Phụ Lục
Vào ngày 15/6 vừa qua, nhà phát triển của tựa game Thief Simulator đình đám vào những năm 2018 - 2020 đã cho ra mắt một phiên bản mới toanh của dòng game giả lập trộm cắp tới tên gọi American Theft 80s. Theo giới thiệu của studio Noble Muffins, đây là một tựa game chất lượng với lối chơi và cốt truyện chi tiết hơn người tiền nhiệm.
Vậy American Theft 80s có thực sự là một tựa game đáng để anh em xuống tiền? Hay chí ít nó cũng là là một phiên bản tốt hơn của người đàn anh Thief Simulator như lời quảng cáo? Hãy cùng đánh giá American Theft 80s qua bài viết này nhé!
So với tựa game tiền nhiệm là Thief Simulator, American Theft 80s đã làm tốt hơn rất nhiều trong việc thiết kế UI, di chuyển và AI trong game. Đồng thời đó cũng là những điểm thiếu sót nhất của tựa game tiền nhiệm, có thể chắc chắn một điều rằng nhà phát triển đã tiếp thu và đón nhận rất tốt các ý kiến, đánh giá từ cộng đồng người chơi.
Khác với Thief Simulator, thay vì trải nghiệm dưới góc nhìn thứ nhất. American Theft 80s mang đến cho người chơi một góc nhìn hoàn toàn khác với góc nhìn thứ ba. Góc nhìn thứ ba cùng với thế giới mở? Chúng ta đang được chứng kiến một phiên bản Grand Theft Auto ít bạo lực và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Mặc dù vậy, American Theft 80s vẫn giữ nguyên được lối chơi đặc trưng của một dòng game mô phỏng công việc trộm cắp từ việc phá khóa bằng các công cụ, theo dõi lịch trình đối tượng, nhẹ nhàng vơ vét những món đồ trong nhà, chạy trốn cảnh sát và thu về chiến lợi phẩm.
Về mặt đồ họa, vì game lấy bối cảnh những năm 80s tại Mỹ. Phong cách thiết kế trong game mang thiên hướng hoài cổ (nostalgia). American Theft 80s đã làm khá tốt trong việc khắc họa một nước Mỹ ở thập niên 80. Mặc dù vậy, đồ họa của game không phải thuộc dạng quá xuất sắc hay nổi trội so với các tựa game góc nhìn thứ ba thế giới mở khác.
Về gameplay, nếu như trong Thief Simulator, người chơi có thể cảm thấy những công việc mình đang làm bị lặp lại quá nhiều thì American Theft 80s đã giảm thiểu trải nghiệm bị lặp lại với những nhiệm vụ bên lề từ NPC, đồng thời game cũng có một mạch cốt truyện chính. Dù vậy, cốt truyện của game không phải thuộc dạng quá hoàn chỉnh và liền mạch nhưng nhìn chung nó cũng một phần giúp cho người chơi có một trải nghiệm gameplay thú vị và đa dạng hơn.
Trong American Theft 80s, người chơi có thể đột nhập vào bất cứ công trình nào trong thành phố, từ những ngôi nhà trong khu dân cư tới bảo tàng, cửa hàng thậm chí là tòa thị chính của thành phố. Không có một nơi nào là thực sự an toàn khi có sự xuất hiện của bạn trong thành phố. Các công trình trong game được thiết kế rất đa dạng và có nhiều hình dáng cũng như cấu trúc khác nhau.
Mỗi vụ đột nhập của người chơi sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới, mỗi kiến trúc sẽ có những chiến lợi phẩm giá trị lớn khác nhau. Đây có thể nói là điểm nổi bật khác biệt nhất của American Theft 80s so với tựa game tiền nhiệm. Nếu như Thief Simulator, số lượng đồ vật trong các ngôi nhà có thể nói là rất nhiều khiến cho người chơi phải đau đầu suy nghĩ phải lựa chọn nên lấy cái gì thì trong American Theft 80s, người chơi có thể tập trung hơn vào những đồ vật có giá trị và tiền mặt thay vì những món đồ nhỏ lẻ vô giá trị.
Mỗi vụ đột nhập, người chơi sẽ được giao cho những mục tiêu và nhiệm vụ riêng biệt để người chơi biết rõ được mình nên làm những gì và phải làm những gì trước và sau khi hoàn thành vụ đột nhập. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tự do đột nhập vào những kiến trúc khác mà không cần nhận mục tiêu hay một nhiệm vụ nào cả.
Một điểm nổi khác đó chính là game cho phép người chơi mua và lấy trộm xe để SỬ DỤNG, đồng thời đây là những gì người chơi yêu cầu nhiều nhất ở Thief Simulator và được thêm vào những bản cập nhật sau của game. Cũng đúng thôi, nếu đặt câu hỏi rằng tại sao một tên trộm chỉ lái một chiếc xe duy nhất mà mãi chưa bị tóm. Chiếc xe sẽ là người bạn đồng hành với chúng ta xuyên suốt hành trình ăn cắp ăn trộm ở thành phố, bạn có thể lưu trữ chiến lợi phẩm trong cốp xe, ngủ cũng như để skip thời gian đến tốt để chuẩn bị hành động.
Tính năng đồng thời cho phép người chơi sử dụng những chiếc xe ăn trộm được mở ra nhiều lối thoát hơn khi bị phát hiện, thay vì phải chạy bộ đến chiếc xe cũ của mình, người chơi có thể sử dụng luôn chiếc xe của chủ nhà để bỏ trốn.
Ngoài ra, American Theft 80s còn có một tính năng mới lạ mà chưa từng có trong các tựa game trước đây, đó chính là cải trang. Thay vì người chơi phải ngồi trong xe và theo dõi đối tượng, bây giờ chúng ta có thể cải trang làm thợ điện hoặc mặc lên trên người một bộ suit để khám xét qua ngôi nhà. Nếu may mắn, bạn cũng có thể mang về cho mình một vài đồng tiền lẻ trước khi tiến hành vụ đột nhập chính vào ban đêm.
Bởi là một game góc nhìn thứ ba, độ thông minh của các NPC cũng được tăng lên đáng kể để tăng thách thức cho người chơi, nhưng có vẻ như vậy vẫn chưa đủ. Sẽ có những lúc dù bạn ngồi ngay trước mặt NPC, họ vẫn sẽ không nhìn thấy bạn. Một phần giải thích cho tình trạng trên đó chính là mỗi NPC sẽ có mức độ cảnh giác khác nhau.
Sẽ có những người cảnh giác với từng bước đi và âm thanh mà bạn tạo ra, nhưng cũng sẽ có những NPC bị mù và điếc. Điều đáng nói ở đây là "khoảng cách" giữa một NPC cảnh giác và một NPC "mù điếc" là quá lớn khiến cho người chơi không kịp trở tay khi vô tình bắt gặp những NPC cảnh giác hơn. Và tệ hơn nữa là số lượng các NPC ở mức độ "khó" lại xuất hiện nhiều hơn hẳn.
Mặc dù gameplay cũng đã được cải thiện so với tựa game tiền nhiệm, tuy nhiên tương tác trong American Theft 80s vẫn ở mức tệ. Điển hình nhất đó chính là việc mở các ngăn tủ trong nhà.
Thay vì mở luôn các ngăn tủ thì người chơi đầu tiên phải lựa chọn vào chiếc tủ rồi lựa chọn các ngăn tủ, và nếu như bạn mở các ngăn tủ theo thứ tự từ trên xuống, bạn sẽ không mở được ngăn tiếp theo trừ khi bạn đóng ngăn tủ trước đó lại. Thay vào đó, bạn phải mở ngăn tủ từ dưới lên để không phải đóng những ngăn trước đó.
Bên cạnh đó là tính năng mua nhà, không có một lí do nào đủ thuyết phục để người chơi mua nhà cả. Tất cả những gì một ngôi nhà có thể làm đều được gói gọn trong chiếc xe hơi của bạn. Thậm chí xe hơi còn cho phép bạn ngủ, còn chiếc giường trong nhà chỉ để trang trí.
Ngoài ra thì bản đồ của game quá nhỏ so với Thief Simulator, chỉ cần 2 vòng cua là bạn đã có thể cắt đuôi được cảnh sát và 2 vòng cua đó cũng đủ để bạn đi nửa vòng cái thành phố rồi.
Về nội dung gameplay thì phải nói là ít nếu không muốn nói là cực kỳ ít so với giá tiền. Tất cả những gì bạn có thể làm trong American Theft 80s đều có thể được làm trong Thief Simulator thậm chí Thief Simulator còn có nhiều nội dung và cho người chơi nhiều trải nghiệm hơn rất nhiều.
Điểm nổi bật khác hẳn so với Thief Simulator là cốt truyện thì lại thiếu tính kết nối, thậm chí sau khi hoàn thành các nhiệm vụ từ các nhân vật, người chơi vẫn chả hiểu được cốt truyện của game đang nói về cái gì.
Nhìn chung, so với Thief Simulator thì American Theft 80s có những điểm cộng và điểm trừ rõ rệt. Có lẽ nhà phát triển đã quá chú trọng vào việc xây dựng nội dung cốt truyện của game mà quên mất rằng điều thú vị trong dòng game Thief-Sim đó chính là cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành một phi vụ đột nhập thành công chứ không phải là một cốt truyện của một tên trộm.
Tất nhiên việc đưa ra mục tiêu rõ ràng và cho người chơi biết được mình đang làm gì là một điều cần phải có của dòng game Action-Adventure như American Theft 80s nhưng có lẽ game đã có thể tốt hơn nếu nhà phát triển chú trọng hơn về nội dung của cốt truyện để bù lại những điểm thiếu sót trong gameplay.
Trên đây là đánh giá sơ qua về American Theft 80s, đánh giá đây là một con game có giá tiền thuộc dạng "chát" so với nội dung mà nó sở hữu. Tuy nhiên nếu bạn vẫn muốn tự mình trải nghiệm và có đánh giá của riêng mình thì American Theft 80s đang được bán với giá sale 10% với giá 169.000 VNĐ (Giá gốc là 188.000 VNĐ) trên Steam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn