Phụ Lục
Hiện giờ không khí nóng bỏng của kỳ World Cup đã khiến nhiều người lo chuẩn bị tài chính với hy vọng gỡ gạc lại một năm nhiều thất bát. Tuy nhiên Mọt lại là game thủ nên tạm thời dẹp qua một bên mà tính chuyện soi kèo ở một World Cup khác của thế giới game, giải thưởng GOTY 2022. Như mọi năm, giải thưởng bình chọn Game of The Year của The Game Award đã trở lại sau một năm đầy biến động của làng game thế giới.
Các tên tuổi lớn, các game nổi trội đã xuất hiện và thời điểm cuối năm chính là lúc đánh giá xem ai sẽ là vua của mùa này. Mọt tôi vốn là một nhà tiên tri đại tài với tỷ lệ đoán trúng cực cao lên đến 50/50 lại một lần nữa trổ tài đoán mệnh cho 6 ứng viên năm nay.
Đầu tiên, hãy cùng xem xét các ứng cử viên xuất sắc được lọt vào vòng đề cử và trực tiếp được bầu cho vị trí cao nhất.
Tôi không nói điêu đâu, ai chơi qua Stray cũng biết nếu không có IQ thuộc loại 3 con số thì làm sao một chú mèo hoang lại có thể giải được các câu đố của một game giải đố như vậy. Một số đánh giá của game thủ cho rằng các câu đố có phần dễ thở so với tiêu chí của một game tìm đường giải đố nhưng không phải vì vậy mà nó không ép bạn vắt óc ra để suy nghĩ.
Stray có thể nói là một tựa game hòa trộn giữa phiêu lưu giải đố và giả lập ngắm cảnh khi tạo ra một thế giới rực rỡ sắc màu và một hành trình đầy nhân văn. Điểm đặc biệt của Stray chính là cốt truyện được xây dựng theo góc nhìn của một chú mèo và vai trò của boss này là quan sát thế giới hơn là vai chính trong cuộc phiêu lưu.
Cuộc phiêu lưu của chú mèo rất đơn giản nhưng những gì chú chứng kiến lại là một thế giới được sắp xếp rất độc đáo. Cách mà thế giới vận hành, cách những người hay đúng hơn là những con robot trong thành phố đối xử với nhau, khát vọng tự do của nhóm hội kín, những số phận nghiệt ngã… Những câu chuyện liên quan đôi khi diễn ra trước khi chú mèo xuất hiện nhưng lại được khám phá trong hành trình của chú mèo hoang lạc đường.
Có thể nói Stray sẽ đạt được điểm khá cao nếu xét về tính mèo của gameplay và cốt truyện đầy nhân văn được viết một cách khéo léo. Tuy vậy, điểm yếu về thời lượng chơi cũng như các câu đố không quá thử thách lại có thể nhận nhiều đánh giá trái chiều thay vì lời khen hoàn toàn.
Có thể nói năm nay là một mùa đề cử thiên về nhóm game hậu bản khi có tới 4,5/6 game là sự kế thừa từ phiên bản trước đó. Tất nhiên con số 0,5 là dành cho Elden Ring và chúng ta sẽ xét điều đó ở phần nói về nó. Ở thời điểm đầu năm 2022 thì Horizon Forbidden West là hậu bản được trông chờ nhất vì nó ra sớm hơn so với các đối thủ.
Bản thân sự thành công của Horizon Zero Dawn đã là một nền tảng rất mạnh khiến cho Horizon Forbidden West càng được đón nhận hơn nữa. Nhà sản xuất Guerilla Games cũng đã tận dụng tối đa điều đó để đẩy mọi thứ lên cao trào hơn nữa.
Tuy vẫn giữ cách chơi quen thuộc và phong cách đồ họa cũng như thế giới tương tự phần đầu nhưng sản phẩm đã có nhiều thay đổi được lồng ghép rất tinh tế. Về cốt truyện, chúng ta đã chứng kiến một sự đột phá bất ngờ từ một cuộc chiến bộ tộc sơ khai liên quan dự án Zero Dawn đã phát triển thành một cuộc chiến có tầm vũ trụ. Nhiều thay đổi cũng được đưa vào hệ thống gameplay như vũ khí mới, kẻ thù mới, phe phái mới.
Đặc biệt là đồ họa được nâng cấp với nhiều đột phá bất ngờ. Càng bất ngờ hơn là trong khi hãng game cố quảng bá chất lượng cho Horizon Forbidden West thì dân mạng lại coi đó là suối nguồn nguyên liệu để chế meme. Từ khuôn mặt bị chỉnh sửa cho mập ú của Aloy cho đến màn khoe lông tơ có thể xem là nặng tính biểu diễn hơn là thực tế trải nghiệm.
Thử tưởng tượng bạn đang bị một đám robot dí sát phía sau với đủ thứ tên lửa và laser, bạn có rảnh đi soi lông tơ trên mặt nhân vật không? Chạy không nhanh là cháy không còn cọng lông mà khoe nữa ấy chứ. Tất nhiên, nếu bỏ qua cái tật “hype” cố hữu của game thủ khi hiệu ứng Ragnarok còn quá mạnh thì Horizon Forbidden West vẫn là một ứng viên xịn cho GOTY 2022.
Nó đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản để đánh giá như trải nghiệm tốt, kỹ thuật làm game tiên tiến, độ sáng tạo độc đáo. Chưa kể điểm cộng dành cho nữ quyền và một loạt quan điểm tiến bộ khác về chống phân biệt chủng tộc được khéo léo đưa vào.
Có thể nói Xenoblade Chronicles 3 là một hậu bản có “gốc lớn” nhất trong các game được đề cử. Hoàn toàn có thể vỗ ngực dõng dạc hô lên: “Biết bố tao là ai không hả?”
Xenoblade Chronicles 3 là phiên bản thứ 3 của dòng game Xenoblade Chronicles nhưng đó lại là một nhánh tách ra từ series khổng lồ Xeno khởi đầu từ tận năm 1998. Những cái tên như Xenogears, Xenosaga, Xenoblade hoàn toàn không xa lạ gì với các fan của thể loại JRPG cổ điển.
Chúng có bề dày lịch sử rất lâu đời và có chất riêng nhưng vì sự khép kín đặc trưng của các nhà làm game Nhật Bản mà thương hiệu này bị hạn chế danh tiếng khá nhiều ở thị trường toàn cầu. Ngay cả Xenoblade Chronicles 3 cũng được phát hành độc quyền duy nhất trên Nintendo Switch khiến cho các vùng vốn ưa chuộng Xbox hay PlayStation không thể tiếp cận được.
Tuy có các hạn chế bên ngoài nhưng bản thân Xenoblade Chronicles 3 thì lại có chất lượng rất đáng kể. Là một game được phát triển cho năm 2022 dưới bàn tay của nhà Monolith Soft danh tiếng từng làm các siêu phẩm Super Robot Taisen hay góp phần trong các phiên bản Legend of Zelda, Animal Crossing… Xenoblade Chronicles 3 được trang bị nhiều tính năng hiện đại của thể loại JRPG.
Dễ thấy nhất chính là hệ thống chiến đấu thời gian thực và nền tảng đồ họa 3D chất lượng cao mang nét anime đặc trưng. Cốt truyện của Xenoblade Chronicles 3 cũng thể hiện tính chất đặc trưng kiểu Fantasy thường thấy của game Nhật khi phủ rộng ảnh hưởng đến tầm vũ trụ và đa vũ trụ. Trong đó, những chiến binh ban đầu rất nhỏ bé đã vô tình gặp được kỳ tích và dần trở thành những người nắm vận mệnh của cả thế giới trong tương lai.
Nhìn chung thì Xenoblade Chronicles 3 chính là đại diện xuất sắc nhất của thể loại JRPG trong năm nay và một vị trí đề cử GOTY 2022 đã chứng minh điều đó.
Có một điều thú vị trong cách đặt tên của series A Plague Tale. Phần đầu tiên của nó là A Plague Tale: Requiem: Innocence với chữ gắn kèm “Innocence” nghĩa là sự ngây thơ vô tội. Nhưng đến phần 2 tên của nó là A Plague Tale: Requiem với chữ “Requiem” là lễ cầu hồn hay theo người Việt gọi là lễ cầu siêu.
Cái tên này cũng gắn chặt với nội dung và cách chơi của game. Trong phần hậu bản A Plague Tale: Requiem, chị em nhà De Rune không còn nét thơ ngây của những đứa trẻ nữa mà họ đã trưởng thành hơn. Amicia không còn bị 1 hit lăn ra chết như trước mà trở thành một chiến binh cứng cáp hơn.
Mặc dù vẫn là một cô gái tuổi teen không thể đủ sức đọ tay đôi với lính chuyên nghiệp nhưng Amicia có nhiều kỹ năng hơn để chống lại kẻ địch. Từ đối đầu hạ gục trực diện với dây ném đá cho đến bước chân ninja đến không ai biết đi không ai hay hoặc là một phong cách đạo tặc để lại một đống lính thương vong mà chả ai biết thủ phạm.
A Plague Tale: Requiem đã chứng tỏ mình là một hậu bản cực kỳ chất lượng khi vẫn lưu giữ phong cách của phần trước nhưng cải tiến rất nhiều nội dung bên trong. Từ đồ họa tuyệt đẹp đến các bản đồ rộng hơn, không gian hành động nhiều hơn. Các chiến lược hành động cũng được thiết kế theo 3 hướng là đối đầu, lén lút hoặc dùng tiểu xảo để vượt qua kẻ địch. Nó giúp người chơi có thể tự do lựa chọn phong cách chơi ưa thích cho mình.
Cốt truyện và đàn chuột vẫn là yếu tố trung tâm khi nó mở rộng thêm về thế giới của căn bệnh mà Hugo mắc phải. Các nguồn gốc cũng như cơ chế vận hành của đại dịch cũng được lý giải sâu hơn, mở rộng hơn. Các bài giải đố về đàn chuột quen thuộc cũng được bổ sung thêm nhiều tình huống xử trí mới.
Tóm lại thì A Plague Tale: Requiem tỏ ra là một đối thủ có số má ở cuộc đua này khi hội đủ các yếu tố then chốt nhất là trải nghiệm chơi, sự sáng tạo và kỹ thuật làm game.
“GOTY 2022” chính là từ mà những người chơi thốt ra sau khi hoàn thành Elden Ring. Một tựa game quá tốt theo phong cách Souls-like với cách chơi tương đồng Dark Souls và kiểu cốt truyện tản mác khiến người chơi phải lùng sục tư liệu để hiểu điều gì đã xảy ra.
Điểm nổi bật nhất của Elden Ring vẫn là cốt truyện đen tối về các tranh chấp của thế lực cấp thần trở lên. Thế nhưng đi dọn dẹp tàn cuộc do đám thần ăn hại bày ra lại là một kẻ vô danh như mọi khi. Vẫn là các cuộc đấu trùm khó nhằn rồi thu thập các linh hồn làm nguyên liệu tăng cấp. Nói không ngoa khi đánh giá Elden Ring là kẻ kế thừa tinh thần của Dark Souls vì giống từ phong cách cho đến cùng cha đẻ ra.
Nhưng bên cạnh những cái giống nhau đó, Elden Ring vẫn như một kẻ chinh phục trái tim game thủ đầy ung dung với trải nghiệm của thế giới đầy mới mẻ, câu chuyện mới và những con trùm mới chẳng dính dáng gì đến thế giới Dark Souls. Một màn thay đổi không khí quá thành công.
Trên hết, hệ thống chơi nối mạng với cơ chế xâm nhập thế giới của người khác đã tạo ra một người hùng mà không tựa game nào trong 5 ứng cử viên còn lại có được. Đó chính là người anh hùng khố vải đội cái chum gốm “Let Me Solo Her”. Mọt tôi thực sự cảm thấy thương cho công chúa Malenia khi một cành vàng lá ngọc lại phải giương mắt nhìn 1 gã biến thái cởi truồng đầu đội chum gốm thản nhiên bước vào quấy rối mình hết lần này đến lần khác.
Chỉ riêng sự thành công bất ngờ từ hiện tượng mạng này thôi cũng đủ để thiên hạ ào ào bỏ phiếu cho Elden Ring có mặt tại bình chọn GOTY 2022. Chưa kể nhiều tính năng khác trong game cũng nổi bật không kém.
Theo guồng quay của thời gian thì sau khi God of War Ragnarok ra mắt, những tiếng hô hào tự tin Elden Ring sẽ thắng GOTY 2022 cũng giảm đi rất nhiều thay vào đó là một sự quay xe không hề nhẹ để ủng hộ game mới. Mà thôi, bản tính con người cả thèm chóng chán, sự ủng hộ cũng có thời điểm thôi. Đối với cộng đồng thì Elden Ring chắc chắn thắng GOTY 2022 cho đến khi xuất hiện một game khác hay hơn, người ta đâu đoán được tương lai.
Nhưng phải nói việc giật được chú ý từ Elden Ring cũng cho thấy God of War Ragnarok không phải là kẻ yếu. Đây là phiên bản được trông đợi nhất ở giai đoạn cuối năm khi nó tiếp tục khai thác phần kết mở của bản đầu tiên. Số phận của hai cha con Kratos vẫn được để mở từ cuối phần trước với 2 mồi câu cực bén từ nhà sản xuất. Đó là việc gán cho Atreus cái tên Loki và tiên tri về cái chết của Kratos.
Sự ảo diệu chỉ mới bắt đầu khi cốt truyện của phần sau lại tiếp tục được đưa đẩy với nhiều nút thắt cũng như diễn biến đầy bất ngờ. Tưởng chừng như việc khai thác chủ đề Ragnarok sẽ là khó khăn khi mà diễn biến của nó trong truyền thuyết đã được nhiều game thủ biết đến. Nhưng không, Santa Monica Studio đã khiến cho những người càng hiểu về truyền thuyết Ragnarok sẽ càng thấy game hấp dẫn hơn nữa.
Chính những thay đổi rất lạ trong cốt truyện so với truyền thuyết khiến mọi người đều phải so sánh và cảm thấy bất ngờ. Nguồn gốc một số nhân vật được làm rất khác với truyền thuyết nhưng khi diễn ra trong game lại rất logic và thuyết phục. Cốt truyện không chỉ cho thấy Kratos, Atreus, Freya, Mimir… nghi ngờ, mông lung về bản thân và số phận của mình mà còn khiến cả người chơi cũng bắt đầu hoang mang về phán xét của mình. Odin liệu có phải là kẻ xấu? Ragnarok có nên diễn ra không? Ai mới là người đáng tin?
Kèm theo đó, phần gameplay cũng được nhà sản xuất thay đổi một cách khéo léo. Nó vẫn giữ được cảm giác quen thuộc của phần trước nhưng lại có nhiều cái mới khiến bạn có trải nghiệm hấp dẫn. Những loại vũ khí mới cực kỳ ấn tượng của cả Kratos lẫn Atreus cho đến sự mở rộng về các đối tượng đồng hành, sự hoán đổi vai trò chủ công của các nhân vật đều mang lại sự mới lạ đầy hấp dẫn.
Có thể nói rằng God of War Ragnarok là ứng cử viên rất nặng ký cho GOTY 2022 và họ có cơ may sẽ có một bộ sưu tập cực kỳ ấn tượng. Đó là việc cả 2 phiên bản game đều thắng GOTY trong năm nó được phát hành. Nhưng đó là nếu năm nay God of War Ragnarok thắng, điều đó vẫn nằm ở tương lai chúng ta chưa thể biết được.
Theo phản ứng của cộng đồng hiện tại thì chúng ta có thể thấy God of War Ragnarok đang có cơ hội rất lớn. Họ là game mới nhất và vẫn đang trong giai đoạn “hype” chưa hết của cộng đồng. Tuy nhiên The Game Award có cơ cấu chấm điểm riêng và việc một game được ủng hộ theo thời điểm sẽ không thể có lợi thế bất công với các game khác.
Thực tế thì việc bầu chọn từ cộng đồng chỉ chiếm 10% điểm số để quyết định giải thưởng GOTY. 90% còn lại sẽ thuộc về các khách mời là chuyên gia từ khắp nơi trong làng game. Họ là những người hoạt động trong ngành có nhiều kinh nghiệm đến từ các team phát triển, các nhà phát hành và những đầu báo game danh tiếng. Tiếng nói chuyên môn mới thực sự có sức nặng ở đây.
Chính vì vậy, 6 ứng cử viên GOTY 2022 lần này cũng sẽ nằm dưới lăng kính soi xét nghiêm ngặt về chuyên môn. Chất sáng tạo, chất trải nghiệm và chất kỹ thuật của mỗi tựa game sẽ được đánh giá và bầu chọn từ các chuyên gia.
Điều này có nghĩa là tựa game nào đang được ủng hộ mạnh mẽ cũng chưa chắc gì sẽ thắng giải. Còn phải xem tỷ lệ chất lượng của các thành phần bên trong nó tốt đến đâu so với các đối thủ còn lại.
Mặc dù vậy, với tư cách một fan thì Mọt cũng có niềm tin khá là to bự rằng God of War Ragnarok sẽ làm nên chuyện. Một phần là do Mọt sợ nếu Elden Ring thắng có thể sẽ là một cơn bão meme của anh đội chum cởi “chuồng” quét qua thế giới mạng làm mù mắt biết bao thiếu nữ vô tội.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn