Được đánh giá với điểm số tuyệt đối 10/10 của người dùng trên Steam, cũng như được các trang tin chuyên review game uy tín như Gamespot và Metacritic cho điểm tới 9/10. Đồ họa cũ kỹ, cách chơi bình thường và chẳng hề có một chút quảng cáo gì ghê gớm, vậy điều gì đã khiến một tựa game indie chỉ có giá chưa tới 5 USD này lại thành công tới vậy?
Cốt truyện, hình ảnh kì quái
Nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn sẽ rất dễ bị vẻ ngoài của Pony Island đánh lừa và bỏ qua nó. Game đi theo lối hình ảnh retro cực kì quen thuộc với các game thủ gạo cội, toàn bộ phông chủ đạo của Pony Island chỉ có độc một màu đen trắng, có thể các bạn sẽ cảm thấy nó hơi nhàm chán nhưng chính điều này mới là thứ làm nổi bật tính nghệ thuật của game lên trong quá trình chơi.
Nhân vật chính trong Pony Island cũng vô cùng bí ẩn, theo như giới thiệu thì bạn là một nhân viên thiết kế game, trong lần thử nghiệm game gần nhất thì bị hút vào một thế giới kì quái, nơi đây giống như bên trong một chiếc máy tính vậy. Không một lý do, không một lời giải cũng như chẳng biết làm sao để thoát ra… thứ duy nhất bạn có thể làm là “chơi” cái game này mà thôi.
Chính điều mờ ám không rõ ràng ngay từ đầu này lại là liều thuốc gây nghiện, khiến người chơi phải bám chặt lấy Pony Island để tìm lời giải. Bạn không hề biết mình là ai, phải làm gì hoặc thậm chí cả mục đích cuối cùng của trò chơi này, điều bí ẩn này cứ thế xuyên suốt cả game, tạo thành một màn sương mù bao trùm lên tất cả mọi thứ.
Hình ảnh trong Pony Island cũng là một điểm cộng lớn, thực sự thì hình tượng những chú kỳ lân luôn gắn liền với những thứ gì đó tươi sáng thánh thiện, nhưng trong game này mọi chuyện lại khác hẳn. Bạn sẽ thấy chú ta từ từ tiến hóa theo kiểu cực kỳ quái dị, thí dụ như bắn laze ra từ mồm, mọc cánh dơi hoặc thậm chí là biến hẳn thành một kiểu sinh vật đen tối khác. Càng đi sâu vào trong, bạn sẽ cảm thấy cứ mọi việc không hẳn như hỉnh ảnh vốn có của nó, và kỳ lân không phải chỉ biết đại diện cho ánh sáng.
Pony Island tạo ra một ảo giác rất kỳ quái giữa ranh giới ảo và thực, bạn chơi “game” trong game, nhưng lại là với ma quỷ cũng ở trong chính cái game đó, tất cả cùng xoắn lại như một nút rối không lời giải. Thậm chí trên các diễn đàn nổi tiếng, có người còn nói mình đã không thể phân biệt nổi liệu Pony Island có phải chi đơn giản là một trò chơi hay không, khi mà cách nó thể hiện qua từng câu thoại quá sức thật, cứ như có ai đó đang thao túng và trò chuyện đối diện với bạn vậy.
Lối chơi lạ lùng hấp dẫn
Là một game đi theo hướng giải đố, tất nhiên Pony Island không thể thiếu những màn khiến người chơi phải đau đầu nhức óc, nhưng như đã nói, bạn đang phải “chơi” trong chính cái game này để tìm ra lời giải chứ không phải chỉ đơn thuần là các câu đố vô thưởng vô phạt. Các nút thắt hầu hết xoay quanh việc giải các đoạn mã trong game, từ đó mở ra những lựa chọn hoặc tiến vào các phần đang bị ẩn. Cách chơi này thật sự là độc nhất vô nhị ở thời điểm hiện tại, vì nếu chỉ nhìn thoáng qua chắc chắn bạn sẽ không thể hiểu nổi, từ đó kích thích trí tò mò của người chơi đến cực điểm.
Các câu đố trong Pony Island có thể rất đơn giản mà cũng có thể cực kì phức tạp, nhiệm vụ của bạn là tìm những “lỗi” trong chính game mình đang chơi, sắp đặt và giải mã nó để từ từ lần ra các manh mối cuối cùng. Tất nhiên bạn sẽ không bao giờ phải chơi một mình, ngoại trừ quỷ dữ giấu mặt – kẻ đã tạo nên trò chơi này, cũng sẽ có một “kẻ lạ” bị kẹt trong Pony Island luôn đưa ra các gợi ý cũng như chỉ cho bạn cách để ăn gian, nhưng nói cho cùng thì ai mới là kẻ ác thì phải đến cuối trò chơi mới biết được.
Ngoài việc giải mã ra thì bạn cũng cần phải tìm hiểu những thứ khác, thí dụ thân phận của chính mình. Quỷ dữ không phải tự nhiên lại giam giữ bạn tại đây, nó sẽ từ từ hé lộ các bí mật thông qua diễn biến trong game, và để làm tăng thêm phần hấp dẫn, mỗi lần như vậy bạn chỉ được hỏi 1 câu mà thôi. Việc chọn lựa giữa việc làm sao để thoát ra khỏi Pony Island, hay tìm hiểu về bí ẩn thực sự sau bức màn đen kia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình trong game.
Đi hay ở, giải đáp thắc mắc đang lởn vởn trong đầu hoặc nghe theo lời xúi dục của quỷ phá hoại mọi thứ, đây đều sẽ là cái mà người chơi phải cân nhắc. Pony Island là một game kinh dị đánh mạnh vào tâm trí hơn là những màn hù dọa thông thường, hoàn toàn không có những tiếng hú hét hay đột nhiên nhảy xổ ra như các tựa game khác, nhưng nỗi sợ lại đến từ cảm giác rờn rợn khi bạn liên tục “chat” với các thực thể bí ẩn hiện diện khắp nơi còn kinh khủng và ám ảnh hơn nhiều.
Âm thanh trong Pony Island cũng làm cực tốt vai trò của nó, bạn đã từng chơi game nào mà mỗi khi nhạc cất lên là lại cảm thấy gai ốc nổi đầy người chưa? Các bản nhạc 8bit cũ kỹ cứ như đóng đinh vào đầu chúng ta, tiếng gõ bàn phím ù ù khi xâm nhập các đoạn mã lỗi hoặc tột cùng là sự im lặng hoàn toàn đến muốn phát điên, tất cả cùng hòa lại với nhau thành một màn sương nhàn nhạt bao trùm lấy bạn, gây ra các ảo giác chân thực tới mức không thể tin nổi.
Kết
Bí ẩn, tăm tối và đầy những câu hỏi không có lời giải, Pony Island đúng nghĩa một con sói đột lốt cừu non xấu xí, không thể biết hết chỉ sau một lần chơi được. Đây không đơn thuần chỉ là một sản phẩm indie bình thường, mà nó đã ở mức gần như hoàn hảo trong lĩnh vực thử thách thần kinh rồi.
Bất kể là một fan gạo cội của các tựa game giải đố kinh dị, hay chỉ là khách qua đường tò mò tìm kiếm thứ gì đó để đổi gió thì Pony Island cũng đáp ứng được. Đừng chỉ đánh giá nó quá vài hình ảnh tầm thường ban đầu, hãy thử chơi và thử đón lấy cái cám giác thật thật ảo ảo – chơi “game” trong game với ma quỷ. Liệu bạn có đủ can đảm để có thể giải mã hết toàn bộ những bí ẩn này hay không.
Theo: CCQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn