Phụ Lục
Hôm nay không có cốt truyện, không có phân tích càng không có nội dung gì sâu xa phức tạp. Chỉ là một buổi tâm sự nhẹ nhàng của Mọt sau khi trải nghiệm lại Chinese Parents lần nữa. Có thời cái game này từng được rất nhiều người chơi quan tâm vì họ thấy được hình bóng của bản thân trong đó. Không sở hữu đồ họa cao siêu hay lối chơi xuất sắc, Chinese Parents khiến game thủ đồng cảm vì trong đó có quá nhiều vấn đề mà những người trẻ tuổi phải đối mặt trong cuộc sống.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, bắt đầu từ khi nào thì chúng ta trở nên rất dị ứng với cụm từ “con nhà người ta”? Tôi không có đáp án cho câu hỏi đó nhưng ít nhất khi chơi Chinese Parents lần đầu thì cũng tìm được vài dẫn dắt thú vị. Đầu tiên là sự thú vị khi nhận ra tuổi thơ dữ dội của trẻ con ở nước nào cũng cũng như nhau cả. Thứ hai chính là các bậc phụ huynh, đặc biệt là tại khu vực châu Á kiểu gì thì cũng có những kỳ vọng giống nhau mà thôi.
Nhớ lại ngày xưa khi còn học tiểu học, có một lần cô giáo hỏi chúng tôi, lớn lên các con muốn làm gì? Có bạn nói muốn làm ca sĩ, có bạn muốn làm siêu nhân giải cứu thế giới, nhưng câu trả lời nhiều nhất mà tôi nghe được là “Lớn lên con muốn làm bác sĩ”. Nhưng khi cô giáo hỏi tại sao các con lại muốn làm bác sĩ, câu trả lời lại là “Bởi vì ba mẹ con muốn vậy.”
Từ khi nào, ước mơ của ba mẹ đã trở thành nguyện vọng của đứa trẻ? Ước mơ thật sự của các bạn ấy là gì? Không ai biết, cả tôi, cả bạn, cả chúng ta có lẽ đều đã quên ước mơ thật sự của mình, còn các bạn đang xem video, các bạn còn nhớ lần cuối mình ước mơ là khi nào không? Hãy suy nghĩ, và để lại câu trả lời cho Mọt tôi biết khi video kết thúc nha.
Mấy hôm trước, tôi vừa chơi lại Chinese Parents, nhưng tôi thích gọi nó là “Hành trình cuộc đời” hơn. Nói đơn giản thì đây chỉ là một game giả lập làm người, nơi bạn có thể quyết định mình sẽ trở thành ai trong tương lai. Lựa chọn thì có nhiều lắm nhưng chắc lựa chọn nhiều nhất vẫn là những cuộc đời có vẻ ngon như một ca sĩ với nhiều giải thưởng danh giá, một nhà toán học tài năng hay một nhân viên làm công ăn lương bình thường.
Đời người trung bình kéo dài hết 60 năm, nhưng trong cái game này, tôi được trải nghiệm mọi mốc thời gian quan trọng của một con người như chào đời, đi học, lập gia đình và duy trì nòi giống trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Thật là ảo diệu và càng hư cấu hơn khi kết thúc một đời người, tôi lại có thể bắt đầu bằng thế hệ kế tiếp và cứ thế dự định giải trí một chút thôi đã thành một ngày, và nhiều ngày sau đó.
Bạn thắc mắc game có gì mà gây mê mẩn thế à, thật ra cái game này chẳng có gì cả, cốt truyện chẳng ly kỳ, gameplay lại càng không quá xuất sắc. Nhưng nó vẫn cuốn hút tôi cùng nhiều người khác, đơn giản vì chúng ta thấy một phần của bản thân trong đó.
Ở thế hệ đầu tiên, tôi nhắm mắt lựa chọn ngẫu nhiên và kết quả một bé gái vô cùng đáng yêu. Thời nay nam hay nữ đều như nhau, đã vậy tôi sẽ trở thành một học sinh giỏi toàn diện, thi đỗ vào đại học danh tiếng. Vì mục tiêu đó nên tôi đã dồn tất cả chỉ số vào IQ và EQ, còn dùng toàn bộ số tiền tiêu vặt chỉ để mua đề cương luyện thi. Bài kiểm tra trong trường đạt điểm tuyệt đối, ba mẹ tự hào, thầy cô khen ngợi, và tôi đoạt giải hầu hết những cuộc thi viết văn trong trường.
Dĩ nhiên đi kèm với thành công là áp lực không tưởng. Giống như ở ngoài đời thật, khi chỉ chú tâm vào việc học, bạn không còn thời gian cho những mối quan hệ khác. Ngoài đời thật, tôi từng là học sinh giỏi, cũng từng đạt nhiều giải thưởng, là học trò cưng của giáo viên, là con ngoan của ba mẹ. Lúc đó tôi không cảm thấy điều đó là vấn đề nhưng khi nhìn lại một phiên bản tương tự của mình trong game thì chợt nhận ra có quá nhiều thứ phải bàn.
Tôi ngoài đời và tôi trong game chỉ cắm đầu vào học, cả hai chúng tôi không hề có khái niệm vui chơi, bạn bè hay bất cứ mối quan hệ xã hội nào khác. Mọi người vẫn thường nói thanh xuân rất đáng quý vì nó chỉ trải qua một lần trong đời. Cùng với thanh xuân chính là những kỷ niệm đẹp thời học sinh. Nhưng thanh xuân của tôi là cái gì ấy nhỉ? Nó rất kỳ lạ, khó giải thích và giờ đây khi đã trưởng thành, tôi vẫn tự hỏi vì sao mình không có những ký ức đẹp thời học sinh như mọi người.
Thanh xuân của họ là ký ức, vậy thanh xuân của tôi là gì? Không gì cả.
Có lẽ tôi đã quá chấp nhất với câu hỏi đó nên vô thức lặp lại hành trình ngoài đời thật của mình trong game. Sau thời gian là con ngoan trò giỏi, đáp ứng được mọi kỳ vọng của phụ huynh, nhân vật của tôi bắt đầu đi chệch hướng vì không chịu nổi áp lực. Dự tính vào trường đại học danh tiếng tan thành mây khói, tôi đành chấp nhận một trường tầm trung. Dần dần suy nghĩ mình không thể làm được đã khiến tôi không còn muốn phấn đấu, cuối cùng nhân vật kết thúc vòng đời với một công việc tạm bợ và một mối quan hệ gia đình cũng tạm bợ nốt.
Tôi nhận ra rằng có những tư tưởng đã ăn rất sâu vào tiềm thức, nó giống như câu chuyện con voi và cọc gỗ. Khi còn bé, con voi bị trói vào cọc không thể bứt xích để thoát ra được. Khi đã lớn và đủ sức mạnh, cứ tưởng nó sẽ dễ dàng thoát khỏi sự trói buộc ấy. Nhưng không, con voi vẫn đứng yên vì nó bị áp đặt bởi suy nghĩ không thể thoát ra đã ăn sâu vào tiềm thức. Chúng ta cũng vậy, khi đã bị chi phối bởi suy nghĩ mình không làm được đâu thì rất khó để có thể làm thành công một việc gì đó. Nói rộng hơn, khi suy nghĩ đã cố định, quá khó để người ta có thể tiếp thu những điều mới mẻ.
Lần chơi tiếp theo, tôi quyết định làm gì đó mới mẻ hơn nên hướng nhân vật của mình trở thành một nhà văn hoặc một nhà nghiên cứu lịch sử tài ba. Có kinh nghiệm từ lần chơi trước nên lần này nhân vật luôn cân bằng giữa việc học và các mối quan hệ xã hội khác. Cuộc sống học đường quả thật đã trở nên thú vị hơn tôi tưởng. Việc gặp gỡ thêm nhiều nhân vật khác cũng khiến tôi hứng thú với nhiều nghề nghiệp hơn.
Chẳng hạn khi gặp Phong Phong, tôi muốn trở thành một đầu bếp, còn lúc nói chuyện với Thu Đạt, tôi lại bắt đầu nuôi suy nghĩ trở thành một họa sĩ ngầu ơi là ngầu như cô bạn. Ước mơ ấy à, thật ra nó không hề cố định. Mỗi thời điểm khác nhau, bạn có thể có những ước mơ khác nhau. Khi còn nhỏ, ta mơ rằng mình sẽ lớn, khi lớn, ta lại mơ có thể quay về những ngày thơ. Khi còn đi học, ta mơ mình sẽ trở thành người giàu có và tất bật, khi lớn, đôi lúc ta chỉ mơ có một khoảng bình yên.
Mỗi giai đoạn của cuộc đời, ta sẽ gặp được những người có thể ảnh hưởng đến ước mơ của mình, có thể tích cực, cũng có lúc tiêu cực, nhưng quan trọng là bản thân chúng ta lựa chọn thế nào.
Có một phân đoạn trong game làm tôi ấn tượng mãi. Đó là khi người mẹ đã nói với con gái rằng đừng có học nhiều quá, sau này cũng đi lấy chồng thôi. Chúng ta có lẽ đỡ hơn anh bạn xứ gấu trúc một tí nhưng cũng chỉ vỏn vẹn là đỡ hơn chứ không có ưu thế vượt trội. Thỉnh thoảng vẫn là những câu chuyện về nạn trọng nam khinh nữ làm cộng đồng mạng sôi sục. Nhiều nơi vẫn quan niệm rằng con gái là con nhà người ta, nuôi lớn sau này nó cũng về phục vụ nhà chồng, nên cứ tàm tạm là được.
Tôi muốn hỏi ai quy định rằng phụ nữ chỉ được quanh quẩn ở xó bếp? Các cô gái ơi, bạn có thể tạm tránh khó khăn, nhưng đừng lùi bước trước nó. Dù nam hay nữ, các bạn đều có quyền được học, được ước mơ và phải tự hoàn thiện giấc mơ đó. Con đường chinh phục giấc mơ vốn không hề dễ dàng, vậy nên không ai có thể giúp bạn hoàn thiện giấc mơ của mình. Học không giỏi cũng không sao, có lẽ tiềm năng của bạn không nằm ở việc học tập. Chỉ cần bạn đừng quên giấc mơ của mình, đừng đầu hàng là được.
Theo đuổi giấc mơ vốn là hành trình để ta tự hoàn thiện bản thân, có lẽ cuộc đời bạn sẽ khó khăn hơn những người khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không thể thành công, trừ khi bạn lựa chọn đầu hàng và chấp nhận với những định kiến trên. Không chỉ nữ giới, khi chơi nhân vật nam, tôi nhận ra những chàng trai cũng có khó khăn của riêng họ. Chẳng hạn như con trai thì luôn phải mạnh mẽ, không được yếu đuối trong mọi hoàn cảnh. Định kiến xã hội có thể an ủi một người phụ nữ yếu đuối nhưng không bao giờ chấp nhận một người đàn ông ủy mị.
Thế mới biết con trai hay con gái thì ai cũng có khó khăn của riêng mình, chỉ là ta không nằm trong hoàn cảnh của họ nên mới không cảm nhận được thôi. Chắc bạn nghĩ tôi quá dài dòng và triết lý về cái game này trong khi nó chỉ là một game giả lập cơ bản và cốt truyện lặp đi lặp lại qua các đời. Nhưng mà nè nếu đã trải nghiệm kỹ, bạn sẽ thấy hóa ra game nó còn triết lý hơn tôi nói đấy. Quan trọng hơn những thứ này vốn rất đời thường mà ta vẫn thấy và gặp mỗi ngày. Chẳng qua được đưa vào game nên ta mới có góc nhìn khác mà thôi.
Mà, tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, khi chơi game này mà chỉ học một môn duy nhất và bỏ qua tất cả các môn khác thì chắc chắn điểm số trong game của bạn sẽ đứng nhất từ dưới đếm lên. Và chắc bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó rồi, đúng thế, đó là thái độ rất không hài lòng của phụ huynh. Không biết có ai giống em trai tôi hồi nó còn đi học không. Bài điểm kém là y như rằng giấu tiệt, không dám cho ai biết, tới khi phát sổ liên lạc thì âm thầm giấu cây roi mây nhưng vải thưa sao che mắt ba mẹ, kiểu gì trước giờ cơm tối thì cũng có vài con lươn trên người.
Bị chinh phục bởi phương pháp vật lý đã vô cùng đáng sợ nhưng kinh khủng nhất vẫn là liệu pháp tâm lý, thông não chi thuật của các bậc phụ huynh. Khi học đại học, thầy giáo môn Triết học của tôi là một người nói rất nhiều, rất dài và rất dai nhưng tôi thấy thầy còn xa mới bằng ông già tôi lúc triển khai các liệu pháp tâm lý phù hợp. Bạn nghĩ sao về một bài giáo dục tư tưởng kéo dài suốt 4 tiếng? Ừ tôi không đùa, nó dài đúng bằng từng ấy thời gian thật.
Mở đầu chương trình, theo thông lệ ông già tôi sẽ bắt đầu kể từ thời ông bà tôi, rồi tới thời của ổng đã phải vất vả cực khổ thế nào, rồi tới tôi đã học hành các kiểu ra sao. Sau đó bắt đầu bẻ lái qua điểm của tôi và lại tiếp tục bài ca muôn thuở “Ba mẹ đã cho tiền ăn học mà sao mày ăn hàng rồi ở không chứ méo thấy học hành gì vậy con?”. Bài ca của ba chỉ kết thúc khi mẹ vào gọi cả nhà xuống ăn cơm. Nếu nghĩ kết thúc chương trình truyền hình đến đây là hết thì bạn đã lầm, bởi vì lúc này là thời của mẹ tôi.
Mẹ tôi sẽ tiếp nối chương trình với điệp khúc hồi đó ba mẹ khổ lắm con ơi, mấy đứa phải ráng học, tiền ba mẹ để mấy đứa ăn học chứ có dám ăn dám mặc gì đâu, vân vân và mây mây…Hê hê hê… Hồi đó mỗi lần nghe ba mẹ ca vọng cổ, dù người bị la là em tôi chứ không phải tôi, nhưng phận nghe ké thì thú thật… tôi cũng mệt ngất ngư. Mỗi lần ba mẹ chuẩn bị ca vọng cổ là tôi viện 7749 cái cớ để né, hoặc là im ru và lờ đi.
Thậm chí có lần tôi còn nghĩ ba mẹ nói nhiều quá, thật ra ba mẹ chỉ quan tâm đến mặt mũi của bản thân thôi chứ có quan tâm gì bọn tôi đâu. Phải mà có cỗ máy thời gian chắc tôi về vả cho bản thân của quá khứ mấy phát vì suy nghĩ ngu ngục. Lớn rồi, ra đời đi làm nghe sếp chửi mới thèm được nghe giọng ba mẹ. Trải đời rồi tôi mới thấm thía cái triết lý của ba mẹ ngày xưa, tôi mới hiểu, thật ra ba mẹ cũng chỉ vì quan tâm chúng ta, chẳng qua họ sinh ra và lớn lên trong một thời đại khác nên cách diễn đạt của họ đôi khi nó chưa phù hợp.
Này nhé, bạn nói chuyện với một đứa con nít nhỏ hơn chừng 3, 4 tuổi có khi bạn đã chẳng đủ bình tĩnh để nói nhẹ nhàng. Còn ba mẹ, họ đã hơn chúng ta hơn 20, 30 tuổi, có những thứ chúng ta hiểu nhưng họ không hiểu và ngược lại. Ba mẹ tôi là người của thời đại trước, khi đất nước vừa thống nhất, còn tôi sinh sau đẻ muộn, cách biệt thời đại dẫn đến khó nói chuyện cũng là điều bình thường. Ba tôi lại thêm quả combo tính nóng như kem, nên là bị răn dạy là phải câm mồm.
Trong nhà đứa nào có gan bật lại thì phải chuẩn bị tinh thần nghe ông già lấy đức phục người suốt cả ngày hôm đó và những hôm sau đó. Nhưng nóng thì thế, chứ ba lại là người thương bọn tôi nhất, đàn ông mà, coi cục cằn vậy chứ tình cảm dữ lắm đó, ha ha. Vậy nên nếu có thể, hãy cố hiểu ba mẹ nhiều hơn các bạn nhé. Chuyện về gia đình tôi bi hài đủ cả, tuổi thơ tôi dù chỉ cắm đầu học không có bạn bè, không có thanh xuân, nhưng chuyện để kể thì cũng dữ dội lắm, mấy bạn mà muốn thì hôm nào tôi làm hẳn cái series tâm sự cho nghe.
Nói tiếp nhỉ, mấy bạn chắc cũng có camera sát vách chạy bằng cơm hay các bậc trưởng bối ưa lo chuyện bao đồng kiểu: “Ối giời ôi, con em á nó học không có giỏi đâu, chỉ đứng nhất toàn trường thôi hà” đúng không?” Tôi cũng có nè, mỗi lần mà gặp họ hàng kiểu đó là mệt mình kinh khủng, cứ bị lôi ra so sánh này nọ, ngộ ha. Trong game cũng có lúc bạn sẽ thấy mẹ của nhân vật chính combat thành tích của bạn với hàng xóm, tôi gọi đó là cuộc chiến của các bà mẹ, để khoe con ai giỏi hơn, ai nhiều thành tích hơn.
Hồi đó mẹ tôi combat thì cứ gọi là không thua trận nào, nói không phải khoe chứ thành tích của tôi cũng hơi bị xịn à nha. Nhưng mà các bạn cũng biết đấy, khi đứng càng cao, người ta càng sợ ngã, bởi vì ngã càng cao sẽ càng đau, có rất nhiều người đứng chờ để dẫm lên khi bạn thất bại. Bạn không có gì, bạn sẽ ít sợ thất bại vì bạn chẳng còn gì để mất, nhưng có một vài người một khi thất bại sẽ sốc đến mức không thể đứng lên được, cứ thế, họ sẽ trượt dài trong vũng lầy.
Thứ gọi là vinh quang sẽ cho bạn rất nhiều tiện lợi, nhưng một khi mất đi nó, bạn sẽ càng khó để bắt đầu lại một lần nữa, đời đâu có cho không ai cái gì, nhỉ? À, nói như vậy không có nghĩa là chỉ người thành công mới cảm thấy đau khổ còn những người khác thì không. Nói thế nào nhỉ, chẳng hạn người giàu sẽ không hiểu được nỗi khổ của người nghèo, mỗi ngày đều chật vật với cơm áo gạo tiền, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ những bất hạnh sẽ ập đến với mình, cái khổ và thất bại của người nghèo có khi cũng chẳng kém người giàu.
Haiz, bởi mới nói giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ, thế cái gì mới sướng? Mới hạnh phúc? Sau khi chơi tựa game này xong, tôi nghĩ rằng hạnh phúc ấy, thật ra cũng đơn giản lắm. Tôi cho rằng trên đời có 2 loại hạnh phúc, một là hạnh phúc lớn lao, hai là hạnh phúc nhỏ bé. Hạnh phúc lớn lao sẽ xuất hiện trong những dịp trọng đại như khi bạn ra đời, kết hôn.
Còn hạnh phúc nhỏ bé đến từ những việc đơn giản như được khen, giúp được ai đó, được nằm lười biếng ở nhà sau một ngày làm việc. Hay nói đơn giản, chỉ cần bạn mỉm cười hay thoải mái khi nghĩ về nó thì đó là hạnh phúc. Nếu cảm thấy cuộc đời quá khó khăn, tôi thường nghĩ thế này, cuộc sống là hành trình đi tìm hạnh phúc. Vậy nên hãy bắt đầu tìm nó từ những điều nhỏ nhặt nhất, và đừng cố quy chụp định nghĩa hạnh phúc của người khác lên mình.
Theo dõi để không bỏ lỡ những video thú vị khác về game nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn