Phụ Lục
Rực rỡ nhưng đáng sợ, sang trọng nhưng tàn bạo là những gì mà MUE sẽ mang đến cho người chơi trong 15 phút trải nghiệm ngắn ngủi. Chưa hết, ngoài ý tưởng kể chuyện thú vị chắc chắn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết tựa game này thật ra chỉ là dự án tốt nghiệp của một nhóm học sinh được thực hiện vỏn vẹn trong 4 tháng trước khi đến hạn nộp bài.
Theo mô tả của nhóm sản xuất, MUE là một tựa game ngắn sở hữu góc nhìn thứ nhất, lấy bối cảnh vào năm 1890. Nhân vật chính trong game là Alicia, một cô gái trẻ bất chợt tỉnh dậy giữa tòa lâu đài sang trọng nhưng có vẻ gì đó rất ảm đạm. Nơi này rộng như một mê cung không lối thoát, giam giữ cô gái đáng thương vẫn còn đang hoang mang chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra với mình.
Liệu điều gì đã xảy ra với Alicia? Và liệu một tựa game chỉ vỏn vẹn 15 phút có gì đáng để nói hay không? Nếu muốn tìm câu trả lời thì xin chào anh em, chúng ta hãy đến với video hôm nay. Trước khi bắt đầu video, anh em đừng quên like, nhấn vào nút đăng ký và nút chuông thông báo để ủng hộ sớm đạt được 300 nghìn subs nhé. Và giờ thì chúng ta bắt đầu thôi nào.
Trong suốt 15 phút trải nghiệm tựa game, MUE sẽ không có bất kỳ cảnh đối thoại nào. Nếu anh em nào đã trải nghiệm MUE thì có thể tua nhanh vài phút để đến với phần phân tích nhé. Còn nếu chưa thì sau đây chính là những gì mà Alicia đã trải qua trong suốt 15 phút kể từ khi trò chơi bắt đầu.
Alicia tỉnh dậy trong một căn phòng kín không một bóng người. Trên tường là bức tranh “Memento Mori” bị treo lệch, vẽ cảnh ba người phụ nữ đang ngồi trò chuyện với nhau. Alicia đưa tay chỉnh lại bức tranh thì bất ngờ phát hiện chiếc chìa khóa dùng để mở cửa căn phòng.
Ra khỏi căn phòng kín, Alicia đi men theo hành lang đến được một căn phòng vô cùng sang trọng, dường như chủ nhân của nơi này là một quý tộc giàu có. Bất chợt, có một thứ thu hút tầm mắt của cô. Đó là một sợi tơ, hay đúng hơn là một sợi tơ vàng. Sắc vàng lấp lánh của nó thu hút Alicia và dẫn cô đến một bức tượng được đặt ở giữa căn phòng ngủ sang trọng.
Bức tượng có hình dáng một người phụ nữ quý tộc, trên tay là sợi tơ vàng óng ánh, bên cạnh là một máy quay sợi, dường như sợi tơ vàng được dệt ra từ đó. Alicia cảm thấy căn phòng này không có gì đáng để chú ý nên quay lại cửa ra vào, nhưng cô ngỡ ngàng phát hiện cánh cửa đã bị ai đó khóa lại, nhốt mình ở bên trong không thể ra ngoài.
Không còn cách nào khác, Alicia chỉ còn cách đi quanh căn phòng để tìm lối thoát khác. Bất chợt, cái bình trà đặt trên bàn đột nhiên mọc chân như một con nhện và dẫn đường Alicia đến một lối đi bí mật nằm sau lò sưởi.
Lối đi vừa nhỏ vừa hẹp, Alicia chỉ có thể nằm sấp rồi bò trườn từng chút một về phía trước. Bên trong lối đi giăng đầy mạng nhện, thỉnh thoảng cô còn nhìn thấy một xác chết bị phân hủy và lên giòi. Ở cuối đường hầm, Alicia nhận ra mình đang ở dưới gầm giường.
Qua khoảng hở của chiếc giường, Alicia nhìn thấy đôi chân một người phụ nữ đang đi đến cái bình trà nằm trên đất. Bà ta giơ chân lên giẫm nát cái bình và làm nó rơi ra một chiếc chìa khóa. Chờ người phụ nữ đi hẳn, Alicia lồm cồm bò dậy khỏi gầm giường, cô nhận ra mình đã quay lại căn phòng đặt bức tượng người phụ nữ vừa rồi.
Cảm thấy nơi này quá đáng sợ, Alicia cầm chìa khóa mở cửa để thoát ra ngoài. Nhưng khi cánh cửa vừa mở, Alicia lại cảm thấy có gì đó rất lạ. Dường như cảnh vật trên hành lang khác hẳn với lúc nãy. Alicia đi theo sợi tơ vàng đến căn phòng ở cuối hành lang rồi bước vào. Lạ thay, nó lại chính là căn phòng cô bị nhốt ban đầu.
Cô gái Alicia hoảng loạn mở cửa phòng định quay lại hành lang thì phát hiện cảnh trong hành lang lại thay đổi, trở nên méo mó hơn vừa rồi. Nhưng ở cuối hành lang không phải căn phòng ngủ lớn đặt bức tượng như vừa nãy mà biến thành sảnh chính.
Giữa sảnh chính có một chiếc cầu thang dẫn lên tầng trên và sợi tơ vàng thì nối dài lên đó. Trong lúc Alicia còn sững sờ thì cánh cửa sau lưng đã khép lại. Cô vội vàng đi theo sợi tơ lên lầu thì nhìn thấy bức tượng một người phụ nữ, nhưng nó khác hẳn với bức tượng cô thấy vừa rồi.
Phát hiện bên phải bức tượng có một cánh cửa, Alicia đi đến kiểm tra thì phát hiện nó đã bị khóa. Không còn cách nào khác, Alicia chỉ còn cách quay lại tầng dưới để tìm lối thoát. Nhưng cô chợt phát hiện một cái nôi em bé đã được đặt ở đó tự bao giờ.
Vì tò mò, Alicia đã bước đến xem thử và nhìn thấy một con búp bê gốm nằm trong nôi. Dường như cảm thấy con búp bê này mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó, Alicia đã mang nó lên tầng trên và đặt vào tay bức tượng ở trên lầu.
Ngay khi bàn tay của bức tượng vừa chạm vào con búp bê, một tiếng hét vang lên sau lưng Alicia. Cô giật mình quay lại theo phản xạ thì phát hiện một người phụ nữ áo đen đang ở dưới lầu. Với con dao bén ngót trong tay, bà ta đuổi theo Alicia làm cô sợ hãi chạy qua cánh cửa đang mở trên lầu, dù nó vừa đóng chặt vài giây trước. Cuối con đường lại là căn phòng với bức tranh “Memento Mori” kì lạ, nhưng lúc này trên bức tranh chỉ có 2 người phụ nữ chứ không phải 3 người như ban đầu.
Đột nhiên, căn phòng rung lắc dữ dội trong sự hoảng loạn của Alicia. Đến khi mọi thứ bình thường trở lại, Alicia mở cửa đi ra khỏi phòng. Nhưng hành lang lúc này lại được thay bằng một khung cảnh khác. Không còn là dãy hành lang sang trọng với những bức tranh sơn dầu nữa mà chỉ là căn gác gỗ ọp ẹp và cũ kỹ. Hai bên vách tường là những trang giấy được xé ra từ những cuốn sách giải phẫu rất ghê rợn.
Alicia cố trấn an bản thân và bước tiếp về phía trước theo chỉ dẫn của sợi tơ vàng. Cuối sợi dây là một cái bàn đầy máu và những vật dụng sắc nhọn, vết máu kéo dài đến cánh cửa gỗ mục nát ở cuối con đường. Cánh cửa dẫn Alicia đến một căn phòng, nơi có một người phụ nữ hay đúng hơn là một con quái vật đang cầm cây kéo sắc lẹm.
Alicia cúi thấp người, cố tránh khỏi tầm mắt của mụ ta để đến được cánh cửa bên kia căn phòng. Cô phải chậm rãi bò dưới một cái bàn chất đầy xác người đã bị cắt xé nham nhở. Mùi máu hòa lẫn mùi xác chết đang thối rữa bốc lên tanh tưởi. Cố nén cảm giác buồn nôn, Alicia lao ra khỏi căn phòng dưới sự truy đuổi của mụ quái vật. Cô chạy đến cuối con đường, lao vào căn phòng ở cuối dãy hành lang, nơi đang treo bức tranh “Memento Mori” kì lạ. Màn hình tối đen, phần after credit hiện lên và trò chơi cũng kết thúc tại đây.
15 phút điên rồ với nhiều hình ảnh ẩn dụ khó hiểu, không một lời thoại hay một dòng giải thích nào xuất hiện trong trò chơi chắc chắn sẽ làm game thủ cảm thấy bối rối tự hỏi rốt cục nhóm sản xuất muốn gửi gắm điều gì thông qua MUE. Liệu tựa game này có cốt truyện không hay chỉ đơn thuần là một trò chơi hù dọa góc nhìn thứ nhất? Bây giờ anh em hãy cùng Mọt phân tích các chi tiết trong game nha.
Đầu tiên, hãy nói đến cái tên kỳ lạ của trò chơi. MUE không phải viết tắt của bất kì một cụm từ nào cả, thật ra “Mue” trong tiếng Pháp có nghĩa là “lột xác”. Chim thay lông, ve sầu thoát xác hay rắn lột da đều có thể hiểu là “Mue”. Hiểu xa hơn, cái tên “Mue” có thể đang nói đến sự thay đổi của cơ thể trong một thời điểm nào đó của cuộc đời.
Nói đến đây, ta có thể hiểu cốt truyện của “Mue” đang ngầm ám chỉ sự “lột xác”, nhưng đối tượng ở đây là ai? Thật ra, đối tượng đó luôn hiện diện xuyên suốt trò chơi mà ta không hề để ý, đó chính là người phụ nữ. Nhân vật chính Alicia là một người phụ nữ, những bức tượng cô ấy gặp cũng là tượng của những người phụ nữ, thậm chí đến cả bức tranh hay quái vật săn đuổi Alicia ở cuối trò chơi cơ bản cũng là một người phụ nữ.
Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện xuyên suốt trò chơi và nếu để ý kỹ thì càng về cuối game, ta có thể thấy mỗi khi Alicia mở cửa, những người phụ nữ mà cô ấy gặp sẽ già đi theo thời gian, khung cảnh xung quanh cũng thay đổi theo chiều hướng cũ kỹ hơn.
Ở cảnh đầu tiên, chào đón Alicia là một căn phòng rực rỡ sắc đỏ và bức tượng người phụ nữ tuyệt đẹp. Khung cảnh này ám chỉ độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ, khi đó cô ta vẫn là một thiếu nữ với làn da căng mịn và rực rỡ sắc xuân. Màu đỏ rực rỡ của căn phòng như thể tượng trưng cho việc sắc đẹp của người phụ nữ đang ở giai đoạn đỉnh cao và đẹp đẽ nhất.
Thế rồi đến cảnh tiếp theo, khung cảnh dần trở nên ảm đạm và vặn vẹo, tượng trưng cho việc người phụ nữ đã dần đứng tuổi, sắc đẹp cũng phai tàn. Hình ảnh bức tượng người phụ nữ ôm lấy búp bê sứ tượng trưng cho giai đoạn cô thiếu nữ vốn xinh đẹp giờ đã trở thành một người mẹ. Phải lo toan, vất vả đối phó với nhiều biến cố trong cuộc sống. Thời gian cũng in hằn dấu vết lên gương mặt của cô khi đuôi mắt dần xuất hiện vết chân chim, người con gái ấy chẳng còn xinh đẹp và rực rỡ như xưa nữa.
Đến khung cảnh cuối cùng, căn nhà đã trở nên cũ kỹ, mục rữa và xập xệ. Người phụ nữ lúc này hiện lên với bộ dạng già nua, xấu xí và đáng sợ. Không còn bộ cánh đỏ rực rỡ của thiếu nữ mới lớn hay trang phục nền nã của bà mẹ hiền từ, người phụ nữ lúc này mặc bộ quần áo đen đúa, tượng trưng cho sự tàn phá của thời gian khi cái chết đã cận kề.
Trong phân cảnh Alicia đẩy cánh cửa gỗ, ta có thể thấy trên cửa là dòng chữ “Mori” được viết bằng máu. Trong tiếng Pháp, “Mori” mang ý nghĩa “chết dần chết mòn”. Và phía sau cánh cửa, Alicia nhìn thấy một người phụ nữ đang mài cây kéo sắc bén, rải rác xung quanh là thi thể của rất nhiều người phụ nữ khác bị cắt xẻ để lấy máu.
Phân đoạn này dường như được lấy cảm hứng từ nữ bá tước khát máu Elizabeth Bathory, người đã nhẫn tâm sát hại hàng loạt trinh nữ để lấy máu rồi tắm trong đó với khao khát lưu giữ sắc đẹp vĩnh cửu. Khung cảnh man rợ trong game giống như đang ám chỉ việc một người phụ nữ luống tuổi đang nỗ lực níu kéo tuổi xuân trong tuyệt vọng, điều đó đã vô tình hủy hoại chính bản thân của bà ta.
Căn nhà trong trò chơi cũng là hình ảnh đại diện cho sắc đẹp của người phụ nữ qua từng giai đoạn của cuộc đời. Từ thời thiếu nữ đến khi bước vào tuổi trung niên và lúc về già, từ giai đoạn rực rỡ và xinh đẹp nhất cho đến thời khắc ảm đạm và tuyệt vọng cùng cực. Vậy còn hình ảnh của bức tranh “Memento Mori” và sợi tơ vàng mà Alicia đã đi theo trong suốt trò chơi tượng trưng cho điều gì?
Đầu tiên, “Memento Mori” trong tiếng Pháp dùng để ám chỉ một thứ gì đó tượng trưng cho cái chết. Bức tranh ba người phụ nữ với ba độ tuổi khác nhau đang nâng sợi tơ vàng trong tay làm tôi liên tưởng đến ba chị em thần số mệnh Moirai là Atropos, Lachesis và Clotho trong thần thoại Hy Lạp. Có lẽ hình tượng ba người phụ nữ chúng ta gặp trong trò chơi cũng được lấy cảm hứng từ ba nhân vật này.
Đầu tiên là người em út Clotho, nàng nhận nhiệm vụ cuốn những sợi tơ sinh mệnh quanh guồng quay, tương ứng với hình ảnh bức tượng người phụ nữ trẻ đứng cạnh con quay sợi ở đầu trò chơi. Tiếp theo là Lachesis, cô chị thứ hai kéo tơ quyết định cuộc đời mọi sinh linh, ứng với bức tượng người phụ nữ luống tuổi bế con búp bê sứ. Cuối cùng là chị cả Atropos cầm kéo để cắt đứt sợi tơ, chấm dứt mạng sống con người ứng với hình ảnh sợi tơ vàng bị đứt và người phụ nữ già nua ở cuối trò chơi.
Như vậy có thể nói, sợi tơ vàng mà Alicia luôn đi theo trong suốt cả trò chơi là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đời của mỗi con người. Còn những gì mà chúng ta đang trải qua trong “MUE” chính là từng giai đoạn cụ thể trong cuộc đời của mọi người phụ nữ. Từ lúc còn là thiếu nữ tràn đầy sức sống đến khi bước vào tuổi trung niên và nỗ lực trong tuyệt vọng để níu giữ tuổi xuân của người phụ nữ khi về già.
Không biết anh em nghĩ thế nào về những phân tích phía trên của tôi nhỉ? Anh em có thấy hợp lý không hay còn giả thuyết nào khác thú vị hơn? Hãy để lại bình luận cho tôi biết nhé.
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn