Phụ Lục
Nhắc đến Red Candle, ta sẽ nghĩ đến hai tựa game kinh dị nổi tiếng Detention và Devotion với những câu chuyện nhân văn đầy ý nghĩa mà Mọt tôi đã có nhiều video về nó.
Mới đây nhất, nhà Nến Đỏ đã thông báo, họ chuẩn bị cho ra mắt một tựa game mới mang tên Nine Sols hay Cửu Nhật vào quý 4 năm nay. Hiện tại, tựa game này đã có bản demo trên Steam, nên như tiêu đề video, hãy cùng đánh giá xem, liệu Nine Sols có thể vượt qua cái bóng của hai người anh đi trước không nhé, bắt đầu nào.
Theo thông tin do phía nhà Red Candle cung cấp trên trang web chính thức, đồ họa của Nine Sols được dựng theo hướng 2D mang phong cách manga của Nhật Bản, khác hẳn với nền đồ họa từ trước đến giờ của nhà Nến Đỏ. Vậy nên, có thể nói, Nine Sols là một nước đi vô cùng mạo hiểm.
Đó là chưa kể đến, không chỉ khác biệt về mặt đồ họa, mà cả thế giới lẫn nhân vật chính trong Nine Sols cũng được Red Candle xây dựng theo hướng khác hoàn toàn so với hai tựa game Detention và Devotion trước đây. Tuy nhiên, tôi sẽ nói sâu hơn về vấn đề này ở phần sau của video.
Còn hiện tại, có thể nói Red Candle đã cực kỳ mạo hiểm khi quyết định đổi mới hoàn toàn phong cách làm game của mình trong Nine Sols. Nếu chọn một tựa game làm ví dụ cho phong cách mới mẻ của Red Candle, tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa Giáo phái Cừu - Cult of the Lamb và tựa game tuổi thơ Mega Man X4.
Và như bạn thấy đấy, thông thường những tựa game được làm theo hướng này đều chỉ chú trọng vào mặt gameplay thay vì cốt truyện. Tuy nhiên, sau khi xem thông tin do Nine Sols công bố, tôi thấy rằng dàn nhân sự của dự án mới Nine Sols vẫn là những cái tên quen thuộc của nhà Nến Đỏ, từ biên kịch cốt truyện cho đến họa sĩ phụ trách mảng đồ họa, nên trước mắt, chúng ta có thể tạm yên tâm về cốt truyện và đồ họa của tựa game, còn tương lai ra sao thì tôi không chắc.
Đó là thông tin và đánh giá theo hướng khách quan, còn về cá nhân, tôi thấy đồ họa của Nine Sols được xếp vào hàng nịnh mắt, cơ chế di chuyển cũng như chiến đấu của nhân vật chính trong trò chơi khá mượt, hoặc do tiêu chuẩn của tôi thấp nên trước mắt không có gì để chê về đồ họa.
Lần này, nhà Nến Đỏ không đi thuần theo hướng tâm linh Đài Loan như hai tựa game trước, mà là sự pha trộn giữa văn hóa đạo sĩ của phương Đông và khoa học công nghệ cao cyberpunk của phương Tây, nên nhìn nó khá lạ và thú vị.
Còn về âm thanh, nhạc nền trong những cảnh chiến đấu khá là kích thích với tiếng trống dồn dập, có vẻ không chỉ đồ họa mà cả âm nhạc của Nine Sols cũng được pha trộn từ sự chill chill của âm nhạc truyền thống và giật đùng đùng của nhạc điện tử, nói chung nghe rất feel the beat~ Hay nói đơn giản là nhạc phù hợp để combat, hợp tai tôi.
Nên chốt lại ở thời điểm hiện tại, nếu bạn là một người có đam mê với những tựa game đồ họa 2D thể loại furry, cơ chế đấm nhau bùm chéo, yêu thế giới tu tiên và cyberpunk thì tôi recommend các bạn thử cho Nine Sols vào wishlist để trải nghiệm trong tương lai.
Theo mô tả ngắn gọn từ nhà phát hành, bối cảnh của Nine Sols được đặt tại một vùng đất nằm ngoài thái dương hệ gọi là Tân Côn Lôn, nơi ẩn nấp của chủng tộc ngoài hành tinh bí ẩn gọi là “người thái dương”. Ta sẽ hóa thân vào vai một người anh hùng tên “Nghệ”, dấn thân vào con đường “trả thù”, tôn “đạo” diệt vương.
Vùng đất Tân Côn Lôn này nằm giữa dải ngân hà, có sự tồn tại của thần linh và người thường. Chuyện kể rằng, các vị thần hay chính xác hơn là 9 mặt trời đã xây dựng một nơi cho người phàm sinh sống, gọi là thôn Hoa Đào. Người dân thôn Hoa Đào phải thường xuyên thực hiện nghi lễ “hiến tế” cho các vị thần để cầu xin sự che chở khỏi những hiểm họa tiềm tàng. Và nghi lễ có lẽ sẽ được thực hiện nếu vị anh hùng “Nghệ” của chúng ta không xuất hiện.
Dễ thấy rằng, bối cảnh và mối quan hệ thần linh - con người trong Nine Sols được lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Hậu Nghệ bắn mặt trời” của Trung Hoa. Theo truyền thuyết thì vào thời vua Nghiêu, trên trời có 10 mặt trời. 10 mặt trời này là con của Thiên Đế, tính tình hống hách ngang ngược, dùng sức nắng của mình làm khổ chúng sinh. Thiên Đế sau đó đã ban cho vị anh hùng Hậu Nghệ một cây cung thần. Với tài thiện xạ của mình, Hậu Nghệ đã dùng cung bắn rơi 9 trong 10 mặt trời, chỉ chừa lại 1 để thắp sáng thế gian.
Nghe đến đây, các bạn hẳn đã thấy được sự tương đồng với truyền thuyết “Hậu nghệ bắn mặt trời” khi tên nhân vật của Nine Sols là “Nghệ” và phản diện là 9 vị thần mặt trời rồi nhỉ?. Đặc biệt, tên tiếng Trung của trò chơi là “Cửu Nhật” - Nine Sols dịch ra cũng có nghĩa là 9 mặt trời. Đó là chưa kể đến, vũ khí chính của “Nghệ” trong Nine Sols là Thần Cung, hoàn toàn trùng khớp với anh hùng “Hậu Nghệ” trong truyền thuyết.
Một điểm thú vị khác là nhà Nến Đỏ đã dùng từ “Hệ mặt trời” để chỉ nơi vùng đất của Nine Sols tồn tại thay vì “vũ trụ” hoặc “hệ ngân hà”. Cá nhân tôi nghĩ việc này lấy cảm hứng từ cây “Thần Kiến Mộc” trong tác phẩm “Sơn Hải Kinh”, lý giải về sự tuần hoàn năng lượng trên thế giới. Nói cho dễ hiểu thì “mặt trời” là điểm tiếp nhận năng lượng của toàn bộ “hệ mặt trời”, sau đó năng lượng này theo 10 Thiên Can và 12 Địa Chi dẫn nhập vào nhân gian, con người hấp thu nguồn năng lượng nó, ngưng tụ nó luân chuyển trong cơ thể, gọi là “Khí”.
Thuật ngữ “Khí” trong Nine Sols tương tự như “Khí” mà ta hay biết trong những bộ phim tu tiên, kiếm hiệp của Trung Hoa, là một dạng năng lượng tồn tại và luân chuyển trong cơ thể của con người. Trong Nine Sols, nhà Red Candle mô tả rằng, “Nghệ” có khả năng hấp thụ và ngưng tụ khí, tạo thành những đòn tấn công gây sát thương cao lên kẻ thù.
Vùng đất trong trò chơi cũng được gọi là “Tân Côn Lôn”, lấy cảm hứng từ dãy núi “Côn Lôn” nằm ở khu vực cao nguyên Tây Tạng. Trong những câu chuyện kể xa xưa, núi “Côn Lôn” được xem là chốn thần tiên cư ngụ, nơi ta có thể dễ dàng bắt gặp những thần thú chỉ có trong truyền thuyết. Có lẽ vì điều đó nên Red Candle đã quyết định đặt tên vùng đất của mình là “Tân Côn Lôn” để né bản quyền, tạo cảm giác huyền bí, liêu trai.
Đó là chưa nói đến, trang phục “Nghệ” mặc trong trò chơi rất giống trang phục của những đạo sĩ trong phim bắt ma cương thi của Đài Loan. Thú vị ở chỗ, việc thờ phụng, cúng dường Đạo Giáo, Phật Giáo cũng được xem là một nét văn hóa đặc trưng của quốc gia tràn ngập tín ngưỡng như Đài Loan, quê nhà của Red Candle.
Với tất cả những phân tích tôi kể ở trên, có thể thấy được thế giới trong Nine Sols được xây dựng theo đúng chất huyền ảo phương Đông, với những truyền thuyết xưa, phong cảnh mây mù giăng lối và những chiêu thức võ thuật tồn tại trong truyện tu tiên.
Nhưng bên cạnh đó, để làm mới nội dung, tạo ra một thế giới khác hẳn những tựa game nhập vai tu tiên của Trung Quốc, Red Candle đã đưa ra quyết định táo bạo là kết hợp phong cách cyberpunk của phương Đông với nét huyền ảo của phương Tây. Thật ra sự kết hợp này không hề mới lạ, thậm chí còn có một thuật ngữ dùng để chỉ thể loại này là “Tái bác tu tiên”, hay hiểu nôm na là “tu tiên style khoa học kỹ thuật”, và bạn cũng có thể dễ dàng tìm được vài bộ tiểu thuyết về thể loại này trên mạng.
Nhưng dù thể loại này không mới thì hầu như chưa có ai dám lấy nó làm đề tài phát triển một tựa game, vậy nên, Red Candle đã quyết định làm điều đó. Trong trò chơi, ta có thể thấy ngoài thế giới tu tiên huyền bí, nhân vật chính “Nghệ” còn phải đối diện với những con robot, những cánh cửa tự động hoặc những đường ống phức tạp mà chắc chắn không hề tồn tại trong thế giới tu tiên.
Phía Red Candle cũng chia sẻ, họ đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng thế giới Tân Côn Lôn, bởi vì tu tiên và cyberpunk là hai phong cách hoàn toàn trái ngược, nên việc làm thế nào để hai chủ thể trái ngược này hòa hợp với nhau là một vấn đề vô cùng nan giải. Chính vì lẽ đó nên họ đã quyết định đập đi xây lại một thế giới giả tưởng mới thay vì cố gắng phát triển từ thế giới con người.
Và đó là cách vùng đất Tân Côn Lôn trong Nine Sols ra đời. Theo lời nhà phát hành thì có tất cả 10 vùng đất với 10 phong cách khác nhau tồn tại trên Tân Côn Lôn, được liên kết với nhau bằng các đường ống giao thông, và theo cá nhân tôi thì, các vùng đất ấy có thể sẽ được xây dựng tương tự hình ảnh 10 Thiên Can trong phong thủy ở hình bên.
Chung quy lại, dựa vào bản demo ở thời điểm hiện tại và những gì tôi phân tích ở trên, ta có thể thấy Nine Sols làm khá tốt việc kết hợp giữa thế giới tu tiên và khoa học kỹ thuật khá thú vị và hài hòa. Cơ chế chiến đấu của trò chơi cũng được xây dựng tương đối hợp lý khi nhân vật “Nghệ” có thể sử dụng dùng khí, bùa chú, triệu hồi cung để bắn, hoặc mở khóa robot để qua màn. Nhưng để có một cái nhìn tổng quát hơn trước khi kết luận đây có phải một tựa game đáng chơi không thì hãy cùng tôi đến với phần tiếp theo nhé.
Mở đầu bản demo, ta sẽ nhìn thấy cảnh nhân vật chính Nghệ bị một người đeo mạng che mặt tấn công, và rơi xuống vách núi. Dưới đáy vực, Nghệ được một loài sinh vật kỳ lạ nhìn như rắn hồi sinh từ cõi chết, anh nhìn thấy bóng hình một cô gái đang thổi sáo trong lúc hôn mê, rồi bừng tỉnh.
Một đứa trẻ tên Hiên Hiên nhìn thấy Nghệ bị giam trong vách đá nên đã đưa anh về chăm sóc. Vào một ngày của hai năm sau, Hiên Hiên nhờ Nghệ hái giúp cậu đóa hoa dâm bụt đỏ mọc trên vách núi để chuẩn bị cho lễ hiến tế, nhưng giữa chừng, đóa hoa ấy lại bị heo Đương Khang mang đi mất. Thấy Hiên Hiên tỏ vẻ tiếc nuối, Nghệ nói mình sẽ giành lại đóa hoa đó giúp cậu bé rồi chạy theo heo rừng.
Sau khi đánh bại heo rừng Đương Khang, Nghệ mang đóa hoa về đưa Hiên Hiên chuẩn bị cho lễ hiến tế. Trong lúc tham gia hội làng, anh được nghe thầy phù thủy kể về truyền thuyết của vùng đất này. Rằng từ thuở sơ khai, người dân trên vùng đất phải sống trong sự tối tăm, lạnh lẽo, bị dã thú rình mò khắp nơi.
Vì thương dân, nên mười vị thần mặt trời đã quyết định hạ phàm, mang lại ánh sáng cho nhân loại. Những kẻ chống đối 10 vị thần bị biến thành tro bụi, còn những người tôn kính các vị thần thì được đưa đến sống tại Cửu Trùng Thiên đẹp như tiên cảnh.
10 vị thần sau đó còn ban cho người dân trí tuệ và dạy họ về chân lý của vạn vật, cho họ cuộc sống sung túc. Và cứ khi đến mùa hoa đào nở, các vị thần sẽ chọn ra những người may mắn trở thành truyền nhân của họ, đó là lí do tục hiến tế ra đời.
Hiên Hiên sau đó cũng nói rằng, cậu bé đã trở thành người được các vị thần chọn lựa, nên cậu chỉ có thể ở cạnh Nghệ vài ngày nữa thôi. Hiên Hiên cũng nói rằng lúc trước cha mẹ cậu cũng được các vị thần đưa đi, đó là lý do hiện tại cậu chỉ sống một mình. Nhưng giờ cậu sắp được gặp cha mẹ của mình tại nơi ở của các vị thần nên cậu rất trông đợi buổi hiến tế sắp tới.
Trong buổi hiến tế, những người được chọn bị đưa vào một cỗ máy, người dân xung quanh đều cúi đầu tỏ lòng thành kính, nên không có ai ngoài Nghệ nhìn thấy cảnh những người được chọn bị cỗ máy đó tách rời cơ thể và đưa xuống lòng đất. Vậy nên khi đến lượt Hiên Hiên bị hiến tế, Nghệ đã do dự một lúc rồi lao ra cứu cậu trước khi cỗ máy được khởi động.
Hành động của Nghệ đã gây ra một vụ nổ lớn, khiến tất cả người dân hoảng sợ bỏ chạy. Trong lúc Hiên Hiên còn đang không hiểu chuyện gì xảy ra, Nghệ đã chào tạm biệt cậu và khởi động cỗ máy hiến tế đi xuống căn cứ dưới lòng đất.
Khi đi đến trung tâm căn cứ, Nghệ đã khởi động cỗ máy để trò chuyện với một cỗ máy bí ẩn. Qua lời của cỗ máy, ta có thể thấy hành động phá hủy lễ tế của Nghệ đã gây ảnh hưởng đến một nơi gọi là Tân Bồng Lai và kế hoạch bí ẩn nào đó của Nghệ.
Nếu Nghệ bị hạ gục trên đường đi, anh sẽ được đưa đến một vùng đất trong tâm thức, gặp lại người bạn cũ Lý Nhĩ của mình và được truyền dạy những chiêu thức để đối mặt với kẻ thù. Tiếp tục với cuộc hành trình, Nghệ sẽ chạm mặt một con BOSS gọi là Anh Chiêu Ma Vương và phần demo cũng kết thúc tại đây.
Còn trong bản beta mới ra mắt cách đây không lâu, ta sẽ được hé lộ thêm các nhân vật khác, 1:19 như cô nàng thổi sáo trong phần demo tên là “Hằng”. Tôi nghĩ cô nàng này lấy cảm hứng từ “Hằng Nga” - người yêu trong truyền thuyết của Hậu Nghệ, nên câu chuyện trong Nine Sols sẽ có sự liên kết giữa hai truyền thuyết là “Hậu Nghệ bắn mặt trời” và “Hằng Nga lên cung trăng”, mà nếu thế thì cặp đôi Hằng - Nghệ này kiểu gì cũng hai người hai ngả.
Ngoài ra, bản demo còn có sự xuất hiện của các nhân vật như Khoa Phụ trong truyền thuyết “Khoa Phụ đuổi theo mặt trời”, Câu Mang trong câu chuyện “Mộc thần Câu Mang”, đồng thời cũng là BOSS chính của bản beta. Sau khi tiêu diệt và đeo vào cổ Câu Mang một chiếc vòng cổ, Nghệ sẽ được kết nối trí não, cho phép anh nhìn thấy quá khứ đau thương của Câu Mang, và bản beta cũng kết thúc tại đây.
Vậy về cơ bản, ta sẽ thấy bản demo và beta của Nine Sols sở hữu đồ họa cũng như cơ chế combat khá ổn, hoặc có thể nói là khó và khá căng kèo. Cốt truyện trước mắt tương đối chặt chẽ, những tình tiết đưa ra được giải quyết theo hướng logic nhưng cũng hơi dễ đoán, hy vọng trong bản hoàn thiện, nhà Nến Đỏ sẽ cho thêm cú twist long trời lở đất lật xe thồ để không phá hủy truyền thống tổ lái banh nóc của hai tựa game trước.
Chung quy lại, tôi đánh giá Nine Sols ở hiện tại là một tựa game đáng để chờ mong, nhất là với những bạn thích kiểu game combat thể loại tu tiên các thứ. Cốt truyện thì tôi chưa thấy ấn tượng lắm vì có cảm giác như xem Kungfu Panda, nhưng thiết lập thế giới thì khá hay. Nói chung là thêm Nine Sols vào wishlist không chơi được cốt truyện thì cũng vớt được gameplay nên cũng không lỗ.
Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về tựa game Nine Sols sắp ra mắt cuối năm nay của nhà Nến Đỏ? Hay bạn có thích video phân tích thế này của Mọt tôi không? Hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết với nhé, xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau, bye bye~
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn