Phụ Lục
Từ nhà phát triển Chasing Carrots, Good Company là một con game thuộc thể loại tycoon lấy chủ đề điều hành một công ty công nghệ cao vừa được phát hành vào ngày 21/06 vừa qua. Thực sự chủ đề về công nghệ của game đã được khai thác rất tốt và nhận được nhiều phản hồi tích cực sau 2 ngày ra mắt. Vậy đây có phải là một tựa game tycoon thành công? Hãy cùng đánh giá Good Company nhé!
Trước khi đánh giá về Good Company, hẳn chúng ta đã nghe qua rất nhiều về Thung lũng Silicon (hay Silicon Valley) nếu bạn có ít nhiều đam mê về công nghệ? Về cơ bản đây là nơi tập trung của những tập đoàn công nghệ lớn và tiên phong cho sự phát triển của công nghệ và sáng tạo, điển hình là các huyền thoại như Microsoft, Apple, Google, Netflix.
Nhà phát triển Chasing Carrots cho biết, Thung lũng Silicon chính là nguồn cảm hứng chính của Good Company. Bởi vậy tính năng cũng như nội dung của game đều xoay quanh hai tiêu chí chính. Đó là tự động hóa và tối ưu hóa.
Tuy nhiên để tồn tại trong một thị trường khắc nghiệt, đâu phải cứ tự động hóa và tối ưu hóa là sẽ phát triển. Good Company đặt ra rất nhiều thử thách, đòi hỏi người chơi không chỉ phát triển doanh nghiệp của mình mà phải quan tâm tới những doanh nghiệp khác và tình hình thị trường.
Nếu không muốn bị các doanh nghiệp đối thủ vượt mặt, người chơi phải liên tục cho ra những sản phẩm với công nghệ và tính năng mới, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sản phẩm của bạn phù hợp với thị hiếu và xu hướng thị trường. Người chơi sẽ bắt đầu đem bán trên thị trường các món hàng công nghệ đơn giản như máy tính nhưng cần phát hành các phiên bản mới và cải tiến sản phẩm của họ khi xu hướng thay đổi.
Ví dụ khi nói đến máy tính, người chơi có thể cải thiện những thứ như kích thước màn hình và năng lượng pin với mỗi kiểu máy. Hệ điều hành có lẽ là ít cần thay đổi vì giao diện nhưng đó lại là thứ thường xuyên phải cập nhật nếu không muốn PC biến thành gạch sau vài lần bị hack do lổ thủng bảo mật.
Bên cạnh đó, người chơi còn có thể tự phát minh ra một sản phẩm công nghệ đặc trưng của mình. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng sản phẩm đó sẽ tạo được sự bùng nổ trên thị trường khó tính này. Liệu sản phẩm của bạn sẽ để lại dấu ấn trên thị trường hay sẽ chết yểu và trở thành dự án đầu tư của các doanh nghiệp cạnh tranh?
Không sai khi chúng ta nói Good Company là một Thung Lũng Silicon thu nhỏ khi tại đây sự phát triển của công nghệ luôn được đặt lên ưu tiên, sẽ có những hạt giống công nghệ đang nảy nở như doanh nghiệp của người chơi, nhưng sẽ những doanh nghiệp công nghệ lớn sẵn sàng "ăn thịt" và tống cổ những mầm mống này ra khỏi thung lũng.
Đã có rất nhiều nhận xét từ cộng đồng cho biết các quy trình trong Good Company rất chân thực cũng như khá bám sát quy trình sản xuất ở ngoài đời thực. Có vẻ như nhà phát triển đã nghiên cứu rất kỹ về các quy trình sản xuất tạo các doanh nghiệp và nhà xưởng ở ngoài đời.
Trong Good Company, người chơi sẽ được điều hành vào tất cả các bước trong khâu sản xuất, bắt đầu từ việc nhận nguyên liệu từ kho vận chuyển, sau đó các nguyên liệu sẽ được chế tạo thành các thành phần của thiết bị. Từ đó các thành phần sẽ được chế tạo thành các mô-đun và được sử dụng trong thành phẩm cuối cùng.
Nghe thì chúng ta có thể nhận thấy rằng đây là một quy trình lặp đi lặp lại và tẻ nhạt, nhưng thực tế thì đây là trải nghiệm thỏa mãn và là điểm nhấn chính của game. Phần lớn thời gian, người chơi sẽ tham gia vào quy trình tẻ nhạt này và biến hóa nó theo một cách sáng tạo và tối ưu hơn bằng cách tự động hóa các khâu vận chuyển và lắp đặt.
Ví dụ, để làm một máy nghe nhạc cassette, người chơi sẽ cần đặt hàng kim loại và nhựa để làm cuộn dây, cuộn dây này sẽ được sử dụng trong mô-đun loa monophone cùng với một thành phần và vật liệu khác như vỏ máy, pin và các mô-đun hiển thị để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Tôi có quên thứ gì không nhỉ? À mỗi mô-đun cũng yêu cầu các thành phần riêng để tạo ra chúng nữa. Và để tối ưu hóa quy trình này, bạn hoàn toàn có thể lắp đặt một nhà máy chuyên sản xuất loa monophone hoặc mô đun của loa monophone và biến nó thành một quy trình sản xuất khép kín.
Nếu chúng ta bỏ qua bối cảnh của game thì lối chơi của Good Company cũng giống như mọi game mô phỏng kinh doanh khác. Nếu so sánh với các game cùng thể loại thì Good Company đã làm tốt hơn về mặt tối ưu giao diện người dùng và khiến cho việc tiếp cận với game trở nên dễ dàng và thân thiện hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nói đến hệ thống cân bằng chi phí và dòng tiền. Trong Good Company, bạn chỉ có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ một sản phẩm thực sự thành công. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra một vấn đề đó là người chơi chỉ cần liên tục tạo ra các sản phẩm thì chắc chắn sẽ tạo ra được lợi nhuận khủng và giúp công ty đi lên. Và hệ thống này đã ngăn ngừa việc đó xảy ra.
Trong Good Company, nếu một bản thiết kế đã lỗi thời hoặc không hiệu quả, giá trị của thiết bị trên thị trường sẽ quá thấp để tạo ra lợi nhuận. Người chơi không thể đơn giản cứ thiết kế những thiết bị công nghệ cao nhất xuyên suốt quá trình chơi được, vì phải cân đối giữa chi phí của các bộ phận và thời gian sản xuất. Nói cho dễ hiểu thì cùng nguồn nhân công và vật liệu, trong khi Apple sản xuất iPhone 13 thì bạn lại đi làm Nokia 8250. Bán sao cho có lãi?
Trong các game thuộc thể loại tycoon như Good Company, người chơi luôn mong muốn được tương tác với các nhân vật và công chúng trong game hoặc ít nhất là nhìn thấy được phản ứng của các nhân vật trong quá trình làm việc và phản ứng của cộng đồng khi người chơi đưa ra một quyết định nào đó. Good Company lại không có tính năng này, đây có thể nói thiếu sót duy nhất và cũng là lớn nhất của trò chơi.
Các phản ứng của nhân vật và công chúng không chỉ đơn thuần là để nhìn ngắm cho vui bởi trong các game thể loại mô phỏng, nó giúp người chơi nhận thức về những việc mà mình đang làm. Liệu chế độ đãi ngộ của công ty đã đủ tốt hay chưa? Liệu sản phẩm này có quá đắt hay không?
Rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra khi bạn quản lý và điều hành cả một doanh nghiệp nào đó và thứ duy nhất giúp bạn trả lời những câu hỏi này đó chính là phản ứng từ cộng đồng chứ không phải một cái bảng thống kê lợi nhuận và chi phí.
Ngoài ra thì các khâu quản lý và điều hành của Good Company là chỉ tập trung vào tính hiệu quả của doanh nghiệp qua các quy trình và máy móc thay vì tập trung vào các khía cạnh con người như nhân viên. Bên cạnh đó thì việc Good Company có quá ít tương tác giữa người chơi và nhân viên của mình, nhưng người chơi vẫn phải giữ cho nhân viên mình hài lòng và tạo động lực cho họ.
Những nhân viên hạnh phúc sẽ nhận được những đặc quyền nhỏ như làm việc nhanh hơn một chút và đóng góp một số tiền vừa đủ để tích lũy Điểm Thành công, nhưng không có hậu quả nào đối với một nhân viên không hài lòng với công việc.
Có thể thấy là Good Company đã làm không tới trong tính năng quản lý nhân viên của mình, mặc dù vậy chúng ta vẫn không thể phủ nhận một điều rằng những thiếu sót trên không ảnh hưởng quá nhiều tới gameplay của game. Tuy nhiên việc này có thể sẽ gây khó chịu cho những fan lâu năm của thể loại game này
Good Company được mô tả trên trang Steam là một trò chơi "lấy cảm hứng từ tinh thần của Thung lũng Silicon", tức là game sẽ luôn yêu cầu người chơi tiến bộ và thích ứng trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi.
Good Company có rất nhiều tính năng và đa dạng trong lối chơi, đồng thời UI của game khá thân thiện với những người mới trong thể loại mô phỏng quản lý. Tuy nhiên, các quy trình trong game về lâu dài có thể gây ra một chút khó khăn và khó hiểu cho những người mới.
Đối với những người chơi lâu năm, Good Company cung cấp rất nhiều tính năng và công cụ để bạn thỏa sức quản lý mọi khía cạnh từ vi mô đến vĩ mô của doanh nghiệp công nghệ. Trên đây là những phân tích và đánh giá cá nhân về tựa game Good Company nhưng Mọt vẫn hy vọng bạn tự thân trải nghiệm trò chơi để có cái nhìn rõ ràng hơn về game.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn