Phụ Lục
The Lion’s Song kể về con đường đến thành công bốn nhân vật trong bốn lĩnh vực nghệ thuật khác nhau tại Vienna, nước Áo đầu thế kỷ 20, trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Qua mỗi câu chuyện, ta sẽ rút ra được những bài học, những triết lý sống rất đỗi đời thường, và rằng con đường đến thành công chưa bao giờ là dễ dàng cả.
Wilma là cô sinh viên trường nhạc đầy tài năng và triển vọng. Giáo sư Arthur Caban nhìn thấy được tài năng của Wilma nên đã mời cô đến Vienna để trò chuyện.
“Âm nhạc của em… rất mới mẻ. Rất luôn cuốn và đầy thách thức.”
Ông Arthur nói và khẳng định rằng Wilma chính là tương lai của nền âm nhạc hiện đại, ông muốn xây dựng hình ảnh và tên tuổi cho Wilma để càng nhiều người biết đến cô hơn. Nhưng Wilma đã ngắt lời ông và thú nhận rằng hiện tại cô đang bị bí ý tưởng.
“Ôi Wilma, em đừng nói thế.”
Ông Arthur an ủi cô, nói rằng có lẽ cô đang bị áp lực vì buổi ra mắt sắp tới. Arthur nói mình có một căn nhà trên núi Alps và gợi ý Wilma đến đó để tìm cảm hứng sáng tác, còn ông sẽ lo những chuyện còn lại ở nơi này.
Wilma vốn định từ chối, nhưng sự nhiệt tình của Arthur đã lay động cô.
“Có lẽ thay đổi hoàn cảnh sáng tác sẽ khiến mình cảm thấy khá hơn.”
Wilma nghĩ rồi đồng ý đến căn nhà trên núi của Arthur.
Đúng như lời Arthur nói, đó là một căn nhà nằm biệt lập trên núi Alps, không người qua lại nên vô cùng yên tĩnh.
Wilma vừa vào trong nhà thì trời cũng bắt đầu đổ mưa to, cô lấy giấy viết ra muốn tập trung sáng tác, nhưng hoàn cảnh xa lạ, không gian vắng lặng đi kèm với tiếng gió rít làm Wilma không sao tập trung được.
Wilma đọc lá thư Arthur đưa cho cô với hy vọng bản thân sẽ cảm thấy khá hơn, nhưng càng đọc cô càng cảm thấy suy sụp vì Arthur thông báo cô chỉ còn một tuần để cho ra tác phẩm và biểu diễn nó trước công chúng. Trong lúc Wilma đang tuyệt vọng thì một cuộc điện thoại gọi đến.
Bên kia đầu dây là một người đàn ông tên Leos. Ông là chủ một quán trọ ở Bohemia, Leos vốn định gọi cho cháu gái mình, nhưng vì nhầm lẫn nên ông đã nối máy đến chỗ Wilma. Cả hai đã có một cuộc trò chuyện nhỏ, và điều đó đã khiến tâm trạng của Wilma trở nên khá hơn.
Cô ăn một miếng bánh sandwich cho buổi tối và gục xuống bàn ngủ vì quá mệt mỏi. Sau đó Wilma đã có một giấc mơ khá xấu hổ về giáo sư Arthur. Cô giật mình tỉnh giấc khi nhớ về bản nhạc phải hoàn thành, cố gắng bắt tay vào công việc vì không muốn để giáo sư Arthur phải thất vọng.
Nhưng Wilma không biết bắt đầu từ đâu, những âm thanh vang lên trong nhà khiến cô phân tâm, ngày thứ hai kết thúc nhưng cô vẫn chưa viết được chữ nào. Thứ duy nhất khiến Wilma thoải mái là những cuộc gọi của Leos.
Leos nói rằng ông muốn nghe giọng Wilma vì nó gợi cho ông nhớ về cô cháu gái Nikol hiện đang ở Vienna. Wilma động viên Leos hãy gọi cho cháu mình nếu ông thật sự nhớ cô bé, và có lẽ cô bé cũng rất nhớ ông.
Leos cảm ơn sự tốt bụng của Wilma và bắt đầu hỏi về gia đình cô. Wilma nói rằng cha mẹ cô là những người rất ấm áp, và cậu em trai Otto của cô thì khá phiền, nhưng cũng rất đáng yêu. Wilma đang nói thì nghe thấy một giai điệu vang lên trong đầu, liệu đó có phải là giai điệu cho bài hát mới mà cô đang tìm kiếm?
Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện với Leos, Wilma lập tức ghi lại giai điệu mà cô đã nghe được, nhưng chỉ nhiêu đó vẫn chưa đủ để tạo thành một bản nhạc hoàn chỉnh.
Wilma trải qua những ngày cô độc trên ngọn núi Alps, ban đầu sự yên tĩnh, tiếng mưa rơi khiến cô cảm thấy bức bối và khó chịu, nhưng dần dần, qua những cuộc trò chuyện với Leos, Wilma cũng dần tìm thấy cảm hứng sáng tác từ những câu chuyện đời thường của Leos, từ tiếng lá cây va vào nhau và cả tiếng mưa rơi rả rít ngoài cửa.
Trong thời gian đó, Wilma đã từng rất khủng hoảng khi nhận ra có một cô gái khác tên Grete cũng yêu thầm giáo sư Arthur như cô, cô cố gắng ép mình hoàn thành tác phẩm, nhưng nó càng khiến cô rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Cơn bão dữ dội ngoài trời cùng tiếng sấm như muốn khuếch đại nỗi cô đơn và sự bất lực của Wilma, và khi đó chỉ có một mình Leos sẵn sàng trò chuyện với cô.
Ông là người đã kéo Wilma khỏi hố sâu, cho cô cảm hứng để hoàn thành tác phẩm của mình. Wilma đặt tên nó là “The Lion’s Song”. Bản nhạc của Wilma đã thành công ngoài mong đợi trong buổi trình diễn, và nhận được sự tán dương của tất cả mọi người đến dự buổi lễ. Từ “Lion” trong bài hát là sư tử, cũng có thể dịch là Leo, nên theo mặt nào đó, ý nghĩa tên ca khúc thật ra là “Khúc hát của Leos”, gửi tặng người bạn mà Wilma chưa từng gặp.
Franz Market là một nghệ sĩ thị giác đang trên đường theo đuổi nghệ thuật với ước mơ lưu danh vào lịch sử nghệ thuật giới thượng lưu Vienna. Với mong muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật để đời, Franz đã mời những người anh nghĩ là có thể mang đến cho anh cảm hứng sáng tác để làm mẫu vẽ.
Người đầu tiên Franz mời là một quý tộc, ban đầu người quý tộc tỏ ra khá vui vẻ khi được mời làm mẫu, nhưng khi nhìn thấy tác phẩm của Franz, ông ta lại tỏ ra tức giận và nhục mạ tác phẩm của Franz. Điều đó đã làm Franz bị đả kích nặng nề và trở nên suy sụp, dẫn đến chứng mất ngủ nghiêm trọng.
Dù vậy, giấc mơ nghệ thuật của Franz vẫn chưa dừng lại ở đó, nhờ sự phê bình kèm góp ý của một người bạn tên Grete Lawniczak, Franz quyết định ra ngoài để ngắm nhìn thế giới, tìm một người mẫu mới và thực hiện một tác phẩm khác. Lần này Franz không tiếp tục với những người ở giới thượng lưu mà bắt đầu hướng tầm mắt đến những nét đẹp bình dân, dung dị và đời thường.
Franz đến một khu chợ bình dân và bị thu hút bởi bà Erika Thernhardt, một diễn viên nữ nổi tiếng một thời, và đến giờ bà vẫn còn nét đẹp mặn mà thuở thiếu thời. Franz đã tiến đến bắt chuyện với bà Erika, và sau một lúc, Erika hỏi liệu Franz có thể vẽ bà không? Vì bà cảm giác Franz rất hiểu bà.
Buổi vẽ hôm đó diễn ra vô cùng thuận lợi, Franz lẽ ra đã có một tác phẩm ưng ý, thế nhưng càng về cuối buổi vẽ, anh lại càng cảm thấy khó nắm bắt được những sắc thái của bà Erika. Anh không biết mình đang vẽ gì, linh cảm cứ vụt qua rồi chợt tắt trong khi anh còn chẳng kịp bắt lấy nó và điều đó đã làm Franz phá hỏng bức tranh.
Sau khi bà Erika về, Franz suy sụp ngồi trên giường và tự trách bản thân. Hôm sau, quý cô Grete đề nghị Franz hãy đi tìm bác sĩ tâm lý. Franz nói với bác sĩ rằng anh có thể thấy những gương mặt khác nhau của mỗi người, nhưng anh lại chẳng thể nhìn thấy được những gương mặt ẩn của mình. Bác sĩ khuyên Franz rằng thay vì tìm cách để hiểu nghệ thuật và những người khác, anh nên tự hiểu chính mình trước đã.
Đêm đó, Franz đã tự vẽ lại bản thân trên tranh, anh đã mất cả đêm để tự hỏi, tự khám phá ra từng khía cạnh của bản thân, và anh đã hoàn thành tác phẩm ngay trong đêm, đồng nghĩa với việc anh đã nắm bắt được bản thân của mình.
Sáng hôm sau, Franz lập tức đến căn hộ của Grete để tìm và cảm ơn cô về việc, đồng thời ngỏ lời mời cô làm người mẫu cho bức vẽ tiếp theo của mình. Franz từng là người chỉ biết đắm chìm trong nghệ thuật một cách sáo rỗng mà không hề nhận ra nét đẹp của nghệ thuật nằm ở những thứ rất gần gũi và đời thường.
May mắn anh có những người thân luôn đứng về phía mình và dẫn dắt anh từng chút một, cuối cùng Franz cũng tìm thấy nàng thơ Grete của mình và quyết định tạo ra một tác phẩm để đời của mình từ hình ảnh Grete.
Emma Recniczek là một nhà toán học đang nghiên cứu thuyết về sự thay đổi. Vì muốn học tập từ những người đi trước và những người có cùng chí hướng, Emma đã cố xin tham gia vào câu lạc bộ những nhà nghiên cứu toán học giới thượng lưu. Nhưng dù có năng lực, Emma vẫn bị họ từ chối, vì những người trong câu lạc bộ cho rằng một người phụ nữ như Emma không thể hiểu hết sự cao thâm của toán học, cũng như không có tư cách bàn luận với họ.
Emma thất vọng về nhà thì nhận được tin cha cô đã qua đời vì bệnh lao, người giao hàng đưa lại cho cô một thùng nhỏ chứa quần áo và di vật của cha cô. Emma sụp xuống bật khóc, vì người cha luôn ủng hộ cô đã ra đi. Nhưng sau khi khóc xong, Emma vẫn lấy lại tinh thần và tiếp tục thực hiện nghiên cứu vào ngày hôm sau, bởi cô tin chắc đó là điều cha cô vẫn luôn mong muốn.
Tuy nhiên nghiên cứu của Emma vẫn gặp khó khăn vì có những vấn đề cô rất cần gì góp ý từ những người có chuyên môn. Vừa làm việc, Emma vừa nghĩ ngợi, cuối cùng cô quyết định giả làm một quý ông để tham gia vào câu lạc bộ.
Emma dùng tên giả là Emil Schell, và nhờ giải được bài toán hóc búa, cô đã được những thành viên của câu lạc bộ chào đón vô cùng nhiệt tình. Nhờ được trao đổi với những thành viên có khả năng chuyên môn, nghiên cứu của Emma đã dần có tiến triển.
Trong hành trình này, có một người vẫn luôn cổ vũ Emma, đó chính là cô bé Nikol hàng xóm, đồng thời cũng là cháu gái của ông Leos đã được nhắc đến ở chương 1. Tuy nhiên, tài năng của Emma lại khiến chủ tịch câu lạc bộ là Grenot cảm thấy khó chịu, vì cô lúc nào cũng giải được hết những bài toán khó trong tuần, và điều đó làm chủ tịch ông đây mất vị thế trong câu lạc bộ.
Ông sợ Emma, sợ một lúc nào đó cô sẽ soán ngôi ông và đẩy toàn bộ sự nghiệp cả đời của ông vào dĩ vãng.
Grenot đã theo dõi Emma về đến nhà và phát hiện cô là phụ nữ, và việc để thua một người phụ nữ càng khiến Grenot tức hơn gấp bội. Hôm sau, Grenot thách đấu Emma trong một buổi thuyết trình ở trường đại học với mong muốn làm bẽ mặt cô ngay tại lớp.
Tuy nhiên, Emma vẫn chấp nhận buổi thách đấu, và hôm đó cô đã đến với hình dáng một cô gái như bình thường. Grenot hết lời mỉa mai Emma trước hội trường và cho rằng một cô gái như cô không có quyền lên tiếng ở nơi này.
Grenot cứ ngỡ mọi người sẽ đứng về phía ông, thế nhưng toàn bộ sinh viên trong trường lại lên tiếng ủng hộ Emma, kể cả những giám khảo trong cuộc đấu cũng ủng hộ Emma, vậy nên Grenot không còn cách nào khác ngoài thi đấu khả năng toán học với Emma.
Hiển nhiên, ông đã bị Emma đánh bại, và điều đó khiến Grenot không thể nào chấp nhận được, nhưng cuối cùng ông vẫn ngả mũ thán phục và công nhận Emma là một nhà toán học thật sự. Còn Emma, lúc này cô đã có thể đường hoàng dùng thân phận thật để chia sẻ những nghiên cứu của mình, thứ cô chiến thắng không chỉ là Grenot, là chính bản thân cô, mà còn là định kiến của xã hội áp đặt lên phụ nữ lúc bấy giờ.
Tại buồng số 6 trên một chuyến tàu đến trại huấn luyện quân chủng để chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ nhất, có 4 người đàn ông đang ngồi trò chuyện với nhau, và câu chuyện của họ xoay quanh 3 nhân vật là Wilma, Franz và Emma.
Emma đã trở thành nữ giáo sư toán học đầu tiên ở trường đại học. Lớp học của cô thật sự rất thú vị và dễ hiểu, cô ấy đã thay đổi cách giảng dạy rập khuôn xưa cũ tại trường đại học lúc bấy giờ. Đồng thời cô cũng đã được công nhận là một thành viên của câu lạc bộ toán học, và mọi người đã có một cái nhìn khách quan hơn về năng lực của cô, chứ không gò bó nó chỉ vì cô là phụ nữ như lúc trước nữa.
Nhưng sau đó Emma đã quyết định rời trường đại học đến Manchester để viết và xuất bản cuốn sách của riêng mình. Nhờ sự nỗ lực và không hề chịu thua trước định kiến xã hội, Emma đã có thể chứng minh được khả năng của bản thân, nhận được sự công nhận của tất cả mọi người.
Về phần Wilma, ca khúc “The Lion’s Song” của cô đã trở nên nổi tiếng khắp nơi, và hầu như ai cũng biết đến nó. Em trai của cô là Otto cũng quyết định thi vào học viện âm nhạc để nối nghiệp chị gái của mình.
Cuối cùng là Franz, anh nổi tiếng là một họa sĩ tranh chân dung giàu có với những bức tranh chân thật đến từng đường nét một.
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, em trai Otto của Wilma định ra quân bảo vệ đất nước nhưng được đưa về quê nhà. Không lâu sau, Wilma cũng từ giã Vienna về quê để dạy nhạc cho bọn trẻ ở quê hương. Rồi một ngày vào thu, cô đã đến gặp Leos, người đã cho cô cảm hứng sáng tác ra ca khúc bất hủ của mình.
Franz cùng nàng thơ Grete đến Berlin, nhưng không lâu sau anh bị gọi đi lính. Ở nơi chiến trường, anh đã phác họa hình ảnh của những đồng đội mình một cách chân thật nhất, và nếu Franz có thể sống sót quay về, đó chắc chắn sẽ là những tác phẩm để đời của anh.
Còn Emma, cô đến vương quốc Anh và trở thành một giảng viên toán học tại đại học vùng Yorkshire, viết nên những nghiên cứu để đời cho những người ở thế kỉ 20 và mãi về sau.
Năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, kéo theo đó là cái chết của 38 triệu người dân thường và binh lính. Đồng thời đây cũng là kết thúc cho câu chuyện trong The Lion’s Song. Ngoài ra, có một liên kết nhỏ giữa chương 1, 2 và 3, đó là ở chương 2 và 3, thi thoảng ta sẽ nghe bản nhạc của Wilma vang lên, còn trong chương 2 và 3, nếu để ý bạn có thể thấy cảnh Franz mời Emma làm người mẫu để mình vẽ tranh, và đây là những chi tiết nhỏ mà bạn cần để ý thật kỹ trong suốt quá trình chơi.
Trong The Lion’s Song, mỗi nhân vật đều phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình trong các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa và toán học, họ từng cô đơn, từng bị phân biệt đối xử và mất niềm tin vào bản thân, nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua nó bằng chính ý chí của riêng mình.
Ngoài kia, có nhiều câu chuyện cũng tương tự như vậy, thành công không bao giờ dễ dàng, đó có lẽ là bài học mà The Lion’s Song đã nhắn nhủ cho chúng ta. Còn bạn, bạn có suy nghĩ thế nào về tựa game này, hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt biết nhé, xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở những video sau, bái bai.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game sắp tới nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn