Giải ngố về CC0 – “Bản quyền” NFT liệu có quan trọng?

Thứ năm - 04/04/2024 22:17
Khi NFT phổ biến, nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền cũng xuất hiện, cho thấy nhiều kẽ hở pháp lý trong loại hình nghệ thuật mới này.

CC0 là viết tắt của chữ “Creative Commons Zero”, nghĩa là tác giả của các sản phẩm trí tuệ đã từ bỏ quyền tác giả hoặc bất kì quyền liên quan nào tới những sản phẩm này để trao nó lại cho công chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc, công chúng có toàn quyền sử dụng hoặc chế tác lại những sản phẩm gốc này mà không cần xin phép hoặc chia lợi nhuận với tác giả gốc.

Dạo gần đây, các dự án NFT đang có xu hướng đi theo con đường “CC0” hóa, bắt đầu từ Nouns DAO, sau đó là Blitmap, CrypToadz, và mới nhất là Moonbirds. Điều này dường như đi ngược lại với lý do tồn tại của NFT trước giờ – một phiên bản độc nhất của một sự vật được số hóa trên blockchain – và rằng “bản quyền” là một trong những điểm đặc biệt liên tục được nhấn mạnh khi công chúng nhắc về NFT. Giờ đây, bản quyền ấy lại bị từ bỏ một cách có chủ đích.

Có một sự thật cần phải được thừa nhận trong thị trường NFT: bản quyền thực ra không quan trọng đến thế.

Trong dự án đang gây bão gần đây là NFTiffs, đã có gần một nửa NFT được rao bán trên sàn giao dịch thứ cấp OpenSea chỉ sau vài ngày được mở bán. 90% NFT trong bộ sưu tập này được nắm giữ dưới 7 ngày, và 10% còn lại được nắm giữ chỉ chưa đầy một ngày.

Thời gian nắm giữ của các NFTiffs. Nguồn: Nansen

Chỉ những bộ sưu tập hàng đầu như BAYC, Moonbirds, CryptoPunks hay Doodle mới có thời hạn nắm giữ lâu hơn – trên 3 tháng hoặc thậm chí 2 năm.

Thời gian nắm giữ trung bình của các dự án NFT lớn. Nguồn: Nansen

Nhưng tất nhiên, phần đông các bộ sưu tập NFT không thuộc hội “con nhà giàu” ấy. Và thay vì chờ đợi một cơ hội “vụt sáng thành sao” nào đó, họ vẫn phải nỗ lực tìm cách tồn tại trong thị trường có tính đào thải nhanh chóng này.

Thứ tài sản giá trị nhất của một dự án NFT không nằm ở bản quyền mà là danh tiếngthương hiệu của chúng. Với CC0, cộng đồng sẽ có quyền tạo ra nhiều tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc mà không phải đối mặt với bất kì rủi ro pháp lý nào, và đó chính là con đường để các dự án NFT tồn tại. Bài học này đã được đúc kết một cách sâu sắc thông qua hình ảnh của chú Punk 4156 – nhân vật hư cấu đã được bán lại với mức giá hơn 3 triệu USD hồi giữa tháng 7.

Punk 4156 có lẽ là một trong những nhân vật sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật phái sinh chất lượng nhất trong dàn anh chị em Punks của nó. Rất nhiều nghệ sĩ đã chọn 4156 làm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình như thể đó là một quy tắc bất thành văn khi họ muốn tạo ra những bức ảnh chế có liên quan tới huyền thoại CryptoPunks.

https://twitter.com/next_roy/status/1548108802100146182

Mặc dù CryptoPunks chưa phải là một loại tài sản CC0, đây vẫn là một case study đáng để tham khảo về việc đồng sáng tạo (co-creation) trong bài toán thương hiệu đối với các dự án NFT. Đồng sáng tạo sẽ là một sợi dây tự nhiên kết nối cộng đồng với dự án để tạo hiệu ứng lan tỏa một cách bền vững hơn thay vì tạo ra những chiến dịch ngắn hạn và nhất thời như airdrop hoặc giveaway. Hơn nữa, nếu đặt CC0 vào văn hóa của thị trường NFT, một nền văn hóa của memes và những điều kì quặc, các bộ sưu tập NFT sẽ càng có nhiều cơ hội “sống sót” hơn qua bàn tay và trí tưởng tượng bất tận của cộng đồng.

Nếu thành công mang hiệu ứng lan truyền (viral success) chủ yếu xoay quanh việc làm cho người ta chia sẻ một vấn đề càng nhiều càng tốt, thì thành công trong nhận thức lan truyền (memetic success) chính là khả năng làm cho đám đông hưởng ứng vấn đề theo một cách sáng tạo hơn thông qua việc remix/remake nó.

Mặt trái của CC0, của việc trao đi toàn bộ quyền kiểm soát đối với các tác phẩm NFT, chính là một sự sáng tạo đi chệch hướng. Biết đâu được, những tác phẩm phái sinh ấy không tồn tại trong lòng người hâm mộ như những điều đẹp đẽ và hài hước, mà là những tác phẩm đồi trụy và bạo lực? Liệu những điều đó có trở thành một vết nhơ trên hình ảnh thương hiệu chuẩn mực mà đội ngũ dự án đã tâm huyết xây dựng hay không?

Cho phép đám đông có toàn quyền sử dụng và sáng tạo phái sinh tác phẩm là một chuyện, tìm cách để họ gắn bó vào quá trình sáng tạo này lại là một câu chuyện khác. Nên nhớ rằng, CC0 là một phương tiện làm thương hiệu, không phải một công cụ để tiến hành soft-rug. Đội ngũ dự án vẫn cần phải chủ động tương tác và giao tiếp với đúng đối tượng khán giả của mình thông qua những hoạt động sáng tạo phù hợp với câu chuyện thương hiệu đã được tạo ra trước đó.

Tinh thần sáng tạo ấy phải đến từ chính đội ngũ làm ra dự án trước, rồi mới lan truyền dần tới cộng đồng để biến những kẻ xa lạ thành những người hâm mộ trung thành. CC0 sẽ là một vũ khí đắc lực để các dự án tồn tại trong thị trường NFTs khắc nghiệt, nhưng điều ấy cũng sẽ sớm trở nên vô nghĩa nếu dự án không có một kế hoạch cụ thể nào để tận dụng và khai phá triệt để những ưu thế mà thứ vũ khí này mang lại cho mình.

Theo dõi để đón đọc những thông tin mới nhất về game nhé!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn