Axie Infinity cùng với sự thành công của mình là một điểm khởi đầu lý tưởng cho GameFi. Đây có lẽ là ví dụ điển hình nhất về một dự án Play-to-Earn “thành công”. Nhưng cũng chính vì nguyên nhân đó, Play-to-Earn đang chịu một mặt trái tiêu cực nặng nề khi giờ đây người dùng chỉ nhìn về ngành công nghiệp tỉ đô tiềm năng chỉ với một góc nhìn.
Play-to-Earn hiện tại về cơ bản đang mang tính chất như một công việc và thiếu đi yếu tố giải trí. Bạn thực hiện công việc, và bạn sẽ nhận được phần thưởng. Sau đó, mọi người quy đổi ra thành thu nhập, lặp đi lặp lại.
Khi sự phấn khích dần nguội lạnh và giá token có dấu hiệu đi xuống, họ sẽ chuyển sang dự án tiếp theo và lặp lại chu kỳ. Nếu người chơi không thực sự cảm thấy giải trí khi chơi, việc xây dựng một cộng đồng người hâm mộ trung thành cho dự án sẽ vô cùng khó khăn và số phận của dự án cuối cùng bị ràng buộc bởi khía cạnh kinh tế.
Ở thời kì đỉnh điểm của sự phấn khích, hàng loạt các dự án Play-to-Earn đua nhau ra đời, thậm chí phát triển với các mô hình mới “X-to-Earn”, bạn thực hiện một hoạt động cụ thể và bạn nhận được phần thưởng. Tuy nhiên, “chỉ khi châm lửa thì mới biết đâu là vàng đâu là thau”, chỉ một số ít dự án có sản phẩm thật để người dùng có thể trải nghiệm, và còn lại thì sản phẩm đều “hoa mỹ” trên giấy và người dùng đánh giá dự án đó là tốt hay không tốt đều dựa trên giá token hơn là việc xem xét gameplay hay tìm hiểu thật sự mô hình kinh tế của game. Sự quan tâm sẽ luôn đi kèm với lợi nhuận.
Kết quả là, cộng đồng đã chứng kiến một hàng dài các dự án tương tự, được xây dựng kém chất lượng lạm dụng từ khoá “blockchain” như một công cụ để thu hút, tập trung vào các khía cạnh như tính sở hữu, khả năng giao dịch và kiếm tiền trong khi sản phẩm chỉ với cơ chế chơi đơn giản, hình ảnh được xây dựng từ kho lưu trữ Unity Asset hoặc đơn giản hơn là sử dụng hình ảnh pixel. Sản phẩm có thể hấp dẫn những nhà đầu cơ, nhưng với cộng đồng game thủ, chỉ một lần trải nghiệm và có thể họ sẽ không bao giờ quay lại.
Điều này mang đến một ấn tượng tiêu cực về Play-to-Earn cho cả người dùng hiện tại và rất có thể là trong tương lai. Người dùng giờ đây chỉ xem Play-to-Earn như là một cơ hội kiếm tiền, “một việc làm thêm” và gần như lỡ mất những tiềm năng tích cực mà Play-to-Earn đã và đang mang lại cho thế giới.
Thay vì tập trung vào các chiến lược marketing truyền thống và có thể sẽ không hiệu quả ở thị trường cryptocurrency, các dự án có khả năng tận dụng blockchain để triển khai phần ngân sách marketing thông qua cơ chế Play-to-Earn, cho phép người dùng kiếm được các token có thể đổi thành giá trị trong thế giới thực. Sáng kiến này được chứng minh mang lại một kết quả growth-hack tăng trưởng vượt bậc cho các dự án GameFi cả về nhận thức thương hiệu và đặc biệt trong việc thu hút người dùng mới.
Khi tham gia Play-to-Earn, người dùng từ cả Web2 và Web3 thực hiện những bước đầu tiên của họ vào không gian blockchain với các hành động đơn giản như tạo ví, nhận token, hoán đổi,.. và dần dần trải nghiệm các ứng dụng blockchain mà không cần phải tìm hiểu qua các lý thuyết phức tạp trước đó. Do vậy, Play-to-Earn thúc đẩy nhanh nhận thức và hiểu biết cho việc áp dụng hàng loạt tiền mã hoá và blockchain.
Play-to-Earn phát triển cộng đồng fandom chỉ trong vài tháng thay vì nhiều năm như trong các trò chơi truyền thống. Do đó, các dự án có thể tạo ra các luồng doanh thu đa dạng thông qua hàng hóa, các bộ sưu tập NFT và đặc biệt là các sản phẩm Sở hữu trí tuệ (IP). Dựa trên nhận thức về thương hiệu của các nhân vật trong game, các trò chơi mới được phát hành ngày càng có khả năng thành công cao hơn. Điều này cũng giúp tiết kiệm một khoản chi phí marketing đáng kể. Hiểu cách tận dụng IP đúng cách sẽ giúp dự án và các đối tác của họ phát triển.
Sky Mavis, công ty đằng sau Axie Infinity, đã tiết lộ những dự án đầu tiên trong Chương trình nhà xây dựng, qua đó người chơi sẽ có tạo ra các trò chơi mới dựa trên nhân vật Axie và kiếm được thu nhập thông qua những sáng tạo của chính họ.
Một sáng kiến nhằm giới thiệu nội dung do người dùng tạo (UGC) vào hệ sinh thái Axie, Chương trình nhà xây dựng xem người chơi hoặc “người xây dựng”, kiến tạo ra trò chơi và sẽ được hưởng phần lớn doanh thu; phần còn lại của giá trị này sẽ được chuyển vào kho bạc của cộng đồng hoặc trực tiếp cho người chơi.
Việc xây dựng một trò chơi chất lượng cao là mục tiêu quan trọng, song các nhà phát triển cũng nên cân nhắc các cơ hội làm được nhiều hơn thế và mang lại giá trị cho người chơi bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, việc này góp phần làm tăng cường tuổi thọ cho trò chơi của họ. Cấp phép sở hữu trí tuệ (IP) là một cách hữu hiệu mà các nhà phát triển game có thể tăng cường nhận diện thương hiệu, cải thiện mức độ tương tác với những người chơi hiện tại và thu hút những người chơi mới.
Play-to-Earn tạo ra một cộng đồng lớn với chi phí hợp lý giúp đội ngũ phát triển có một không gian thử nghiệm sản phẩm lí tưởng để hoàn thiện trò chơi của họ. Mục đích chính của việc thử nghiệm trò chơi là để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng đáp ứng được mong đợi của người chơi cũng như các nhà phát triển.
Không giống như các trò chơi truyền thống, các dự án Play-to-Earn yêu cầu một hệ thống phức tạp hơn – một sự kết hợp lành mạnh giữa gameplay và nền kinh tế trong trò chơi. Có rất nhiều biến số cần xử lý với hàng triệu đô la đã được đầu tư vào chi phí phát triển và marketing. Vì lý do này, không thể coi nhẹ các thí nghiệm sản phẩm để trò chơi không lãng phí nguồn lực hoặc gây ra nhiều thiệt hại hơn mức cần thiết.
Sản phẩm cuối cùng đôi khi có thể thay đổi đáng kể so với sản phẩm ban đầu và điều này là hoàn toàn có thể chấp nhận được miễn là phù hợp với thị hiếu thị trường. Đây cũng là một trong các tiêu chí giúp đánh giá mức độ linh hoạt của nhóm phát triển; một đội ngũ phát triển có năng lực luôn sẵn sàng thích nghi và vươn ra không giới hạn để mang lại kết quả tốt nhất có thể.
Thị trường đang chứng kiến sự nối đuôi nhau của thế hệ game Play-to-Earn đầu tiên, và nhiều dự án nhanh đến nhưng cũng chóng lụi tàn. Mọi thất bại nên được xem là một bài học quý giá cho thế hệ sau học hỏi.
Thất bại là nơi cho ta sự trải nghiệm thiết thực nhất. Thất bại cuối cùng sẽ định hình liệu bạn có phải là một nhà lãnh đạo.
Một dự án có thể thất bại vì nhiều lý do. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi khía cạnh của dự án vốn đã thiếu sót. Việc xác định tính năng nào thành công và tính năng nào không hoạt động như kế hoạch có thể giúp người xây dựng trò chơi thực hiện các điều chỉnh hiệu quả trong lần tiếp theo.
Ví dụ, Heroes & Empire, một dự án Play-to-Earn thuộc thể loại game Teamfight Tactics - TFT đang thịnh hành (với các tựa game đáng chú ý như Dota2 Autochess và LOL Chess), từng thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng nhưng không mang lại kết quả như mong đợi, một phần có lẽ là đến từ mô hình kinh tế của trò chơi vẫn còn điểm cần được cải thiện. Thế hệ tiếp theo của các trò chơi TFT Play-to-Earn có thể học hỏi từ những dự án tiền nhiệm này và tránh đi vào con đường tương tự, từ đó sẽ phát triển một sản phẩm thành công trong tương lai.
Play-to-Earn đã đưa ngành công nghiệp game lên như vũ bão và chắc chắn sẽ trở thành một phần chính của ngành gaming. Mối quan tâm chính mà hầu hết các trò chơi web2 có là liệu web3 có phải là một trò đùa. Tương tự như cách TradFi nghĩ về DeFi ngay trước mùa hè DeFi. Không giống như các nhà đầu tư, game thủ là một phân khúc khách hàng khác; họ sẽ đi đến những nơi thú vị và giải trí, đó cũng là điều mà các trò chơi web3 nên hướng tới.
Cần nhiều giai đoạn phát triển để hoàn thiện một mô hình mới và Play-to-Earn cũng vậy. Hiện tại, Play-to-Earn còn chứa đứng nhiều vấn đề, song lợi ích và tiềm năng của Play-to-Earn còn lớn hơn thế. Các dự án Play-to-Earn mong muốn tồn tại sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước – nhưng chúng tôi tin rằng cuối cùng những người chiến thắng vẫn sẽ có một phần thưởng xứng đáng đang chờ đợi ở phía trước.
Đừng quên theo dõi để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất về các game hot nhé!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn