Ngày 14 tháng 12 năm 2014, 10 ngày trước khi lễ Giáng Sinh diễn ra, những học sinh của trường tiểu học Sandy Hook thuộc quận Fairfield nằm ở tiểu bang Connecticut miền đông bắc Hoa Kỳ vẫn nô nức đến trường như thường lệ. Những đứa trẻ trò chuyện vui vẻ về các chương trình tivi đêm qua và sự háo hức khi đêm Noel sắp cận kề mà không biết rằng hôm nay là một ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời chúng.
Vào lúc 9 giờ 35 phút, khi tiết học sáng đã trôi qua được một nửa, Adam Lanza xuất hiện với bộ quân phục màu đen có gia cố thêm áo chống đạn và mặt nạ, mang theo khẩu súng ngắn bán tự động Glock và súng trường SIG Sauer. Chỉ vài phút sau khi người ta nhìn thấy gã, tiếng súng nổ, tiếng la hét và bước chân hỗn loạn của tất cả những người có mặt tại đó đã bao trùm trường tiểu học Sandy Hook. Ai đó đã kịp thời gọi cho cảnh sát trong cơn hoảng loạn, như khi họ đến nơi, mọi việc đã quá muộn.
Khoảng 5 phút sau khi vụ nổ súng diễn ra, người ta tìm thấy tay súng Adam đã từ giã cõi đời với một khẩu súng còn cầm trên tay. Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị thương nghiêm trọng, có 2 người bị thương và 28 người đã qua đời vào ngày hành quyết kinh hoàng đó, đáng buồn hơn là trong số nạn nhân chỉ có 7 giáo viên, còn lại đều là học sinh của trường.
Đến đây hẳn các bạn sẽ tự hỏi là ngày hành quyết này thì liên quan gì đến chủ đề ngày hôm nay của chúng ta? Hay tôi lại chơi trò tiêu đề một đằng nội dung một nẻo để câu view các bạn? Thì well, sau khi cảnh sát đến dọn dẹp hiện trường, họ cũng đã xác minh được danh tính và động cơ gây án của hung thủ.
Adam Lanza là một cậu học sinh có thành tích tốt tại trường trung học trong thành phố Newtown, chưa từng có bất kỳ tiền án tiền sự nào trong quá khứ. Và cũng như bao kẻ từng phạm tội khác, gia đình của Adam không thật sự hạnh phúc. Cha mẹ gã đã ly hôn vào năm 2009, gã sống cùng với mẹ mình tại một căn nhà nhỏ cách trường tiểu học Sandy Hook - nơi diễn ra buổi hành quyết chỉ 8km.
Những người thân hoặc có quan hệ quen biết với tay súng đều nói rằng gã là một đứa trẻ ngoan dù hơi có chút vấn đề về tâm lý. Anh trai Ryan của gã nói rằng, Adam mắc chứng rối loạn nhân cách và hơi tự kỷ, trong khi bạn cùng lớp lại cho rằng gã mắc chứng Asperger - một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh dẫn đến khó khăn trong giao tiếp ở trẻ em. Điều đáng nói là báo cáo điều tra của cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân thôi thúc Adam gây ra hành động khó chấp nhận đấy có liên quan đến tựa game Call of Duty do Activision phát hành vào năm 2003.
Call of Duty về cơ bản là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất trên đa nền tảng, lấy bối cảnh ban đầu là thế chiến thứ hai sau được mở rộng sang cả chiến tranh trong tương lai và vũ trụ. Nôm na thì trò chơi cho phép bạn cầm súng phang bất kỳ đứa nào bạn ghét trong game trừ người phe mình, và Adam là một trong những fan trung thành của tựa game này. Người thân của Adam xác nhận rằng họ thấy gã thường dành hàng giờ để chơi game thay vì giao tiếp với mọi người, và cho rằng có lẽ sự bạo lực Call of Duty mang lại đã thôi thúc con quỷ trong gã làm ra hành động vô nhân tính trên.
Đương nhiên vì Adam đã qua đời ngay sau khi nổ súng nên chẳng có cơ sở nào chứng minh lập luận đấy là đúng. Thậm chí kết luận Adam sát hại người khác do nghiện game được nhiều người cho rằng là do cánh báo chí tự thêu dệt để che đậy sự tất trách của chính quyền bang trong việc quản lý súng ống, nhưng không thể phủ nhận rằng trò chơi đã ảnh hưởng phần nào đến tay súng, hoặc chí ít là đến sở thích của gã. Tổng thống Obama từng ra lệnh điều tra sâu thêm về vấn đề này, nhưng bạn biết đấy, kết quả chẳng đi đến đâu cả.
Tương tự với Adam thì năm 1999, Eric Harris và Dylan Klebold đã thực hiện hành quyết 12 học sinh và 1 giáo viên tại trường trung học Columbine ở bang Colorado, nhưng không giống Adam, hai kẻ này đã bị tống vào trại tâm thần ngay sau đó. Các cuộc điều tra được nổ ra, và lần này thì nhiều cáo buộc có căn cứ chỉ ra rằng, Eric và Dylan đang mô phỏng theo những vụ xả súng trong tựa game DOOM của nhà Software. Bằng chứng về vụ việc này chính xác và đáng tin cậy hơn vụ của Adam rất nhiều, nên nó đã gây ra một làn sóng tranh cãi lớn về việc nên hay không cho trẻ em chơi những tựa game bạo lực trên internet. Thậm chí cha mẹ của các nạn nhân cũng từng đâm đơn kiện đòi Software phải bồi thường 5 tỷ USD cho vụ việc trên. Tuy đơn kiện sau đó đã bị tòa án bác bỏ, nhưng cũng không phủ nhận được rằng, chính DOOM đã khiến Eric và Dylan vụ án đau lòng trên.
Không chỉ khiến các thanh thiếu niên gây ra những ngày hành quyết kinh hoàng, những tựa game tưởng chừng vô hại cũng là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh gây ra nhiều sự kiện thương tâm. Đầu tiên ta hãy nói về gia đình Huffmire của ông Petra Huffmire và bà Lester Louis. Họ là một cặp cha mẹ bình thường sống trong một căn nhà di động ở thành phố Anaheim thuộc bang California với hai người cô con gái, mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu hai vợ chồng này không chỉ mê game mà còn có hứng thú đặc biệt với bộ môn mai thúy.
Trò chơi mà họ thích là tựa game trực tuyến World of Warcraft nổi tiếng do Blizzard vào năm 2004, lấy bối cảnh tại vũ trụ tưởng tượng Warcraft với các chủng tộc đa dạng, cho phép bạn có thể khám phá, tương tác với những người chơi khác, thậm chí là xây dựng một gia đình nhỏ của riêng mình. Không giống những người hâm mộ khác, ông bà Huffmire thích dành thời gian trong thế giới Warcraft hơn là cho con cái, nhưng bạn biết điều gì còn kinh tởm hơn không? Đấy là họ vẫn có thể chơi game trong một căn nhà chẳng khác gì bãi rác.
Phòng bếp bám đầy bụi và mạng nhện, thức ăn ôi thiu nổi mốc, bốc mùi hôi thối như có cả chục con chuột đã hy sinh tại đó. Rác, chai, lọ, ba con sói đã qua sử dụng và đủ thứ hỗn tạp trên đời bị vứt la liệt trên sàn nhà. Hai cô con gái nhà Huffmire đã phải sinh tồn trong hoàn cảnh kinh tởm đó khi cha mẹ dành cả ngày trong Warcraft. Một người hàng xóm đã vô tình nhìn thấy và báo lại chuyện này có phía cảnh sát địa phương, rất nhanh, mọi thứ đã được giải quyết, nhưng tình trạng của hai đứa trẻ tệ đến mức các cơ quan có thẩm quyền không thể thốt nên lời.
Hai cô bé xuất hiện trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, cơ thể bẩn thỉu, hư răng, tóc xơ rối, khô và đã bị bỏ đói nhiều ngày liền. Cả hai sau đó đã được cơ quan phúc lợi xã hội chăm soc, trong khi ông bà Huffmire thì bị kết án tù giam 3 đến 5 năm vì tội bỏ bê con cái. Phía cơ quan chức năng cho biết cả hai đã thất nghiệp một thời gian dài và sống nhờ vào trợ cấp xã hội, không chỉ bỏ bê bọn trẻ mà họ còn cấm chúng đi ra ngoài, thậm chí là đến trường.
Một trường hợp tương tự nhưng bi thảm hơn là Cody Eugene Wygant sống ở bang California đã đưa con trai của mình về với Chúa chỉ vì đứa trẻ quá ồn ào, ảnh hưởng gã chơi game trên Xbox. Đáng nói hơn là trước đó Wygant cũng đã ăn cơm tù mấy lần vì những vụ lạm dụng với những đứa trẻ đáng tuổi con cháu mình. Hiện gã đang phải ngồi tù không ân xá để trả giá cho hành động của mình, nhưng có vẻ chỉ bấy nhiêu thôi là vẫn còn quá nhẹ so với hành động vô nhân tính của Eugene.
Không chỉ ở châu Âu mà vào năm 2010, Hàn Quốc cũng từng ghi nhận một trường hợp cặp vợ chồng đã lo chơi game mà bỏ bê con cái. Tựa game hai người này chơi là Prius Online do CJI phát triển, một trò chơi MMORPG, nơi bạn có thể xây dựng nhân vật của riêng mình, thậm chí là có con trong game. Hai vợ chồng đấy đã đắm chìm vào việc nuôi con trong trò chơi mà quên mất rằng mình vẫn còn một cô con gái nhỏ ở nhà, kết quả thì như bạn có thể đoán được, cô bé đã mãi mãi ra đi vì bị suy dinh dưỡng.
Qua những trường hợp tôi đề cập ở trên ta có thể thấy việc hiện thực hóa “tội ác” trong game ra đời thật không phải chỉ đơn giản là bê một phân cảnh rùng rợn nào đấy trong game ra ngoài đời, mà còn là ảnh hưởng tiêu cực mà game mang lại cho thế giới thật. Những trường hợp bỏ bê con cái và nhẫn tâm để những đứa trẻ đó ra đi, phần lớn là do sự vô trách nhiệm và thiếu nhận thức của các bậc làm cha làm mẹ, còn lại là do sự dễ thỏa mãn mà thế giới ảo mang lại, từ đó dẫn đến tình trạng “nghiện thế giới ảo” và xa rời thực tại, kết quả là có những câu chuyện đau lòng ở trên.
Giờ thì đến đây hẳn một vài bạn sẽ nghĩ rằng, thế chỉ cần cấm con chơi game, cho nó đi huấn luyện quân sự vài ba tháng, tái hòa nhập cộng đồng coi như hết chuyện, thì bạn phải biết đến Halo 3. Đây là một trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất do Bungie phát triển vào năm 2007. Tựa game xoay quanh cuộc chiến giữa nhân loại và một chủng người ngoài hành tinh tên Covenant, cùng với ký sinh trùng ngoài vũ trụ Flood. Ta sẽ vào vai siêu chiến binh Master Chief, bước trên con đường chiến đấu với Covenant và Flood, tìm lại hòa bình cho thế giới.
Nghe rất thú vị đúng không? Và cậu bé 16 tuổi tên Daniel Petric cũng thấy vậy. Cậu bé này là fan kỳ cựu của Halo 3, đến mức khi bị cha mẹ tịch thu bộ Xbox không cho chơi game, Daniel đã dùng hoa cải đáp trả lại cha mẹ mình. Kết quả hai vị phụ huynh đều không may qua đời dưới tay của thằng con quý tử. Daniel sau đó phải hầu tòa và bị giam 23 năm hoặc thậm chí là chung thân tùy vào phán quyết của tòa án. Đáng nói là hành vi của Daniel đã gây nên một tranh cãi giữa hai phe khác nhau, một bên cho rằng hành động cầm súng tiễn cha mẹ về với Chúa của Daniel là vô tổ chức, lậm game và cần bị lên án. Trong khi phe còn lại thì cho rằng, việc cha mẹ Daniel cấm cậu chơi game là quá nghiêm khắc, và chính nó mới là thứ đẩy Daniel đến hành động sai lầm kia.
Một tình trạng khác ở miền Nam Philadelphia, cậu bé tên Kendall Anderson cũng đã đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng bằng một cây búa vì bị mẹ tịch thu máy PlayStation. Cậu ta sau đó còn dùng lò nướng để mẹ mình trông khó nhận diện hơn, và sau đó ném bà vào trong một con hẻm. Khi mọi việc đã xong xuôi, cậu ta thủng thẳng chạy đến đồn cảnh sát thông báo mẹ đã mất tích. Hiển nhiên là chuyện này cũng chẳng che dấu được bao lâu, Kendall nhanh chóng bị cảnh sát túm đuôi và kết án 50 năm tù cho hành vi vô nhân tính của mình.
Một trường hợp khác xảy ra vào tháng 8 năm 2004, một cậu bé giấu tên cực kỳ thích tựa game Manhunt của nhà Rockstar nên đã nung nấu ý định đưa những cảnh trong game ra đời thật. Bạn thân của cậu bé đã bất hạnh trở thành mục tiêu bị nhắm đến và bị đưa về với Chúa một cách chẳng mấy êm ái. Cậu bé này sau đó đã phải hầu tòa, và dù luật sư có 10 cái miệng thì cũng chẳng thể nào cãi thắng được vụ kiện này.
Trong một tình trạng đáng báo động hơn thì vào năm 2008, một nhóm các cô cậu thanh niên tuổi choai choai đã quyết định kéo nhau phạm tội sau khi chơi GTA IV. Đám trẻ này đã cố gắng mô phỏng theo Niko Bellic - nhân vật chính trong GTA IV đi khắp nơi gây án bằng gậy và xà beng, đương nhiên là chưa có thiệt hại nghiêm trọng về người, nhưng chúng vẫn bị tạm giam một thời gian vì hành vi mất kiểm soát của mình.
Nghe thì nhiều, nhưng đó chỉ là một trong số ít các vụ án do thanh thiếu niên gây ra có liên quan đến trò chơi điện tử. Ở nước ta lúc trước báo đài cũng đưa tin nhan nhản về mấy vụ tương tự như vậy rồi, nên có lẽ tôi không cần phải nhắc đến chúng nữa. Từ những vụ án đấy ta có thể thấy chẳng phải tự nhiên mà nhiều nước ra luật hạn chế đưa các phân cảnh bạo lực vào trong game, thậm chí cấm cửa một vài tựa game vì lý do bạo lực. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là…
Nhìn lại từ đầu video đến giờ, ta sẽ nhận ra những người phạm tội liên quan đến trò chơi điện tử đều có những đặc điểm chung sau, thứ nhất họ đa phần đều là trẻ vị thành niên, còn đang trong độ tuổi nổi loạn, thiếu nhận thức về xã hội xung quanh. Thứ hai, họ ít nhiều đều có vấn đề về tâm lý hoặc có xu hướng cuồng bạo lực, từng có tiền án tiền xử hoặc lệch lạc nhận thức nghiêm trọng. Thứ ba, đa phần những trường hợp tôi liệt kê ở trên đều là dạng vô công rỗi nghề, không có việc làm ổn định, chỉ biết đắm mình trong thế giới ảo đến trốn tránh sự thất bại của mình ở thế giới thật.
Từ ba điều trên ta lại phải nghĩ đến một vấn đề, liệu rằng trò chơi điện tử sai, hay người chơi nó có vấn đề? Cá nhân tôi nghiêng về vế thứ hai hơn. Bạn biết đấy, có một câu nói vui thế này, con người ta luôn có hai phần con và người song song cùng tồn tại, và bạo lực là một phần trong bản chất của chúng ta. Thành thật với nhau nhé, đã bao giờ bạn nãy ra bất kỳ một suy nghĩ bạo lực nào trong cuộc sống chưa? Tôi tin chắc ai cũng có một, hai lần nghĩ như thế, và bình thường đi, đó là cách não bộ các bạn vận hành mà. Điều đáng nói là liệu chúng ta có đủ tỉnh táo để kìm nén con thú đó lại hay không.
Ví dụ cho dễ hình dung thì hãy xem sự bạo lực trong người bạn là một chai coca, và trò chơi điện tử là một viên kẹo mentos. Nếu bạn thả kẹo vào coca thì nó sẽ trào ra và đó là cách trò chơi điện tử hoạt động. Các phân cảnh bạo lực trong game là yếu tố kích thích con thú trong bạn, nó có thể thôi thúc bạn làm nhiều hành động bạo lực hơn, hoặc ngược lại là giúp bạn giải tỏa con thú trong người mình.
Nhưng như ta thường nói, cái gì cũng có một mức độ nhất định, nếu bạn chơi quá nhiều và bắt đầu bị lậm không thể phân biệt giữa ảo và thật, nghĩ mình là đấng toàn năng trong GTA và có thể thoải mái gây chuyện mà không bị bố con thằng nào túm được thì coi như bạn hết cứu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ gây ra những hành động như trên.
Nên nói một cách đơn giản, một số tựa game chắc chắn mang tính bạo lực nhưng NSX đã có phân loại và ghi chú rõ ràng. Ai chưa đủ tuổi hay yếu thì đừng ra gió, còn có chơi thì có chịu, chơi xong đổ thừa tại game là không đúng. Cơ bản game chỉ là công cụ, nếu sử dụng đúng cách thì nó chỉ là một phương tiện giải trí bình thường, còn việc sử dụng nó thế nào là do bạn mà thôi. Nên theo mặt nào đó, tôi không hoàn toàn đồng ý với việc đổ hết mọi lỗi lầm cho trò chơi điện tử.
Việc một con người trở thành tội phạm cần rất nhiều yếu tố, từ gia đình, xã hội cho đến bản thân người đó, và trò chơi điện tử chỉ là một yếu tố nhỏ trong các yếu tố khác mà thôi. Bởi thế mới nói việc bạn cầm 1% để đi đổ lỗi cho 99% còn lại thì nó lại sai quá. Đương nhiên ý kiến của tôi thì không thể đại diện cho tất cả các bạn, nên là các bạn có ý kiến nào khác về vấn đề này thì hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết nhé. Và bạn nghĩ thế nào về việc cấm game bạo lực để làm giảm tình trạng bạo lực ở một số nước?
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn