Phụ Lục
Vậy là đã 4 năm kể từ ngày Kim Dung tiên sinh qua đời và cũng từng ấy năm thì người ta mới thấy một con game bom tấn lấy đề tài kiếm hiệp như Code: To Jin Yong được ra mắt sau hàng tá những game rác gắn mác kiếm hiệp để mua danh chuộc tiếng. Về cơ bản thì Code: To Jin Yong hay Trí Kim Dung là tựa game võ thuật thế giới mở lấy bối cảnh giang hồ trong truyện của Kim Dung do studio Lightspeed (PUBG Mobile and Apex Legends Mobile) của Tencent sản xuất.
Thông qua đoạn giới thiệu dài hai phút đã được phát hành trong hội nghị trò chơi năm 2022 của Tencent cho thấy một cuộc chiến đấu có nhịp độ nhanh và điên cuồng giữa hai nhân vật. Một trong số đó không lẫn vào đâu được chính là Dương Quá với thanh Huyền Thiết Trọng Kiếm đặc trưng, kẻ còn lại mặc trang phục đạo sĩ nhưng chỉ chỉ như thế là chưa đủ để xác định người đó là ai? Trong tác phẩm Kim Dung, các môn phái thuộc đạo gia tương đối rộng.
Nổi tiếng nhất chắc chắn là Võ Đang của Trương chân nhân rồi, kém tiếng hơn nhưng lại có dây mơ rễ má nhiều hơn chính là Toàn Chân giáo của Vương Trùng Dương. Thậm chí một số môn phái chỉ có tác dụng để làm nền nền Thái Sơn hay Bắc Nhạc Hành Sơn trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái (Tiếu Ngạo Giang Hồ) cũng bị ảnh hưởng hay có nguồn gốc từ đạo gia rất lớn. Chưa rõ kẻ đối đầu với Dương đại hiệp trong trailer là ai nhưng sẽ thế nào nếu đó là... Doãn Chí Bình?
Trong trailer chúng ta đã được thấy một phần cơ chế chiến đấu của game có khá nhiều nét tương đồng với dòng Souls. Dù đó chưa phải là toàn bộ những gì sẽ xuất hiện trong Trí Kim Dung nhưng có thể tạm dự đoán đây là một game souls-like lấy bối cảnh kiếm hiệp. Có lẽ souls-like kết hợp 1001 thứ thuộc về Trung Quốc chính là trào lưu mới các nhà sản xuất game Trung Quốc.
Còn nhớ gần 2 năm trước, cộng đồng game thủ thế giới từng hào hứng chào đón Black Myth: Wukong khi trò chơi tung trailer đầu tiên giới thiệu cuộc chiến đầy thú vị giữa một con khỉ và một con sói thành tinh. Dù đến nay mọi thứ chỉ dừng lại ở 2 trailer gameplay nhưng người ta vẫn rất trông đợi dự án này bởi còn gì tuyệt hơn khi các câu chuyện dân gian Trung Quốc được làm mới thông qua kiểu chơi chặt chém rất thịnh hành của soul-like?
Chúng ta có nhiều cơ sở để hy vọng rằng Code: To Jin Yong có thể sẽ là một tựa game souls-like kết hợp với cốt truyện và bối cảnh kiếm hiệp Kim Dung. Điều này sẽ tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho người chơi, đồng thời hứa hẹn một cơ chế chiến đầu mãn nhãn, thú vị và kịch tính. Còn gì thú vị bằng (như đã nói ở trên) khi Doãn đại hiệp vs. Dương Quá để chứng minh tình yêu với Cô Cô? Tuy rằng nhiều fan của couple Dương - Tiểu sẽ phản ứng nội dung này nhưng Mọt thì lại thích như thế, vì nó mới lạ và quan trọng là thú vị.
Ngoài ra chúng ta cũng được biết Code: To Jin Yong sẽ là một tựa game thế giới mở theo xu hướng chung của thị trường bây giờ. Nếu được làm tốt vụ open world thì rất hy vọng vào một Elden Ring bản cổ trang Kim Dung nhưng lại cái kiểu thế giới mở qua loa chiếu lệ để đu trend như nhiều game bây giờ thì thật là đáng quan ngại đó nha. Thôi thì game chưa ra phán trước cũng không có gì chính xác, cứ đợi đến khi Trí Kim Dung chính thức ra mắt hoặc ít nhất là thêm vài chục trailer nữa thì mới xem xét được.
Bên cạnh đồ họa được xây dựng trên nền tảng Unreal Engine 5 với cơ chế chiến đấu đẹp mắt đậm chất kiếm hiệp thì thị trường Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng để tất cả các thể loại game có gắn mác Kim Dung được chào đón. Thông lệ từ xưa đến này là thế, người ta có thể chê bai, nhạo báng một con game kiếm hiệp tồi nhưng nếu nó gắn mác Kim Dung thì điều tiên người ta làm chính là xem/mua/chơi rồi mới đến bước tiếp theo.
Không nói đến khot ác phẩm quá đồ sộ của Kim lão thừa sức làm hậu phương cho bất kỳ tác phẩm nào có IP, hãy nhìn qua một con game kiếm hiệp ngon lành nhưng không cần mượn danh của ai là Naraka: Bladepoint đi. Game vẫn đang hot và phát triển mạnh mẽ như thế nào ở Trung Quốc. Chứng tỏ game thủ xứ gấu trúc rất mê món kiếm hiệp và một tựa game chỉ cần không dở thì chắc chắn sẽ có thị trường mà thôi.
Ngoài ra, thị trường game lấy đề tài kiếm hiệp tại Trung Quốc phát triển đến mức độ người dùng Steam tại các quốc gia khác sẵng sàng chấp nhận việc sử dụng VPN và đăng ký lậu tài khoản WeChat để có cơ hội trải nghiệm tại máy chủ Trung Quốc. Như vậy là cũng đủ để chúng ta một phần đoán được Code: To Jin Yong chắc chắn sẽ là một ứng viên tiềm năng tại thị trường lớn này. Còn việc liệu trò chơi có chinh phục được game thủ tại các quốc gia khác hay không thì vẫn cần thêm thời gian để trả lời.
Nội dung võ hiệp (wuxia) là đặc sản phổ biến tại Trung Quốc và đôi khi còn được xem như một nét truyền thông của quốc gia này nên thành công là rất bình thường, thất bại mới là bất thường. Nhưng ở thị trường quốc tế, người chơi sẽ quen thuộc với thể loại võ thuật và giả tưởng phong cách Nhật Bản hơn. Câu hỏi ở đây Code: To Jin Yong có sở hữu những yếu tố để hấp dẫn game thủ phương Tây hay không? Nếu muốn vươn tầm quốc tế thì đây là thứ phải có.
Còn nếu họ chỉ muốn xưng bá tại đại lục (cũng là một thành công rất đáng nể rồi) thì chẳng cần thêm thắt những thứ đại loại như vậy làm gì cho mệt. Tóm lại mọi dự đoán bây giờ chỉ nằm ở mức độ... dự đoán, bởi các thông tin được biết vẫn chỉ dừng lại ở những thông tin xuất hiện trong trailer và bài phỏng vấn từ phía Tencent. Chắc chắn rằng những thông tin về Code: To Jin Yong sẽ xuất hiện rất nhiều trên các trang báo và mạng xã hội trong thời gian tới. Hãy theo dõi và đón chờ những thông tin mới nhất về game cùng nhé!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn