Phụ Lục
Được trích từ chương 15 của Số đỏ, tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” là hình ảnh vô cùng ngược đời khi một đám tang lại chẳng khác gì dịp xôm tụ để quan viên hai họ ăn mừng linh đình. Không phải tự nhiên mà người ta gọi Vũ Trọng Phụng là bậc thầy của nghệ thuật trào phúng. Bằng việc lột tả từng nhân vật, cử chỉ và hành động mà nhà văn đã phô bày cho người đọc thấy bản chất lố lăng của tầng lớp tư sản thành thị thời Pháp thuộc.
Giờ đây thời thế đã đổi thay nhưng cái kiểu đám tang đầy bi hài trong Số đỏ không phải là trường hợp cá biệt, bởi vì ngoài đời thật vẫn còn rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy. Hôm nay hãy cùng Mọt đến với Hỉ Tang, một tựa game ngắn đến từ Trung Quốc để cùng xem, người trong cuộc hay nói đúng hơn là người đã khuất sẽ cảm thấy thế nào khi bản thân là nhân vật chính trong một đám tang như vậy nhé.
Bối cảnh của Hỉ Tang đặt tại một vùng quê nghèo của Trung Quốc, trong đám tang một bà cụ vừa mới qua đời, chồng bà mất không lâu trước đó, nên giờ chỉ còn con cháu về chịu tang bà. Mọi người trong thôn đến dự tang lễ thì khen rằng bà cụ thật có phúc, qua đời lúc 100 tuổi lại có con cháu đầy đàn thế này thì chẳng còn gì bằng.
Con cháu của cụ ai cũng hồ hởi tiếp chuyện, chỉ có cô bé Niếp Niếp là chẳng hiểu gì bởi vì cô bé còn quá nhỏ để biết cái gì là sinh li tử biệt. Niếp Niếp là cháu gái duy nhất của bà cụ nên bé rất thích bà, hôm nay Niếp Niếp đến thăm còn mang cho bà một viên kẹo ngọt nhưng thứ duy nhất cô bé thấy chỉ là tấm ảnh đen trắng của bà đặt trước quan tài.
Một bóng dáng lom khom bất chợt lướt qua đôi mắt Niếp Niếp, cô bé nhận ra đó là bà mình nên vội vàng theo bà vào trong nhà, nhưng lạ làm sao vì hình như ngoài Niếp Niếp, chẳng ai nhìn thấy bà cụ lưng còng đang chống gậy.
Khung cảnh bên trong căn nhà cũng khác hoàn toàn với những gì trong trí nhớ của Niếp Niếp, đó là một căn phòng ấm cúng đầy ánh nắng mặt trời. Cô bé tìm thấy quyển album ảnh chụp một chị gái rất xinh đẹp, trên tường cũng treo đầy giấy khen nào là học sinh giỏi, đoạt giải múa và đại hội thể thao. Bên cạnh còn có một bức ảnh chụp chị gái đó cười rạng rỡ cùng với ba mẹ với dòng chữ viết tay kỉ niệm, hóa ra chị gái cũng tên là Niếp Niếp giống với cô bé.
Niếp Niếp lại đi qua một căn phòng khác tối tăm và u ám hơn, trong phòng đang tổ chức đám cưới với cô dâu và chú rể đang ngồi hành lễ, chân của cô dâu còn bị một sợi xích trói lại. Trên tường là những lời chúc sớm sinh quý tử, con đàn cháu đống. Niếp Niếp tìm thấy một bức ảnh rách nát trong căn phòng tăm tối, người nữ trông ảnh có nét rất giống bà của cô bé, nhưng mặt của người nam đã bị bôi đen. Niếp Niếp tự hỏi tại sao trông ảnh mọi người rất vui nhưng cô gái giống bà lại buồn như vậy?
Thế rồi cô bé lên đường đến một căn phòng khác, trong phòng đặt đầy những món quà đủ màu sắc, một cái bánh sinh nhật khổng lồ và bức ảnh một bé gái mỉm cười rất tươi, nhưng căn phòng tiếp theo lại quay về màu sắc tăm tối, Niếp Niếp thấy trên những ô cửa sổ là hình ảnh một người đàn ông đang đánh đập một người phụ nữ. Có lẽ cô bé còn quá nhỏ để hiểu hành động đó là gì, chỉ nhớ rằng trong phòng có đặt một bức tượng bồ tát giống như bức tượng bà nội thường thờ phụng.
Niếp Niếp nhớ mình luôn hỏi tại sao bà lại thích cầu thần bái phật như thế, bà đáp vì không có ai cứu bà, nên bà chỉ có thể gửi gắm ước nguyện của mình vào những vị thần ở trên cao, hy vọng họ sẽ đáp lại lời cầu xin của bà. Niếp Niếp còn nhỏ nên không hiểu, cô bé chỉ cảm thấy bà nên nói rõ ước nguyện với mọi người vì chỉ có thể ước nguyện của bà mới thành sự thật, nhưng cô bé nào biết không phải bà không muốn nói, mà là bà không thể nói.
Căn phòng tiếp theo Niếp Niếp đặt chân đến là một phòng ngủ với một người phụ nữ đang khóc gọi con mình, trên giường là chú thỏ bông dùng để làm quà sinh nhật 16 tuổi cho cô gái Niếp Niếp. Cô bé Niếp Niếp không biết tại sao người phụ nữ lại khóc nên lại lật đật trèo sang một căn phòng tiếp theo. Đây là một căn phòng tồi tàn với cặp búp bê trông rất giống những người chú của Niếp Niếp, nhưng tiếc thay con búp bê trông như bé gái lại vỡ mất, chỉ có mỗi búp bê nam là nguyên vẹn khiến cô bé tiếc nuối không thôi.
Niếp Niếp tiếp tục đi theo tiếng gọi của bà đến phòng ngủ của một bé gái và tìm thấy một viên kẹo ngọt, Niếp Niếp nhớ lại mỗi lần cô bé không chịu uống thuốc, mẹ sẽ cho cô bé một viên kẹo ngọt để dỗ dành, vị kẹo thơm ngọt sẽ át đi mùi thuốc đắng nên Niếp Niếp thích kẹo của mẹ nhất, nhưng cô bé vẫn chẳng thích uống thuốc một chút nào.
Sau khi Niếp Niếp dùng viên kẹo dỗ bé búp bê trên giường uống thuốc, cô bé trèo trở về căn phòng của bà, đó là phòng bếp ọp ẹp với cánh cửa đã mục nát, giường của bà được kê gần khu bếp mục nát. Vì bà già rồi hay bệnh tật nên bà phải uống thuốc, nhưng mà thuốc đắng lắm, ông lại cứ thích bắt bà uống nên mỗi khi bà phải uống thuốc, Niếp Niếp sẽ lại lén cho bà một viên kẹo như vậy thì bà uống thuốc sẽ không còn thấy đắng nữa.
Niếp Niếp sau khi cho bà viên kẹo thì chạy ra ngoài vì không muốn phiền bà nghỉ ngơi, cô bé quay về nơi tổ chức tang lễ, thấy bà nằm trong quan tài với gương mặt đã được phủ khăn. Nhưng Niếp Niếp nào biết cái gọi là mất hay chia li? Cô bé chỉ nghĩ rằng bà đang ngủ nên đặt kẹo lên bụng bà, nhỏ giọng thủ thỉ nói kẹo này ngon lắm, Niếp Niếp đặc biệt mang đến cho bà đó, bà mau ăn thử đi.
Lúc này thau đốt vàng mã đột nhiên vụt tắt, Niếp Niếp thò tay nhặt được một tờ giấy trong đó với dòng chữ “Tôi muốn về nhà”. Cô bé ngây ngô ồ lên, hóa ra bà của Niếp Niếp muốn về nhà, ba của cô bé cũng vừa xuất hiện. Niếp Niếp ngây ngô chạy đến kéo tay ba, nói rằng vừa rồi cô bé mới gặp bà, bà nói muốn về nhà, nhưng lời này của Niếp Niếp đã bị người bố gạt đi. Ông dặn cô bé không được chạy lung tung, nhỡ bị bắt cóc thì sao rồi kéo Niếp Niếp ra ngoài.
Niếp Niếp đeo khăn tang, theo đoàn người đi chôn bà. Cô bé thấy mọi người lấp đất thì ngây ngô hỏi tại sao bà lại ở dưới đất khiến ba cô bé cười đáp bà sẽ ở dưới đất cùng ở ông của Niếp Niếp, mãi mãi dõi theo bảo vệ Niếp Niếp và cả nhà. Niếp Niếp ngơ ngác nói với ba rằng bà muốn được về nhà, nhưng ba Niếp Niếp lại bảo đây là nhà của bà.
Mọi người xung quanh cũng vui vẻ hùa theo, nhưng Niếp Niếp không hiểu. Trí óc non nớt của một đứa trẻ làm cô bé òa khóc nức nở, mọi người xung quanh thấy thế thì tặc lưỡi mắng Niếp Niếp khóc như vậy thật chẳng may mắn gì cả, nhưng họ nào biết cô bé đang khóc vì đến tận khi nhắm mắt, bà của Niếp Niếp vẫn không thể về nhà.
Hỉ Tang không phải một tựa game kinh dị hay cảm động mà là một tựa game chính kịch phê phán tệ nạn buôn người, trong đó người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất không ai khác chính là bà của cô bé Niếp Niếp. Những căn phòng mà Niếp Niếp đi qua trong suốt trò chơi là hành trình cả một đời của người bà và sự đối lập của hai căn phòng trong cùng một khung hình giống như sự đối lập giữa thiên đường và địa ngục.
Dựa vào những căn phòng ấm áp nằm ở nửa dưới của khung hình, ta biết rằng bà của Niếp Niếp vốn là một cô bé tài năng và được cha mẹ yêu thương hết mực. Nhưng bà lại bị bắt cóc vào năm 16 tuổi và bị đưa đến một vùng quê nghèo để người ta mua về làm vợ. Vấn nạn bán phụ nữ cho những người đàn ông nông thôn lấy làm vợ tôi đã từng đề cập trong video cốt truyện Trùng Minh, nhưng bà của Niếp Niếp lại không được may mắn như vậy.
Bà bị bắt cử hành hôn lễ với một người đàn ông xa lạ mà mình không hề yêu, nếu nhìn kỹ trong khung cảnh này ta còn có thể thấy chân của bà bị trói lại bằng một sợi xích vì sợ bà bỏ trốn. Sợi xích đó không chỉ trói buộc bà mà còn chôn vùi cả tương lai và tự do của cô gái trẻ từ giờ phút đó. Đến đây chúng ta sẽ có một câu hỏi, tại sao đàn ông ở vùng nông thôn thời đấy phải mua phụ nữ về làm vợ?
Có thể một phần là do hủ tục trọng nam khinh nữ đã dẫn đến việc mất cân bằng giữa nam và nữ, nhất là ở những vùng nông thôn dân trí thấp thì việc này sẽ càng nghiêm trọng. Nhưng một phần cũng có thể là do những người đàn ông này không có đủ tiền để đáp ứng sính lễ thách cưới của nhà gái, hoặc không có cô gái nào ưng họ. Vì nhiều lý do mà những người đàn ông đó tìm đến những kẻ buôn người để mua phụ nữ về làm vợ, vừa rẻ lại vừa đơn giản.
Chính vì được mua bằng tiền nên những cô gái được mua về làm vợ trong mắt những người đàn ông đó chẳng khác gì một món đồ vật trong nhà. Bà của Niếp Niếp thường xuyên bị chồng bạo hành bằng nhiều cách, và đương nhiên hàng xóm không ai xuất hiện để bao che hay bênh vực cho bà. Đó cũng chính là lý do bà đã gửi gắm niềm tin của mình vào những bức tượng phật với hy vọng thần phật sẽ nghe thấy lời cầu xin và đưa bà ra khỏi chốn địa ngục trần gian này.
Nhưng đó vẫn chưa phải là thứ tồi tệ nhất bởi vì những người phụ nữ bị mua về làm vợ không chỉ bị xem là đồ vật trong nhà mà còn có nhiệm vụ là phải sinh con nối dõi cho người chồng. Hai câu chúc “sớm sinh quý tử”, “con đàn cháu đống” xuất hiện trong ngày cưới vốn phải mang nghĩa tốt đẹp nhưng ở hoàn cảnh này lại trở thành sự mỉa mai cho số phận của người phụ nữ.
Bởi thế mà bà của Niếp Niếp phải sinh rất nhiều con cho chồng, nhưng đến đây nếu bạn để ý sẽ thấy Niếp Niếp chỉ có chú chứ không hề có cô. Điều này đồng nghĩa với gì? Nhìn vào con búp bê được đặt trong phòng bếp ta sẽ thấy con búp bê hình bé gái đã bị vỡ chứng tỏ bà của Niếp Niếp đã từng sinh ra một hoặc một vài bé gái, nhưng vì một lý do mà ai cũng biết, những bé gái đó đã không có cơ hội để nhìn thấy ánh mặt trời.
Bà của Niếp Niếp không thể bỏ trốn cũng không thể chống trả nên chỉ đành chấp nhận số phận với hy vọng khi về già mọi chuyện sẽ tốt hơn, hoặc chí ít chồng sẽ đối xử với mình tình cảm ơn. Nhưng tất cả hóa ra chỉ là giấc mơ viển vông của riêng bà khi dù đã gần 100 tuổi, bà vẫn chỉ có thể ngủ trên một cái giường xập xệ trong căn bếp cũ, đến cả món quà vặt như một viên kẹo cũng là thứ quá đỗi xa xỉ với bà.
Bạn nghĩ liệu con của bà có hiếu thảo với bà không? Tôi nghĩ là không, vì nếu thương bà thì những đứa con đã chẳng đời nào để bà cụ phải ngủ ở một nơi xập xệ như thế. Người duy nhất quan tâm đến bà chỉ có cô cháu gái Niếp Niếp. Lý do bà cụ đối xử tốt với Niếp Niếp hẳn cũng là vì cô bé cùng tên với bà cụ, khi nhìn thấy Niếp Niếp bà lại nhớ đến bản thân mình ngày xưa. Cái thời mà bà vẫn còn sống trong sự yêu thương đầy ấm áp của cha mẹ và bạn bè.
Có thể nói nếu không bị đám người bắt cóc bán đến nơi này, biết đâu bà đã có một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc. Nhưng cuộc đời làm gì có chữ nếu, thế nên từ năm 16 đến khi tròn trăm tuổi, suốt 84 năm ở chốn địa ngục trần gian, bà của Niếp Niếp chưa một lần nhận được sự tôn trọng như một con người. Ấy thế mà đến khi bà chết thì đám con cháu lại tổ chức tang lễ long trọng, đình đám hết cỡ để thể hiện với mọi người rằng chúng có hiếu với mẹ biết chừng nào.
Mọi người đâu biết những khổ cực và tủi nhục mà bà lão từng trải qua. Họ thấy một đám tang hoành tráng nên nói bà sống đến 100 tuổi là thọ, con đàn cháu đống là phúc nhưng họ đâu biết đó là thứ đọa đày bà suốt bao nhiêu năm. Cuối cùng trước khi chết bà chỉ có một tâm nguyện là được trở về căn nhà mình đã rời xa hơn 80 năm, gặp lại cha mẹ yêu thương mình như thời còn là một đứa trẻ. Nhưng đau đớn thay, bà không được toại nguyện vì bị mai táng ở nơi này.
Phải nằm chung nấm mồ cùng với người chồng tệ bạc, kẻ đã ngược đãi bà hơn nữa đời người. Tiếng kêu than trong tuyệt vọng của bà có lẽ chỉ mỗi mình cô bé Niếp Niếp với trái tim thuần khiết mới cảm nhận được. Cô bé đã khóc, có lẽ cô còn quá nhỏ để hiểu sinh ly tử biệt là gì nhưng Niếp Niếp biết một thứ mà những người lớn không thể nào cảm nhận được, đó là bà muốn trở về nhà.
Nhưng mọi thứ chỉ được tổng kết lại bằng câu mắng nhiếc của người lớn rằng việc Niếp Niếp khóc trong đám tang là không may mắn. Một câu đơn giản nhưng vô cùng bẽ bàng cho sự thật nghiệt ngã về số phận của bà Niếp Niếp. Nhưng sẽ còn đáng buồn hơn nếu bạn biết không chỉ bà của Niếp Niếp mà còn rất nhiều người phụ nữ khác trong đó có cả phụ nữ Việt Nam có thể đã và đang phải trải qua những điều kinh hoàng nói trên.
Vậy mới nói Hỉ Tang không phải một câu chuyện buồn với một kết thúc có hậu. Nó chỉ là tấm gương phản chiếu về một hiện trạng rất thực tế trong xã hội, mà thực tế thì đa phần luôn tàn khốc. Video đến đây cũng kết thúc rồi, hi vọng các bạn thích video này và hẹn gặp lại mọi người trong những video hay tiếp theo nhé. Tạm biệt.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn