Việc đồng Won liên tục tăng giá trong những ngày qua so với đồng USD và Yên Nhật đang tạo ra thách thức lớn cho kinh tế Hàn Quốc, khiến nhiều người lo ngại kinh tế nước này sẽ lại rơi vào tình trạng trì trệ, sau khi bắt đầu phục hồi trong 6 tháng đầu năm.

Đồng Won tăng giá đã đẩy 30% số nhà xuất khẩu Hàn Quốc vào tình trạng càng xuất khẩu càng lỗ nặng, thậm chí phá sản.

Theo tin của đài KBS Hàn Quốc, ngày 24/11 vừa qua, tỷ giá đồng Won Hàn Quốc với đồng USD đã xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua, với 1 USD ăn 920 Won (quý I năm nay 1 USD ăn 980 Won).

Trong khi đó, tỷ giá Won-Yên Nhật cũng giảm xuống mức 790 Won ăn 100 Yên, ở dưới mức giới hạn 800 Won ăn 100 Yên Nhật. Tỷ giá như trên chỉ đứng sau mức trước khủng hoảng tiền tệ năm 1997.

Tình trạng báo động của các nhà xuất khẩu

Mặc dù Hàn Quốc vừa tuyên bố “bội thu” về xuất khẩu với mức 318 tỷ USD trong năm nay, nhưng việc đồng Won tăng giá đang trở thành vấn đề “nóng” của kinh tế Hàn Quốc. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản, đang bị đặt trong tình trạng báo động. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản vì thua lỗ.

Theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc, để đảm bảo lợi nhuận xuất khẩu sang Nhật Bản, thì mức tỷ giá Won-Yên thích hợp phải là 100 Yên ăn 850 Won. Cho nên gần đây, khi tỷ giá Won-Yên đã giảm xuống dưới mức 800 Won, đã đẩy khoảng 30% số doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật vào tình trạng càng xuất khẩu nhiều thì lại càng bị lỗ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc còn vấp phải một khó khăn nữa là sự cạnh tranh giữa các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như bán dẫn, thiết bị truyền thông không dây, đóng tàu, ô tô…, với các sản phẩm của Nhật Bản ngày càng trở nên quyết liệt.

READ  The 9 Best Vitamin D Supplements, According to a Dietitian

Trong bối cảnh đó, việc đồng Won tăng giá so với đồng Yên Nhật Bản đã khiến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc ở thị trường nước thứ 3 cũng sẽ giảm đi. Hàng hóa của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc đang cạnh tranh khó khăn với sản phẩm của Nhật Bản ở thị trường nước ngoài như Mỹ…

Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với kinh tế Hàn Quốc vì nó ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ lực trong nước. Lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng xấu do việc tỷ giá đồng Won giảm mạnh so với đồng Yên Nhật.

Lý giải nguyên nhân đồng Won tăng giá so với đồng USD và Yên Nhật, các nhà phân tích của Hàn Quốc cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ hiện nay đã vượt quá 800 tỷ USD, vượt qua rất nhiều so với mức nguy hiểm, nên xu hướng đồng USD giảm giá là khó tránh khỏi.

Còn việc đồng Won tăng giá so với đồng Yên Nhật là do mức tăng trưởng bình quân của kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ hồi phục là khoảng 3%, nhưng gần đây chỉ đạt khoảng 2%. Do tốc độ hồi phục kinh tế chậm nên giá trị đồng Yên Nhật có xu hướng giảm.

Ngoài ra, còn có một lí do khác là Nhật Bản hiện có mức lãi suất huy động thấp là 0,25%, trong khi mức lãi suất này ở Hàn Quốc là 4,5% và ở Mỹ là 5,25%. Khi có sự chênh lệch về mức lãi suất như vậy, các doanh nghiệp vay vốn bằng tiền Yên có lãi suất thấp hơn để đầu tư. Trong quá trình đó, đồng Yên trở nên tràn ngập trên thị trường ngoại hối quốc tế, và khi đồng Yên trở nên dư thừa thì đương nhiên giá trị của nó giảm sút.

READ  Tiếng Trung cơ bản cho người mới bắt đầu

Lối thoát nào cho các doanh nghiệp?

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc mới đây cho biết nước này có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 318 tỷ USD năm 2006, lần đầu tiên vượt mức 300 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc liên tục tăng trong những năm gần đây với 162,4 tỷ USD 2002 tăng lên 284,4 tỷ USD năm 2005.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc bao gồm ô tô, điện thoại di động, các thiết bị điện tử gia dụng, tàu biển và bán dẫn… Tuy nhiên, nếu đồng Won tiếp tục tăng giá so với USD và Yên Nhật, thì lợi nhuận từ xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ giảm đáng kể.

Theo các nhà phân tích, xu hướng đồng Yên giảm giá vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Do đó các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm và họ đã yêu cầu Chính phủ đưa ra các biện pháp khắc phục vấn đề này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc khó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm lợi nhuận. Hơn nữa, trong thời gian qua Chính phủ Hàn Quốc đã phát hành rất nhiều trái phiếu nhằm ổn định tỷ giá hối đoái. Số trái phiếu ổn định tỷ giá hối đoái tăng lên sẽ làm tăng gánh nặng lãi suất của người dân và Chính phủ đang ở trong hoàn cảnh không thể tùy ý tham gia vào thị trường để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu ổn định.

Một bất lợi nữa với các nhà xuất khẩu là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể sẽ phải tăng lãi suất để bình ổn thị trường nhà đất. Mặc dù Uỷ ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa cho biết sẽ đóng băng mức lãi suất kêu gọi là 4,5%, giữ nguyên mức này kể từ tháng 8. Tuy nhiên, nếu giá bất động sản tiếp tục sốt thì ngân hàng này có thể lại phải dùng đến chính sách tăng lãi suất. Các chuyên gia dự đoán là mức lãi suất kêu gọi sẽ sắp tăng trong tương lai và là bắt buộc đối với Ngân hàng Trung ương, chỉ có điều là sớm hay muộn mà thôi.

READ  Cách đăng nhập vnEdu.vn mới nhất dành cho giáo viên và phụ huynh

Các chuyên gia cho rằng, để thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải thoát ra khỏi cấu trúc dựa trên tỷ giá hối đoái, và tăng cường sức cạnh tranh trên các mặt chất lượng, công nghệ, thiết kế… để tránh tác động tiêu cực khi đồng Won tăng giá.

Khả năng Chính phủ Hàn Quốc có thể can thiệp vào thị trường hối đoái để giúp các doanh nghiệp là thấp, do Hàn Quốc đã tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và gánh nặng về lãi suất của trái phiếu ổn định tỷ giá hối đoái. Vì thế, việc tỷ giá hối đoái tiếp tục sụt giảm đang trở thành một thách thức mới đối với kinh tế Hàn Quốc và buộc các nhà xuất khẩu nước này phải nỗ lực tìm cách vượt qua.

Một số ý kiến cho rằng, việc cung cấp đồng USD một cách hạn chế có thể giúp kìm hãm việc tăng giá đồng Won. Ngoài ra, khả năng Nhật Bản có thể tăng thêm lãi suất và cố gắng của EU muốn giữ đồng Yên thấp trong tầm kiểm soát, có thể giúp cho tỷ giá Won-Yên nhích lên. Đồng Yên cũng có thể sẽ yếu đi vào năm sau, nếu tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc yếu đi và xuất khẩu không được tốt.

TBKT