Phụ Lục
Chúng ta đều biết creepypasta là những truyền thuyết kinh dị được chia sẻ trên mạng. Chính vì thế mức độ tin cậy của chúng thường không được đánh giá cao. Nhưng sẽ thế nào nếu một creepypasta được dựa trên vụ án có thật và sự rùng rợn mà nó mang lại còn khiến người ta thấy sợ hãi hơn là câu chuyện truyền miệng kia? Bạn muốn biết về creepypasta đó chứ? Hãy theo dõi tiếp và tôi là , cảm ơn bạn đã đến đây.
Creepypasta Petscop là web series được đăng tải trên nền tảng Youtube từ ngày 12 tháng 3 năm 2017. Nó ghi lại hành trình khám phá tựa game Petscop trên PlayStation của anh chàng Paul. Vào thời điểm ra mắt, video này đã thu hút hơn 2,8 triệu lượt xem cho một video dài gần 1 tiếng. Câu chuyện sẽ không có điểm nào bất thường, đó là cho đến khi người ta biết tựa game Petscop mà Paul đang chơi lấy cảm hứng từ vụ án có thật mà nạn nhân là cô bé Candace Tiara Elmore.
Đầu tiên, Petscop không phải một câu chuyện kinh dị như các creepypasta về game mà ta thường thấy. Nó được nhà sáng tạo nội dung Tony Domenico xây dựng một cách có chủ đích, dựa trên chủ đề Let’s play bất kỳ “trò chơi nào đó” trên Youtube. Trong web series, nhân vật ảo là Paul chia sẻ anh sở hữu bản sao của một trò chơi tên là Petscop do công ty Garalina phát hành và quyết định thực hiện video dạng Let’s play để xem game này có gì hấp dẫn.
Dựa vào những video do Paul tải lên Youtube, ta thấy Petscop là tựa game có nhiều điểm tương đồng với loạt Pokemon nổi tiếng. Trong trò chơi, Paul điều khiển một sinh vật màu xanh giống người gọi là Guardian. Nhân vật chính sẽ du hành trong The Gift Plane để thu thập những sinh vật được gọi là pet trong thế giới này. Nghe cũng thú vị và ban đầu người ta đều nghĩ Petscop là một game tươi sáng với các hình ảnh vui nhộn để giải trí.
Tuy nhiên khi Paul điều khiển Guardian đi vào những tầng khác của The Gift Plane, không khí u ám bắt đầu bao trùm trò chơi. Âm thanh trở nên méo mó đi kèm với không gian u tối khiến những người theo dõi video Let’s play của Paul càng lúc càng thấy ngột ngạt. Nhiều người kể lại cảm giác đó không giống như đang xem người khác chơi một tựa game. Họ cho rằng nó giống như trải nghiệm một video kinh dị có thật trên deep web vậy.
Sau khi theo dõi video của Paul được một thời gian, ta sẽ nhận ra nhiều tài liệu xuất hiện rải rác trong trò chơi có nội dung nói về vụ án của cô bé Candace Tiara Elmore. Lên Google tra cứu thì được biết đây là vụ án có thật xảy ra tại Bắc Carolina vào năm 2000. À thì việc lấy sự kiện ngoài đời thật để làm game cũng chẳng quá kỳ lạ. Ta có Kholat dựa trên vụ án bí ẩn tại đèo Dyatlov, L. A. Noire phỏng theo vụ án “Thược dược đen” nổi tiếng hay Secret Files: Tunguska lấy cảm hứng từ vụ nổ tại khu vực cùng tên ở Nga.
Thứ làm vụ án Candace Tiara Elmore trở nên đặc biệt chính là nó có liên quan đến những thí nghiệm phi pháp lên cơ thể con người, chính xác hơn là thí nghiệm các phương thức điều trị cho trẻ vị thành niên. Điều này khiến cộng đồng xôn xao một thời gian dài, đến mức hà sản xuất series Petscop đã phải đứng ra đính chính trò chơi không dựa trên vụ án này. Mọi sự kiện hay nhân vật nếu trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên. Vậy rốt cuộc câu chuyện về Candace có gì mà lại gây ra nhiều tranh cãi như thế?
Candace Tiara Elmore, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1989 tại thành phố Lincolnton, thuộc bang Bắc Carolina. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh không mấy tốt đẹp, cô bé thường xuyên bị cha mẹ là Todd và Angela Elmore ngược đãi. Khi lên 5 tuổi Candace được các nhân viên bảo trợ xã hội giải thoát khỏi gia đình này và tạm trú trong trại trẻ mồ côi. Hai năm sau, bé được một phụ nữ tên Jeane Elizabeth Newmaker nhận nuôi nên đổi tên thành Candace Newmaker rồi chuyển đến Durham sinh sống.
Do tuổi thơ từng bị bạo hành nên Candace gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về tâm lý và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phản ứng gắn bó vào năm 1996. Xin ngừng một chút để giải thích thì rối loạn phản ứng gắn bó (RAD) hay Reactive Attachment Disorder là chứng bệnh về tâm lý nghiêm trọng mà trẻ em hay mắc phải. RAD khiến đứa trẻ khó cảm thấy gắn bó hay thân thiết với cha mẹ hoặc những người chăm sóc chúng.
Chứng rối loạn này biến Candace trở thành một đứa trẻ thờ ơ không quan tâm đến bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Bà Jeane biết Candace có vấn đề nhưng đến khi cô bé nghịch diêm suýt cháy nhà và tự tay tiễn con cá vàng sang thế giới khác, bà lập tức đưa Candace đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị. Quá trình điều trị kéo dài trong vài năm với nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không thu được bất kỳ kết quả khả quan nào.
Đến tháng 4 năm 2000, khi sự kiên nhẫn đã cạn, nghe lời giới thiệu của bác sĩ William Goble nên bà quyết định đưa Candace đến thị trấn Evergreen nằm ở bang Colorado. Tại đây đang tổ chức các buổi “trị liệu tâm lý chuyên sâu” với giá 7 nghìn đô kéo dài trong 2 tuần của Connell Watkins. Điều đáng nói là tay bác sĩ tự phong Connell còn chẳng có giấy phép hành nghề nhưng con nhang thì lại đông như quân Nguyên. Theo kế hoạch của gã, họ sẽ điều trị chứng rối loạn tâm lý của cô bé bằng liệu pháp tái sinh.
Lại phải tạm ngừng để giải thích thì liệu pháp tái sinh, liệu pháp gắn bó, Attachment Therapy hoặc Rebirthing là những từ khóa bạn có thể thử tìm kiếm vì nó đầy trên Google. Nói ngắn gọn, đây là một liệu pháp ngụy khoa học, hướng đến việc tái tạo lại cảm giác chào đời của những đứa trẻ. Những người tin tưởng liệu pháp này cho rằng sau khi trẻ em được thử trải nghiệm cảm giác được sinh ra lần nữa, chúng sẽ gắn bó với cha mẹ nhiều hơn.
Vì mang tên ngụy khoa học nên rõ ràng cái liệu pháp này trông có vẻ đứng đắn nhưng thực tế không đáp ứng được bất cứ nguyên tắc khoa học cơ bản nào. Thử nghĩ xem, những người tham gia điều trị bị ép phải tái hiện lại cách mình được chào đời. Bị mắc kẹt trong trạng thái tức giận và tuyệt vọng với mục đích “thanh tẩy tâm trí”. Sau đó sẽ được trải nghiệm giai đoạn “trưởng thành” bằng cách cho nằm nôi, bú bình hoặc giao tiếp bằng ánh mắt với cha mẹ để có cảm giác sống lại tuổi thơ và gắn bó với đấng sinh thành nhiều hơn.
Candace đã bị ép phải trải qua tất cả những điều đó trong quá trình điều trị. Tuần đầu tiên trôi qua suôn sẻ, tình trạng tâm lý của Candace bắt đầu có dấu hiệu cải thiện nên mọi người bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ hai. Ngày 18 tháng 4 năm 2000, cô bé tiếp nhận buổi điều trị với sự góp mặt của bác sĩ Connell cùng 3 phụ tá của ông ta và mẹ nuôi Jeane Newmaker. Đó cũng là liệu trình cuối cùng cuối cùng vì Candace không may qua đời vào cùng ngày hôm đó.
Buổi trị liệu được ghi hình đầy đủ và chi tiết nhưng còn lâu tôi mới trình chiếu nó ở đây. Thứ nhất đăng lên một phát bảo đảm bay kênh vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Thứ hai nó quá ám ảnh và không ai nên đối xử như vậy với một cô bé. Thay vào đó là một đoạn video khác mô phỏng lại buổi trị liệu ở mức độ nhẹ nhàng hơn. Bắt đầu buổi trị liệu, Candace được ra hiệu nằm xuống tấm vải nỉ trong tư thế co người lại như em bé trong bụng mẹ.
Tuy nhiên quá trình trị liệu không có tác dụng, thậm chí còn khiến Candace cảm thấy khó chịu. Kết thúc 40 phút vật lộn, Candace mất đi ý thức vì não bộ đã chết nhưng nhóm trị liệu không thấy cử động lại nghĩ cô bé đã bỏ cuộc và cho rằng buổi trị liệu thất bại. Họ không thả Candace ra ngay, thay vào đó nhóm người vẫn tiếp tục ngồi đè lên và chì chiết nói cô bé là một kẻ yếu đuối nhằm động viên tinh thần cho bệnh nhân. Cả nhóm không hề nhận ra Candace chẳng hề đáp lại bất kỳ câu nói nào trong nửa tiếng sau đó.
Cuối cùng sau 1 tiếng 10 phút, Candace mới được giải thoát khỏi mớ hỗn độn đó nhưng đã ngừng thở. Bà Jeane nhận ra điều bất thường nên xông vào hô hấp nhân tạo với hy vọng níu kéo lại sự sống của con, trong lúc nhóm Connell vội vàng gọi 911. Khi nhân viên y tế đến nơi, bọn chúng đã nói dối rằng Candace chỉ vừa bất tỉnh khoảng 5 phút do thiếu oxy. Đội cứu hộ nhận ra điều bất thường nhưng vẫn cố gắng hết sức. Cô bé được đưa đến bệnh viện thành phố Denver chăm sóc và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 4 do chết não thời gian dài.
Một năm sau đó, vụ án của Candace được đưa ra xét xử tại tòa án. Hai bác sĩ điều trị chính phải nhận bản án 16 năm tù, 2 trợ lý tham gia buổi trị liệu phải chịu quản thúc 10 năm cũng như thực hiện 1 nghìn giờ lao động công ích. Mẹ nuôi của Candace, bà Jeane bị kết án 4 năm tù treo nhưng sau đó đã được xóa tội. Đến năm 2008, bác sĩ chịu trách nhiệm chính cho buổi điều trị là Connell Watkins được thả vì cải tạo tốt trong khi y mới thực hiện được 7 trong 16 năm tù của bản án.
Vụ việc thương tâm của Candace cùng án phạt quá sức nhẹ nhàng dành cho nhóm điều trị khiến dư luận phẫn nộ. Điều này khiến lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật “Candace” ở hai bang Colorado và Bắc Carolina, sau đó lần lượt là những bang khác. Luật này nghiêm cấm thực hiện bất kỳ liệu pháp tái sinh nào. Không chỉ vậy, câu chuyện đau lòng của Candace còn được viết sách và trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ để chống lại các liệu pháp trị liệu ngụy khoa học cho đến ngày nay.
Trở lại series Let’s play của nhân vật Paul thì tài liệu có liên quan đến vụ án của Candace được đề cập trong video Petscop 5. Đoạn clip này nhanh chóng viral leo lên top 1 ở thời điểm mới ra mắt chỉ sau một thời gian ngắn. Dù tài liệu trong trò chơi không đề cập trực tiếp đến vụ án của Candace nhưng người xem dễ dàng nhận ra sự tương đồng của cả hai. Cho đến video Petscop 11, mọi người đều khẳng định vụ án được đề cập trong Petscop là câu chuyện của Candace.
Khi series Petscop kết thúc, nhà sáng tạo nội dung Tony Domenico đã lên tiếng xin lỗi và khẳng định video mình làm không hề dựa trên câu chuyện thương tâm của Candace để câu view. Theo lời giải thích thì thông tin có liên quan đến vụ án chỉ nhằm mục đích ám chỉ một khái niệm xuất hiện trong tựa game này mà thôi. Đồng thời, Tony Domenico cũng bày tỏ sự ân hận sâu sắc vì đã đưa những thông tin về vụ án thương tâm đó vào trò chơi. Anh ước gì mình đã không làm điều tồi tệ đó.
Hiện tại, bạn vẫn có thể tìm được channel Petscop hoặc câu chuyện về Candace đầy rẫy trên Youtube, nhưng hãy suy nghĩ trước khi click vào, nhất là hình ảnh về buổi trị liệu. Thật đáng buồn khi Candace đã cố gắng để có thể rũ bỏ quá khứ và kết nối với mẹ nuôi của mình, nhưng thần may mắn lại không mỉm cười với cô. Lần cuối cùng Candace nhìn thấy mẹ, cũng là lúc cô đang cố gắng tìm cách tái sinh lại một lần nữa.
Hy vọng thông qua câu chuyện này, chúng ta có thể nghiêm túc và cẩn thận hơn khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tật. Đừng dại dột thử những cách ngụy khoa học hay thậm chí phản khoa học mà ngay cả bản thân bạn chưa biết nó có an toàn hay không. Video hôm nay khá buồn, hãy để lại bình luận về suy nghĩ, cũng như tâm tư hoặc ý kiến của bạn về câu chuyện của Candace bên dưới để ta có thể cùng thảo luận nhé. Tôi là , cảm ơn các bạn đã xem video này. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau.
Theo dõi để không bỏ lỡ những video hay về game nhé
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn