Phụ Lục
Bây giờ coi phim kinh khủng người ta sợ thì tôi sẽ ngáp, đi chơi nhà ma người ta la hét còn tôi sẽ cười đùa. Riết rồi tôi thành cái giống gì cũng không biết. Nhưng có một điều tuyệt không thay đổi sau bao nhiêu năm. Đó chính là tập tính và thói quen của một game thủ và tôi cho rằng 99,99% những ai là game thủ sẽ ít nhiều có những hành động phi logic giống tôi. Đó là những hành động nào? Theo dõi ngay ở phần sau của video nhá. Năm mới vui vẻ!!!
Đây chắc chắn là thói quen mà bất kỳ game thủ nào cũng có, đặc biệt là những game thủ từng một thời đam mê múa phím trong thành phố vũ hội của Audition. Không phải tự nhiên mà bạn nghe thấy tiếng gõ bàn phím còn lớn hơn tiếng game hồi Audition còn làm mưa làm gió.
Các chủ phòng net dĩ nhiên không thích điều này bởi đồng nghĩa với việc hàng loạt phím cách rủ nhau hy sinh anh dũng trước bàn tay điêu luyện của các game thủ khi đang high theo nhạc. Không chỉ Auditon, các trò chơi khác cũng gặp trường hợp này. Vì một lý do nào đó mà tôi chưa thể giải thích được, game thủ thường có xu hướng đập bàn phím mỗi khi bị kẻ địch tấn công bất ngờ, hoặc như đồng nghiệp tôi thì đập chỉ để khoe nó đang xài Filco.
Nhiều lúc chỉ cần nghe cường độ âm thanh khi đập phím là tôi biết ngay đồng nghiệp đang chơi game nào nữa mà. Theo chia sẻ từ một nguồn đáng tin cậy thì các game thủ thường đập phím để buff sức mạnh nội tại, còn nó có tăng sức mạnh được không hay chỉ tốn tiền thay bàn phím thì tôi không biết.
Đây là thói quen thứ hai mà bất kỳ game thủ nào cũng có, đặc biệt là khi chơi những game thể thao điện tử như LMHT, Liên Quân hay Valorant vân vân và mây mây. Nói chung thì thói quen này sẽ xuất hiện khi những trận combat cực căng diễn ra và tuỳ vào tình hình căng thẳng của trận chiến mà âm thanh được phát ra với đủ các tần số khác nhau.
Chẳng hạn như khi gặp kẻ địch có kỹ năng kém. Âm thanh phát ra thường là các từ như “non”, “gà” hoặc “game là dễ” với âm lượng tương đối nhẹ nhàng pha lẫn sự châm chọc và khiêu khích. Đến khi giai đoạn combat tổng bắt đầu, chuỗi âm thanh sẽ được thay thế bằng những tiếng hú hét mà không nhân loại nào có thể phiên dịch nổi. Nghe đồn thứ ngôn ngữ kỳ dị này có khả năng khích lệ sĩ khí của phe ta, tăng phần trăm chiến thắng.
Tuy nhiên, chiến lược hét vào màn hình này không phải lúc nào cũng có hiệu quả và cách để biết nó thất bại là khi một chuỗi ngôn ngữ mang đậm chất nghiên cứu sinh vật học được đi kèm. Nào là mô tả về phụ khoa hay đòi giao hợp mẫu thân của đối thủ vang vọng chín tầng mây. Đương nhiên đây là một thói quen xấu vì nó góp phần làm ô nhiễm tiếng ồn hoặc tệ hơn là khi phụ huynh của bạn nhận ra đứa con mình nuôi dưỡng ở Việt Nam mười mấy năm nay lại có khả năng nói tiếng Đan Mạch vô cùng trôi chảy.
Thói quen này thường sẽ xuất hiện với những game thủ thuộc diện game nhập vai sinh tồn, mà tiêu biểu ta hay thấy là Lửa Chùa, PUBG hay Fornite. Điểm dễ nhận thấy ở các game thủ có thói quen này là họ thường bị hội chứng giống như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và có xu hướng nhặt nhạnh bất cứ cái gì xuất hiện trong tầm mắt dù thừa biết nó chẳng có tích sự gì.
Vì rất nhiều game thủ sở hữu thói quen kỳ lạ này nên đám người chơi ưa troll trong các game nói trên đã lợi dụng thói quen đó để săn mồi. Phương thức thì cũng đơn giản thôi, chẳng có gì cao siêu cả, họ sẽ rải một đống vật phẩm giữa đường sau đó nấp ở một bên chờ con mồi đến cắn câu. Đám kia thấy đồ đạc vứt lung tung ngoài đường thì dễ gì cưỡng lại được, thế là đến nhặt và BÙM. Lên dĩa chỉ vì ham nhặt đồ.
Ngoài ra thói quen này cũng làm khiến nhiều game thủ phải phân vân vì không gian túi có hạn mà họ lại lỡ nhặt quá nhiều đồ. Sau đó lại mất hàng tiếng đồng hồ để phân vân lựa chọn xem nên bỏ bớt đi thứ nào. Đúng kiểu bỏ thì thương, vương thì tội nhưng hễ ai hỏi giữ cái đó lại để làm gì thì lúc nào cũng mạnh miệng, rồi sẽ có lúc cần. Thiện tai, thiện tai.
Nghe thì có vẻ vô lý nhưng thói quen đầy thuyết phục này lại được nhiều thế hệ game thủ áp dụng như một kỹ năng sinh tồn từ cái thời còn cầm máy bốn nút đến khi build được dàn PC tiền triệu full hd không che. Tương truyền rằng cứ mỗi khi điều khiển nhân vật nhảy lên cao, người chơi phải rướn người về phía màn hình để kích hoạt nội tại ẩn giúp nhân vật bay cao thêm một chút so với bình thường.
Dù khoa học đã chứng minh là hai cái này chẳng liên quan gì với nhau, nhưng đây đã là một thói quen khó bỏ của cộng đồng game thủ mỗi khi bay nhảy trong thế giới game. Hiện tượng này nếu giải thích theo nghiên cứu khoa học thì chẳng qua do lúc chơi game nhập tâm quá, nên não bộ gửi tín hiệu đến các bó cơ, điều khiển cơ thể có phản xạ rướn người về trước mà thôi. Ngoài ra một số dân chơi game bắn súng FPS cũng có một biến thể tương tự là mỗi lần nghe tiếng nade hoặc flashbang thì tự động nghiêng người né.
Riêng cái thói quen này thì không gây ra bất kỳ tác hại gì đến môi trường xung quanh, có chăng là lỡ rướn người hơi căng nên mỏi chân, mất đà đập mặt vào màn hình mà thôi. Cái đó gọi là tự làm tự chịu.
Đây không chỉ là thói quen mà còn là một căn bệnh ám ảnh tâm lý ở mức độ nhẹ. Người có thói quen này khi chơi game thường sẽ rơi vào thế giới nội tâm của riêng mình và trải nghiệm game với suy nghĩ bất kỳ đứa nào chơi game giỏi hơn mình thì chắc chắn đều xài hack.
Theo nghiên cứu của Mọt tôi, những người có thói quen này thường là các game thủ bị giữ ở rank đồng đoàn quá lâu vì đồng đội ăn hại, hoặc là được đồng đội gánh, nhưng mà là gánh nặng. Điều này đã dẫn đến việc họ gặp một chuỗi thua đỏ chót trong quá trình leo rank, gây ra tâm lý tao không tin bất kỳ thằng nào con nào nữa.
Vậy nên mỗi khi họ gặp một người chơi giỏi, các game thủ này thường sẽ tự ám thị bản thân rằng thằng đó là hack, chắc chắn là hack, chứ người bình thường không thể nào chơi giỏi như thế được. Sự tai hại của thói quen này sẽ khiến các game thủ khó mở lòng hơn, luôn sẵn sàng tố cáo đối phương khi bị cho ăn hành bất kể đúng sai và đánh mất niềm tin vào nhân loại.
Thói quen này cũng tương tự như thói quen chơi giỏi là auto hack ở trên, là một trong những thói quen được hình thành từ tâm lý không chấp nhận sự sai lầm ở các game thủ. Dân chơi có thói quen này thường được chia thành hai loại người, một là chuyên gánh team mình và hai là chuyên gánh team địch.
Với loại người đầu tiên, thói quen này được hình thành một cách có cơ sở và nhận định “game thua do đồng đội” là đúng, vì họ đã gánh đến cong xương sống, cóng xương sườn nhưng thua thì vẫn thua. Còn ở loại thứ hai, thói quen này được hình thành dựa trên cơ sở game thủ có xu hướng trốn tránh sự thật. Lại còn thích già mồm bao biện cho việc mình là quả tạ bằng câu tụi bây như cái quần đùi để níu kéo chút sĩ diện cuối cùng.
Nói chung là thói quen này thì không có gì xấu, ấy là ở vũ trụ nào chứ ở trái đất này thì chúng tôi chê hết cả hai loại nhé. Đã chơi thể loại game cần đồng đội mà cứ đụng chuyện là blame thì thôi kiếm game nào chơi được một mình cho khỏe. Thắng thua tại tôi hết cho xã hội này trong lành.
Thói quen này xuất hiện chủ yếu ở các game thủ mê thể loại racing. Theo lời thiên hạ đồn đại thì mỗi khi bo cua, các game thủ thường sẽ nghiêng người theo động tác của nhân vật trong game để có thể cua mượt hơn, dù họ cua bằng ngón tay chứ không phải bằng thân người.
Theo giải thích từ chị Google thì thói quen này xảy ra cũng do game thủ quá nhập tâm vào trò chơi nên họ sẽ có xu hướng chuyển động theo những nhân vật trên màn hình. Đến hiện tại vẫn chưa ai chứng minh được thói quen này có thể giúp các game thủ giành được chức vô địch đua xe F1 hay không, nhưng chắc mẩm là có không ít game thủ bị té ghế vì lỡ nghiêng quá lố.
Cốt truyện của game quá dài là một trong những thứ làm những game thủ không phải người chơi hệ cốt truyện ngán ngẩm, nhất là trong những game sở hữu cốt truyện nói dài, nói dai và nói nhiều, thì việc phải ngồi đọc hết cốt truyện vì không có nút skip chẳng khác gì một cực hình của cánh game thủ.
Có lẽ vì thấu hiểu tiếng lòng của game thủ nên các nhà phát hành game thường sẽ bố trí cơ chế nhấn khung thoại để đoạn đối thoại chạy nhanh hơn, và vô hình chung nó đã khiến các game thủ hình thành thói quen là cứ nhấn vào khung thoại để skip cốt truyện, mặc kệ trò chơi có cơ chế đó hay là không. Ừ thì nghe cũng hơi buồn cười, nhưng tôi là một trong những người có thói quen đó nè, kể ra thì thói quen này cũng không gây hại gì ngoại trừ việc cứ nhấn mãi vào khung thoại nhìn nó hơi ngáo và phải nhấn liên tục kiểu đó sẽ hơi mỏi tay mà thôi.
Khi chơi bất kì một tựa game nào thì các nhiệm vụ trong game thường chia thành hai loại là nhiệm vụ chính và phụ. Trong đó nhiệm vụ chính sẽ cung cấp cho bạn những vật phẩm có ích hoặc thông tin về cốt truyện chính của game. Nhiệm vụ phụ thường chỉ được thêm vào để tăng trải nghiệm cho người chơi chứ quà thì bèo hơn cả tiền lì xì của tôi.
Tuy vậy nhiều game thủ sẽ có thói quen thấy chỗ nào có dấu chấm than trên bản đồ là phải làm cho bằng sạch, còn không làm họ sẽ bị tim đập nhanh, khó thở, trầm kẽm và áp lực cột sống. Thói quen này có lẽ bắt nguồn từ tâm lý không muốn bỏ lỡ cốt truyện hoặc những trải nghiệm thú vị trong game. Hay đơn giản hơn là họ thấy khó chịu hoặc ngứa mắt với những thứ chưa được giải quyết.
Nếu áp dụng ra ngoài đời thật thì sếp nào cũng khoái có một nhân viên như vậy, thấy việc gì còn tồn đọng là xử lý cho hết, chứ không phải dọa trừ lương, cắt thưởng mới chịu làm. Còn trong game thì đây là một thói quen tốt bởi nó sẽ giúp bạn có một trải nghiệm game trọn vẹn hơn, nói chung là trăm lợi nhưng một hại, cái hại duy nhất chắc là nó làm bạn chơi game lâu hơn bình thường.
Thói quen cuối cùng tôi muốn nhắc đến là việc các game thủ thường muốn phá đảo trò chơi của mình. Phá đảo ở đây không đơn giản là vượt qua trùm cuối để end game. Phá đảo đối với những game thủ này chính là diệt hết boss, hạ hết kẻ địch, mở khóa 100% bí mật, hoàn thành toàn bộ các thành tựu lẫn nhiệm vụ. Cuối cùng là thu thập toàn bộ những gì có thể trong trò chơi.
Nói là thói quen thì không chính xác lắm, tôi nghĩ gọi nó là một dạng ám ảnh cưỡng chế của giới game thủ thì đúng hơn. Nhiều game thủ sẽ có thói quen này, nhất là những người mê các trò chơi có hệ thống thành tựu hoặc qua ải. Dân chơi có thói quen này thường sẽ là những người yêu thích sự hoàn hảo, mê khám phá, thích chinh phục và cũng khá cố chấp.
Ví dụ cụ thể là nếu bỏ lỡ một thành tựu nào đó chỉ có thể đạt được trong sự kiện đó, không làm là mất luôn thì họ sẵn sàng chơi lại từ lần save gần nhất hoặc chơi lại từ đầu để mở khóa cho bằng được. Không làm như thế thì bệnh cũ sẽ tái phát, thao thức cả đêm, tự hỏi ý nghĩa nhân sinh trong cuộc đời này là gì hay chủ nghĩa duy vật và duy tâm, cái nào có trước.
Trong 10 thói quen mà Mọt tôi vừa liệt kê ở trên, bạn thường có hành vi nào trong số đó nhất? Nếu không có thì xin chúc mừng, bạn là một game thủ đầy lý trí hoặc là bạn có những thói quen nào mà Mọt tôi chưa liệt kê ra không? Nếu có thì hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết với nhé, giờ thì tôi là , cảm ơn các bạn đã xem video, xin chào và hẹn gặp lại trong những video sắp tới nhé, bye~
Theo dõi để không bỏ lỡ bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn