Phụ Lục
Âm hôn là một tập tục lâu đời ở Trung Hoa, nó còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “minh hôn”, “quỷ hôn” hay “đám cưới ma”. Ban đầu, tập tục này được áp dụng khi một trong hai hoặc cả hai người đã đính hôn với nhau nhưng bất hạnh qua đời. Để an ủi vong linh người đã khuất, gia đình và người thân sẽ tiến hành tổ chức hôn lễ cho cặp đôi theo kiểu người với ma hoặc ma với ma để họ có thể đoàn tụ với nhau ở kiếp sau.
Trong trường hợp hôn lễ diễn ra giữa người đã khuất và người sống thì người sống phải tự nguyện thực hiện hôn lễ. Về lý thuyết thì sau khi thành hôn, họ vẫn có thể tái hôn với người khác nếu muốn, nhưng thực tế đa phần, các cô gái sau khi gả cho người đã khuất sẽ trở thành góa phụ, phục vụ cho người nhà chồng và không được phép đi thêm bước nữa.
Một trường hợp khác lại xuất phát từ quan niệm “không được để ngôi mộ đơn lẻ” của ngày xưa. Họ cho rằng, phần mộ đơn lẻ sẽ ảnh hưởng đến phong thủy của gia đình lẫn con cháu đời sau. Bởi vì người đã khuất cô đơn lẻ bóng trên dưới hoàng tuyền có khả năng trở về “ám” con cháu. Để giải quyết những người giàu có thường chi một số tiền lớn để mua người về kết âm hôn. Sau đó đem chôn cùng với con mình. Cũng vì sự tốn kém đó mà tập tục này chỉ phổ biến trong giới giàu có thượng lưu, còn tầng lớp thấp hơn sẽ trở thành công cụ phục vụ cho hủ tục đen tối ấy.
Theo sách sử ghi lại thì tục âm hôn có khả năng tồn tại từ trước nhà Hán. Trong quyển “Chu Lễ” chuyên ghi chép về chế độ quan lại và những tập tục từ thời nhà Chu có viết, triều đình thời đó xem “Âm hôn” là một trong những tập tục vô bổ, đáng bị lên án, nên ban lệnh cấm tất cả mọi người thực hiện hủ tục này.
Nhưng trong cuốn “Tam Quốc Chí” cũng ghi nhận Tào Tháo vì thương xót con trai Tào Xung nên đã cưới một cô gái về làm minh hôn. Dân gian lại có dị bản khác, ấy là Tào Xung vì qua đời lúc còn trẻ nên hồn ma quay về quậy phá Tào phủ hằng đêm, chỉ đến khi Tào Tháo tìm một cô gái về làm âm hôn cho con trai, những chuyện tâm linh mới chính thức dừng lại.
Đến thời Nam Tống, lịch sử cũng từng ghi nhận một câu chuyện âm hôn khá nổi tiếng về hai vợ chồng Quách Tam - Dương thị. Người chồng không may bỏ mạng nơi sa trường, tro cốt được gửi về với người nhà. Mẹ của Quách Tam cho rằng con dâu sẽ tái giá nên định muốn làm âm hôn cho Quách Tam với một cô gái khác, để con trai ở thế giới bên kia có người chăm sóc. Dương thị biết tin thì đau buồn, không ăn uống suốt mấy ngày, cuối cùng tuẫn táng theo chồng.
Theo chiều dài của dòng lịch sử, “minh hôn” dần trở thành một hình thức kết hôn hợp pháp của người xưa và kéo dài đến tận thời nhà Thanh. Chỉ khi Trung Hoa mở cửa giao thương với nước ngoài, văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào xứ tỷ dân, tập tục đáng sợ này mới dần biến mất.
Nhưng… đấy chỉ là bề ngoài, còn bên trong, tập tục này vẫn tiếp tục lưu truyền. Bởi vì hủ tục trọng nam khinh nữ, nên số “ma nữ” ít hơn “ma nam”, chính vì lẽ đó mà nạn nhân của những trào lưu “âm hôn” này đa phần đều là nữ.
Những gia đình nhà giàu có con trai không may qua đời, thường sẽ chi một số tiền lớn để mua những thê thỉ nữ về làm vợ cho con mình. Có cung ắt có cầu, một số gia đình nông thôn Trung Quốc vì tiền, sẵn lòng bán con gái vừa mất của mình cho người ta. Tàn nhẫn hơn, những cô gái vẫn còn sống cũng trở thành nạn nhân của tập tục này.
Với lối suy nghĩ “con gái nuôi tốn cơm”, “bán con lấy tiền” của những vùng quê nghèo, các cô gái có thể bị đem chôn, hoặc bị đánh đập đến khi ngừng thở. Sau đó được hợp táng chung với người chồng mà mình chưa gặp bao giờ. Năm 2009, cảnh sát vùng Sơn Tây từng ghi nhận trường hợp người nhà đánh cháu gái vừa vào lớp 4 đến tắt thở rồi bán làm âm hôn, kiếm được số tiền tương đương 45 triệu tiền Việt. Năm 2019, khu vực Sơn Đông lại ghi nhận trường hợp một cô gái bị nhà chồng ngược đãi đến khi qua đời, sau đó tro cốt được nhà chồng bán đi làm âm hôn.
Đương nhiên, với tình trạng khan hiếm thê thỉ nữ do việc “trọng nam khinh nữ”, thì không phải lúc nào cũng có sẵn “hàng” cung cấp cho bên đối tác. Một số tên buôn chợ đen còn “thất đức” đến mức đột nhập vào nghĩa trang, đào mộ những cô gái vừa mới khuất và đưa lên kiệu hoa mà chưa có sự đồng ý của gia đình họ.
Một số khác lại liên kết với phía bệnh viện, chầu chực vung tiền để mua những cô gái đang hấp hối. Hay nói cách khác, những cô gái này chưa hoàn toàn tắt thở đã trở thành món hàng trao tay của những kẻ thích trục lợi trên thân xác kẻ khác.
Tháng 10 năm 2014, cảnh sát vùng Sơn Đông đã triệt phá được rất nhiều vụ án buôn bán thê thỉ bất hợp pháp. Theo những nghi phạm kể lại thì “hàng” của họ có hai loại, loại cũ thì được đào trộm từ nghĩa trang, giá rẻ hơn nhưng chất lượng kém hơn. Loại “tươi” thì được mua trực tiếp từ bệnh viện, giá cao hơn, nhưng tình trạng “thê thỉ” được “tươi mới” hơn.
Những “món hàng” sau đó được bán lại cho người có nhu cầu, cứ một thê thỉ nữ, họ sẽ thu về từ vài chục cho đến hàng trăm triệu tiền Việt, bằng tiền lương mấy mươi năm của một người bình thường. Nghe số tiền này thì chắc bạn cũng đủ hiểu tại sao dù biết là phạm pháp, nhưng vẫn có nhiều người đâm đầu vào rồi đúng không?
Chính sự ghê rợn và mất nhân tính ấy đã góp phần lan truyền hủ tục này đến đông đảo người dân xứ gấu trúc. Nhưng dù bị lên án dữ dội, thì mỗi năm, cảnh sát ở nhiều vùng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vẫn ghi nhận hơn một trăm vụ án “dân sự” và “hình sự” liên quan đến hủ tục này. Nói theo mặt nào đấy, có cung ắt có cầu, với lợi nhuận như thế, dù biết phải ngồi tù mọt gông, vẫn có cả đám người lao vào kiếm chác với hy vọng chắc mấy anh “cảnh” chừa mình ra.
Vậy, vì sao người ta lại gọi đây là một tập tục đáng sợ? Và tại sao nhiều nhà làm game lại khai thác đề tài này trong game kinh dị?
Trước tiên, một nghi lễ âm hôn đúng nghĩa thường sẽ có sự kết hợp giữa hai màu trắng và đỏ, trước làm đám cưới, sau tổ chức đám tang. Tổ chức âm hôn cũng giống với tổ chức một lễ cưới thông thường, phải có bà mối giới thiệu, sau đó gieo quẻ xem cả hai có thể kết hôn hay không, rồi mới bắt đầu cử hành hôn lễ.
Sau khi gieo quẻ thành công, nhà trai sẽ mang theo sính lễ đến nhà gái rước dâu vào buổi đêm. Sính lễ chia làm hai phần, một nửa là vàng bạc, tơ lụa thật, nửa còn lại là giấy tiền, vàng mã, ngoài ra còn phải có một hộp trang sức gồm vòng tay, bông tai, nhẫn, trâm cài. Trong kiệu hoa sẽ đặt ảnh thờ hoặc người giấy phỏng theo hình dáng tân nương, sau đó khiêng đến nhà trai để làm lễ.
Ở nơi làm lễ, nếu một trong hai còn sống thì người sống sẽ bái đường với ảnh thờ của người đã khuất, hoặc bái đường với gà. Nếu cả hai đều qua đời thì sẽ có người cầm ảnh thờ bái đường với nhau, tiếp theo là đốt sính lễ, rồi tiến hành hợp táng.
Và thứ làm âm hôn trở nên đáng sợ là màu sắc tâm linh nó mang lại. Vì, bình thường chẳng ai nghĩ đến việc bái đường với người đã khuất cả. Việc một người sống kết hôn với thê thỉ là chất liệu “tuyệt vời” cho những tựa game kinh dị đến từ xứ gấu trúc. Vì nó hội tụ đủ những yếu tố như kinh dị, có thật, mang màu sắc tâm linh và “phê phán mê tín dị đoan”, đồng thời, những câu chuyện về âm hôn còn có thể liên kết với một hủ tục khác là “trọng nam khinh nữ”, khiến nó vừa đáng sợ lại vừa đủ lý do lách luật.
Đặc biệt, áo cưới của các nước phương Đông thường đặc trưng với màu đỏ, và theo câu chuyện lưu truyền từ nhiều đời, những cô gái mất khi mặc áo đỏ, sẽ trở thành lệ quỷ, quay về báo thù. Chính vì lẽ đó mà ta thấy, nạn nhân của những câu chuyện về “âm hôn” luôn là những cô gái chân yếu tay mềm. Rồi sau đó, họ trở thành lệ quỷ quay lại trả thù những kẻ tước đoạt mạng sống của mình.
Trong “Hồi Môn”, cô gái Kiều Ngọc Trinh đã bị cha mẹ bán cho người ta làm âm hôn, cô sau đó bị đánh đập tàn tệ đến khi trút hơi thở cuối cùng rồi hợp táng cùng chồng. Uất hận vì chết trẻ, Ngọc Trinh đã trở thành lệ quỷ, rồi quay lại báo thù cả gia đình.
Hay trong series Áo Cưới Giấy, ta cũng sẽ bắt gặp hình ảnh các cô gái bị bắt thành hôn, nhưng đối tượng lại là vị tà thần Lục Táng bồ tát không có thật. Đặc biệt, từ “tân nương giấy” ta thấy trong game cũng thường dùng để chỉ những cô dâu người giấy được sử dụng trong các nghi lễ “âm hôn” ngoài đời thật.
Và, thừa nhận đi, dù dè bỉu và khinh bỉ “âm hôn”, biết nó là một hủ tục, nhưng bạn cũng rất tò mò về nó, đúng chứ? Bằng chứng là một số bài nhạc hoa như “Hỉ” hay “Tam bái hồng trần lương” lại đặc biệt hot vì sự rùng rợn và bi thương của nó. Hình ảnh một cô dâu áo đỏ nhưng lại là lệ quỷ cực kỳ hút mắt, nên không phải tự nhiên mà những tấm poster của nhà HeartBeat Plus luôn có sự xuất hiện của những bộ váy tân nương đỏ thẫm.
Ngoài ra, có rất nhiều tiểu thuyết mạng được sáng tác theo đề tài âm hôn. Cá nhân tôi không quá thích những câu chuyện như thế, vì nó đang “ngôn tình hóa” âm hôn bằng việc cho nữ chính bị ép âm hôn xong thì được hồn ma nam đẹp trai che chở. Tôi không đùa, từng có nhiều bạn cảm thấy việc “âm hôn” cũng không tệ, muốn kết duyên âm, cưới chồng ma, thậm chí nghĩ rằng việc “được ép” âm hôn là một việc lãng mạn.
Tôi biết, tiểu thuyết là nơi để con người sáng tạo, xa rời thực tế, nhưng cũng nên có giới hạn. Mọi người đọc tiểu thuyết cũng tỉnh táo lên nhé, vì trừ khi người bạn kết âm hôn là người bạn cực kỳ yêu và bạn tự nguyện thì… lý do của việc âm hôn đa phần ép buộc, bạn bị xem như một món hàng, bị đánh thậm tệ, rồi đăng xuất khỏi server Trái Đất, chuyển hộ khẩu xuống địa phủ, và chờ bạn chẳng có anh ma đẹp trai khoai to nào đâu.
Chính sức hút khó hiểu của nó, và yeah, vì nó gần như là hủ tục “độc quyền” của Trung Hoa, như chị “Cô thị Vít”, nên 10 thì hết 9 tựa game kinh dị xứ gấu trúc có đề cập hoặc lấy cảm hứng từ nó. Có một đề tài vừa thú vị, vừa gần gũi lại nhiều tư liệu như thế thì ngại gì mà không khai thác? Đúng chứ? Và cái video này cũng chẳng ngoại lệ.
Nhưng thông qua video, tôi muốn các bạn có thể hiểu và xác định rõ giữa việc hứng thú và phê phán nó, như kiểu bạn thích đọc tiểu thuyết trinh thám, nghe những vụ án tàn bạo, nhưng nhận thức rõ nó là sai. Việc tò mò vào một thứ rùng rợn gần như là bản tính của con người, nhưng thứ giữ chúng ta ở phần người thay vì con, sẽ phụ thuộc vào ta có đủ tỉnh táo để phán đoán đúng sai, và lên án những cái không tốt hay không.
“La Tiểu Miêu Miêu Tử”, biệt danh “Mèo nhỏ”, một tiktoker có hơn 700 ngàn lượt follower trên nền tảng douyin hay quen thuộc hơn là tiktok của Trung Hoa. Cô gái này từng có cả tương lai phía trước, nhưng lại yêu phải người không tốt, bị kê thuốc rồi lạm dục tập thể, bị cư dân mạng đẩy vào bước đường cùng. Sau khi vào nhà hỏa táng, tro cốt còn bị đánh tráo rồi bán làm âm hôn.
Bạn trai đầu tiên của Mèo nhỏ là cũng là một tiktoker nổi tiếng họ Triệu. Với mối tình đầu tiên này, cô gần như trao cả trái tim cho bạn trai, nhưng đến khi Mèo nhỏ phát hiện mình mang thai, tiktoker họ Triệu lại không nhận con, ngược lại còn lên bài phốt tố ngược Mèo nhỏ ngoại tình, lăng nhăng để dính bầu. Rất nhiều người không hiểu rõ đầu đuôi sự việc lao vào ném đá cô, câu chuyện sau đó chỉ tạm kết thúc khi Mèo nhỏ không giữ được con, cô và tiktoker họ Triệu chia tay,
Bạn trai thứ hai của Mèo nhỏ họ Lý, cũng chẳng khác người trước là bao. Anh Lý lừa Mèo nhỏ mua nhà cho mình, sau đó còn kê thuốc, cho người lạm dụng Mèo nhỏ. Không chỉ thế, cô nàng còn bị cộng đồng mạng ném đá. Thậm chí đến tận ngày hôm nay, khi nhắc đến Mèo nhỏ, không ít người còn dè bỉu, nói cô nàng đáng bị thế.
Tối ngày 14 tháng 10 năm 2021, Mèo nhỏ đã phát livestream trên nền tảng douyin. Cô cảm ơn mọi người đã theo mình đến thời điểm hiện tại, đồng thời thông báo đây là video cuối cùng của mình. Sau đó, Mèo nhỏ lấy ra một chai thuốc diệt cỏ, nói mình sẽ uống nó để kết thúc cuộc đời đau khổ.
Nhưng thay vì ngăn cản, một bộ phận cư dân mạng lại tiếp tục ác ý, “Tại sao không uống?”, “Chắc là diễn rồi”, “Uống mau đi”, “Lại câu view quay quảng cáo đấy à?”, vân vân… Và như ý họ, Mèo nhỏ đã uống thật. Tuy sau đấy, bản năng sinh tồn của cô đã trỗi dậy, lập tức gọi cấp cứu, nhưng mọi chuyện không còn kịp nữa.
Vài ngày sau, Mèo nhỏ được gia đình đưa đi hỏa táng. Tuy nhiên, vì nổi tiếng trên mạng lại xinh đẹp, nên nhân viên hỏa táng đã nổi lòng tham. Họ đã đánh tráo tro cốt của Mèo nhỏ, sau đó bán với giá cao cho người ta để làm âm hôn. Bị đẩy đến bước đường cùng, sau khi qua đời còn bị ép cưới một người mình không quen, bạn có cảm thấy rất đáng sợ không? Nhưng đó chưa phải vụ án đáng sợ nhất về âm hôn đâu.
Vào những năm 2010, ở vùng Thiểm Tây, đặc biệt là 8 tỉnh gần Hắc Long Giang là điểm nóng của hủ tục âm hôn. Những gia đình có con gái không may mất sớm, sợ con mình “cô đơn” đã bán thê thỉ của con với giá vài trăm triệu cho những người có nhu cầu âm hôn, với danh nghĩa giúp con gái có người bầu bạn, và họ xem đây là một chuyện hết sức bình thường. Đến khi cung không đủ cầu, nhiều người đã nhúng tay vào con đường làm giàu này bằng nhiều cách. Các thê thỉ có thể từ người nhà, từ nghĩa trang, hoặc bị trộm từ nhà vĩnh biệt, và được định giá ở các thị trường mua bán thê thỉ một cách công khai.
Tháng 3 năm 2016, một người đàn ông tên Mã Sùng Hoa ở Cam Túc biết được một gia đình họ Lưu cần mua thê thỉ nữ làm “âm hôn” nên đã ra sức tìm kiếm những cô gái bị thiểu năng trí tuệ. Gã sau đó gặp được một cô gái tên Thải Hà bị tâm thần, biết mẹ Thải Hà đang có nhu cầu tìm chồng cho con thì ngỏ ý giúp đỡ. Sau khi nhận khoảng 2000 tệ, tức 6 triệu tiền hồi môn của mẹ Thải Hà, gã đã đưa cô đi, tiêm acid clohydric vào cơ thể cô, biến Thải Hà thành tân nương ma, rồi bán lại cho nhà họ Lưu với giá 35 ngàn tệ.
Không dừng lại ở đó, tên này còn tiếp tục hành vi tương tự với một cô gái khác tên An Phúc Vinh và thu về được 42 ngàn tệ. Sau khi vụ việc bị phát giác, Mã Sùng Hoa đã bị kết án tử. Kẻ ác thì đã đền tội, nhưng những cô gái đã bị gã sát hại lại khó có thể quay về với gia đình.
Có thể thấy, hơn cả lớp vỏ đáng sợ mà những nhà làm game truyền tải, âm hôn ngoài đời thật còn khốc liệt và rùng rợn hơn nhiều. Nó không chỉ dừng ở vấn đề tâm linh, mà còn là mạng người và pháp luật. Trong game, các cô gái có thể may mắn sống sót, như Kiều Đồng, Mộng Yên. Họ cũng có thể trả được thù, yên nghỉ nơi chín suối. Nhưng ngoài đời thật lại không nhiều chuyện cổ tích đến thế, số phận cuối cùng của những cô gái bị ép âm hôn chỉ là một nắm tro tàn, trở thành công cụ kiếm tiền, và nằm lại trong ngôi mộ của một người mà họ không hề quen biết.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn