Theo Cointelegraph, số lượng NFT được cho là "gia tăng một cách đột biến" kể từ thời điểm chính quyền thành phố bắt đầu các biện pháp cách li nghiêm ngặt. Thành phố Thượng Hải đã phải trải qua một đợt kiểm dịch bắt buộc kéo dài một tháng, khiến 25 triệu cư dân tại đây phải ở trong nhà của họ.
Khoảng thời gian "lockdown" kéo dài trong khi các quốc gia khác đang dần mở cửa trở lại gây ra nhiều phản ứng tiêu cực từ người dân. Không những thế, tác động từ chính sách "zero covid" ngày càng lộ rõ những bất cập gây ảnh hưởng xấu tới đời sống và kinh tế xã hội.
Những sự phản đối với chính quyền đã bắt đầu xuất hiện thông qua Internet. Người dân sử dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để ghi lại những khó khăn đang gặp phải và đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng. Tuy nhiên, các nhà chức trách chính phủ được cho là đang kiểm duyệt gắt gao các video có chủ đề như vậy xuất hiện trên internet. Rất nhiều hình ảnh về tình trạng phong tỏa tại Thượng Hại bị chính quyền cho là tiêu cực, ảnh hưởng tới công tác chống dịch và đã xóa chúng ngay lập tức.
Một số người đã tìm ra cách lách luật là biến các hình ảnh, video đó thành NFT và đưa lên các sàn giao dịch tài sản ảo. Điểm đặc biệt của công nghệ blockchain là các thông tin được đưa lên không thể xóa được và các tác động đều bị ghi lại trong lịch sử. Vì thế chính quyền Trung Quốc khó có thể tác động và can thiệp để xóa bỏ chúng.
Theo Reuters, việc lưu giữ đoạn video mà chính quyền đã cố gắng xóa, là một phần trong “cuộc nổi loạn của người dân”.
Vào ngày 22 tháng 4, một video có tên "Voices of April" đã được xuất bản trên YouTube với phần lồng tiếng về trải nghiệm của người dân Thượng Hải trong thời gian phong tỏa. Ngay sau khi được xuất bản trên YouTube, nó đã được đúc thành NFT và được liệt kê trên OpenSea.
Tính đến tháng 05/2022, hơn 2.300 sản phẩm liên quan đến video này có thể được tìm thấy trên thị trường OpenSea. Hơn nữa, hàng trăm NFT liên quan đến đợt giãn cách ở Thượng Hải đã xuất hiện kể từ đó. Chúng bao gồm các video có lồng tiếng tự nhận là người dân bên trong khu cách ly và mô tả một cách chi tiết cuộc sống đang diễn ra tại đó.
Điều này thực sự đáng chú ý bởi internet bên ngoài thế giới bị hạn chế tại Trung Quốc. Để tham gia vào mạng lưới internet toàn cầu, người dân phải vượt qua bức tường lửa ngăn cách của chính phủ bằng nhiều công đoạn phức tạp. Người dân tại quốc gia này đã quen với việc sử dụng mạng nội bộ trong lãnh thổ và trải qua sự kiểm duyệt nội dung cực kỳ gắt gao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn