Phụ Lục
Là một trong những series game nổi tiếng về các nghi lễ hiến tế đến từ đất nước mặt trời mọc, Fatal Frame có lẽ là cái tên từng ám ảnh giới game thủ một thời vì sự đáng sợ và kinh dị mà nó mang lại. Với bối cảnh thường được đặt ở những nơi bị ma ám, đi kèm với đó là lời nguyền đáng sợ bao trùm cả một vùng đất. Chẳng lạ gì nếu trong Fatal Frame lại ẩn chứa những cảnh quay đáng sợ, và các hồn ma lảng vảng xung quanh, chực chờ lao vào tấn công bạn bất cứ lúc nào.
Có thể nói trong Fatal Frame, việc bạn nhìn thấy hồn ma hay bị chúng jumpscare là câu chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng ngoài các cảnh jumpscare lồ lộ mà bạn phải đối mặt, Koei Tecmo còn chơi những trò quá đáng hơn.
Cụ thể là trong Fatal Frame 1, nếu bạn để nhân vật đứng yên và không điều khiển trong khoảng 5 phút để đi uống nước hoặc giải quyết nhu cầu cá nhân. Thì khi quay trở lại, bạn sẽ ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa khi thấy cảnh gương mặt một ma nữ tóc dài, đôi mắt đáng sợ đang nhìn bạn chằm chằm từ trong màn hình.
Đương nhiên không phải màn hình của bạn bị ma ám thật đâu, nên khoan hãy vứt máy tính vào thùng rác vội. Đây thật ra chỉ là một tính năng trong trò chơi, được Koei Tecmo cài vào để mang đến cho game thủ những trải nghiệm đau tim nhất trong quá trình thưởng thức Fatal Frame mà thôi.
Nếu là một fan kỳ cựu của dòng game Grand Theft Auto, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến những bí ẩn, hoặc sự xuất hiện của các sinh vật huyền bí tại một số địa điểm nhất định. Những phong trào săn quái vật được cộng đồng GTA hưởng ứng nhiệt tình, thậm chí một số game thủ còn ăn dầm nằm dề, không quản ngày đêm, mưa gió, để chộp một bức ảnh của Big Foot hay Loch Ness trong tựa game.
Chính nhờ điều đó mà có rất nhiều những truyền thuyết, cũng như các easter eggs được các game thủ phát hiện trong GTA. Và khi nói về những truyền thuyết nổi tiếng nhất đã từng được tìm thấy, ta không thể không đề cập đến hồn ma Jolene Cranley-Evans cư ngụ trên ngọn núi Gordo trong GTA V và GTA Online.
Theo mô tả, Jolene Cranley-Evans là hồn ma một người phụ nữ áo trắng với mái tóc xõa dài và đôi mắt trắng dã. Cô sinh năm 1956 và từng kết hôn với diễn viên đóng thế John Jock Cranley vào khoảng thời gian trước những năm 1978.
Nhưng cuộc sống hôn nhân của Jolene và Jock lại không mấy suôn sẻ. John bày tỏ, bản thân anh muốn rời khỏi Blaine County để theo đuổi ước mơ làm diễn viên đóng thế, còn Jolene thì muốn ở lại để phụng dưỡng cha mẹ và điều hành nhà khách.
Không tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân, Jock đã quyết định đẩy vợ mình xuống vách đá trong một lần cả hai đi dạo trên núi Gordo. Jolene thiệt mạng tại chỗ sau cú ngã. Jock bị bắt vì rơi vào diện tình nghi, nhưng cuối cùng cảnh sát vẫn phải thả anh ta ra vì không có chứng cứ buộc tội, nên họ đi đến kết luận vụ ra đi của Jolene chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn.
Uất ức vì bị chết oan, hồn ma của Jolene thường xuất hiện vào khoảng thời gian từ 23 giờ đến 0 giờ trên vách đá núi Gordo. Mỗi lần như thế, một tảng đá gần nơi cô ấy đứng sẽ xuất hiện cái tên “Jock” được viết bằng máu, đi kèm với đó là tiếng kêu ai oán của Jolene trước khi qua đời, và mọi thứ sẽ chỉ biến mất khi người chơi đi lại gần vách đá.
Phát hành vào ngày 14 tháng 10 năm 2014, The Evil Within hay còn biết đến với cái “The Evil Inside”, là một tựa game kinh dị Nhật Bản do Tango Gameworks phát triển với sự hợp tác của cựu đạo diễn Resident Evil 4 - Shinji Mikami.
Tựa game là câu chuyện xoay quanh thám tử Sebastian Castellanos và những đồng nghiệp, trong hành trình điều tra một vụ án xảy ra tại bệnh viện Beacon Memorial. Tuy nhiên, phân cảnh mà tôi đề cập tiếp theo lại không xuất hiện khi bạn cầm nhân vật chính Sebastian, mà chỉ có thể nhìn thấy khi điều khiển Juli Kidman - một trong những cộng sự của tay thám tử.
Cầm một cây đèn pin trong tay và đi loanh quanh bệnh viện với thân phận Juli trong bản DLC đầu tiên, bạn sẽ nhìn thấy một cánh cửa bị hỏng đang đóng vào mở ra liên tục, phía sau là một dãy hành lang tối tăm. Soi đèn pin vào đó, bạn sẽ nhìn thấy hồn ma một cô gái tóc dài mặc váy đỏ tên Laura Victoriano.
Khi còn nhỏ, trong một lần mãi chơi bên trong nhà kho ở trang trại mới của gia đình, Laura đã bị kẹt trong một đám cháy, được gây ra bởi những người từng sống ở vùng đất này trước khi cha mẹ cô mua lại nó. May thay, Laura lại sống sót một cách thần kỳ sau vụ cháy, chỉ bị bất tỉnh và bỏng nhẹ. Người ta cho rằng Laura đã bị rơi xuống chính giữa nhà kho từ trên cao khi cố thoát ra bằng đường cửa sổ.
Cú rơi đã khiến Laura phải sống thực vật cả đời, cuối cùng cô qua đời ngay trên giường bệnh vài ngày sau đó, đó là lí do cô ta có mặt ở đây.
Nếu đứng nhìn hồn ma của Laura đủ lâu, cô ta sẽ dịch chuyển đến gần cánh cửa, và cuối cùng, khi chỉ cách chúng ta một khoảng cách rất nhỏ, cô ta sẽ ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm Juli với một gương mặt lạnh tanh kỳ dị và đầy ám ảnh.
Robbie the Rabbit hay chú thỏ Robbie, là một nhân vật từng xuất hiện nhiều lần trong dòng game Silent Hill. Nó là linh vật của công viên giải trí Lakeside, và cực kỳ được ưa thích với những món đồ chơi được làm theo hình dáng của chú ta, đa phần là thú nhồi bông.
Về cơ bản, chú thỏ này không đóng quá nhiều vai trò trong Silent Hill mà chỉ thường dùng để tạo cảm giác ngột ngạt, bức bối cho người chơi với tạo hình khá kỳ quặc. Đôi lúc, Robbie sẽ xuất hiện với hình dáng một linh vật có kích thước to như người thật, với bộ lông màu hồng và cái miệng bê bết máu.
Trong Silent Hill 4, chú thỏ này quay lại với vai trò một nhân vật phụ hàng hiệu, trong hình dáng một con thú bông kỳ lạ. Hãy thử nhìn qua lỗ khóa của phòng Eileen Galvin, hàng xóm của nhân vật chính, bạn sẽ thấy một con Robbie đang ngồi trên giường.
Cứ mỗi lần bạn nhìn qua cửa, Robbie sẽ thay đổi một tư thế khác, dù không có bất kỳ ai ở trong phòng. Thậm chí có lúc, con thỏ đấy còn nhìn thẳng về phía người chơi một cách đầy đe dọa. Và nếu để ý kĩ, ta có thể nhận ra trên miệng của nó còn dính của máu.
Nhưng điều đáng sợ nhất là, trong trò chơi, một số nhân vật từng có mối quan hệ không ít thì nhiều với Robbie. Cụ thể, cô gái tên Cynthia Velasquez có một xăm Robbie trên mông, và bức ảnh một đứa bé bị đưa đến thiên đường khi đang ôm con thỏ bông Robbie trong tay.
Với mỗi đất nước, sẽ có một dãy các số điện thoại khẩn cấp bạn cần phải ghi nhớ để phòng ngừa những trường hợp gặp nguy hiểm.Và ở Mỹ, 911 là một trong những dãy số quan trọng mà ai cũng phải biết. Lý do đơn giản là vì bên kia số điện thoại này là hệ thống tiếp nhận tin báo khẩn cấp của Mỹ, hỗ trợ những người dân trong các sự cố khẩn cấp như báo cháy, tai nạn hoặc có tội phạm đột nhập.
Số điện thoại này không thường xuất hiện trong những tựa game kinh dị, bởi vì gần như khi gặp nguy hiểm, các nhân vật trong game thường đi đến hướng giải quyết là tự mình solo với kẻ gây rối chứ không nghĩ đến việc gọi cảnh sát. Tuy nhiên, Cry of Fear, một tựa game kinh dị hành động góc nhìn thứ nhất do Team Psykskallar sản xuất, lại cho phép người chơi có thể dùng điện thoại gọi cho 911 để cầu cứu.
Đương nhiên, với chân lý cảnh sát vô dụng trong game kinh dị thì việc gọi cho 911 cũng chỉ để làm màu. Cụ thể là sau khi quay số xong, ta chỉ có thể nghe thấy một chuỗi tiếng la hét, đi kèm với âm thanh kinh hoàng như lưỡi cưa tiếp xúc thân mật với da thịt, rồi sau đó điện thoại tự động ngắt kết nối. Đáng lưu ý là, bạn chỉ có thể thực hiện hành động này một lần duy nhất trong một campaign, nên sau khi thực hiện cuộc gọi, bạn sẽ không thể lặp lại hành động đó để tìm hiểu âm thanh vừa rồi là gì.
Nếu là một người đam mê thể loại game kinh dị sinh tồn nhiều người trên PC, thì chắc bạn đã từng nghe hoặc từng trải nghiệm tựa game “Dead by Daylight” của Behaviour Interactive Studio. Lấy chủ đề xoay quanh cuộc rượt đuổi của những tên sát nhân và kẻ sống sót, Dead by Daylight đưa chúng ta đến với những trận rượt đuổi vô cùng đáng sợ.
Và với những kẻ sống sót đã quá trầm cảm khi phải lẩn trốn đám sát nhân săn lùng mình ở khắp nơi, thì chắc có lẽ, bạn sẽ ít để ý đến một vài thay đổi và easter eggs được cài cắm ở bản đồ, vì bận vắt giò lên cổ chạy mất rồi. Một trong số những easter eggs mà tôi cảm thấy thú vị là những bức tượng xuất hiện trong bản đồ Sanctum of Warth.
Ngoại hình của những bức tượng được lấy cảm hứng từ tượng địa tạng bồ tát trong văn hóa Nhật Bản, nhưng, nó lại chứa một easter eggs đến từ phương Tây. Cụ thể là, để ý kĩ, bạn sẽ thấy những bức tượng dõi mắt theo mình mỗi khi di chuyển.
Hành động này được làm phỏng theo câu chuyện của những bức tượng thiên thần than khóc từng xuất hiện trong bộ phim Doctor Who. Và nếu bạn chưa biết thì Thiên thần than khóc là những sinh vật hình người trông cực kỳ giống các bức tượng thiên thần đang khóc. Mỗi khi bạn nhìn chằm chằm chúng, các thiên thần than khóc sẽ đứng yên như những bức tượng, nhưng chỉ cần bạn nhìn sang chỗ khác vài giây thôi. Đám thiên thần này cũng sẽ lao vào và xé xác bạn theo nhiều cách khác nhau.
May thay, các bức tượng trong game khác lành tính vì chúng chỉ quan sát chứ không hề tấn công người chơi, nếu không, những kẻ sống sót trong Dead by Daylight sẽ không chịu nổi áp lực từ nhiều phía như vậy mất.
Khi nhắc đến một nhân vật tên Alice, đa phần ta sẽ nghĩ ngay đến cô bé Alice tóc vàng với cuộc phiêu lưu vào xứ sở thần tiên. Tuy nhiên, Alice trong Alice: Madness Returns lại là một cuộc phiêu lưu đáng sợ của một cô bé trong thế giới điên loạn.
Ra mắt vào năm 2011, Alice: Madness Returns có thể nói là một trong những tựa game kinh dị tôi yêu thích nhất vào thời điểm đó. Khác với xứ sở diệu kỳ ta thường nghe trong chuyện cổ tích, Alice Liddell lại có một quá khứ đau lòng khi gia đình cô bé mất trong một vụ hỏa hoạn, bản thân Alice thì bị đưa đến viện tâm thần để tiếp nhận hàng loạt cách thức điều trị đáng sợ cho bệnh nhân tâm thần thời bấy giờ.
Và nếu có thời gian cũng như được các bạn ủng hộ, Mọt nghĩ mình sẽ làm một video đào lại cốt truyện của tựa game này. Các bạn có thích không? Nếu có thì hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt biết nhé.
Quay lại với câu chuyện, thì trong hành trình Alice lưu lạc vào thế giới thần tiên đầy điên rồ của mình, ta có thể tìm thấy một cái hang nhỏ được giấu sâu dưới lòng đất. Đi vào bên trong hang, ta sẽ nhìn thấy một bộ xương nhỏ ngồi trên ghế sofa.
Dựa vào cái mũ và hành động đưa tay đặc trưng, ta có thể nhận ra rằng, chủ nhân của bộ xương chính là Razputin Raz Aquato đến từ loạt trò chơi điện tử Psychonauts của nhà Double Fine. Nhưng tại sao hai tựa game này lại có mối liên hệ với nhau như vậy?
Trong Psychonauts, Raz đảm nhận vai trò giúp các nhân vật khác vượt qua nỗi sợ hãi và quá khứ bằng cách đi sâu vào tâm trí họ. Nên có khả năng, ở một vũ trụ nào đấy, anh chàng này đã cố gắng giúp đỡ Alice bằng cách đi vào thế giới diệu kỳ, nhưng không may lại bị mắc kẹt và qua đời tại đó.
Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết đáng yêu được cánh game thủ đưa ra để hợp thuyết hóa cho sự xuất hiện của Raz mà thôi. Còn thực tế, việc Raz xuất hiện trong Alice: Madness Return là để tôn vinh đạo diễn tim Schafer của loạt game Psychonauts về những gì ông ấy đã làm để tạo ra trò chơi tuyệt vời này.
Là một tựa game phiêu lưu hành động được Rockstar Games phát hành vào năm 2018, Red Dead Redemption 2 cũng sở hữu một easter eggs không kém phần đáng sợ. Cụ thể là trên một tờ báo ở Blackwater, bạn có thể nhìn thấy tin về sự mất tích bí ẩn của một nhóm vận động viên. Và nếu bỏ công tìm kiếm, bạn sẽ phát hiện cơ thể của 10 vận động viên ấy nằm chồng lên nhau trên một cái hố ở West Elizabeth.
Chỉ khung cảnh rùng rợn thôi thì chưa đủ, vì vụ án mất tích này được dựa trên một vụ án có thật của đội tuyển bóng đá trẻ Colombia vào năm 2009. Thực tế, số nạn nhân ngoài đời thật gồm có 12 người và chỉ có duy nhất một thành viên sống sót.
Thành viên may mắn này tiết lộ rằng, cả nhóm của anh đã bị quân đội giải phóng quốc gia Colombia sát hại, nhưng thực hư thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Và tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên đào quá sâu về vấn đề này.
Nếu là một fan kì cựu của thể loại game kinh dị, bạn chắc chắn sẽ biết đến bộ phim The Shining nổi tiếng, được làm dựa trên tiểu thuyết của ông hoàng kinh dị Stephen King, đặc biệt là phân cảnh cặp song sinh Alexa và Alexie xuất hiện trên hành lang, nhìn chằm chằm vào ống kính máy quay. Phân cảnh này gần như đã trở thành một tượng đài được rất nhiều tựa game kinh dị lẫn các nhà làm phim lấy cảm hứng từ đó.
Trong Layers of Fear 2, một tựa game chứa đựng rất nhiều trứng từ những bộ phim kinh dị, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy phân cảnh hai đứa trẻ mặc váy trắng, không rõ mặt đứng ở cuối hành lang, giống hệt với cảnh quay nổi tiếng trên.
Nhưng trái với một The Shining trên đất liền với gam màu ấm, khung cảnh cặp sinh đôi nắm tay đứng giữa hành lang ngập nước nhìn chằm chằm người chơi, trong thứ ánh sáng xanh mờ, chắc chắn sẽ làm không ít game thủ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, thậm chí là lạnh gáy vì điều đó.
Nhắc đến Outlast 2, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến phân cảnh sinh nở thách thức cả mẹ Âu Cơ, từng khiến các game thủ phải bỏ cơm một thời gian sau khi hoàn thành tựa game. Và hẳn bạn cũng nhớ về việc, nhân vật chính Blake đã cầm máy lên, quay lại những gì mình phải trải nghiệm trên hòn đảo bí ẩn chứ?
Thường, những đoạn phim được quay khi Blake quay trong ảo giác sẽ bị lỗi và không có hình ảnh, thay vào đó là một chuỗi các âm thanh kì lạ không rõ nội dung. Tuy nhiên, nhiều game thủ đã chỉ ra rằng, nếu đảo ngược đoạn phim lại, ta có thể nghe được rất rõ nội dung của các cuộc đối thoại.
Đa phần, các đoạn thoại trong trò chơi không có một ý nghĩa cụ thể mà chỉ nhắm đến tín ngưỡng và sự sùng bái một cách thái quá là chính. Với tôi, dù easter eggs này không bao hàm quá nhiều nội dung của cốt truyện chính, nhưng việc cho người chơi khám phá nội dung của những đoạn phim bị lỗi theo cách này thật sự khá thú vị.
Ừ thì, tôi biết năm nay chắc bạn đã nghe quá nhiều về Resident Evil 4 rồi, nhưng có lẽ trong trò chơi vẫn còn những easter eggs mà chúng ta vẫn chưa có dịp khám phá tường tận. Chẳng hạn trong phân cảnh Leon phải cứu Ashley ở trong làng, ta sẽ phải đi qua một cái hồ lớn. Và đương nhiên, Mọt chắc rằng bạn vẫn còn nhớ có một con quái vật khổng lồ cư ngụ bên dưới hồ.
Con quái vật đó là Del Lago, một trong những vật thí nghiệm về Plaga của tổ chức Los Iluminados. Chỉ dựa vào hình dáng, ta cũng có thể thấy nó được tạo ra từ một con kỳ nhông nước. Nhưng dù là vật thí nghiệm được nuôi trong hồ, nhưng người dân ở nơi này lại không thể kiểm soát được hành vi của nó. Cuối cùng, thay vì trở thành một vũ khí có thể điều khiển được, Del Lago trở thành một con thủy quái đảm nhận nhiệm vụ xử lý những vị khách xấu số ghế thăm ngôi làng.
Và chúng ta đều biết, nếu Leon ngồi cano băng qua hồ, anh sẽ bị Del Lago tấn công và có một cuộc chiến vô cùng căng thẳng với con quái vật. Nhưng trong một diễn biến khác, bạn có thể triệu hồi con quái vật mà không cần phải xuống nước.
Thứ duy nhất bạn cần để thực hiện nghi lễ là một khẩu súng. Chĩa nó vào phía hồ nước và nhả đạn nhiều lần liên tiếp, Del Lago sẽ hiện lên và bạn mở khóa một thành tựu ẩn đó là trở thành bữa tối trong bụng con quái vật.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn