Phụ Lục
Inside the Backroom là một tựa game co-op vừa ra mắt trên steam vào ngày 20 tháng 6 vừa qua và nhận được sự quan tâm của rất nhiều game thủ trên thế giới, trong đó có cả cộng đồng game thủ Việt. Tuy nhiên sức hấp dẫn của Inside the Backroom lại không nằm ở cốt truyện mà ở ý tưởng hình thành nên tựa game và những bí ẩn xoay quanh nó.
Vậy Inside the Backroom sở hữu những bí ẩn nào mà lại được nhiều game thủ ưa thích như vậy? Hôm nay anh em hãy cùng đi tìm câu trả lời. À trước khi bắt đầu video, anh em đừng quên like, nhấn vào nút chuông và nút đăng ký để ủng hộ sớm đạt 300 nghìn subs nha.
Trước khi đi vào những bí ẩn trong Inside the Backroom, ta cần phải hiểu The Backroom thực chất là gì. Thuật ngữ The Backroom bắt nguồn từ một topic được đăng trên diễn đàn 4chan vào ngày 12 tháng 5 năm 2019. Một người dùng ẩn danh đã đăng bức ảnh mô tả một căn phòng với những bức tường màu vàng vào phần bình luận, một người dùng khác đã bình luận bên dưới bức ảnh và thêu dệt nên câu chuyện về The Backroom.
Ngạc nhiên thay, câu chuyện hư cấu này đã nhanh chóng thu hút được rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Khi The Backroom trở nên nổi tiếng, nhiều người dùng Internet bắt đầu viết những câu chuyện kinh dị xoay quanh nơi này. Nếu bạn gõ từ khóa The Backroom trên Youtube sẽ thấy hàng loạt video giải thích về The Backroom hiện ra. Thậm chí ta còn có thể tìm thấy một video dạng found footage về The Backrooms do một người dùng tên Kane Pixels đăng tải. Vậy rốt cuộc The Backroom là gì?
Theo những mô tả tôi tìm được thì The Backroom là một mê cung vô tận được tạo ra từ những bức tường màu vàng nằm ở phần không gian bị lỗi của thế giới thật. Ở nơi này, bạn khó có thể phân biệt ngày và đêm, vì The Backroom không chịu ảnh hưởng của thời gian. Bao quanh bạn chỉ có những bức tường ẩm thấp và cái đèn huỳnh quang cũ cứ liên tục phát ra tiếng rè rè đơn điệu.
Có rất nhiều giả thuyết về sự tồn tại của The Backroom đã được cộng đồng mạng đưa ra, tiêu biểu trong đó là thuyết duy tâm, thuyết hư không và thuyết vũ trụ vô hạn. Nhưng, ta hãy cứ hiểu The Backroom đơn giản là một chiều không gian khác nằm song song với thế giới thật và bạn chỉ có thể tiến vào đó thông qua các vùng “lỗi” của thế giới.
Trước mắt thì tôi không tìm thấy một hướng dẫn nào hữu ích giúp con người đi vào thế giới The Backroom với xác suất 100%. Tuy nhiên vẫn có vài mẹo các bạn nên thử để tăng tỉ lệ rơi vào vùng lỗi của thế giới thật. Đó là người ta nói thế chứ tôi sẽ không khuyến khích các bạn làm theo, vì tin tôi đi, bạn không muốn bước vào đây một chút nào đâu.
Còn nếu bạn bỏ qua lời cảnh báo và vẫn muốn thử thì hãy tìm các địa điểm như sau: những bức tường trông có vẻ tối hơn bình thường hoặc không có bóng, những cánh cửa mà bạn chưa từng thấy nó ở đó trước đây hoặc những khu vực làm bạn cảm thấy kỳ lạ và không thoải mái. Có người sẽ vào được Backroom ngay từ lần thử đầu tiên, cũng có người phải mất rất nhiều lần mới thành công, việc này tùy thuộc vào sự may mắn, hay nói đúng hơn là kém may mắn của bạn.
Và như đã nói, The Backroom là một mê cung vô tận nên một khi đã vào thì có hai điều quan trọng bạn cần nhớ, một là cố gắng sinh tồn ở nơi này, hai là từ bỏ hy vọng quay về nhà, vì tỷ lệ sống sót ra khỏi nơi này là cực thấp. Theo những ghi nhận tôi tìm được thì Backroom được chia thành nhiều khu vực với nhiều phòng, ứng với từng cấp độ khác nhau. Với diện tích đồ sộ như vậy thì hiển nhiên, trong Backroom không chỉ có một mình bạn mà còn có cả các thực thể khác.
Tùy vào cách bạn nhận định mà những thực thể này có thể là những hiện tượng kỳ bí, các vị thần hay những con quái vật. Chúng thường lảng vảng trong các căn phòng ở The Backroom và có thể gây hại cho bạn hoặc không. Và những bí ẩn trong tựa game Inside the Backroom mà tôi sẽ kể cho các bạn hôm nay chính là câu chuyện về những thực thể đang hiện diện trong tựa game này, nhưng trước tiên thì ta hãy tìm hiểu về các khu vực hiện có trong game đã nhé.
Hiện tại trong Inside the Backroom có tất cả 5 khu vực được chia theo từng độ khó từ thấp đến cao, lần lượt là khu phóng xạ, bãi giữ xe, khu văn phòng, party room và cuối cùng là bể bơi. Tiền sảnh là nơi đặt chân đầu tiên của bạn trong Inside the Backroom, cũng là nơi để bạn và đồng đội làm quen với các thao tác và cơ chế của trò chơi. Dựa vào kiến trúc ở nơi này, có thể thấy khu vực tiền sảnh được lấy ý tưởng dựa trên khu vực “Lobby” trong Backroom.
Theo ghi chép mà tôi tìm được từ trang wiki của cộng đồng The Backroom thì “Lobby” là một khu vực an toàn với đặc trưng là những bức tường ố vàng, nơi này chỉ có những bức tường và không ghi nhận sự tồn tại của các thực thể. Nhưng trong trò chơi, sau khi đi qua khu vực tiền sảnh, ta sẽ đến với một khu căn cứ bị nhiễm phóng xạ. Trong quá trình đó bạn sẽ bắt gặp một vài thực thể lang thang trong khu tiền sảnh, chúng khá là an toàn và hầu như không gây hại cho người chơi, đó là nếu bạn không đến quá gần chúng.
Ở khu phóng xạ, bạn sẽ phải tìm bộ phận bị mất của những người đã chết để có thể đến khu vực tiếp theo là bãi giữ xe bỏ hoang. Nơi này được lấy ý tưởng từ căn phòng cấp 22 trong The Backroom và được xây dựng với hình ảnh là một bãi giữ xe bỏ hoang không một bóng người. Tuy nhiên khác với căn phòng cấp 22 trong Backroom, bãi giữ xe trong Inside the Backroom sẽ không có xe mà chỉ có những van khí gas bị rò rỉ cùng với xác của một vài nhân viên văn phòng.
Người chơi cần phải tìm và khóa lại các van khí gas bị rò rỉ, ngoài ra còn phải lẩn trốn khỏi sự truy đuổi của một thực thể bí ẩn nếu muốn an toàn thoát khỏi nơi này. Căn phòng tiếp theo là khu văn phòng và thang máy. Theo tôi thì nơi này được lấy cảm hứng từ khu vực “văn phòng bỏ hoang” cấp 4 trong Backroom. Việc mà người chơi cần làm là bật công tắc điện, giải các khóa hiện trên máy tính và tìm chìa khóa.
Đương nhiên bạn cần phải cẩn thận để không phát ra âm thanh trong quá trình này nếu không muốn bị thực thể bí ẩn ở tầng này tấn công. Khu vực cuối cùng mà người chơi phải vượt qua là hồ bơi, đồng thời cũng là căn phòng có độ khó cao nhất hiện tại. Lý do cho độ khó cực cao này là vì bạn phải di chuyển dưới nước, nhưng đồng thời cũng phải tránh né thực thể đang ẩn mình dưới đó và chực chờ ăn thịt bạn bất cứ lúc nào. Trong phòng này, người chơi sẽ được cung cấp một máy dò đặc biệt giúp xác định vị trí của thực thể đó.
Như vậy là có tất cả 5 khu vực và nếu vượt qua hết các chướng ngại vật, chúng ta sẽ được đưa trở về tiền sảnh. Sau khi bước qua cánh cửa ở tiền sảnh, người chơi sẽ được trở về thế giới thật và nhận ra mình đang ở trong bệnh viện, còn cuộc hành trình vừa rồi thì chẳng khác gì một giấc mơ. Đó cũng là lúc trò chơi kết thúc nhưng mà video thì vẫn chưa kết thúc nhé, bởi vì phần sau mới là phần hay nhất đây.
Thực thể đầu tiên mà bạn phải đối mặt ở trong Inside the Backroom là một thực thể không tên được xếp vào nhóm 4, tức là nhóm nguy hiểm. Dựa vào báo cáo mô tả trong trò chơi, ta biết được thực thể này là một đống dây cáp nối lại với nhau thành hình người và nắm quyền kiểm soát ở đây. Nó có khả năng làm ảnh hưởng tần số radio và các thiết bị điện tử, vậy nên nếu bạn thấy màn hình tivi trong trò chơi đột nhiên bị nhiễu sóng chính là dấu hiệu cho thấy nó đang đến gần.
Vì thực thể này không được đánh số nên tôi không chắc nhà sản xuất game đã lấy cảm hứng từ câu chuyện creepypasta nào để tạo ra nó. Nhưng nếu số hiệu của thực thể này là Unknown vậy rất có khả năng đây là thực thể số 1. Theo ghi chép trong wiki của cộng đồng Backrooms thì số 1 có thể là bất kỳ thực thể nào và chúng sẽ thay đổi hình dạng trong tương lai. Cá nhân tôi cho rằng thực thể này được lấy cảm hứng từ quái vật Siren Head của nhà văn chuyên viết chuyện kinh dị Trevor Henderson.
Ta có thể thấy cả hai đều có dạng hình người, cao và gầy, chỉ khác ở chỗ đầu của thực thể trong Inside the Backroom không có dạng loa như Siren Head. Nếu Siren Head có khả năng giả mạo tiếng đài radio bị rè thì thực thể vô danh này có khả năng làm nhiễu sóng radio và tivi, tuy hơi khác biệt nhưng cũng sự tương đồng nhất định. Còn bạn, bạn có cho rằng thực thể này được lấy cảm hứng từ creepypasta nào khác không? Để lại bình luận bên dưới cho tôi biết với nhé.
Thực thể thứ hai mà người chơi chạm trán ở phòng bức xạ là Smiler, được lấy cảm hứng từ thực thể số 3 cùng tên trong hồ sơ của Backrooms. Về đặc điểm thì Smiler là một cái mặt cười chỉ có mắt và miệng, bạn không thể nhìn thấy khuôn mặt hay cơ thể Smiler bằng mắt thường. Smiler nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động, vậy nên không muốn bị nó tấn công thì tốt nhất đừng phát ra bất cứ âm thanh nào. Nếu tình cờ gặp Smiler thì bạn chỉ cần nhìn chằm chằm vào nó rồi nhẹ nhàng rời khỏi đó.
Có lẽ vì Smiler không chủ động tấn công con người nên nhà phát hành đã xếp Smiler vào dạng thực thể ít nguy hiểm ở nhóm 2 thay vì nguy hiểm cao trong nhóm 4 như wiki của Backrooms. Không ai biết Smiler bắt nguồn từ đâu vì những hình ảnh về Smiler khá là phổ biến trên internet. Suy đoán được nhiều người công nhận nhất ở thời điểm hiện tại là Smiler được biết đến đầu tiên từ một bài đăng trên reddit vào năm 2014.
Ngoài ra, cá nhân tôi nghĩ có thể Smiler cũng được lấy cảm hứng phần nào từ creepypasta nổi tiếng Smile Dog, đương nhiên là về phần ngoại hình thôi. Bởi vì nếu làm giảm độ sáng bức ảnh Smile Dog lại, làm nổi phần mắt và miệng lên, chúng ta có thể thấy có sự tương đồng rất lớn giữa bức ảnh của Smiler và Smile Dog, đúng không nào?
Thực thể số ba mà bạn gặp ở phòng bức xạ có tên Hound. Nếu là người từng tìm hiểu về Backrooms, chắc hẳn các bạn sẽ không hề xa lạ với Hound. Mô tả của Hound trong trò chơi và wiki Backrooms tương tự nhau nên có thể thấy nhà làm game đã giữ nguyên mọi thứ về thực thể này so với bản gốc. Chắc bởi vì Hound không cần thêm thắt bất cứ chi tiết nào để làm nó trở nên đáng sợ hơn được nữa, vốn dĩ Hound đã rất đáng sợ rồi.
Theo mô tả thì Hound có hình dạng một con người khỏa thân bò bằng 4 chân như chó, mái tóc đen bù xù và cái miệng đầy răng sắc nhọn. Bốn chi của Hound gầy trơ xương, với móng vuốt và đôi mắt chỉ có tròng trắng. Nói cho dễ hiểu thì Hound là một con người, nhưng luôn di chuyển và hành động ở dạng chó. Thực thể này vô cùng hung hãn và tuyệt đối không nên để Hound cắn, vì nước bọt của nó có chứa một loại virus có khả năng biến người bị cắn thành Hound chỉ trong vòng 5 đến 7 phút.
Bạn có thể chặt đứt chi bị cắn để ngăn ngừa virus lây lan nhưng phải nhanh bởi để quá 3 phút thì coi như vô phương cứu chữa. Nếu bị cắn vào đầu hay cổ thì bạn có thể tự kết liễu hoặc chuẩn bị tinh thần để gia nhập đàn Hound khi quá trình biến đổi hoàn tất. Tôi không tìm thấy ghi chép về nguồn gốc của Hound, nhưng theo quan điểm riêng thì Hound được lấy cảm hứng từ creepypasta The Dog Man và bệnh dại.
Chúng ta thấy có sự tương đồng rất lớn giữa triệu chứng của người bị nhiễm virus Hound với nạn nhân của bệnh dại, chẳng hạn như khó nuốt, sùi bọt mép, nôn mửa và sợ nước. Về creepypasta The Dog Man, nó là câu chuyện về gã đàn ông có hành động và cư xử như một con chó. Creepypasta này cũng không quá thú vị nên nếu vẫn tò mò thì bạn có thể tìm thêm thông tin trên internet nhé.
Thực thể thứ tư trong Inside the Backrooms là Skin-Stealers. Khác với thông tin gốc, Skin-Stealers trong game được nâng mức nguy hiểm lên 6 thay vì 5 như ban đầu. Thực thể này được mô tả có hình dạng là một người trưởng thành nhưng được bao phủ bằng nhiều lớp da người. Chúng dùng thịt người làm thức ăn và lột da nạn nhân để ngụy trang.
Nhưng trái với ngoại hình cao lớn và sức mạnh khủng khiếp, thực thể này sở hữu trí thông minh khá kém, bù lại chúng có khả năng bắt chước giọng nói con người. Điều này giúp Skin-Stealers dễ dàng dụ dỗ những người nhẹ dạ và biến họ thành buổi tối của mình. Tuy nhiên, Skin-Stealers trong Inside the Backrooms trông có vẻ đáng sợ hơn vì có thêm một cái miệng to đầy răng như những con quái vật trong các bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng.
Khi đọc thông tin về Skin-Stealers, nhân vật duy nhất tôi nghĩ đến là gã sát nhân Leatherface trong bộ phim kinh dị nổi tiếng The Texas Chainsaw Massacre. Ta có thể thấy sự tương đồng là cả hai đều ăn thịt người và dùng da của nạn nhân như một phụ kiện trang trí.
Đương nhiên, trong lịch sử cũng có rất nhiều tên sát nhân khoái lột da người, điển hình là Edward Theodore Gein cũng hình mẫu của Leatherface ngoài đời thật. Nhưng xét thấy ngoại hình và việc Leatherface bị tâm thần phân liệt từ nhỏ ứng với trí thông minh của Skin-Stealers thấp hơn rất nhiều so với sức mạnh của nó, tôi lại nghĩ, có lẽ Leatherface mới chính là hình mẫu để cộng đồng Backrooms tạo ra thực thể nguy hiểm Skin-Stealers, còn bạn thì sao?
Bạn sẽ chạm mặt thực thể thứ năm là Partygoers tại party room. Có thể thấy ngoại hình của thực thể này đã được nhà sản xuất thay đổi một chút so với bản gốc để tăng tính kinh dị cho trò chơi, nhưng các chi tiết chủ đạo thì vẫn được giữ nguyên. Theo mô tả Partygoers là một sinh vật cao lớn với làn da vàng vọt. Gương mặt không có ngũ quan mà được vẽ bằng một chất màu đỏ giống máu. Chúng có nụ cười thương hiệu và rất thông minh nên khác với những thực thể trên, Partygoers có xu hướng bầy đàn và hành động theo nhóm.
Khác với bản gốc có thể giả dạng thành nhiều đồ vật, đặc điểm để nhận biết Partygoers trong Inside The Backroom là những quả bóng bay màu đỏ. Nếu bị bắt chúng ta sẽ trở thành một cái bánh thịt người để dùng trong buổi tiệc, và bạn không muốn điều đó xảy ra đâu. Hình tượng để để cộng đồng Backroom tạo ra Partygoers có lẽ đến từ những con người thích tiệc tùng và gã hề Pennywise trong bộ phim IT ra mắt vào năm 2017.
Ta có thể thấy sự tương đồng của những con người thích tiệc tùng với Partygoers đến từ cái tên và việc cả hai đều hoạt động theo nhóm. Việc Partygoers cầm theo quả bóng bay đỏ được lấy cảm hứng từ Pennywise và phải công nhận chính điều này đã làm tôi cảm thấy hồi hộp hơn khi nhìn thấy những quả bóng bay trong party room.
Clumps là thực thể cuối cùng bạn chạm mặt trong bể bơi. Giống với Smiler, nhà phát hành đã giảm độ nguy hiểm của Clumps xuống thành 4 thay vì 5 như bản gốc, hình dạng và mô tả vẫn được giữ nguyên. Về ngoại hình, Clumps được mô tả là một cụm tay người vung vẩy khắp nơi trông như vòi bạch tuộc, nhưng trong trò chơi thì nó còn có thêm một cái miệng với những hàm răng sắc nhọn.
Clumps thường ẩn nấp trong nước và sẽ chỉ tấn công khi có người đến gần, nên trong trò chơi, bạn phải chú ý vị trí của Clumps để tránh di chuyển lại gần nó. Về phần ý tưởng để tạo ra con quái vật này đến từ đâu thì… tôi chịu. Cá nhân tôi thấy Clumps có lẽ được lấy cảm hứng từ những con quái vật xúc tu Nhật Bản, tuy nhiên để nó trông đáng sợ hơn, người ta đã thay thế xúc tu thành những cánh tay người. Nếu so sánh thì đúng là hàng chục cánh tay trồi lên từ mặt nước túm lấy bạn lúc nào cũng đáng sợ hơn mấy cái xúc tu nhớt nhớt đậm chất hai ten đúng không?
Hiện tại trong Inside the Backrooms có tất cả 6 thực thể và Clumps cũng là thực thể kết thúc cho video giải mã bí ẩn lần này. Có thể thấy Inside the Backrooms đã xây dựng khá tốt cảm giác sợ hãi dựa trên các nội dung mà Backrooms mang lại. Theo đánh giá của tôi thì đây là một trong những tựa game về Backrooms hay nhất hiện tại. Còn các bạn thấy thế nào? Bạn đã trải nghiệm Inside the Backrooms chưa? Nếu rồi thì hãy để lại bình luận bên dưới cho tôi biết với nhé, còn bây giờ thì xin chào và hẹn gặp lại bạn ở những video sau~
Theo dõi để không bỏ lỡ những tin tức hay về game nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn