanese Doll từng là một tựa game mobile gây bão cộng đồng game thủ Việt nhiều năm trước, và đây cũng là tựa game mobile duy nhất trong danh sách ngày hôm nay vì tính chất đặc biệt của nó.
Về cơ bản, Japanese Doll là một tựa game nuôi thú ảo giống Bubbaruka!, nhưng thay vì một con sâu bướm thì người chơi phải chăm sóc một con búp bê bằng cách thu thập nến cho nó ăn. Khi tích đủ chỉ số tăng trưởng, con búp bê sẽ dần lớn lên, mọc tóc, tứ chi và ngũ quan trên gương mặt, cho đến khi sở hữu một hình dạng cố định.
Trò chơi thu hút người chơi vì không khí rùng rợn mà nó mang lại, nhưng thứ làm nhiều người cảm thấy hứng thú nhất với Japanese Doll là những tin đồn xoay quanh trò chơi này. Vào thời điểm trò chơi tạo thành cơn sốt, nhiều người chia sẻ rằng họ đã gặp phải rất nhiều hiện tượng tâm linh liên quan đến tựa game, chẳng hạn trò chơi tự bật lên dù họ không động tới, hoặc từ khi chơi game, nhiều cô gái chia sẻ họ nghe thấy tiếng một đứa trẻ gọi mẹ khi ở một mình.
Đặc biệt ở chỗ, Japanese Doll chỉ là một tựa game nuôi thú ảo bình thường và không được cài đặt bất kỳ câu lệnh nào liên quan đến việc can thiệp vào điện thoại người chơi, nên nhiều người đồn đại rằng Japanese Doll đã bị ám bởi linh hồn những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi khi chưa chào đời.
Nếu đã quá quen với trò bắn vịt với đồ họa pixel trong trò Duck Hunt, đi kèm với hình ảnh con chó siêu cấp mất dạy, thì chắc bạn cũng biết về Duck Season. Tựa game kinh dị này được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là nâng cao sự mất dạy của con chó trong trò chơi lên tầm vũ trụ.
Trong trò chơi, ta sẽ được vào vai một cậu bé bình thường, về nhà sau khi đi học về và bắt đầu chơi tựa game Duck Season mà người mẹ mang về. Và cũng giống với tựa game Duck Hunt trong quá khứ, công việc của ta vẫn là cầm súng bắn những con vịt đang bay trên trời, thậm chí là bắn luôn cả con chó săn mất nết.
Nhưng chơi càng lâu, ta sẽ dần nhận ra trò chơi dường như đã bị lỗi, hay thậm chí có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra, mà đặc biệt nhất chính là con chó mất nết trong trò chơi. Bởi vì trông nó thật sự đang sống chứ không chỉ là một con chó săn vô tri chỉ biết buông lời mỉa mai của những năm trước nữa.
Về cơ bản thì Duck Season dựa trên câu chuyện những tựa game kinh dị bằng nguyền rủa, đi kèm với đó là không khí rùng rợn tương tự Five Night At Freddy’s, nên dù biết rằng đây không phải một tựa game nguyền rủa thật, nhưng bạn vẫn phải thấy rén mỗi khi thấy con chó mà mình ghét cay ghét đắng xuất hiện trong trò chơi.
Tuy có thể là tựa game không quá quen thuộc với nhiều người, nhưng Nanashi no Game hay “Trò chơi không tên” là tựa game kinh dị do nhà Square Enix sản xuất lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị Nhật Bản năm 1998 mang tên Ringu.
Thế giới trong Nanashi no Game lưu truyền câu chuyện về một tựa game nhập vai 2D bị nguyền rủa tên là Nanashi no Game, rằng bất cứ ai chơi tựa game này đều sẽ gặp tử thần sau bảy ngày. Và vì là nhân vật chính nên người chơi sẽ vô tình nhận được trò chơi nguyền rủa ấy từ người bạn thân Odaka của mình.
Ban đầu, nhân vật chính sẽ không tin tựa game bị nguyền rủa, giống như chúng ta cũng không tin Nanashi no Game là một tựa game bị ma ám, nhưng khi chơi game, họ sẽ nhanh chóng phát hiện những nhân vật khác đã lần lượt qua đời. Đặc biệt ở chỗ, Nanashi no Game được kết nối với thế giới thật qua chiếc máy Nintendo DS, nên càng dấn sâu vào trò chơi, người chơi sẽ vô thức nghĩ mình thật sự là nhân vật chính, và cuối cùng thì đến cả họ cũng không biết, liệu Nanashi no Game có thật sự bị ma ám hay không.
Đương nhiên là không rồi, nhưng cảm giác sau khi phá đảo xong không thể dứt ra khỏi trò chơi, và phải chờ 7 ngày để kiểm chứng rằng trò chơi không bị nguyền rủa thì đúng là quá sức đáng sợ, đúng chứ?
Và kết thúc video ngày hôm nay là Pony Island, một tựa game nghe tên đáng yêu nhưng nội dung lại vô cùng đáng sợ. Trong trò chơi, ta sẽ được tiếp xúc với một tựa game arcade cũ tên là “Pony Island” và điều khiển chú ngựa đáng yêu khám phá thế giới trong game.
Tuy nhiên, càng chơi lâu, người chơi sẽ dần nhận ra sự đáng yêu trong tựa game đang dần bị thay thế bằng sự đáng sợ khó mà tả xiết. Cụ thể hơn, ta sẽ nhận ra trò chơi đang bị một linh hồn tên là Lucifer chiếm đóng, gã đang cố tình làm hỏng trò chơi nhằm tước đoạt linh hồn của người chơi.
Đương nhiên những gì tôi vừa nói đều là thiết lập của trò chơi, nhưng cách trò chơi xây dựng lại làm người chơi cảm thấy sợ hãi và vô tình nghĩ rằng họ đang thật sự bị một con quỷ tên Lucifer đe dọa đến tính mạng của mình, bởi thế mà không ít người tâm lý yếu sau khi chơi xong đều nói rằng, họ cảm giác mình đang bị quỷ ám và thậm chí chẳng còn dám chơi tiếp nữa.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn