Diablo 4 - Sau cái háo hức ban đầu là những bất ổn tiềm ẩn

Thứ năm - 04/04/2024 04:07
Diablo 4 - Sau cái háo hức ban đầu là những bất ổn tiềm ẩn
Mục lục

Phụ Lục

  • Diablo 4 là một game online
  • Khuyến khích sự khác biệt
  • Lợi và hại

Tại BlizzCon 2019, Blizzard đã chính thức công bố sự tồn tại của Diablo 4, Overwatch 2 cùng nhiều thông tin về các tựa game khác của hãng như Heroes of the Storm, Hearthstone, World of Warcraft… Trong số đó, Diablo 4 có lẽ là tựa game thu hút sự chú ý nhiều hơn cả bởi dòng game Diablo đã có lịch sử hơn 23 năm trời và tạo dựng nên một cộng đồng fan đông đảo qua ba tựa game đầu cùng nhiều tiểu thuyết, truyện tranh. Nó được công bố bằng một trailer cinematic dài hơn 9 phút đúng chất Blizzard, và sự hào hứng của các fan càng tăng cao khi trailer gameplay của trò chơi được trình chiếu, cho thấy rằng game sẽ trở lại với phong cách hình ảnh Gothic u ám và đầy áp lực của hai phiên bản đầu, thay vì tươi sáng và hoạt hình như Diablo 3.

Ngoài những hình ảnh đầy hấp dẫn của các đoạn trailer đó, còn có khá nhiều những thông tin mà các nhân viên Blizzard, từ cấp thấp đến cấp cao tiết lộ về trò chơi. Tuy nhiên Mọt phải nói rằng những thông tin đó không phải chỉ làm game thủ thêm vui mừng, mà một số còn khiến họ… lo ngại về tương lai của Diablo 4. Đó là…

Diablo 4 là một game online

Khác với cả ba tựa game đầu, Diablo 4 sẽ là một tựa game phi tuyến tính, cho phép game thủ chơi theo ý thích của mình. Game sẽ có các nội dung cày cuốc lặp đi lặp lại, các nhiệm vụ phụ ngoài cốt truyện, các hầm ngục được tạo ngẫu nhiên bởi engine của game. Cuộc chiến tranh giữa con người, thiên thần với ác quỷ sẽ diễn ra trong một thế giới mở rộng lớn và tiếp diễn, nơi mà bạn có thể đi từ đầu này đến đầu kia của thế giới mà không cần phải gặp bất kỳ một màn hình loading nào (trừ khi bạn chui vào phụ bản). Thế giới đó sẽ có rất nhiều hệ sinh thái khác nhau, những phong cách kiến trúc khác nhau, thời tiết thay đổi theo thời gian thực và cả một chu kỳ ngày – đêm hoàn chỉnh.

Game sẽ có những con boss trong thế giới mở như một game online.

Và cũng như Diablo 3, tất cả những gì bạn vừa đọc được bên trên sẽ diễn ra trên server của Blizzard. Nhưng khác với Diablo 3, Diablo 4 giống một MMORPG hơn rất nhiều. Các thành phố và thị trấn vẫn là những hub cho game thủ gặp nhau, nhận nhiệm vụ, giao dịch và tạo party cùng những người chơi khác để đối phó với lũ ác quỷ, nhưng thế giới của game nay là một “Shared World,” tức nhiều game thủ cùng chơi chung trong một bản đồ, thay vì chỉ gặp nhau trong các hub. Theo ông Joe Shely – trưởng nhóm thiết kế của game – bạn có thể gặp những người chơi khác khi đang lang thang trên bản đồ này. Game sẽ có những “World Event” tương tự Destiny cho phép bất kỳ ai ghé qua, tham chiến, nhặt chiến lợi phẩm rồi rời đi. Ngay cả khi bạn không chạm mặt ai, những hành động mà bạn thực thi trong thế giới này sẽ để lại dấu ấn để những người chơi khác nhìn thấy, và ngược lại bạn có thể gặp dấu vết mà người khác để lại trên đường.

Bởi Diablo 4 chọn phương thức “Shared World,” nó sẽ hoàn toàn không có chế độ offline và cũng không có một tùy chọn độ khó nào. Blizzard nói rằng trong Diablo 4, sẽ chỉ có các khu vực liên quan đến cốt truyện và các phụ bản là riêng tư, cho phép bạn chọn đánh một mình hoặc cùng một party tự tạo. Trong khi đó, sức mạnh của quái vật sẽ thay đổi tùy vào số lượng thành viên trong đội nhằm “đảm bảo rằng bạn bè luôn có thể chơi cùng nhau.”

PC/CONSOLE

BlizzCon 2019 gây chấn động với Diablo 4, Overwatch 2 và hơn thế nữa!

Khuyến khích sự khác biệt

Hệ thống item của Diablo 4 cũng sẽ có thay đổi lớn so với Diablo 3. Trong Diablo 3, các bộ trang bị đóng vai trò thống trị trong các phần thưởng end-game, trong khi trang bị Legendary thường chỉ lấp vào chỗ trống còn thiếu. Diablo 4 sẽ ngược lại: đội ngũ phát triển muốn khuyến khích game thủ tạo ra những cách build mới lạ và khác biệt, nên sẽ có rất nhiều trang bị Legendary trong khi số lượng bộ trang bị giảm xuống.

Mục tiêu tạo ra sự khác biệt giữa các nhân vật này còn tồn tại cả trong phần tạo nhân vật. Khi chọn một nhân vật trong Diablo 4, game thủ sẽ được chỉnh sửa các khuôn mẫu (preset) mà game cung cấp sẵn để tạo ra nhân vật cho mình. Hiện tại những gì bạn có thể chỉnh sửa bao gồm tóc, da, trang sức, hình xăm, sẹo, và Blizzard hứa rằng khi game được hoàn tất, game thủ sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Vật cưỡi cùng là một tính năng mới xuất hiện trong game. Trong Diablo 3, mỗi nhân vật luôn sở hữu ít nhất một kỹ năng cơ động được game thủ dùng như một cách di chuyển nhanh giữa các trận chiến. Blizzard muốn thay đổi điều này bằng cách cung cấp cho game thủ một chú ngựa (có thể không chỉ là ngựa) mà bạn có thể gọi ra để di chuyển nhanh hơn bất kỳ lúc nào thay vì phải spam nút kỹ năng. Dĩ nhiên vật cưỡi này cũng có thể được tùy biến với nhiều lụa chọn về giáp, yên, chiến lợi phẩm… Các vật cưỡi này cũng có thể được buff nhờ trang bị, và động tác xuống ngựa cũng khác biệt tùy vào nhân vật, chẳng hạn Barbarian sẽ nhảy khỏi lưng ngựa và đập nát mặt đất, trong khi Sorceress tạo ra một cơn bão băng tuyết quanh mình…

Lợi và hại

Bởi còn đang bị ám ảnh sau vụ Ghost Recon Breakpoint, việc Blizzard biến Diablo 4 thành một game online khiến Mọt nghi ngờ rằng nó sẽ là một “game dịch vụ” (game as a service) thuần túy, với đủ kiểu microtransaction, loot box và nhiều biện pháp hút máu tương tự. Việc Blizzard không thẳng thừng gọi nó là game dịch vụ có lẽ chỉ nhằm tránh né cụm từ này, sau khi ba tựa game dịch vụ Fallout 76, Anthem và Breakpoint đã thất bại một cách hoành tráng trong vòng một năm trở lại đây.

Đánh giá Ghost Recon: Breakpoint - Hoang đường và hỗn loạn
Blizzard tránh dùng cụm từ "game dịch vụ," nhưng Diablo là một game dịch vụ.

Việc game thủ có thể dễ dàng nhìn thấy người chơi khác khi đang chiến đấu trong thế giới mở của Diablo 4 cũng là một điều đáng lo ngại. Nó có thể khiến bầu không khí đơn độc, nhỏ nhoi mà Diablo 1 và 2 tạo ra hoàn toàn biến mất trong Diablo 4, và biết đâu sẽ phá hỏng cảm giác hòa nhập của game thủ tùy theo tình tiết trong cốt truyện. Hãy tưởng tượng bạn đang điều khiển nhân vật Nephalem của mình chiến đấu với một ác quỷ khổng lồ, nhưng rồi một nhân vật có nick kiểu xXxYoloProDab69Xx với bộ giáp đỏ cam vàng bay vào KS con quái trước khi nhảy lên lưng con ngựa 4 màu lục lam chàm tím phóng khỏi màn hình – bạn có cảm thấy “cụt hứng, chán game” không?

Các biện pháp kiếm tiền sau ngày phát hành của Diablo 4 cũng được tiết lộ một phần. Ông Allen Adham nói rằng trò chơi sẽ có các bản mở rộng, nhưng khi được hỏi về microtransaction, season pass, battle pass hay những thứ tương tự, vị đồng sáng lập Blizzard chỉ nói rằng “chúng tôi sẽ không bán sức mạnh” – gần như xác nhận rằng những chiêu kiếm tiền đó sẽ tồn tại trong game.

Sai lầm của Auction House sẽ không lặp lại, nhưng liệu Blizzard có tránh được những sai lầm khác?

Dĩ nhiên nếu xem xét một cách rộng rãi, những tính năng đáng lo ngại trên vẫn có cái lợi cho game thủ. Việc game đòi hỏi luôn online sẽ đảm bảo rằng việc gian lận là rất khó khăn hoặc bất khả thi, đồng thời giúp game thủ dễ dàng tìm được sự giúp đỡ khi gặp nhiệm vụ khó hoặc “bí đường” khi đang làm nhiệm vụ. Các biện pháp kiếm tiền sau ngày phát hành có thể giúp Blizzard tiếp tục khai thác những chế độ chơi mới cho game tương tự GTA Online. Ngày phát hành của trò chơi vẫn còn rất xa, nên Mọt tin rằng Blizzard có đủ thời gian để tìm ra những giải pháp làm hài lòng cả game thủ, các tay kế toán lẫn cổ đông của mình. Nhưng nói chung, có lẽ Diablo 4 nên được gọi là World of Diablo thay vì lắp con số 4 vào đằng sau cái tên Diablo một cách khiên cưỡng như thế này.

[box background="info" border="dark"]Nếu muốn biết Lilith, nhân vật xuất hiện trong đoạn trailer công bố Diablo 4 là ai, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.[/box]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn