Trong Áo cưới giấy phần 1, chúng ta đã thấy được sự mê tín dị đoan đã phá hoại gia đình nhà họ Mạc như thế nào. Mạc Lê trở thành kẻ có tâm lý vặn vẹo, sẵn sàng làm mọi chuyện ác độc chỉ để trả thù em gái và cha mẹ của mình. Mạc Kỳ suýt chút nữa trở thành liều thuốc tăng cường tuổi thọ cho lão đạo sĩ. Còn cha mẹ của hai cô gái, vốn lúc còn sống đã mang mặc cảm tội lỗi nhưng đến khi chết đi họ vẫn không thể nào yên lòng khi thấy hai chị em quay sang tổn thương lẫn nhau. Dù được nói giảm nói tránh là Tử Phục dưới tác dụng của thuốc gây ảo giác nên mới nhìn thấy những hồn ma, bóng quế tác oai tác quái nhưng là sự thật hay tưởng tượng thì hẳn mỗi chúng ta đều tự có câu trả lời cho riêng mình rồi.
Câu chuyện có một kết thúc tương đối ổn thỏa khi, kẻ ác bị trừng trị, người tốt tiếp tục sống hạnh phúc. Thế nhưng thôn Trang Linh vẫn còn tồn tại và câu hỏi đằng sau hủ tục hiến tế kỳ lạ kia vẫn chưa có lời giải đáp.
Nếu một ngày, cơn ác mộng tưởng chừng như hoang đường lại trở thành hiện thực, bạn sẽ đối diện với nó như thế nào? Chạy trốn, thỏa hiệp hay dũng cảm đối diện để chống lại nó? Liệu tất cả là do số phận an bài, hay chỉ là hệ quả của việc mê tín dị đoan? Hãy cùng theo chân cô nàng Đào Mộng Yên trở về thôn Trang Linh để giải mã bí ẩn về tập tục hiến tế xưa cũ đã gián tiếp gây ra tội ác ở phần 1.
Hai chị em Mạc Lê và Mạc Kỳ có phải là trường hợp cá biệt, hay đâu đó ở nơi này vẫn còn những kẻ xấu số khác nhưng số phận hẩm hiu của họ đã bị chôn vùi trong dòng chảy vô tận của thời gian? Tất cả những bí ẩn về nơi quỷ quái này sẽ được hé lộ trong tựa game Áo cưới giấy 2: Thôn Trang Linh, không chần chờ nữa, bây giờ thì chúng ta bắt đầu thôi nào!
Áo cưới giấy 2: Thôn Trang Linh là tựa game tiếp nối của trò chơi cùng tên do HeartBeat Plus phát triển và sản xuất. Tương tự như phần đầu tiên, trò chơi vẫn giữ nguyên những yếu tố hấp dẫn rất đặc trưng của một tựa game giải đố lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian Trung Quốc. Phần 1 của tựa game đã được Mọt phân tích trong video trước nên các bạn có thể xem lại theo đường link bên dưới phần bình luận. Còn ưu tiên của ngày hôm nay là khám phá thôn Trang Linh cùng những bí ẩn kỳ lạ đằng sau tục lệ hiến tế kia.
Có thể nói nếu ở trong phần 1, thôn Trang Linh chỉ được mô tả trong vài dòng ngắn gọn là một nơi kỳ lạ, lạc hậu với tục thờ Lục Táng Bồ Tát. Sang phần 2, chúng ta sẽ được tìm hiểu sâu hơn về quá khứ và con người nơi đây. Đồng thời cũng phát hiện thêm một tập tục khác cũng không kém phần quái dị, đó là tục gả thiếu nữ cho Bồ Tát làm vợ. Khởi đầu trò chơi, cô nàng Đào Mộng Yên thấy mình đang đứng gần một vách đá đầy sương mù, âm u và tịch mịch. Trước mắt Mộng Yên là một cô gái đang bị treo trên đài tế lễ, cô ta khoác lên mình một bộ áo cưới đỏ tươi nhưng khi nhìn kỹ các đường chỉ may, dường như chiếc áo được làm từ giấy đỏ.
Mộng Yên muốn đến gần nhưng cây cổ thụ quá to đã chắn ngang đường đi buộc cô phải tìm một cây đao sắc để chặt rễ cây mở đường. Công việc của cô không thuận lợi vì xa xa dường như có rất nhiều người dân đang cầm đuốc đuổi đến. Sau khi dọn dẹp chướng ngại, cuối cùng Mộng Yên cũng đến bên tân nương đang bị treo trên giá. Đó là một cô gái rất xinh đẹp, môi soi đỏ thắm, hai mắt nhắm nghiền, nhưng tại sao khuôn mặt đó lại chính là khuôn mặt của Đào Mộng Yên? Lúc này khung cảnh trước mắt Mộng Yên đột nhiên trở nên tối sầm, kèm theo đó là giọng hát của những đứa trẻ chẳng biết từ đâu vang lên, như xa như gần, dường như chúng đang ngân nga một bài đồng dao kỳ lạ:
Tháng bảy, mười lăm, gả tân nương,
Người thân bè bạn khóc đoạn trường.
Giấy làm áo cưới bay theo gió,
Bao giờ mới gặp lại người thương.
Sau khi tỉnh lại, Mộng Yên thấy mình đã thế vào chỗ của tân nương khi nãy, trước mặt cô là những hình nhân gỗ giống hệt người thật, đứng đầu là một hình nhân khoác áo choàng đỏ, tay cầm chuông đồng, dường như chính chúng là kẻ đã trói cô trên tế đàn. Người gỗ đứng giữa đột nhiên rung chuông, ánh mắt các hình nhân đồng loạt đổ dồn về phía Mộng Yên. Sau đó, một hình nhân gỗ tay cầm đại đao xuất hiện. Nó mặc giáp tướng quân, gương mặt tô vẽ các họa tiết như tuồng hát, đầu đội mão, đứng chắn một cách uy nghi trước mặt Mộng Yên.
Đột nhiên, đầu của hình nhân tướng quân rơi xuống, đó cũng là lúc Mộng Yên tỉnh giấc. Cô thấy mình đang ở trên tàu hoả, thì ra chuyện vừa rồi chỉ là một cơn ác mộng, thế nhưng đây không phải lần đầu cô mơ thấy nó. Cơn ác mộng này đã theo ám Mộng Yên ngay từ khi còn nhỏ, trong mơ, cô thường thấy mình mặc một bộ áo cưới bằng giấy đỏ tươi, bị treo trên tế đàn cạnh cây cổ thụ sát vách núi nằm ngoài thôn Trang Linh, quê hương của cô. Càng lớn, tần suất Mộng Yên gặp ác mộng ngày càng gia tăng, nhưng mỗi khi cô kể chuyện này với ba mẹ, họ lại tìm cách lảng tránh.
Dường như hai ông bà đang cố che giấu điều gì đó. Lại nói gia đình Mộng Yên vốn dĩ đã rời khỏi thôn Trang Linh ngay từ khi cô còn rất nhỏ, vậy nên cô chẳng có mấy ấn tượng về nơi này. Nhưng chuyện ngày đêm bị cùng một cơn ác mộng tra tấn đã thôi thúc cô gái quay trở về quê hương để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Cô không rõ liệu lần quay về này mình sẽ gặp những gì, nhưng cô biết, nếu không quay về, có lẽ cơn ác mộng sẽ giày vò tâm trí cô đến phát điên.
Vì thôn Trang Linh nằm sâu trong núi, rất khó tìm nên sau khi xuống tàu, Mộng Yên đã mất nhiều thời gian mới tìm được đường vào thôn. Vào đến nơi, cô thấy khắp thôn được treo đầy những mảnh vải đỏ, dường như hôm nay là ngày cưới của một ai đó. Đột nhiên, bài đồng dao kỳ lạ trong mơ lại vang lên, nhưng lần này, nó ở rất gần, dường như phát ra ở nơi nào đó trong thôn. Lần theo tiếng hát, Mộng Yên quay về ngôi nhà cũ của gia đình cô, nhưng lạ thay, cánh cửa nhà lại mở toang và dường như có ai đang ở trong đó.
Một người đàn ông đầu trọc xuất hiện, ông ta tự nhận mình là trưởng thôn rồi gọi Mộng Yên vào nhà, như thể, ông ta biết chắc rằng hôm nay cô sẽ về. Mộng Yên vốn định từ chối lời mời cơm của lão vì thái độ nồng nhiệt một cách lạ thường. Tuy nhiên lão đã nhanh chóng bước ra ngoài, đóng sầm cửa lại để nhốt cô bên trong. Lắng nghe tiếng huyên náo bên ngoài, cô loáng thoáng nghe thấy lão hô lớn: “Tân nương giấy về rồi, mau chuẩn bị hôn lễ. Canh cửa cẩn thận, đừng để cô ta chạy.” Chuyện quái gì đang xảy ra, cô gào lên với những kẻ bên ngoài, đe dọa sẽ báo cảnh sát nếu không thả mình ra nhưng chẳng mảy may ảnh hưởng chút nào đến họ.
Mộng Yên rút điện thoại ra muốn gọi cứu viện, nhưng điện thoại lại không có sóng, điều này đồng nghĩa với việc cô đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Mộng Yên nhanh chóng vực dậy tinh thần, cô bước vào bếp kiểm tra thì phát hiện có một cánh cửa ở phía sau. Cô không nhớ trong nhà mình từng có cảnh cửa này nhưng nó lại bị khóa. Trong lúc tìm cách mở cửa, Mộng Yên phát hiện nhiều thứ kỳ lạ đáng lý không nên xuất hiện trong nhà của mình. Đầu tiên là quyển sách được đặt trong chậu nước ở phòng bếp. Sau khi phơi khô và soi nó trước tấm gương, cô thấy hình ảnh phản chiếu của mình nhưng mái tóc và trang phục lại tựa như thời Dân Quốc.
Bất ngờ, gương mặt người con gái trong gương trở nên vặn vẹo, chiếc gương nứt toác và hình ảnh phản chiếu lại trở về là hình dáng của Mộng Yên. Kế đến là quyển nhật ký trong nhà kho chất đầy những món đồ cũ kỹ. Bên trong quyển nhật ký có kẹp nửa bức ảnh của một cô gái, nhưng lại không nhìn rõ mặt, có vẻ cô ấy mới là chủ nhân của quyển nhật ký này. Thông qua những dòng tâm sự trong quyển nhật ký, Mộng Yên biết được cô gái trong ảnh là người được chỉ định sẽ gả cho Lục Táng Bồ Tát. Thế nhưng có một chàng trai tên Lương Thiếu Bình đã rủ cô gái cùng bỏ trốn trước ngày hôn lễ, nhưng cô từ chối vì biết nghi thức này quan trọng với thôn Trang Linh như thế nào.
Khép lại quyển nhật ký, Mộng Yên tìm được một chiếc đĩa hát giấu trong bức tường phía sau kệ tủ. Cô gạt những chiếc dù giấy đang chắn đường ra, định tiến lại chiếc máy hát đĩa thì ngạc nhiên thay, sau chiếc dù lại là hai hình nhân giấy, một nam, một nữ. Chúng bổ nhào đến trước mặt cô, rồi sau đó lại biến mất, tựa như chưa từng xuất hiện. Sau khi khởi động máy hát, giai điệu bài hát “Đời đời kiếp kiếp không chia lìa” vang lên, nếu Mộng Yên không nhớ nhầm thì đây là một bản nhạc rất thịnh hành vào thời Dân Quốc. Giai điệu bài hát không buồn, nhưng ca từ lại khiến người nghe dâng lên cảm xúc bi thương khó tả. Dựa vào những gì bài hát gợi ý, Mộng Yên mở được cánh cửa dẫn vào căn hầm bí mật dưới sàn nhà. Nơi này bày một trận pháp gì đó.
Trên trần nhà giăng những sợi dây đỏ dán đầy bùa chú, còn treo một dây chuông, dưới quả chuông là tâm của pháp trận. Trận pháp hình bát quái được bố trí cẩn thận bằng chỉ đỏ và tro nhang, chính giữa là cái bình dán đầy bùa, dường như đang phong ấn thứ gì đó. Dựa vào những gì quyển sách đặt trên bàn thờ gần đó ghi lại. Mộng Yên biết được thôn Trang Linh ban đầu có tên gọi khác. Vào thời Đại Đường, trong thôn xảy ra một trận đại dịch lớn, ác quỷ lộng hành, người chết không sao kể xiết. Thánh tăng Huyền Trang từ Tây Trúc trở về ngang đây đã giúp người trong thôn độ hoá ác quỷ, giải trừ dịch bệnh, từ đó thôn mới đổi tên thành Trang Linh, mà trận pháp bày trên sàn cũng là do thánh tăng để lại.
Nhờ manh mối đó, Mộng Yên đã phá được trận pháp. Một cơn gió lớn nổi lên dù đây là căn phòng kín, sau đó, chiếc bình ở giữa pháp trận vỡ ra, bên trong là nửa bức ảnh của một người đàn ông cao lớn mặc áo giáp võ tướng nhưng không nhìn rõ mặt. Sau khi ghép với nửa bức ảnh trong quyển nhật ký lúc trước, người con trai trong ảnh đột nhiên cử động, nhưng anh ta lại không có đầu. Bóng người ấy từ từ chui ra khỏi bức ảnh, động tác hoàn toàn trùng khớp với hình nhân gỗ mặc áo giáp trong giấc mơ của Mộng Yên. Sau khi vung đao chém xuống, bóng người biến mất, cả người trong ảnh cũng chẳng thấy đâu nữa, chỉ để lại một cây đao cắm lên bàn thờ. Mộng Yên đã dùng thanh đao ấy phá cửa chạy thoát. Thông đạo dưới hầm dẫn cô ra thẳng khu rừng ở sau thôn. Nhưng phía sau, những người dân trong thôn đã đến.
Mộng Yên nhanh chóng bị bắt lại, người dân trùm một chiếc bao lên đầu cô và lôi đi, mặc cho cô có kêu la hay chửi mắng thế nào đi nữa, họ vẫn tuyệt nhiên chẳng hề trả lời. Khi chiếc bao được bỏ ra, Mộng Yên thấy mình đang bị treo trên tế đàn, khung cảnh trước mặt hoàn toàn trùng khớp với những gì xảy ra trong giấc mơ của cô. Người đàn ông cầm chuông, khoác áo đỏ, đeo mặt nạ được người dân gọi là Đại Vu Hiền, thông qua giọng nói, cô đoán gã chính là tên trưởng thôn. Ông ta tự nhận mình là người truyền đạt ý chỉ của Bồ Tát, nói cô là tân nương giấy, hôm nay là ngày lành để tiến hành hôn lễ gả cô cho Bồ Tát. Người dân trong thôn cũng hùa theo cùng nhau châm lửa muốn thiêu sống cô. Ngay lúc đó, hình nhân không đầu trong giấc mơ lại xuất hiện, đứng chắn trước mặt họ, cầm đao chém xuống.
Sự xuất hiện bí ẩn của hình nhân tướng quân không đầu tên Sát Kim Cang dọa những người dân trong thôn lần lượt bỏ chạy, Đại Vu Hiền nhanh chóng làm phép trấn áp nhưng việc cử hành tế lễ cùng vì vậy mà phải hoãn lại. Mộng Yên được đưa đến miếu Bồ Tát, tại đây, cô nhìn thấy bức tượng không đầu của Lục Táng Bồ Tát. Người dân trong thôn nói, sau ngày rằm tháng bảy năm trước, tượng của Bồ Tát đột nhiên mất đầu, có phải tai họa sắp giáng xuống đầu người dân không? Chúng ta đều biết đó là tác phẩm do Mạc Kỳ gây ra nhưng Đại Vu Hiền lại bao biện rằng Bồ Tát hiển linh, mắng họ làm việc không đầu không đuôi, nên phải cử hành hôn lễ gả tân nương giấy để trấn an Bồ Tát.
Sau đó, Mộng Yên bị giải xuống Táng Cung nằm dưới bàn cờ đá trong thôn, gã trưởng thôn nói là để cô nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hôn lễ ngày mai, nhưng thực chất họ muốn giam cầm cô, không để cô chạy thoát. Bên trong mật thất chỉ có duy nhất một cánh cửa lớn dẫn ra ngoài. Trước cửa đặt hai bức tượng đá giống hệt hai hình nhân giấy cô đã gặp trong nhà kho khi đến gần máy hát đĩa. Trong lúc khám phá nơi này, cô tìm thấy cuốn sách có tên gọi “Hiến tế”. Trong sách nói, khi thôn Trang Linh gặp đại dịch, Đại Vu Hiền đã hiến tế một cặp đồng nam, đồng nữ cho Lục Táng Bồ Tát, hai đứa trẻ này sau đó trở thành âm đồng tử, chuyên trừng phạt những kẻ dám bất kính với Bồ Tát.
Để làm đồng tử vui vẻ, người ta phải tặng quà cho chúng, đồng nam thích đánh kiếm, đồng nữ thích thổi kèn. Hai đứa trẻ này hẳn chính là hai bức tượng chắn trước cửa đá, điều này đồng nghĩa, nếu Mộng Yên muốn thoát ra ngoài, cô phải tìm được vật tế thích hợp để dâng lên chúng. Đi loanh quanh trong căn mật thất, Mộng Yên gặp được một lão già đang ngồi tham thiền hệt như tượng đồng. Ông ta cũng tự nhận mình là Đại Vu Hiền, ngồi bên cạnh lão cũng là một Đại Vu Hiền khác, trong tay cầm kiếm gỗ, yên lặng không nói gì. Mộng Yên ngỏ ý muốn lấy thanh kiếm, nhưng lão nói, muốn lấy được cô phải thể hiện sự tôn kính, còn làm thế nào để biểu hiện thì ông ta không nói, chỉ cười bảo Mộng Yên là tân nương giấy, cô tự biết phải làm thế nào.
Sau một lúc, Mộng Yên biết mình phải tìm 5 món đồ để tạo ra Lục Táng thần hương. Trong lúc tìm kiếm, cô tìm thấy bức thư được giấu bên trong bức tường. Bức thư được viết vào ngày 14 tháng 7 năm thứ 15 Dân Quốc (1926), có lẽ đã được để ở nơi này từ rất lâu về trước. Giấy viết thư sờn cũ, lấm bẩn, nhưng vẫn có thể đọc được nội dung bên trong. Dựa vào nội dung bức thư, Mộng Yên đoán đây là thứ cô gái trong bức ảnh mình tìm thấy ở nhà cũ, viết cho chàng trai Lương Thiếu Bình. Trong thư, cô gái nói mình phải theo thờ phụng Bồ Tát, không thể yêu đương với người thường, nên khuyên anh đừng tặng son cho cô nữa. Mộng Yên cất bức thư đi, quay lại gặp lão Vu Hiền. Ông ta nói, tân nương thì nên ở yên một chỗ, vì nơi này cực kỳ nguy hiểm, không phải nơi Mộng Yên có thể đi lung tung.
Từ miệng lão, Mộng Yên biết được hồn ma của hình nhân tướng quân không đầu được dân làng gọi là Sát Kim Cương kia đã xuất hiện từ trăm năm trước, giết hại nhiều người. Về sau được Lục Táng Bồ Tát trấn áp, nhưng cứ mỗi dịp tết Trung Nguyên vào ngày rằm tháng 7, con quỷ ấy sẽ lại về thôn giết người, nó thích nhất là chặt đầu người khác. Ngoài ra, lão còn nói kiếp trước Mộng Yên cũng là tân nương giấy, nhưng vì cô làm điều sai trái nên kiếp này phải chuộc tội. Chính vì điều ấy, cho dù gia đình của Mộng Yên có dọn đi, ông ta vẫn biết cô sẽ sớm quay lại nơi này, đó chính là số mệnh, điều mà cô phải chấp nhận.
Không muốn tiếp tục nghe lão nói nhảm, Mộng Yên quyết định mặc kệ ông ta. Sau khi ghép thành công Lục Táng thần hương, lão bắt đầu cười quỷ dị. Lão ta nói nhờ có cô mà pháp lực của mình đã khôi phục. Hoá ra từ nãy đến giờ, lão ta chỉ đang lợi dụng cô. Mộng Yên thấy tình hình không ổn nên muốn bỏ chạy, nhưng mỗi khi lão rung chiếc chuông trong tay, đầu của Mộng Yên lại đau như búa bổ. Ngay khoảnh khắc cô tưởng chừng mình sẽ ngất đi, chiếc chuông đột nhiên nứt toác, như có một thế lực vô hình nào đó đã âm thầm trợ giúp cô thoát khỏi nơi này. Nhân cơ hội đó, Mộng Yên ôm thanh kiếm gỗ bỏ chạy khỏi nơi của ông lão Vu Hiền.
Vì ngày ngày ngồi tham thiền nên ông ta chẳng thể nào đứng dậy đuổi theo Mộng Yên được, chỉ có thể bất lực hô lên cảnh cáo cô đừng cố vào Quỷ Hý Lầu, nhưng Mộng Yên bỏ ngoài tai tất cả, bây giờ, với cô thì bất cứ nơi nào cũng tốt hơn là ở lại nơi này chờ gả cho một bức tượng vô tri. Sau khi gõ chuông tìm được món đồ tế cuối cùng, Mộng Yên đặt hai món đồ lên khay gỗ trước cửa đá. Thông qua màn hình điện thoại, cô nhìn thấy bức tượng hai đứa trẻ đang chỉ dẫn cho cô cách rời khỏi nơi này. Mộng Yên mở được cửa, nhưng lạ thay ban đầu lối vào là cầu thang hướng lên, thì lúc này, cánh cổng lại dẫn đến một chiếc cầu thang hướng xuống. Đi dọc hành lang âm u, Mộng Yên cũng tìm thấy lối ra, nhưng ngay lúc này, một bóng người màu xám, mặt mũi dữ tợn xuất hiện, dọa cô sợ chết khiếp. Bóng người đó là ai? Hãy xem phần cuối của Áo cưới giấy 2 để được giải đáp thắc mắc!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn