Trước khi chính thức bước vào công cuộc săn trứng, hãy để tôi tóm tắt sơ nội dung phim, phòng trường hợp bạn vẫn chưa xem bộ phim này nhé, hãy yên tâm, tôi sẽ không đi quá sâu vào nội dung nên video sẽ không có quá nhiều spoil đâu. Nhưng để cho chắc thì bạn vẫn nên xem bộ phim trước rồi hãy quay lại đây nhé~
Bản live action của Five Nights at Freddy’s xoay quanh Mike Schmidt, một nhân viên bảo vệ siêu thị bị sa thải vì hành hung người khác. Khi còn nhỏ, em trai của Mike là Garrett từng bị bắt cóc và sát hại trong chuyến dã ngoại của gia đình, để lại cho anh bóng ma tâm lý, khiến Mike gặp ác mộng liên miên, thường xuyên gặp ảo giác và không thể tập trung vào công việc.
Nhưng đó không phải lý do đưa Mike đến với cửa hàng Freddy’s Pizza. Câu chuyện bắt đầu khi Mike đến gặp cố vấn công việc Steve Raglan và được giới thiệu công việc ca đêm ở cửa hàng Freddy. Ban đầu, Mike tỏ ra không có hứng thú với công việc vì yêu cầu làm ca đêm và mức lương thấp. Tuy nhiên, đứng trước sự đe dọa bị tước quyền nuôi em gái vì không đủ tiềm lực tài chính, Mike buộc phải đồng ý và bắt đầu công việc bảo vệ đêm của mình.
Hiển nhiên, làm bảo vệ ca đêm chưa bao giờ là một ý tưởng hay, nhất là khi nó xảy ra trong một bộ phim kinh dị. Mike đã chạm trán với những con thú máy đáng sợ trong nhà hàng, bị chúng đe dọa tính mạng, và dần vén lên bức màn bí ẩn về những gì đã xảy ra với nhà hàng Freddy’s Pizza cũng như với em trai mình.
Và đó là bối cảnh cũng như những gì sẽ xảy ra trong bản live action của Five Nights at Freddy’s, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để bạn biết bộ phim sẽ diễn ra theo hướng nào. Tiếp theo đây, hãy cùng đi vào nội dung chính của video với những easter eggs mà tôi và cộng đồng fan quốc tế đã tìm được trong bộ phim nhé.
Ngay từ đoạn mở đầu, khi màn hình intro và logo xuất hiện, bộ phim đã mang không khí quen thuộc của thương hiệu Five Nights at Freddy’s với hiệu ứng màn hình bị nhiễu sóng liên tục. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra bầu không khí này được lấy cảm hứng từ hình ảnh màn hình quan sát bị nhiễu mỗi khi người chơi di chuyển giữa các camera để giám sát đám thú máy.
Và ngay sau khi phần intro kết thúc, ta sẽ nghe thấy tiếng vặn ốc vít vang lên ken két, màn hình sáng lên và ta thấy cảnh một nhân viên bảo vệ đang cố vặn ốc để chạy trốn bằng đường ống thông gió. Có lẽ ông ta chính là người đã để lại lời nhắn cho người chơi trong 5 đêm làm bảo vệ ở nhà hàng Freddy’s Pizza.
Ngoài ra nếu để ý, bạn sẽ thấy khung cảnh trong phòng nhân viên bảo vệ giống hệt với cảnh ở phần game Five Nights at Freddy’s đầu tiên. Ta có tấm poster hình Freddy, Chica và Bonnie, chiếc quạt điện xoay liên tục, và cả ly nước sọc trắng đỏ được đặt trên bàn, tạo cho người xem cảm giác thân thương đến lạ.
Quay về với nhân viên bảo vệ, ngay sau khi nhảy xuống khỏi ống thông gió, ông ta bị bắt, bị xích lại, và phải đối mặt với Freddy - tôi nghĩ thế, vì nó bị mất mặt rồi - trong trạng thái không được thân thiện cho lắm. Ở phân cảnh này, ta có thể thấy rõ, bên trong cơ thể của Freddy là rất nhiều lưỡi cưa máy, và nó làm tôi liên tưởng đến cách mà “Cậu bé khóc lóc” qua đời trong phần 4 của Five Nights at Freddy’s.
Nói theo mặt nào đó, tôi phải công nhận bản live action của Five Nights at Freddy’s rất giỏi trong việc chèn những chi tiết nhỏ vào bộ phim. Có cực kỳ nhiều chi tiết ẩn ý bạn sẽ không nhận ra cho đến khi có người nói cho bạn biết. Lấy ví dụ như ở phân cảnh này, khi Mike bước vào phòng làm việc của người đàn ông tên Steve Raglan, ta sẽ nghe thấy những âm thanh giống hệt tiếng đám thú máy truy đuổi nhân viên bảo vệ ở đầu phim.
Đặc biệt hơn, hãy chú ý màu chiếc cà vạt mà Steve Raglan đang đeo. Nó là màu tím, và bạn biết ai đại diện cho màu tím trong series Five Nights at Freddy’s rồi đấy. Spoil một chút nhé, Steve là người đã giới thiệu Mike đến làm bảo vệ đêm ở cửa hàng Freddy’s Pizza, ông ta cũng là người gọi điện thoại hướng dẫn cho Mike trong đêm đầu tiên ở cửa hàng. Và chi tiết này gắn liền với giả thuyết “The Phone Guy” chính là “The Purple Guy” trong trò chơi.
Đặc biệt hơn, ban đầu, Steve tỏ ra khá bình thường, thậm chí là có phần mỉa mai Mike vì hành động côn đồ của anh trong phim, tuy nhiên, khi nhắc đến họ của Mike, ông ta bỗng dừng lại và thay đổi thái độ chóng mặt.
Nếu bạn quên thì tên đầy đủ của Mike trong phim là Mike Schmidt. Có vẻ như cái họ Schmidt đã làm ông ta nhớ đến cậu bé Garrett Schmidt, một trong những đứa trẻ đã thiệt mạng một cách bí ẩn nhiều năm trước, đồng thời cũng là em trai của Mike. Chi tiết này cũng đã ngầm tiết lộ vai trò của Steve ngay từ những giây phút đầu tiên, nhưng có vẻ sẽ rất khó để bạn nhận ra điều đó nếu chưa từng chơi game lần nào.
Một chi tiết khác có liên hệ với game nhưng không quan trọng lắm chính là mức lương khi làm bảo vệ ca đêm của Freddy’s Pizza. Khi được hỏi về mức lương, Steve đã thừa nhận rằng lương cho công việc này không tốt lắm, và trong game, ta cũng biết rằng nhân vật chính Mike chỉ nhận được 120 đô với 5 ngày trực đêm cùng đám thú máy luôn đe dọa mạng sống của mình.
Và yup, nhìn vào tấm chi phiếu này thì chắc bạn đã nhận ra rồi đúng không? Mike Schmidt là tên nhân vật chính của loạt game, đồng thời cũng là nhân vật chính trong bộ phim này. Và những gì anh ta trải qua, cũng được dựa trên nguyên tác khá nhiều. Tôi nghĩ nhà sản xuất xứng đáng nhận được lời khen vì điều này, nhưng đồng thời, nó khiến bộ phim trở nên hơi dễ đoán, vì nếu đã chơi hết series game thì bạn cũng biết hết chuyện gì sẽ xảy ra với Mike rồi đấy.
Đương nhiên là nếu đã nhắc đến Five Nights at Freddy’s thì chắc chắn ta sẽ không thể nào quên được câu chuyện về những con thú máy bị ám bởi linh hồn trẻ nhỏ, và chi tiết đó cũng được nhà sản xuất đưa vào trong phim. Trong phim, Mike chạm trán với hồn ma năm đứa trẻ trong mơ, và chúng cũng ứng với những con thú máy.
Theo thứ tự từ trái sang phải, ta sẽ có Jeremy với cặp tai thỏ đại diện cho Bonnie, Cassidy áo len tóc vàng là Golden Freddy, Fritz với chiếc móc câu trên tay là Foxy, Gabriel với chiếc mũ trắng là Freddy Fazbear, và cuối cùng cô bé Susie là nàng gà Chica.
Và trên bức tường chính ở nhà hàng Freddy’s Pizza trong phim, ta cũng sẽ thấy bức tranh vẽ một con thỏ vàng nắm tay năm đứa trẻ tượng trưng cho năm con thú máy nổi tiếng của series Five Nights at Freddy’s. Còn con thỏ vàng không ai khác ngoài William Afton, hay còn được biết với cái tên “The Purple Guy”, ứng với Spring Bonnie.
Nhân tiện đang nói về “The Purple Guy” thì ngay chính trong đoạn mở đầu phim, khi giới thiệu các nhân vật, ta cũng sẽ thấy cái tên Matthew Lillard được viết bằng font chữ màu tím, hiện ra đúng vào cảnh một người đàn ông màu tím khoác lên người bộ trang phục Spring Bonnie. Và tiếp theo là phân cảnh người đàn ông này lần lượt đưa những đứa trẻ đến nhà hàng Freddy’s Pizza, vô tình hé lộ việc “The Purple Guy” chính là kẻ có liên quan đến sự biến mất của những đứa trẻ ma trong phim lẫn trong game.
Ngoài ra, khung cảnh các camera trong phim được hiển thị với đồ họa pixel cũng làm ta liên tưởng đến các mini game và những đoạn cắt cảnh đặc trưng xuất hiện trong phần 4 của series Five Nights at Freddy’s.
Một chi tiết khá thú vị xuất hiện xuyên suốt bộ phim là những giấc mơ kỳ lạ của Mike và quyển sách “Thuyết giấc mơ” được đặt trên chiếc tủ cạnh giường anh. Một số người sẽ nghĩ rằng đấy chỉ là một cái cớ để nhà sản xuất hợp thức hóa mối quan hệ của Mike với nhà hàng Freddy’s Pizza. Nhưng thật ra, nó lại có liên quan rất lớn đến trò chơi.
“Thuyết giấc mơ” là một trong những giả thuyết nổi tiếng của cộng đồng fan Five Nights at Freddy’s. Theo thuyết này thì tất cả những gì đã xảy ra từ phần 1 đến phần 3 của series đều chỉ là giấc mơ trong tâm trí của Cậu bé mít ướt. Đương nhiên vì nó là giả thuyết nên có người ủng hộ, cũng có người không, nhiều fan hâm mộ cũng chứng minh rằng, giả thuyết này không được thành lập vì quá vô lý. Nhưng việc nó xuất hiện trong phim cũng phần nào thể hiện rằng, đây là một giả thuyết thú vị, đúng không nào?
Ngoài ra, giấc mơ của Mike còn có rất nhiều chi tiết mang ẩn ý và đáng để phân tích. Cụ thể, khi Mike chạm mặt hồn ma của 5 đứa trẻ tượng trưng cho 5 con thú máy, máy quay đã lia một cú trực diện vào Cassidy tượng trưng Golden Freddy, và căn cứ theo vị trí thì cậu bé này cũng là người đứng gần Mike nhất. Góc quay này mang hàm ý ám chỉ Golden Freddy là con thú máy bí ẩn nhất series Five Nights at Freddy’s, cũng là người biết nhiều nhất về sự mất tích của Garrett.
Nhưng khi 5 đứa trẻ bỏ chạy, Mike lại đuổi theo cậu bé tượng trưng cho Foxy. Nói theo mặt nào đó, trong phần đầu của trò chơi, Foxy là con thú máy mà hầu hết những người chơi đều đặc biệt dè chừng. Bởi vì khác với những con còn lại, bạn phải liên tục kiểm tra khu cướp biển để chắc rằng Foxy phải ở nguyên vị trí của nó. Nếu không, nó sẽ lao đến và nhảy bổ vào mặt bạn với vận tốc ánh sáng nếu bạn không đóng cửa kịp thời.
Nên theo mặt nào đó, tôi cảm thấy chi tiết này như ẩn ý rằng, chúng ta luôn bị đánh lừa và tập trung nhiều vào Foxy, nhưng Freddy mới là nhân vật chủ chốt thật sự của cả đám thú máy trong Freddy’s Pizza.
Một điểm khiến bất kỳ game thủ nào cũng phải khiếp sợ khi trải nghiệm Five Nights at Freddy’s chính là áp lực về thời gian. Chúng ta đều biết rằng, những con thú máy sẽ bắt đầu di chuyển khi màn đêm buông suốt, và ta phải cố giành giật sự sống cho đến khi đồng hồ điểm 6 giờ sáng. Nên hiển nhiên, những mốc thời gian này cũng được cài cắm một cách vô cùng ẩn ý trong phim.
Vào ngày đầu tiên nhân vật chính Mike làm bảo vệ ca đêm ở Freddy’s Pizza, cảnh quay sẽ zoom rõ vào chiếc đồng hồ điểm 3 giờ sáng. Có lẽ bạn không để ý đến chi tiết này hoặc nghĩ đấy là giờ linh gì đó, hoặc nhà sản xuất chỉ nhét vào cho nó có vẻ bí ẩn. Nhưng thật ra trong phần đầu tiên của series, vào đêm đầu tiên làm bảo vệ ở Freddy’s Pizza, bạn sẽ khá an toàn đến khoảng 2-3 giờ sáng, và sau thời gian đó là lúc Chica và Bonnie hoạt động. Ngoài ra, 3 giờ cũng là thời gian mà bạn nên kiểm tra Foxy để chắc rằng nó vẫn ở nguyên vị trí của mình.
Thêm vào đó, nếu để ý đồng hồ trong phim, bạn sẽ thấy Mike thường giật mình thức dậy vào lúc 6 giờ sáng. Đây không phải mốc thời gian ngẫu nhiên được bịa ra cho vui, mà đấy là vì trong trò chơi, chỉ cần sống sót đến 6 giờ sáng hằng ngày, bạn sẽ an toàn.
Có một phân cảnh mà bạn có thể sẽ không để ý trong đêm đầu tiên, khi Mike làm việc ở Freddy’s Pizza. Đấy là khi đi xung quanh kiểm tra, ngoại trừ Balloon Boy trốn trong tủ, máy quay sẽ chỉ tập trung vào hai con thú máy là Bonnie và Chica. Đây đồng thời cũng là hai con thú hoạt động chăm chỉ nhất vào đêm đầu tiên khi bạn bắt đầu công việc bảo vệ đêm của mình ở cửa hàng Pizza.
Một chi tiết nhỏ khác mà ít ai để ý trong cả phim và game, đó là bối cảnh diễn ra câu chuyện của Five Nights at Freddy’s. Khi máy quay lia lên trần nhà trong phân cảnh Mike rời giường, ta sẽ thấy một tấm poster ghi dòng chữ Nebraska, ngụ ý rằng bối cảnh trong phim được đặt tại tiểu bang Nebraska ở Hoa Kỳ. Nhưng trong phần 6 của series game lại ngầm ám chỉ nơi xảy ra các sự kiện trong Five Nights at Freddy’s lại là ở tiểu bang Utah nằm ở miền tây Hoa Kỳ.
Điều này làm rất nhiều fan của tựa game cảm thấy khó hiểu, một số người chơi sống ở tiểu bang Nebraska thậm chí còn đùa rằng, việc nhà sản xuất lấy bối cảnh ở đây thay vì Utah đang ngầm ám chỉ Nebraska là một địa ngục trần gian và mọi người nên chạy khỏi nơi này càng sớm càng tốt cũng nên.
Không chỉ thế, các fan của tựa game còn chứng minh mình là một người chơi kỳ cựu khi không bỏ qua dù là một chi tiết nhỏ nhất. Trong phân cảnh Mike đến tiệm kem ở đầu bộ phim, ta sẽ thấy logo cầu vồng tỏa nắng xuất hiện như linh vật của tiệm kem. Nó được lấy cảm hứng nguyên si từ mini game “Chica’s Magic Rainbow” trong spin-off chính thức đầu tiên của loạt game Five Nights at Freddy’s - Five Nights at Freddy’s World.
Không chỉ những chi tiết nhỏ, mà cả màu sắc cũng được nhà sản xuất vận dụng khéo léo vào trong phim nhằm tiết lộ những bi kịch đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ, trong giấc mơ của Mike, ta sẽ thấy màu vàng xuất hiện khá thường xuyên bên cạnh cậu bé Garrett, đầu tiên là chiếc đĩa ném màu vàng, lều cắm trại màu vàng, chai sốt màu vàng, thậm chí trên áo của người mẹ cũng có màu vàng.
Đây như một lời ám chỉ rằng sự mất tích của cậu bé Garrett có liên quan đến một thứ gì đó cũng có màu vàng. Điều này có lẽ được tham khảo phần nào đó từ phân cảnh kinh điển khi cậu bé Georgie chạm mặt gã hề trong bộ phim I.T năm 2017, sự xuất hiện của màu vàng cũng là lời cảnh báo cho sự trỗi dậy của tên hề Pennywise. Và bạn biết trong Five Nights at Freddy’s, ai là người có màu vàng nhiều nhất rồi đấy.
Một chi tiết khác mà tôi chỉ được biết khi xem video tổng hợp của cộng đồng fan nước ngoài, đó là tấm bảng đen trong lớp học. Ở phân cảnh khi Mike đến chuyện với cô giáo của em gái, nếu chú ý đến tấm bảng đen ở sau lưng, ta sẽ thấy những chữ liên quan đến các con thú máy trong Freddy’s Pizza. Cụ thể hơn, Puppet ám chỉ The Puppet, Bear ám chỉ Freddy, Bunny là Bonnie, Fox là Foxy và Chick là Chica.
Một chi tiết khác được liệt vào diện khá rùng rợn là nơi mà đám thú máy xé xác những nạn nhân xấu số có liên quan phần nào đó đến chúng. Trong phim, ta sẽ thấy Bonnie xử người và nhét vào tủ đựng đồ, Chica thì tấn công ở phòng bếp, Foxy lo ở hành lang, và cuối cùng Freddy thì dọn dẹp những kẻ bén mảng đến khu vực Parts & Service.
Lại nói, tuy bản live action của Five Nights at Freddy’s tập trung chủ yếu vào câu chuyện ở bốn phần đầu của series, nhưng vẫn có sự xuất hiện của nhân vật ở các phần khác, và đúng vậy, tôi đang đề cập đến cô nàng bảo vệ Vanessa xuất hiện trong phần game Five Nights at Freddy’s: Security Breach.
Nếu trong game, Vanessa chỉ là một nhân viên bảo vệ thông thường, không có bất kỳ quan hệ nào với The Purple Guy, thì trong phim, cô nàng lại có một mối quan hệ cực kỳ khăng khít, hay phải nói là ruột thịt với kẻ mà ai cũng biết là ai. Điều này đã vô tình khiến câu chuyện trong phim lệch xa khỏi quỹ đạo trong game, bởi vì nếu theo dõi những giả thuyết của cộng đồng fan về series game, bạn chắc hẳn sẽ biết về câu chuyện, Mike mới chính là con trai của kẻ đã gây ra những tấn bi kịch trong Five Nights at Freddy’s chứ không phải Vanessa.
Có một chi tiết làm tôi phải thán phục khả năng soi trứng của cộng đồng fan nước ngoài, đó là những bức ảnh “Nhân viên ưu tú của cửa hàng” xuất hiện trong phân cảnh đám côn đồ bước vào đập phá nhà hàng Freddy’s Pizza. Cộng đồng fan đã chỉ ra rằng, những nhân vật xuất hiện trên bức ảnh không phải là những nhân vật quần chúng xuất hiện cho có. Họ thật ra chính là những youtuber nổi tiếng với các video về series game Five Nights at Freddy’s. Như Razzbowski, Baz, 8-BitRyan và Dawko.
Không chỉ để tâm đến các youtuber mà nhà làm phim còn chú trọng đến cả những câu chuyện xoay quanh tựa game. Cụ thể như ở phân cảnh này, khi một trong những tên côn đồ đặt chân vào bên trong Freddy’s Pizza, ta sẽ nhìn thấy mô hình của Sparky the Dog.
Và nếu bạn không biết thì Sparky the Dog là một truyền thuyết đô thị xoay quanh tựa game Five Nights at Freddy’s. Người ta nói rằng, Sparky là con animatronic thứ sáu của nhà hàng Freddy’s Pizza. Trên tumblr lan truyền rất nhiều hình ảnh Sparky đứng lấp ló sau cánh cửa hậu trường của trò chơi, đương nhiên bức ảnh đó chỉ là hàng Photoshop, nhưng nó lại gợi lên hứng thú của rất nhiều game thủ, vô tình biến Sparky trở thành một trong những nhân vật khá nổi tiếng của series game này. Và yeah, thật vui khi nó cũng được góp mặt vài giây trong phim, nhỉ?
Và cuối cùng, hãy chú ý phân cảnh này, bạn sẽ thấy một con robot nữ trông giống bảo mẫu nằm trên mặt đất. Tuy tạo hình không giống lắm, nhưng nhiều fan đã đồng ý rằng, con robot đó chính là Circus Baby, phản diện phụ của phần game.
Có thể thấy, tuy nhận được điểm số cà chua thối từ các nhà phê bình, nhưng xét theo mặt nào đó, bản live action của Five Nights at Freddy’s cũng đã thành công làm hài lòng những người hâm mộ yêu thích series game này. Thôi thì, dù sao giữa rất nhiều phim không ấn tượng mùa Halloween, Five Nights at Freddy’s ít ra cũng là một cái gì đó đáng để soi mà nhỉ, bạn có nghĩ thế không?
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn