Các cụm từ Tiếng Việt từ hay bị viết sai chính tả nhất

Thứ sáu - 05/04/2024 04:49
Sai chính tả: "Chuyện không của riêng ai" - học xong tưởng mình là master, ai dè lớn lên không biết "sửa chữa" dấu "hỏi" hay dấu "ngã"?
Mục lục

Phụ Lục

  • Cụm từ "Đọc giả - Độc giả"
  • Cụm từ "Dành giật - Giành giật"
  • Cụm từ "Nhận chức - Nhậm chức"
  • Cụm từ "Giả thuyết - Giả thiết"
  • Cụm từ "Chia xẻ - Chia sẻ"
  • Cụm từ "Chín mùi - Chín muồi"
  • Cụm từ "Thăm quan - Tham quan"
  • Cụm từ "Sát nhập - Sáp nhập"
  • Cụm từ "Tựu chung - Tựu trung"
  • Cụm từ "Vô hình chung - Vô hình trung"
  • Cụm từ "Chuẩn đoán - Chẩn đoán"
  • "Chuẩn đoán - Chẩn đoán"
  • Cụm từ "Xúc tích - Súc tích"
  • Cụm từ "Bạc mạng - Bạt mạng"
  • Cụm từ "Cọ sát - Cọ xát"
  • Cụm từ "Sáng lạng - Xán lạn"
  • Những cụm từ Tiếng Việt khác cũng dễ sai chính tả
  • Và...làm sao để tránh viết sai chính tả?
  • Túm cái váy lại thì...

Chắc cú rằng ai ở đây cũng ít nhất 1 lần đã sai chính tả trong đời. Chúng ta hay có câu đùa rằng "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" thì Mọt xin đính chính rằng điều đó 100% là rất đúng nhé! Lúc bé, học xong dăm ba câu tiếng Việt, tưởng mình là master, ai dè lớn lên không biết "sửa chữa" dấu "hỏi" hay dấu "ngã"?

Mọt tin rằng ai mà đọc phải những văn bản sai chính tả sẽ rất khó chịu, đặc biệt là các 'cảnh sát chính tả' - người chuyên đi sửa lỗi chính tả. Giống như việc đang chạy xe trên đường mà vấp phải ổ gà, tụt hết cảm xúc, thì việc đọc trúng những từ sai chính tả cũng vậy!

Hãy theo chân Mọt xem những cụm từ nào mà người Việt hay nhầm lẫn cũng viết sai chính tả nhất nhé!

Cụm từ "Đọc giả - Độc giả"

"Đọc giả" hay "Độc giả"?

- Đọc giả: từ vô nghĩa, không mang bất kì ý nghĩa nào

- Độc giả là từ chỉ người đọc sách báo nói chung, thường là trong mối quan hệ với người làm sách như tác giả, nhà xuất bản.

Cụm từ "Dành giật - Giành giật"

- Dành giật: từ vô nghĩa, không mang bất kì ý nghĩa nào

- Giành giật: tranh giành, tranh cướp

"Dành giật" hay "Giành giật"

Cụm từ "Nhận chức - Nhậm chức"

- Nhận chức: không có trong từ điển tiếng việt

- Nhậm chức là giữ chức, gánh vác, đảm đương chức vụ

"Nhận chức - Nhậm chức"

Cụm từ "Giả thuyết - Giả thiết"

- Giả thuyết: được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.

- Giả thiết: được dùng để chỉ điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.

Vì vậy, hai từ "giả thiết" và "giả thuyết" đều không sai chính tả, chúng ta sẽ nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.

"Giả thuyết - Giả thiết"

Cụm từ "Chia xẻ - Chia sẻ"

- Chia xẻ: vẫn có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể, trong khi đó "xẻ" nghĩa là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (ví dụ như: xẻ rãnh thoát nước).

- Chia sẻ: mang ý nghĩa là san sẻ, chia ra thành từng phần, từ một chỉnh thể; "sẻ" là chia bớt ra, lấy ra một phần.

Bạn đã thấy Tiếng Việt bão táp chưa nào, trong trường hợp này, có thể nói, hai từ "chia sẻ" và "chia xẻ" này cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng cách dùng từ khác nhau. Bạn nên chọn từ đúng trong mỗi trường hợp, chứ đừng cãi cố "chia xẻ" là sai chính tả nhé, sẽ bị các 'cảnh sát chính tả' tò tí te ngay đấy!

"Chia xẻ - Chia sẻ"

Cụm từ "Chín mùi - Chín muồi"

- Chín mùi: không có nghĩa

- Chín muồi: rất chín, đạt đến độ ngon nhất, đạt đến độ phát triển đầy đủ nhất

"Chín mùi - Chín muồi"

Cụm từ "Thăm quan - Tham quan"

- Thăm quan: “thăm” là tiếng Nôm, còn “tham” và “quan” là tiếng Hán Việt, không thể ghép tiếng Nôm và tiếng Hán Việt vào nhau được

- Tham quan: đi đến tận nơi để quan sát và học hỏi, mở mang kiến thức.

"Thăm quan - Tham quan"

Cụm từ "Sát nhập - Sáp nhập"

- Sáp nhập: ngoài nghĩa là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách.

- Sát nhập: Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" với nghĩa tương tự nhau.

Tuy nhiên, theo ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – Trưởng Bộ môn Hán Nôm Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không thật hợp lý.

Cũng chưa có bất kỳ bằng chứng hay lập luận nào cho rằng 1 trong 2 từ này sai chính tả, thật ra còn tùy thuộc vào có thể vùng miền, cách phát âm, văn nói hay văn viết của từng người sử dụng nữa!

"Sát nhập - Sáp nhập"

Cụm từ "Tựu chung - Tựu trung"

- Tựu trung: tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.

- Tựu chung: không có trong từ điển tiếng việt

"Tựu chung - Tựu trung"

Cụm từ "Vô hình chung - Vô hình trung"

- Vô hình trung: tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại tạo ra, gây ra việc nói đến. Ví dụ: "Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó".

- Vô hình chung: không có nghĩa.

Hiện nay không có bất kì từ điển tiếng Việt nào có định nghĩa về từ “vô hình chung” hay vô hình dung gì cả. Vì vậy, “vô hình trung” mới là cách dùng đúng trong chính tả Việt Nam, còn “vô hình chung” là sai. Lý do nhiều người nhầm lẫn giữa 2 cụm từ này có thể là do cách phát âm của một số vùng miền, dùng âm CH thay cho TR.

"Vô hình chung - Vô hình trung"

Cụm từ "Chuẩn đoán - Chẩn đoán"

- Chẩn đoán: dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm mà xác định bệnh tật

- Chuẩn đoán: không có nghĩa

"Chuẩn đoán - Chẩn đoán"

Cụm từ "Xúc tích - Súc tích"

- Súc tích: vừa ngắn gọn vừa làm cho người đọc hiểu được ý của nó.

- Xúc tích: sai chính tả

Có thể nói, đây là 1 trong những cụm từ dễ sai chính tả nhất và cũng thường thấy nhiều người sử dụng nhầm nhất, việc sai cụm từ này có khả năng đến từ cách phát âm và văn nói của từng cá nhân, vì âm "s" và âm "x" nếu phát âm không chuẩn sẽ dễ dẫn đến trường hợp khi viết ra sẽ bị sai chính tả.

"Xúc tích - Súc tích"

Cụm từ "Bạc mạng - Bạt mạng"

- Bạt mạng: liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy

- Bạc mạng: không có nghĩa

"Bạc mạng - Bạt mạng"

Cụm từ "Cọ sát - Cọ xát"

- Cọ xát: cọ đi cọ lại hai vật vào nhau, thử thách trong những hoàn cảnh khác nhau

- Cọ sát: không có nghĩa

Tương tự như cụm "Xúc tích - Súc tích", đây cũng là 1 trong những cụm từ dễ sai chính tả nhất và cũng thường thấy nhiều người sử dụng nhầm nhất, vì cách phát âm "s" và âm "x" không chuẩn sẽ dễ dẫn đến trường hợp khi viết ra sẽ bị sai chính tả.

"Cọ sát - Cọ xát"

Cụm từ "Sáng lạng - Xán lạn"

- Xán lạn: rực rỡ, sáng sủa

- Sáng lạng: sai do cách phát âm

Âm "s" và "x" luôn là lý do của rất nhiều lỗi sai chính tả như Mọt đã ví dụ ở trên, việc nhầm lẫn giữa 2 âm này sẽ dẫn đến viết sai chính tả thường xuyên hơn của các bạn đấy!

"Sáng lạng - Xán lạn"

Những cụm từ Tiếng Việt khác cũng dễ sai chính tả

Bên cạnh những cụm từ dễ sai chính tả quá phổ thông mà chúng ta thường thấy như trên, thì cũng còn rất nhiều những cụm từ/từ khác vừa do cách phát âm, cũng có thể là do ảnh hưởng bởi văn nói áp dụng vào văn viết, theo thời gian lâu dần sẽ hình thành thói quen khó sửa chữa, khiến chúng ta rất khó để thay đổi như (từ đúng phía trước, từ sai phía sau nhé):

  • Bổ sung - Bổ xung
  • Ích kỷ - Ít kỷ
  • Rửa xe - Dửa xe
  • Chân thành - Trân thành
  • Cũng - củng
  • Sẽ - Sẻ
  • Rượt đuổi - Dượt đuổi
  • Chỉn chu - Chỉnh chu
  • Chẳng lẽ - Chẵng lẻ
  • Có lẽ - Có lẻ
  • Cập bến - Cặp bến
  • Dư dả - Dư giả
  • Dành dụm - Giành giụm
  • Giọt sương - Giọt xương
  • Mạnh dạn - Mạnh dạng
  • Ngành - Nghành
  • Nền tảng - Nền tản
  • Rảnh rỗi - Rãnh rỗi
  • Sắc sảo - Sắc xảo
  • Sở dĩ - Sỡ dĩ
  • Sơ suất - Sơ xuất
  • Suôn sẻ - Suông sẻ
  • Xử lý - Sử lý
  • Trau dồi - Trau giồi/Trao giồi
  • Tháo dỡ - Tháo dở
  • Trải nghiệm - Trãi nghiệm
  • Xem xét - Xem sét
  • ...

Và còn rất nhiều những ví dụ khác cho việc sai chính tả, sai phát âm mà Mọt chưa thể liệt kê hết ở đây, từ điển Tiếng Việt vốn đã rất phong phú đa dạng, nhưng khi bạn sử dụng sai chính tả thì có khi lại 'vô tình đẻ' thêm những từ ngữ khác cho bộ từ điển chúng ta đấy nhé! Hãy thay đổi ngay khi còn có thể!

Ai cũng có thể sai chính tả nha!
Ai cũng có thể sai chính tả nha! (Nguồn: Kenh14)

Ngay cả truyền hình đôi khi cũng sai chính tả nè!
Ngay cả truyền hình đôi khi cũng sai chính tả nè! (Nguồn: tintuc.vn)

Và...làm sao để tránh viết sai chính tả?

Cái khó ở đây là người viết sai chính tả thường không biết mình sai. Khi được người khác góp ý, họ biết nhưng do đã là thói quen thì sẽ bị lại như cũ, hoặc khó chiều hơn là họ sẽ tự ái, không chịu thừa nhận là mình đã sai. Vậy có cách nào để giúp họ sửa hay không?

Giúp người khác chỉnh sửa chính tả, nên hay không?
Giúp người khác chỉnh sửa chính tả, nên hay không?

Có một cách giúp bạn sửa lỗi chính tả tiếng Việt là sử dụng Word soạn thảo nội dung trước khi xuất bản trên website hoặc fanpage. Vì trong Word có 1 tính năng là AutoCorrect, mỗi khi bạn đánh sai, Word sẽ tự động chỉnh lại từ đúng, nhưng để làm được điều này bạn phải dạy Word “học” từ nào là sai và từ nào là đúng, cách này có thể rất khó áp dụng đối với những người vốn đã sai chính tả nhiều và thành thói quen.

Tốt nhất cách để check xem mình đã viết đúng chính tả hay chưa thì với những từ hay cụm từ nào mình không chắc chắn, bạn có thể nhờ đến 'phù thủy biết tuốt' mang tên Google, chỉ cần search và tìm xem mình đã viết đúng hay chưa là được! Ngoài ra, còn một số cách khác như sử dụng Google Documents hoặc các công cụ kiểm tra lỗi chính tả online khác.

Túm cái váy lại thì...

Sai chính tả rất dễ trở thành thói quen, và cũng cực kì dễ 'lây', nhất là khi sử dụng trên mạng xã hội hoặc việc sai chính tả lâu ngày trở thành thói quen, lâu dần nó sẽ có ảnh hưởng không ít trong cuộc sống của mọi người! Ví như khi bạn đi tranh luận mà 'lỡ' sai chính tả thì sao? Không những hơi 'cuê' mà còn khiến cho lập luận của chúng ta tự nhiên sẽ mất ảnh hưởng hoặc bớt đi giá trị đúng không nào?

Sai chính tả là thua nhé!
Sai chính tả là thua nhé!

Vậy thì hãy tập thói quen chỉnh sửa khi sai chính tả nhé! Không chỉ giúp ích cho bản thân mà Mọt tin chắc rằng biết đâu còn hỗ trợ người khác cải thiện vốn từ ngữ Tiếng Việt đấy!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn