Atomic Heart và những game bị ném đá vì lý do chính trị

Thứ năm - 04/04/2024 00:18
Atomic Heart đã vinh dự được một vé cấm cửa ở Ukraine chỉ vì có dính dáng đến Nga, và còn nhiều tựa game khác cũng gặp trường hợp tương tự
Mục lục

Phụ Lục

  • Atomic Heart bị tẩy chay vì ủng hộ Nga
  • Devotion và Detention bị cấm ở Trung Quốc
  • Homefront bị cấm ở Hàn vì dính đến Bắc Triều Tiên
  • VLTK 3D đóng cửa máy chủ Đài Loan vì tuyên bố độc lập
  • FM 2005 ăn gậy vì dám gọi Tây Tạng là một quốc gia

Một hiền nhân từng nói, drama không tự sinh ra hoặc mất đi, nó chỉ chuyển từ game này sang game khác. Vậy nên sau chuyện ân oán giữa Hogwarts Legacy, J.K. Rowling và những người tẩy chay thì đến phiên Atomic Heart nổi lên một mớ lùm xùm liên quan đến vấn đề chính trị. Thật ra vụ án này không mới, chẳng qua do game được chính thức trình làng vào 20/2 vừa qua nên câu chuyện được khơi lại mà thôi.

Vào thời điểm tôi đang làm video này, từ đánh giá của game thủ có thể thấy giống như Hogwarts Legacy, Atomic Heart là minh chứng cho việc, nếu trò chơi hấp dẫn, hay, thì kiểu gì cũng sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, không phải game nào cũng may mắn như Atomic Heart hay Hogwarts Legacy. Có những trò chơi vốn nổi tiếng nhưng đột nhiên bị đóng cửa hoặc cấm cửa ở một vài thị trường vì bị phản đối quá gay gắt.

Trong video ngày hôm nay, hãy cùng Mọt tôi điểm qua top những tựa game đã bị tẩy chay, thậm chí bị cấm cửa vì những lý do ngoài chuyên môn nhé, bắt đầu thôi nào.

Atomic Heart bị tẩy chay vì ủng hộ Nga

Dù chỉ mới ra mắt được vài ngày, nhưng có thể thấy Atomic Heart đã thành công khi nhận được rất nhiều đánh giá tích cực và những lời khen có cánh của cư dân mạng. Có thể nói là bên cạnh Hogwarts Legacy, Atomic Heart là một trong những tựa game đáng chơi trong khoảng thời gian đầu năm 2023.

Nhưng bên cạnh thành công đó, Atomic Heart vẫn vướng phải những cáo buộc lẫn phản đối từ cư dân mạng vì nhiều lý do khác nhau. Cụ thể hơn trong bối cảnh chiến tranh Nga và Ukraine đang căng thẳng, nhiều người cho rằng ủng hộ Atomic Heart là đang ủng hộ hành động khơi màu khói lửa của anh gấu và chèn ép U-cà.

Nhiều người lo ngại rằng, bối cảnh và cốt truyện của trò chơi đang ngầm tuyên truyền lý tưởng của nhà nước liên bang Nga. Nguyên nhân của suy nghĩ này đến từ việc nhà phát triển game Mundfish bị cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Gazprom và những công ty thân Nga khác. Thêm vào đó, việc đội ngũ sản xuất game đa phần là người Nga càng làm cho cộng đồng “ghét gấu vì nó xấu” cảm thấy khó chịu.

Vụ việc đã vượt khỏi mạng xã hội khi mới đây, chính phủ Ukraine cũng đệ đơn lên Sony, Microsoft và Valve để yêu cầu họ rút Atomic Heart khỏi các nền tảng bán game trực tuyến cũng như hạn chế phân phối trò chơi đến những quốc gia khác vì tư tưởng “xâm lược độc hại” của nó.

Nghe căng vậy thôi chứ thời điểm tôi viết bài thì ngoài việc bản xài chùa của Atomic Heart xuất hiện trên mạng, có vẻ trò chơi chưa bị cấm khỏi bất kỳ nền tảng hay quốc gia nào.

Devotion và Detention bị cấm ở Trung Quốc

Yeah yeah, khi nhắc đến việc cấm game, chúng ta chắc chắn sẽ không thể bỏ qua anh bạn gấu trúc họ Trung tên Quốc, bởi những chính sách game cứ phải gọi là ối dồi ôi của anh ta. Đương nhiên tôi không nói đến Nobody, vì tựa game này đã biến mất một cách bí ẩn bởi sự tác động của một thế lực nào đó trên chính đất nước tạo ra nó, mà hai tựa game tôi muốn đề cập là Devotion và Detention.

Devotion và Detention là những tựa game kinh dị châu Á được ưa thích đến từ studio Đài Loan có tên là Red Candle. Đến đây thì câu chuyện sẽ hơi nhạy cảm, chẳng là Đài Loan thì luôn luôn khẳng định rằng họ là một quốc gia độc lập. Có điều anh gấu trúc lại bảo không, mày là người nhà của tao chứ chẳng có độc lập gì cả.

Vậy là từ bất đồng quan điểm, cả hai đã quay sang cạch mặt nhau và vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều thứ khác vì dụ như Detention bị cấm cửa vì đề cập đến giai đoạn Thiết Quân Luật ở Đài Loan. Cụ thể hơn là trong giai đoạn này, rất nhiều người dân Đài Loan đã bị cầm tù, thậm chí là tước đoạt mạng sống dưới chế độ chính phủ đương thời.

Khi thông tin này được để cập trong Detention, anh bạn gấu trúc chỉ bày tỏ đơn giản là vì trò chơi không phù hợp với thuần phong mỹ tục nên phải bị cấm. Còn về phần Devotion, dù không lấy bối cảnh lịch sử hay dính dáng tới chính trị, game vẫn ăn gậy vì hình ảnh lá bùa trong game bị nghi ngờ có dính dáng đến gấu Pooh. Một dạng meme mang hàm ý nhạo báng quan chức cấp cao của anh gấu trúc.

Đương nhiên là Red Candle có cố tình đưa chi tiết đó vào game hay không thì chẳng ai biết, nhưng kết quả cuối cùng là Devotion lẫn Detention đều nhận được một vé cấm vào địa phận Trung Hoa vì dám nhờn với cán bộ. Có điều NSX cũng không cảm thấy buồn cho lắm vì vụ bị cấm lại vô tình khiến game càng được chú ý nhiều hơn và biến anh gấu trúc thành rạp xiếc trung ương để người ta cà khịa.

Homefront bị cấm ở Hàn vì dính đến Bắc Triều Tiên

Homefront là trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất của Kaos Studios, trò chơi đã lập kỷ lục đặt mua trước ở Mỹ với hơn 200 ngàn bản trước ngày ra mắt. Sau khi phát hành, Homefront cũng nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng game thủ. Nhưng trò chơi cũng bị chỉ trích nặng nề vì viễn cảnh đen tối mà nó vẽ ra.

Cụ thể hơn, bối cảnh giả tưởng của trò chơi đặt vào năm 2027, sau khi Bắc Triều Tiên chiếm được Hoa Kỳ và tiếp quản các căn cứ quân sự quan trọng trên khắp miền Tây nước Mỹ. Càng ngạc nhiên hơn khi người cố vấn cho cốt truyện của trò chơi chính là cựu sĩ quan CIA Tae Kim và những gì được xây dựng trong Homefront chính là viễn cảnh ông tự vẽ ra nếu Bắc Triều Tiên thống trị thế giới.

Và đứng đầu thế giới ở đây, nghĩa là chiếm luôn của Nam Triều Tiên, hay ta thường gọi là Hàn Quốc. Điều này, chắc chắn làm một bộ phận lớn người dân Hàn cảm thấy cực kỳ khó chịu, nhất là khi họ không bao giờ muốn bị lép vế trước người anh em ở phía bên kia. Thêm vào đó, việc trò chơi vẽ ra viễn cảnh Nam Triều Tiên bị Bắc Triều Tiên thống nhất chẳng khác nào khiêu khích Hàn Quốc.

Chẳng biết có phải là do cay quá hay không nhưng ngay sau đó, trò chơi đã được ăn một vé cấm vào ở Hàn Quốc. Đúng kiểu ai muốn thì cứ vượt tường lửa mà chơi, còn ở đây, chúng tôi từ chối tiếp nhận bất cứ thông tin gì về Homefront.

VLTK 3D đóng cửa máy chủ Đài Loan vì tuyên bố độc lập

Vâng, chúng ta tiếp tục quay lại với câu chuyện muôn thuở giữa Đài Loan và Trung Quốc. Nếu các bạn còn nhớ, mà thôi không nhớ cũng được, thì Võ Lâm Truyền Kỳ 3D là một tựa game từng được ông hoàng kiếm hiệp VNG phát hành.

Sau khi bản Việt Nam đóng cửa, rất nhiều người chơi đã quyết định chuyển sang server Đài Loan để tiếp tục sự nghiệp hành tẩu giang hồ, trong đó có cả tôi. Cứ ngỡ giang hồ sẽ bình yên, ai đi công phòng chiến thì cứ đi, ai tán gái thì cứ tán, ai thích nằm danh kiếm thì cứ nằm. Tuy nhiên đến ngày 4 tháng 4 năm 2020, giang hồ lại dậy sóng vì một trận khẩu chiến liên quan đến chính trị ngay chính trên kênh chat thế giới.

Cụ thể là, vào ngày 4 tháng 4, một acc game đã spam câu “Virut Vũ Hán” trong ngày quốc tang của Trung Quốc, ngay sau đó, acc này đã bị khóa trong 10 năm. Nhưng đó chỉ là mở đầu của câu chuyện, vì ngày quốc tang nên bên server Trung tuyên bố đóng cửa một ngày, còn server Đài thì tạm đóng cửa vài tiếng, nhưng, nhiều người chơi cảm thấy việc bên nước kia chẳng liên quan đến nước này, nên quốc tang bên đó thì bên đó đóng, mắc gì bên này cũng phải đóng? Thế là một loạt bình luận tuyên bố “Đài Loan độc lập” được đẩy lên kênh thế giới. Việc này nghiêm trọng đến mức công ty con Seasuns của nhà phát hành Kingsoft phải cấm phát ngôn toàn sever để ổn định dư luận.

Đương nhiên là vụ việc không dừng lại ở đây. Rất nhiều người chơi bên phía Trung Quốc đã kịp thời chụp ảnh màn hình mang lên tế trên Weibo. Thế là cuộc khẩu chiến trong game đã lan đến ngoài đời thật và lúc này nó không còn là vấn đề phát ngôn trên thế giới ảo mà thuộc phạm trù độc lập của một quốc gia. Vụ việc này lớn đến mức được xuất hiện trên các mặt báo tại Đài Loan lúc bấy giờ.

Chính phủ Đài Loan cũng lên tiếng kiện nhà phát hành game và Kingsoft đáp trả bằng cách thông báo sẽ đóng cửa máy chủ Đài Loan vào ngày 5 tháng 5 vì quan điểm khác biệt. Sau khi nhận được tin này, nhiều game thủ tỏ ra tiếc nuối nhưng phần lớn đều không nhượng bộ khi quyết tâm nghỉ chơi Võ Lâm Truyền Kỳ 3D để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nếu anh em cảm thấy quen thì vụ việc này giống hệt việc con game O giấu tên bên nước ta đấy. Tóm tắt nhanh thì vào một ngày đẹp trời nọ, cư dân mạng phát hiện lưỡi bò xuất hiện trong bản đồ game. Thế là tựa game O tuyên bố đóng cửa ngay sau đó, điều này được phần đông game thủ ủng hộ, vì đơn giản, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam!

FM 2005 ăn gậy vì dám gọi Tây Tạng là một quốc gia

Tôi nghĩ rằng nếu có một giải về đất nước cấm cửa nhiều tựa game nhất thì anh bạn gấu trúc của chúng ta xứng đáng nhận được một vé gương mặt thân quen. Bởi vì trong video này có 5 game thì anh bạn nhà ta đã góp mặt hết 3 trong 5 game đó, từ kinh dị đến game võ hiệp, không đâu là không có mặt anh gấu trúc, đúng kiểu trẻ không tha mà già không bỏ.

Football Manager 2005 là một trò chơi mô phỏng quản lý bóng đá trên hệ máy PC Window và Mac. Nếu bạn nghĩ rằng game mô phỏng quản lý mắc gì mà bị cấm, thì bạn tôi ơi, chỉ có lý do bạn không nghĩ ra, chứ không có bông tuyết nào là vô tội.

Cụ thể tựa game mô phỏng thể thao này đã bị bộ văn hóa của anh gấu trúc cấm do phát hiện Tây Tạng và Đài Loan được xuất hiện trong trò chơi như những quốc gia độc lập và điều này làm anh gấu không hài lòng. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là Football Manager 2005 chứa các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước này.

Cụ thể hơn, phía bộ văn hóa của anh gấu đã ban lệnh xuống sở công an, công thương và viễn thông cũng như các đơn vị xuất bản phải điều tra, tịch thu và xử phạt nghiêm với các trang web dám phát hành Football Manager ở xứ gấu trúc. Ai vi phạm sẽ phải gánh số tiền phạt đến hơn 3600 USD và bị tước giấy phép kinh doanh. Những dịch vụ Internet cung cấp trò chơi sẽ bị cảnh cáo, phạt 1800 đô la mỹ và bị đình chỉ kinh doanh.

Phía bộ văn hóa của anh gấu trúc cũng ghi nhận rằng rất nhiều người chơi Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ Football Manager 2005 để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thực hư thế nào thì tôi không dám phán, chỉ nghe phong phanh là dường như Football Manager vẫn được lưu hành dưới hình thức băng đĩa lậu trong khoảng thời gian đó mà thôi.

Đương nhiên là ngoài 5 tựa game tôi kể trên, thì làng game thế giới vẫn còn rất nhiều tựa game bị cho ra đảo một cách oan uổng chỉ vì có dính đến chính trị, mà có khi do nhà nước kia tự mình đa tình chứ chẳng có chính trị chính em nào ở đây cả. Nhưng thôi, nói nhiều khéo người ra đảo tiếp theo là tôi mất, nên là video của chúng ta tạm dừng ở đây nhé.

Nếu bạn biết thêm tựa game nào bị đóng cửa hoặc cho ra đảo vì lí do trên thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới cho tôi biết với nhé. Giờ thì tôi là , nếu cảm thấy hay thì đừng quên nhấn vào nút đăng ký, like video cũng như nút chuông thông báo để ủng hộ có động lực ra thêm nhiều video hay khác nhé. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau nhé, bye bye~

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn